13/11/2024 | 09:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sợ sai - tâm lý đáng lo ngại của các nhà lãnh đạo

Đăng Bảo
Sợ sai - tâm lý đáng lo ngại của các nhà lãnh đạo Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev trong tiệc chia tay, ngày 26-12-1991_Ảnh: AP
Sợ sai là một tâm lý đáng lo ngại trong văn hóa chính trị trên toàn thế giới. Nó hình thành từ nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất có lẽ là sự xuống cấp của dũng khí và mất niềm tin của các nhà lãnh đạo.

Sợ sai xuất phát từ thiếu dũng khí

Trong văn hóa chính trị thế giới, dũng khí được coi như một trong những tố chất hàng đầu của nhà chính trị. Khổng tử coi cái dũng là 1 trong 3 tố chất cơ bản làm nên người quân tử (nhân - trí - dũng). Platon cũng xếp dũng khí là tố chất hàng đầu, biểu trưng cho danh dự của nam giới. Quan niệm đó của nhà triết học Hy Lạp cổ đại duy trì suốt thời phong kiến ở châu Âu, quyết định hành vi ứng xử của giới quý tộc.

Bước vào thời kỳ xã hội công nghiệp, vị trí của dũng khí không còn được như trước nữa. “Tinh thần công nghiệp đã vượt lên trên tinh thần quân nhân và quý tộc”, triết gia Đức Friedrich Nietzsche than thở. Dũng khí lùi xuống hàng thứ hai, thậm chí còn trở thành yếu tố tiêu cực. Chẳng hạn, triết gia Anh Thomas Hobbes coi nỗi sợ trước cái chết là yếu tố cần thiết cho hòa bình, còn triết gia Hà Lan Benedictus de Spinoza thì xếp dũng khí cuối cùng trong danh mục “những điều cần có ở một người đàn ông”.

Cùng với sự biến đổi của xã hội từ lấy chiến tranh làm chủ đạo sang lấy thịnh vượng làm mục tiêu, khái niệm dũng khí cũng biến đổi. Dũng khí thoát dần tấm áo choàng bạo lực của nó và chuyển sang chiếc áo phi bạo lực. “Cuộc đấu tranh bất bạo động còn dũng mãnh hơn nhiều cuộc đấu tranh bạo động”, Lãnh tụ Mahatma Gandhi tin tưởng.

Ngày nay, người ta không còn coi dũng khí chỉ là hiên ngang trước bạo lực, mà là kiên định trước mọi khó khăn trên con đường đã chọn. “Dũng không có nghĩa là bạn không sợ hãi, mà là bạn sẵn sàng đối mặt với thách thức và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”, Giáo sư Daniel Putman Đại học Pennsylvania (Mỹ) khẳng định.

Trên chính trường phức tạp và bất lường có rất nhiều tấm gương dũng cảm của các chính khách lỗi lạc. Họ thực sự là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình. “Quyết đoán” là đánh giá xứng đáng dành cho họ. Chính những quyết định của họ đã đưa cuộc sống vượt qua khó khăn thách thức để đi tới thành công. Nhưng bên cạnh đó cũng không ít những ví dụ vì sợ sai mà không dám ra quyết định, dẫu thách thức đang nghênh sừng ngăn bước đi lên của cộng đồng, tổ chức, dân tộc.

Năm lý do tạo nên tâm lý sợ sai

Tâm lý sợ sai ngày càng bao phủ lên văn hóa chính trị quốc tế. Suy cho cùng, nó xuất phát từ mấy lý do như sau:

Một là, mất niềm tin vào mục tiêu đã chọn. Chính khách cảm thấy mông lung, không còn định hướng, không còn “kim chỉ nam” cho hành động. Họ phải ra quyết định trong hoàn cảnh các kỳ vọng cân bằng từ mọi hướng, không có ưu tiên, không có gợi ý, không có tham chiếu, không có đồng chí hướng. Bởi thế, họ bơ vơ và bị rối trí giữa mớ bòng bòng mà họ vướng phải. Trong hoàn cảnh như thế, sợ sai là đương nhiên.

Hai là, không đủ năng lực để gánh vác công việc được giao. Không ít chính khách lên cao nhờ con đường không hoàn toàn quang minh chính đại hoặc do may rủi, trúng số. Họ không đủ trí tuệ để nhận định tình hình và ra quyết định. Họ cũng thiếu vắng một đội ngũ tham mưu đủ tâm, đủ tầm giúp đỡ họ. Bởi thế, họ không đủ tự tin để quyết đoán. Họ sợ sai.

Ba là, bị rối giữa các lợi ích chung, lợi ích nhóm và lợi ích riêng. Bắn một con chim đã khó, bắn 3 con chim một lúc khó hơn nhiều. Làm điều có lợi cho cái chung thì lại không lợi gì cho cái riêng. 

Lợi cho cái riêng thì mất uy tín trong phe nhóm. Lợi cho phe nhóm thì vấp phải phản ứng của các phe nhóm khác và tập thể. Bởi thế, bài toán đã quá nặng với khả năng của họ lại càng nặng thêm, khó giải thêm. Họ sợ lời giải kiểu gì cũng không dung hòa tổ hợp lợi ích trên được.

Bốn là, sợ chịu trách nhiệm, sợ bị trừng phạt. Mỗi tổ chức, cộng đồng đều có những quy định và chế tài nhất định để bảo đảm sự sinh tồn của mình. Những quyết định sai, gây bất lợi cho tổ chức, cộng đồng có thể bị trừng phạt. Có những lúc bị trừng phạt rất nặng. 

Việc nhìn những chính khách khác phải trả giá như thế nào cho sai lầm đã gây ra mà họ sợ hãi, không dám ra quyết định.

Cuối cùng, tâm lý sợ sai còn được nuôi dưỡng bởi quan niệm “mưa nào chẳng có lúc tạnh, khó khăn nào chẳng tự qua đi”. Xuất phát từ suy nghĩ đó, một số chính khách không ra quyết định trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” và đợi cho thách thức tự trôi qua. 

Phải công nhận là trong rất nhiều trường hợp thách thức đến rồi đi, nhưng tâm lý sợ sai và buông xuôi làm mất đi tính chủ động của người lãnh đạo, không hướng được công việc vào con đường tối ưu cho mục tiêu đã chọn.

Một vài ví dụ

Tâm lý sợ sai, không dám ra quyết định đã gây không ít hậu quả tai hại trên thế giới. Xin điểm qua một vài ví dụ:

Hồi giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, một số nhà báo và công tố viên Liên Xô phát hiện một xu hướng tội phạm mới, khi các thành phần xã hội đen cấu kết với quan chức chính quyền để lũng đoạn kinh tế, tạo ra cái mà sau này người ta gọi là mafia Nga. 

Tổng Bí thư Mikhain Gorbachev tiếp nhận thông tin nhưng không ra bất cứ một quyết định nào để ngăn chặn xu hướng đó. Ông ta sợ các hành động pháp lý nhằm vào các quan chức địa phương sẽ làm mất đi sự ủng hộ của họ đối với cải tổ và tư duy mới. Tâm lý sợ sai đó khiến mafia gần như tung hoành làm chủ xã hội Liên Xô trước khi nó sụp đổ (và cả sau khi nó đã sụp đổ). 

Sau này, nhiều nghiên cứu cho hay, chính việc sợ mếch lòng các quan chức địa phương đã khiến nhân dân cảm thấy chính quyền trung ương vô dụng và quay sang ủng hộ các phong trào ly khai tách ra khỏi ảnh hưởng của Moscow.

Mới đây, các nhà sản xuất ô tô và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản vẫn còn cảnh giác với việc nhảy vào lĩnh vực chế tạo ô tô điện bởi cho rằng việc đó sẽ là sai lầm, vì tạo ra cạnh tranh với chính hệ thống sản xuất xe xăng mà họ đang dẫn đầu thế giới về sản lượng. 

Tâm lý sợ sai đó khiến họ thường xuyên dè bỉu ô tô điện và tự ngụy biện rằng sản phẩm đó không có tương lai. Tuy nhiên, khi những chiếc xe điện Tesla và BYD lướt trên đường khiến hàng triệu người trầm trồ, họ mới nhận ra việc sợ sai mới là cái sai lớn nhất của họ, nhưng đã khá muộn.

Còn vô vàn những bài học đắt giá cho những nhà lãnh đạo sợ sai. Để tránh vết xe đổ đó, không liệu pháp nào tốt hơn là xác định và kiên định tầm nhìn đã chọn, nâng cao năng lực của người lãnh đạo, làm trong sạch bộ máy và giao quyền cho những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có như vậy, tâm lý sợ sai mới bị bật ra khỏi văn hóa chính trị hiện đại./.