20/05/2024 | 12:39 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ấn Độ và đường lối chính trị 10 năm hướng về phúc lợi xã hội

Thanh Nam
Ấn Độ và đường lối chính trị 10 năm hướng về phúc lợi xã hội Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập tại Pháo đài Đỏ lịch sử ở Delhi, Ấn Độ, ngày 15-8-2023_Ảnh: Reuters
Trong buổi lễ quốc khánh hồi năm 2023 tại Delhi, Thủ tướng Narendra Modi hùng hồn tuyên bố Ấn Độ có thể trở thành nước phát triển vào năm 2047, thời điểm kỷ niệm 100 năm giành độc lập. Quốc gia này có 3 sự ưu tiên, như ông Modi từng khẳng định: “nhân khẩu học, dân chủ và sự đa dạng”.

Cam kết này là đáng hoài nghi nếu quay lại 1 thập niên trước. Năm 2013, thời điểm ông Modi lên nắm chính phủ, Ấn Độ được Ngân hàng Morgan Stanley xếp hạng các nền kinh tế đang nổi dễ bị tổn thương với cái tên “Nhóm 5 mong manh”, vì nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai quá lớn kéo dài liên tục.

10 năm sau, Ấn Độ của Thủ tướng Modi đã tỏ ra rất vững vàng trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng tư vấn và đối tác thương mại như là một trong những nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong cuộc đua tổng tuyển cử sắp tới của Ấn Độ, dự kiến diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5-2024, ông Modi sẽ tận dụng tối đa thành tựu kinh tế mà Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đã xây dựng trong 10 năm qua để tiếp tục khẳng định vị thế đảng cầm quyền. Định hướng chính trị của BJP vì phúc lợi xã hội và người nghèo đã mang lại đà tăng trưởng cao, xóa đói giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng mạnh mẽ, trong đó có các hệ thống sây bay, đường sắt và sân bay.

Lương thực và hạt giống miễn phí 5 năm

Trong 2 nhiệm kỳ của ông Modi, Ấn Độ luôn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Giai đoạn 2014 - 2022, GDP tăng trung bình 5,6%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm trung bình của 14 nền kinh tế phát triển khác là 3,8% trong cùng giai đoạn.

Số người nghèo cùng cực tại Ấn Độ tiếp tục giảm trong thời gian ông Modi nắm quyền. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ dân số sống trong cảnh nghèo cùng cực tại nước này giảm từ 18,7% năm 2015 xuống 12% năm 2021. Cả 2 khu vực thành thị và nông thôn Ấn Độ đều ghi nhận mức sụt giảm số người sống dưới ngưỡng nghèo khổ quốc tế 2,15 USD/ngày.

Những thành quả này phần lớn có được từ các khoản trợ cấp xã hội hào phóng dưới thời chính phủ của ông Modi. Hồi tháng 11-2023, Ấn Độ đã mở rộng một trong những chương trình lớn nhất dạng này, vốn được phát động từ thời kỳ đại dịch COVID-19, trong đó hơn 813 triệu người, chiếm hơn 50% dân số quốc gia này, được hưởng lợi nhờ lương thực và hạt giống phát miễn phí trong vòng 5 năm.

Ông Krishnamurthy Subramanian - Giám đốc điều hành thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và là cựu Cố vấn kinh tế trưởng cho chính phủ của ông Modi - nhận định: “Chính phủ BJP đã chú trọng vào việc phân phối một cách hiệu quả rất nhiều chương trình phúc lợi xã hội”.

Theo chuyên gia Krishnamurthy, việc ứng dụng công nghệ trong đó có nỗ lực tạo ra hơn 500 triệu tài khoản ngân hàng cho người nghèo có kết nối định danh sinh trắc học thông qua chương trình số hóa dữ liệu dân cư Aadhaar của Ấn Độ (gồm đặc điểm vân tay 10 ngón, 2 vống mắt và ảnh chân dung cá nhân) “đã giúp phân phối một cách chính xác và trực tiếp các khoản phúc lợi xã hội cho người nghèo thụ hưởng, đồng thời loại bỏ tệ nạn ăn cắp vặt của tầng lớp trung lưu”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã mở ra cánh cửa gia nhập tầng lớp trung lưu cho hàng chục triệu người dân Ấn Độ trong vòng 1 thập niên qua. Theo dữ liệu các cuộc khảo sát hộ gia đình của Tổ chức Nghiên cứu kinh tế nhân dân (PRICE) có trụ sở tại thành phố Udaipur (bang Rajasthan miền Tây Ấn Độ), tầng lớp trung lưu của quốc gia này, bao gồm những người có thu nhập gia đình hằng năm từ 6.700 USD đến 40.000 USD theo thời giá năm 2020 - 2021 nằm trong các nhóm có thu nhập tăng nhanh nhất kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền năm 2014.

Giám đốc điều hành PRICE Rajesh Shukla lạc quan: “phân khúc thu nhập cao nhất, là nhóm người giàu Ấn Độ, đã tăng từ 30 triệu lên 90 triệu, trong khi tầng lớp trung lưu từ con số 300 triệu người năm 2014 đã tăng lên 520 triệu người”.

Kể từ khi nhà lãnh đạo dân túy của BJP thắng cử, chính phủ của ông đã có những hành động cụ thể để cải thiện vấn đề y tế, vệ sinh cộng đồng, trong đó có chiến dịch quy mô toàn quốc xây dựng các toilet công cộng. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm đều qua các năm so với trước thời kỳ ông Modi lên nắm quyền. Tính đến năm 2020, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã thấp hơn của Nam Phi.

Kết nối trực tuyến gần 1 tỷ người

Đầu tư vào hệ thống đường xá, xe lửa và kết cấu hạ tầng cũng là một trong những nét chủ đạo trong cương lĩnh chính trị của BJP. Đây là một động lực tăng trưởng kinh tế chính dưới thời ông Modi. 

Theo các phân tích về Ngân sách Liên bang Ấn Độ của báo Financial Times (Anh), Ấn Độ đã chi 60,35 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP, cho xây dựng đường bộ và đường sắt, tăng đáng kể so với mức 0,4% GDP năm 2014. 

Trong giai đoạn bùng nổ của khu vực xây dựng, Ấn Độ thi công trung bình hơn 10.000km đường bộ/năm kể từ năm 2018.

Tuy nhiên, một thành công đáng nói hơn nữa của Ấn Độ 10 năm qua là việc kết nối Internet gần 1 tỷ người dân, thúc đẩy hạ tầng số công cộng trở thành một hình mẫu cho các nước đang phát triển khác. 

Chương trình số hóa dữ liệu dân cư khổng lồ với hệ thống định danh cá nhân Aadhaar được bắt đầu từ thời người tiền nhiệm, nhưng chỉ chính thức được đi vào cuộc sống từ giai đoạn Thủ tướng Modi lên nắm quyền. 

Với tên gọi “India Stack” - một sáng kiến được ra mắt hơn 10 năm trước - hệ sinh thái thanh toán số này thực sự cất cánh và ngày càng kết nối trực tuyến thêm nhiều người dân Ấn Độ, nhờ việc phổ biến các điện thoại thông minh giá rẻ do nước này sản xuất.

Hiện hơn 60% số người dân Ấn Độ sở hữu loại điện thoại này. Theo các báo cáo của Chính phủ Ấn Độ, giá trị các giao dịch số hóa tại nước này đã tăng 70% trong vòng 5 năm qua, từ 23,68 tỷ USD tài khóa 2017 - 2018 lên 40,25 tỷ USD giai đoạn 2022 - 2023. 

Ấn Độ vẫn tự hào về khu vực công nghệ thông tin kết nối toàn cầu khi là nơi tập hợp của các công ty công nghệ nội địa và nước ngoài hàng đầu thế giới tại khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực xung quanh Bengaluru và Hyderabad, biến quốc gia này trở thành “Văn phòng hỗ trợ thế giới”.

Nhìn lại 10 năm, Thủ tướng Narendra Modi đã trở thành một “hiện tượng” với những khẩu hiệu tạo nên tiếng vang trên toàn cầu như “Make in India”. 

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Modi và Đảng BJP có tới gần 60 triệu người theo dõi, nhiều gấp 4 lần số lượng của Đảng Quốc đại đối lập và Chủ tịch Đảng Rahul Gandhi cộng lại. BJP và đường lối văn hóa chính trị hướng về số đông đã tạo niềm tin để Ấn Độ thành một cường quốc toàn cầu với một nền kinh tế mạnh mẽ./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện