19/05/2024 | 00:21 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Những điểm nhấn trong văn hóa chính trị ngoại giao của Nhật Bản

Nguyễn Thị Thu Nga
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Những điểm nhấn trong văn hóa chính trị ngoại giao của Nhật Bản Tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tuyên thệ nhậm chức trước Nhật hoàng Naruhito tại Thủ đô Tokyo, ngày 4-10-2021_Ảnh: Kyodo
Nhật Bản là nước rất quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, những loại hình nghệ thuật truyền thống, những nghề thủ công, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Hơn nữa, người Nhật còn rất quan tâm việc phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa. Trong quan hệ quốc tế, ngoại giao là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ văn hóa và chính trị, thông qua văn hóa chính trị để nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Đề cao văn hóa chính trị với tư cách là hệ thống các giá trị chính trị

Giá trị văn hóa chính trị của Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa truyền thống với ý nghĩa là động lực, đồng thời là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững, lâu dài của dân tộc. Nhật Bản đã sử dụng ngoại giao văn hóa một cách thận trọng và kiên trì kể từ sau Chiến tranh thế giới II đến nay. 

Khi tham gia vào các hoạt động văn hóa ở nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh các truyền thống như trà đạo và ikebana (cắm hoa), với mục đích truyền tải bản chất thanh bình, yêu chuộng hòa bình của Nhật Bản tới mọi người.

Mục tiêu của ngoại giao văn hóa Nhật Bản để truyền bá tư tưởng và truyền thống Nhật Bản ra thế giới. Hơn nữa, điều này cho thấy Nhật Bản đã bắt đầu khai thác kênh ngoại giao trao đổi văn hóa như một phương tiện xây dựng môi trường phát triển hòa bình. 

Đa số các tờ rơi, tài liệu quảng cáo về Nhật Bản trong thời gian này thường in hình ảnh của hoa anh đào và núi Phú Sĩ phủ tuyết trắng - đem lại một khoảng lặng bình yên cho người đối diện, để lại ấn tượng về một nước Nhật có thiên nhiên tươi đẹp, yêu chuộng hòa bình với cộng đồng quốc tế.

Nhật Bản du nhập những nền văn hóa tiên tiến, văn minh nhưng không hề trải qua quá trình bị đô hộ xâm lược hay bạo lực cưỡng bức, cho phép Nhật Bản có khả năng tự chủ và tự do trong việc lựa chọn những khía cạnh và nhân tố thích hợp. 

Trong quá trình giao lưu, Nhật Bản luôn giữ được sức mạnh truyền thống và “Nhật Bản hóa” những gì được du nhập và học hỏi. Nhờ đó, không phá hủy nền văn hóa bản xứ hay thực sự chia cắt Nhật Bản về mặt văn hóa, giúp Nhật Bản tạo dựng được những hình mẫu văn hóa của mình. Với tư cách là một quốc gia - dân tộc, Nhật Bản đã duy trì được nền văn hóa thuần nhất của mình từ thời tiền sử đến nay.

Văn hóa Nhật Bản đã và đang thực hiện các sáng kiến ngoại giao công chúng đa dạng nhằm tạo dựng hình ảnh mong muốn ở nước ngoài và nâng cao sự hiện diện của nó. Những hoạt động này cũng đạt được nhiều kết quả so với các hoạt động khác ở châu Á và nhiều quốc gia khác trên thế giới. 

Theo chỉ số Quyền lực mềm năm 2019, về sức mạnh mềm toàn cầu, Nhật Bản xếp vị trí thứ 8 và là quốc gia có thứ hạng cao nhất châu Á.

Không ngừng xây dựng hình ảnh quốc gia trong ngoại giao

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, đặc biệt là sau sự kiện Thế vận hội Tokyo năm 1964, hoạt động ngoại giao văn hóa Nhật Bản đã chuyển từ việc nhấn mạnh hình ảnh của một Nhật Bản yêu chuộng hòa bình sang hình ảnh một đất nước có nền kinh tế tiên tiến. 

Chính sách ngoại giao văn hóa có nhiệm vụ quảng bá được hình ảnh một Nhật Bản mới mẻ có một nền kinh tế phát triển và có một nền công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, mọi hoạt động ngoại giao của Nhật Bản được thể hiện như một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. 

Xu hướng này được phản ánh trong việc Nhật Bản tăng cường các hoạt động văn hóa ở nước ngoài. Nhật Bản rất nỗ lực để xây dựng các văn phòng và các trung tâm văn hóa ở các nước. Như, việc thành lập các trung tâm văn hóa và thông tin trực thuộc các đại sứ quán; thành lập Quỹ Giao lưu văn hóa quốc tế Nhật Bản với nguồn vốn 20 tỷ yên (sau này tăng lên 50 tỷ yên).

