21/11/2024 | 19:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xung đột và ngăn chặn xung đột lợi ích trong cơ quan công quyền ở Mỹ

Tường Linh
Xung đột và ngăn chặn xung đột lợi ích trong cơ quan công quyền ở Mỹ Quang cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Thủ đô Washington_Ảnh: AFP
Xung đột lợi ích trong các cơ quan công quyền là vấn đề nảy sinh khi lợi ích cá nhân của công chức, viên chức mâu thuẫn với nghĩa vụ của họ phải phục vụ lợi ích cộng đồng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý, nó có thể dẫn đến những sai sót về đạo đức hoặc pháp lý từ phía các công chức, viên chức, gây thiệt hại đến người dân.

5 loại xung đột lợi ích phổ biến

Ở Mỹ, hầu hết chính quyền các bang và thành phố đều áp dụng quy định về xung đột lợi ích đối với công chức, viên chức của mình. Những quy định này xuất phát dựa trên cơ sở những xung đột lợi ích thường xảy ra trong các cơ quan công quyền. Từ thực tế, người ta xác định có 5 loại xung đột lợi ích khá phổ biến cần phải quan tâm.

Xung đột lợi ích trong tuyển dụng

Điều này xảy ra khi các quan chức lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để thuê vợ/chồng, con cái, cha mẹ hoặc anh chị em vào làm việc trong các cơ quan công quyền. Vấn nạn này được gọi là “chủ nghĩa gia đình trị”. Quan chức cơ quan công quyền thường quản lý khoản ngân sách lớn từ tiền thuế của dân cũng như nguồn nhân lực duy trì hoạt động của cơ quan.

Theo quy định, họ có trách nhiệm bảo đảm rằng chi tiêu ngân sách và phân bổ nhân sự phải tách bạch rõ ràng, không dính dáng đến lợi ích của cá nhân và gia đình mình. Việc thuê thành viên trong gia đình vào một vị trí trong chính phủ là sai về mặt đạo đức với các quan chức.

Hầu hết chính quyền các cấp ở Mỹ đều có quy định cấm điều này, ngoại trừ trường hợp với những cá nhân có trình độ chuyên môn đặc biệt. Tuy nhiên, ngay cả trong các trường hợp hãn hữu này, các quan chức vẫn bị yêu cầu không được ở vị trí giám sát công việc của người thân.

Xung đột lợi ích tài chính

Một hình thức xung đột lợi ích phổ biến khác là khi quan chức có thể được hưởng lợi về mặt tài chính từ các quyết định của cơ quan chính phủ, nơi họ làm việc. Ủy ban thực hành chính trị công bằng của bang California đã xác định một số loại lợi ích mà quan chức nếu có liên quan sẽ không đủ tư cách tham gia vào khâu quyết định.

Chúng bao gồm: các quyết định có thể tác động đến một thực thể kinh doanh mà quan chức có đầu tư hoặc nắm giữ cổ phần; các quyết định liên quan đến bất động sản mà quan chức sở hữu, đầu tư hoặc thuê; các quyết định liên quan đến cá nhân hoặc tổ chức mà quan chức có thu nhập từ đó; các quyết định có thể ảnh hưởng đến lợi ích của quan chức hoặc của thành viên gia đình họ.

Xung đột lợi ích trong các hợp đồng chính phủ

Một trong những chức trách của chính quyền các cấp ở Mỹ là tìm kiếm hàng hóa hoặc dịch vụ để thực hiện mục đích công, thông qua việc ký kết hợp đồng với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và những thực thể khác. Có rất nhiều ví dụ về các hợp đồng dịch vụ của chính phủ, từ dự án xây dựng, thu gom rác thải, đến cung cấp nguyên vật liệu, thực phẩm, thuốc men...

Xung đột lợi ích có thể nảy sinh khi quan chức nhà nước có lợi ích riêng trong cơ sở mà chính phủ dự định ký kết hợp đồng. Trong tình huống này, các quan chức được yêu cầu không tham gia hoặc phải từ chối tham gia ký kết hợp đồng. Ngược lại, họ sẽ bị coi là có hành vi phi đạo đức.

Nhận quà tặng

Chính quyền các bang và liên bang ở Mỹ đều đặt ra những quy định về mức quà mà các quan chức, công chức có thể nhận khi thực thi công vụ. Điều này nhằm ngăn chặn những cá nhân hoặc tổ chức tìm cách sử dụng quà tặng để tác động đến quyết định của các quan chức chính quyền, giúp những người tặng quà được hưởng lợi. 

Thường thì quy định chỉ cho phép nhận những món quà có giá trị nhỏ, trong khi những món quà lớn bị cấm. Các quan chức cũng phải khai báo quà tặng mình đã nhận trong các biểu mẫu về xung đột lợi ích.

Xung đột lợi ích trong hoạch định chính sách

Loại xung đột lợi ích này có tác động sâu rộng hơn bởi nó liên quan đến việc thông qua các chính sách của chính phủ hoặc những điều luật ở quốc hội. Việc sử dụng quyền lực để gây ảnh hưởng hoặc thông qua các chính sách có lợi cho người tham gia hoạch định chính sách là phi đạo đức và có thể dẫn đến xói mòn niềm tin vào chính phủ cũng như vào các quan chức chính quyền. 

Trong trường hợp này, quan chức có liên quan phải từ chối tham gia quyết định, bỏ phiếu trắng hoặc giao quyền quyết định cho quan chức khác không có xung đột lợi ích rõ ràng.

5 biện pháp ngăn chặn xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích, nếu không được quản lý và xử lý một cách thỏa đáng từ phía các quan chức nhà nước, có khả năng làm suy yếu niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền. 

Chính vì thế, chính quyền liên bang cũng như các bang ở Mỹ đã áp dụng các hệ thống nhằm tăng cường tính minh bạch và ngăn ngừa xung đột lợi ích trong cơ quan công quyền. Có 5 biện pháp thường được áp dụng.

Giáo dục ý thức đạo đức

Cách quan trọng và có hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề xung đột lợi ích với các quan chức là nâng cao nhận thức về đạo đức công vụ. Để bảo đảm rằng các quan chức nhà nước, kể cả được bầu và bổ nhiệm, có nhận thức đạo đức đúng mực, họ bắt buộc phải được đào tạo về đạo đức công vụ. 

Đây không chỉ bao gồm những kiến thức về luật cũng như các quy định về xung đột lợi ích, mà còn cả những hiểu biết về tác động tiêu cực nảy sinh do xung đột lợi ích khi thực hiện công vụ.

Chính sách rõ ràng và nhất quán

Nhiệm vụ của những cơ quan công quyền là phải xây dựng và thực hiện các chính sách một cách rõ ràng và nhất quán liên quan đến những yếu tố có thể tạo nên xung đột lợi ích. 

Không thể nghĩ rằng các quan chức và viên chức sẽ tự biết cách nhận biết xung đột lợi ích và chủ động phòng tránh những việc làm được coi là không phù hợp. Vì thế, để phòng ngừa và ngăn chặn, các bang đều chủ động thông qua luật về đạo đức và xung đột lợi ích. 

Văn bản này sau đó được cụ thể hóa bằng các hướng dẫn bổ sung nhằm xác định rõ những cạm bẫy đạo đức nảy sinh từ xung đột lợi ích.

Bảo đảm thông tin

Hầu hết chính quyền các tiểu bang đều yêu cầu công bố thông tin hằng năm liên quan đến những xung đột lợi ích tiềm ẩn trên cơ sở thực tế ở địa phương mình để công chúng được biết. 

Trong nhiều trường hợp, việc công bố thông tin được thực hiện ở cả những cấp thấp nhất trong hệ thống hành chính. Tần suất công bố thông tin cũng có thể được yêu cầu thường xuyên hơn, chẳng hạn như hằng quý hoặc nửa năm, để tăng tính minh bạch của các giao dịch có thể tạo ra xung đột lợi ích.

Loại bỏ, từ chối và ủy quyền

Thực tế cho thấy xung đột lợi ích có thể nảy sinh ngay cả khi công chức cố gắng tránh rơi vào tình trạng xung đột lợi ích. Vì thế, một số tiểu bang ở Mỹ áp dụng quy định cụ thể các điều kiện mà theo đó một quan chức sẽ không đủ tư cách tham gia vào một quyết định của chính quyền. 

Thông thường, các quan chức lập pháp và tư pháp phải cân nhắc việc có nên rút không tham gia vào các hoạt động lập pháp hoặc quyết định tư pháp nếu như lợi ích của họ có thể xung đột với một quyết định công bằng. 

Với các quan chức cơ quan hành pháp, khi có xung đột lợi ích, họ phải giao quyền quyết định cho người khác không có xung đột lợi ích trong cơ quan để người đó có thể đưa ra quyết định công bằng.

Công khai, minh bạch và trung thực

Trong nhiều trường hợp, việc thúc đẩy hành vi đạo đức trong cơ quan công quyền được tăng cường bằng việc áp dụng quy định chia sẻ thông tin một cách công khai về những gì chính phủ và các quan chức chính phủ đang làm. 

Các thông tin cũng như hồ sơ của các quan chức nhà nước phải được công khai cho công chúng biết và có thể đăng lên các trang web của chính phủ. Ở đây, yếu tố công khai, minh bạch và trung thực được đề cao trong công việc của chính phủ và các quan chức chính phủ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện