Hallyu - từ hiện tượng văn hóa đến “đại chiến lược” của Hàn Quốc
La Tuấn
Từ mến mộ đến cuồng nhiệt
Vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, trong một cuộc khủng hoảng, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã thử nghiệm nhiều chiến lược khác nhau để vượt qua khó khăn, tận dụng sự phổ biến của phim truyền hình Hàn Quốc ở Nhật Bản và Trung Quốc.
Chính phủ Kim Dae-jung hướng tới đầu tư vào các sản phẩm văn hóa, một chính sách được truyền lại cho các chính quyền kế tiếp.
Mutlu Binark - Giáo sư từ Đại học Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ), chuyên nghiên cứu về K-Culture - cho hay, do giá thành hợp lý và những tình tiết, nội dung hấp dẫn của “K-drama” (phim truyền hình Hàn Quốc), nên sự quan tâm đến những bộ phim truyền hình này đã tăng lên ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan vào cuối những năm 90.
Ông Binark cho biết: “do giá thành hợp lý, nội dung hấp dẫn của các bộ phim, cũng như việc củng cố các giá trị truyền thống và chế độ phụ hệ, việc trình chiếu những bộ phim truyền hình này ở các nước láng giềng cũng có thể được hiểu là một mối quan hệ văn hóa”.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc giữ vị trí đặc biệt trong việc thực thi các chính sách này. Chính phủ thực hiện các chính sách văn hóa thông qua những công ty đặc biệt trong các bộ, ngành để thúc đẩy việc phổ biến các sản phẩm văn hóa.
Đáng chú ý, một số ưu đãi nhất định, chẳng hạn như lợi thế về thuế đối với các dự án văn hóa cụ thể và các đặc quyền như hoãn nghĩa vụ quân sự hoặc cấp hộ chiếu ngoại giao, đang ngày càng trở nên rõ ràng thông qua sự hỗ trợ của nhà nước.
Những ưu đãi này, cùng với khuyến khích tín dụng và trợ cấp cho các doanh nhân, đã góp phần vào sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành này. Giáo sư Binark chỉ ra: “trong cuộc khủng hoảng kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định chuyển sự quan tâm đến phim truyền hình Hàn Quốc thành một hình thức đầu tư và chính sách văn hóa”.
“Đại chiến lược” của Hàn Quốc
Được các chính phủ liên tiếp theo đuổi và tuân thủ một cách nhất quán, chính sách này đã trở thành “đại chiến lược” của Hàn Quốc. Trong khi một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng đóng góp của nhà nước còn hạn chế, thì ngân sách hàng triệu USD và các đặc quyền ngoại giao lại nói lên điều ngược lại. Trên thực tế, chính các thủ tướng và tổng thống vẫn tiếp tục đích thân quảng bá nền văn hóa này.
Được thành lập trong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vào năm 1994, ngân sách của đơn vị “công nghiệp văn hóa” là 5,4 tỷ won (4,1 triệu USD).
Năm 1999, đơn vị này trải qua quá trình phát triển hơn nữa với việc thành lập các bộ phận phụ bao gồm điều phối ngành văn hóa, hỗ trợ phim ảnh và video, phát thanh, truyền hình và báo chí, trò chơi và âm nhạc, cũng như hàng hóa văn hóa. Ngân sách sau đó được đặt ở mức 100 tỷ won (76,9 triệu USD).
Năm 2003, trợ cấp cho các sáng kiến văn hóa đã tăng lên. Cựu Tổng thống Lee Myung-bak - người cũng nổi tiếng với việc quảng bá ẩm thực Hàn Quốc - ưu tiên xuất khẩu văn hóa. Chính phủ Hàn Quốc lúc đó đã chia làn sóng Hallyu thành 3 giai đoạn, theo đó nhắm vào thị trường toàn cầu, bao gồm các trò chơi kỹ thuật số, phim truyền hình, ẩm thực và ngôn ngữ, trong lĩnh vực thống trị của K-Pop.
Nỗ lực làm giàu nội dung
Năm 2004, ngân sách dành cho “ngành văn hóa” đã tăng lên 172,5 tỷ won (132,8 triệu USD) và bộ phận “truyền thông văn hóa” mới được thành lập. Điều này dẫn đến việc tạo ra 2 tiểu mục: “chính sách ngành văn hóa” và “hỗ trợ nội dung”.
Năm 2007, bộ này thành lập “Trung tâm Công nghiệp văn hóa” để điều phối các bộ phận với ngân sách 197,7 tỷ won (152,2 triệu USD). Đến năm 2012, ngân sách tiếp tục được tăng lên 249,1 tỷ won (191,7 triệu USD), cùng với việc tái cơ cấu các bộ phận.
Trong bộ, một số đơn vị chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và thực hiện các chính sách văn hóa của Hàn Quốc, bao gồm Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), Dịch vụ Thông tin và Văn hóa Hàn Quốc (KOCIS), Quỹ Trao đổi văn hóa quốc tế Hàn Quốc (KOFICE) và Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC).
Giáo sư Binark nhấn mạnh rằng trong số các cơ quan này, KOCCA nổi bật là cơ quan quan trọng nhất. Ông tuyên bố: “nhận thấy rằng nội dung văn hóa Hàn Quốc có thể đóng vai trò như một hình thức xuất khẩu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một cách tiếp cận chiến lược để thành lập các cơ quan đôi khi thay đổi, mở rộng hoặc thu hẹp trọng tâm”.
Tiếp đến, cựu Tổng thống Park Geun-hye cũng đã cam kết ưu tiên “làm giàu văn hóa” là mục tiêu chính trong chính quyền của bà và duy trì chính sách quốc gia này. Chính quyền Park nhằm mục đích đa dạng hóa nội dung Hallyu bằng cách tiếp tục nỗ lực của “Hội đồng phát triển văn hóa Hallyu”, do ông Lee Myung-bak thành lập.
Lễ nhậm chức tổng thống với “Gangnam Style”
Năm 2012, bài hát Gangnam Style của PSY và điệu nhảy độc đáo của nó đã được biết đến trên toàn thế giới, với video âm nhạc thu về hơn 4 tỷ lượt xem trên YouTube. Bài hát được phát ngay cả tại lễ nhậm chức tổng thống khi bà Park tiếp quản từ ông Lee Myung-bak.
Thành công quốc tế của ca sĩ Hàn Quốc PSY đã giúp hợp pháp hóa các chương trình tài trợ hàng triệu USD của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong mắt công chúng. Bài hát này lan truyền như một “đại dịch”, xuất hiện trong các bữa tiệc sinh nhật, lễ tốt nghiệp và các chương trình truyền hình. Thông qua bài hát này, K-pop đã thành công trên các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ.
Trong những năm K-pop củng cố sự hiện diện toàn cầu, nhóm nhạc cùng công ty giải trí, BTS, cũng đã tạo nên làn sóng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trao cho các thành viên nhóm danh hiệu đặc phái viên văn hóa đặc biệt, do họ có tiềm năng tạo thu nhập cho đất nước.
Alptekin Keskin - nhà xã hội học làm việc trong lĩnh vực K-Culture - cho rằng, BTS đã trở thành tấm gương cho giới trẻ Hàn Quốc. Ông cho biết: “sau khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên ngoại giao, BTS đã đến Đại hội đồng Liên hợp quốc cùng với tổng thống, có bài phát biểu dài 7 phút và biểu diễn “Permission To Dance” trước các nhà lãnh đạo thế giới. Họ chia sẻ điều này trên nhiều nền tảng khác nhau như YouTube. Đây là những bước củng cố, hỗ trợ và củng cố hình ảnh quốc gia và Hàn Quốc”.
Bên cạnh đó, điện ảnh Hàn Quốc cũng đi theo lộ trình tương tự. Giới tư bản toàn cầu đang thể hiện sự quan tâm đến Hàn Quốc. Netflix đã chọn Hàn Quốc làm trung tâm của mọi khoản đầu tư vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đã thực hiện 2 khoản đầu tư lớn vào hãng phim ở Hàn Quốc.
Hưởng lợi nhờ các sản phẩm văn hóa
Ngành công nghiệp nội dung của Hàn Quốc đã vượt qua 10 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019, theo đó K-pop, K-drama và K-food đặc biệt mở rộng sang các nền tảng như Netflix trong giai đoạn này. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, nhóm BTS tạo ra hoạt động kinh tế trị giá khoảng 3,5 tỷ USD hằng năm. Khoảng 7% số du khách đến Hàn Quốc vào năm 2017, tương đương khoảng 800.000 khách du lịch, nói rằng họ đến thăm đất nước này vì họ quan tâm đến BTS.
Năm 2019, Hàn Quốc gây chú ý với bộ phim “Ký sinh trùng” được phát hành trên nền tảng nội dung số Netflix. Bộ phim giành được các giải “Phim hay nhất”, “Đạo diễn xuất sắc nhất” và “Phim truyện quốc tế hay nhất” tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 92. Lần đầu tiên trong lịch sử Oscar, một bộ phim không phải tiếng Anh được vinh danh ở giải “Phim hay nhất”.
Không lâu sau, vào năm 2021, loạt phim “Squid Game” của Hàn Quốc trên cùng nền tảng đạt được 63 triệu giờ xem chỉ sau 2 ngày trong tuần ra mắt. Dựa trên những thành công này, Netflix công bố khoản đầu tư 2,5 tỷ USD vào nội dung Hàn Quốc trong vòng 4 năm.
Có thể thấy rõ sự thành công của làn sóng Hallyu là nhờ các cơ quan có tổ chức trực thuộc chính phủ đã tuyển dụng lực lượng lao động có chất lượng và lành nghề, sử dụng nguồn nhân lực và quyền tự chủ của họ. Chắc chắn rằng, “K-Culture” chính là chính sách của nhà nước sử dụng quyền lực mềm để quảng bá bản sắc Hàn Quốc./.