Việc thành lập Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật Bản là một minh chứng cho việc tăng cường hoạt động ngoại giao văn hóa của Chính phủ Nhật Bản, tuyên truyền ánh hào quang của sự phát triển kinh tế cùng sự nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản ở nước ngoài. 

Có thể nói, việc tích cực thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong giai đoạn này thể hiện sự mong muốn của Nhật Bản tìm kiếm sự thịnh vượng riêng của mình trong sự thịnh vượng của thế giới. Điều đó chứng minh một Nhật Bản có ý thức sâu sắc về ngoại giao văn hóa và sự tham gia của Nhật Bản trong các hoạt động quốc tế.

Văn hóa chính trị với hệ giá trị tiêu biểu mang tính “toàn cầu - toàn diện”

Thông qua ngoại giao văn hóa, không chỉ dừng lại ở chiến lược quảng bá văn hóa nhằm xây dựng hình ảnh tích cực và xây dựng quan hệ đối tác quốc tế, Nhật Bản còn tiến hành phát triển các đặc điểm quyền lực mềm và cách tiếp cận chính sách rất cụ thể, dựa vào đó ngoại giao công chúng của Nhật Bản có thể được phân biệt trên toàn cầu. Từ quan điểm về chiến lược, khía cạnh văn hóa và hình ảnh mong muốn được thể hiện trên toàn cầu.

Trong giao tiếp và hành vi tử tế của người Nhật là sự tôn trọng được biểu hiện qua sự giao tiếp hướng nội về sự thống nhất và đoàn kết, giao tiếp với cách hoàn hảo thân mật. Người Nhật tôn vinh sự giao tiếp trong im lặng, hay còn gọi “giao tiếp từ trái tim đến trái tim”. Dựa trên những khía cạnh này và các yếu tố văn hóa khác, Nhật Bản đã và đang tiến hành nhiều sáng kiến ngoại giao tử tế ở nước ngoài, thể hiện bản chất hài hòa, lòng tốt và sự thân thiện. Những yếu tố này rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của Nhật Bản như một đất nước yêu chuộng hòa bình và thân thiện, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Ngoại giao công chúng của Nhật Bản có thể được gọi là “sức mạnh tử tế” hoặc “ngoại giao tử tế”. Điểm nổi bật của “ngoại giao tử tế” là những chính sách quảng bá các giá trị và đức tính đặc trưng của Nhật Bản, chẳng hạn như các khái niệm về hòa hợp, hiếu khách, quan tâm và các khía cạnh khác như triết lý về cuộc sống và thiên nhiên, tỉ mỉ trong từng chi tiết, sự tôn trọng lẫn nhau cao, tính thẩm mỹ và ý nghĩa truyền thống. 

Nói cách khác, “ngoại giao tử tế” của Nhật Bản có thể được định nghĩa là thực hiện các chiến lược và sáng kiến ngoại giao công chúng mềm, đặc biệt nhấn mạnh đến tư cách một đất nước hòa bình kết hợp truyền thống với hiện đại và đạt được các mục tiêu ngoại giao của chính phủ. Đây được coi như đặc trưng của chính sách ngoại giao kiểu Nhật Bản.

Từ góc độ lịch sử, khái niệm đạo đức về hòa hợp của Nhật Bản được cho là bắt nguồn từ lý tưởng hài hòa của Nho giáo khi nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc được du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ V và sau sự tiếp xúc với Thần đạo và các tôn giáo khác. 

Khái niệm hòa hợp đã và đang đóng vai trò to lớn trong xã hội và văn hóa Nhật Bản. Hòa hợp trong quan điểm ngoại giao Nhật Bản được hiểu là “hài hòa” hay “hòa bình”, có thể được coi là một minh họa cho thông điệp của Nhật Bản gửi tới thế giới.

Một đặc điểm cụ thể khác thể hiện trong chính sách ngoại giao tử tế của Nhật Bản là lòng hiếu khách. Đây được coi là quy tắc giao tiếp của Nhật Bản với thế giới. Trong những năm qua, khái niệm sự hiếu khách đã trở thành một thông lệ thiết yếu để chào đón khách mời và giới thiệu văn hóa Nhật Bản tới khán giả trong và ngoài nước. Nó thể hiện tinh thần ấm áp và nhân hậu của xã hội Nhật Bản.

Có thể nói, chính vị trí địa lý và chính trị đặc biệt của Nhật Bản đã tạo ra một nền văn hóa riêng biệt mang đặc trưng Nhật Bản và như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản gọi đây là nền văn hóa “lòng chảo”, bởi lẽ có nhiều nền văn hóa và văn minh đã được du nhập vào Nhật Bản, nhưng không một nền văn minh gốc nào được truyền bá ra bên ngoài. 

Hiện thực trong quan hệ quốc tế đã chứng minh tính ưu việt của văn hóa Nhật Bản là dựa trên khả năng đóng góp và làm phong phú thêm văn minh thế giới bằng cách tạo ra sự chung sống và hòa đồng duy nhất giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện