“Tinh thần Singapore” trước thách thức lớn
Phan Lương
Từ “Tinh thần Singapore”...
Văn hóa chính trị ở Singapore được đặc trưng bởi sự cầm quyền duy nhất của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) kể từ khi lập quốc vào năm 1965 đến nay, nhấn mạnh tới sự ổn định và trật tự xã hội, một chính phủ trong sạch và một tầng lớp công dân giương mẫu, cũng như đặt ưu tiên cho phát triển kinh tế.
Khổng giáo đã trở thành quy chuẩn cho cách hành xử xã hội và là nguyên tắc định hướng của chính phủ trong nỗ lực đấu tranh trước những vấn đề không thể tránh khỏi trong quá trình hiện đại hóa đất nước, khi chủ nghĩa tiêu dùng và hưởng thụ trở nên phổ biến.
Qua nhiều thập niên, Singapore nỗ lực thiết lập một hệ thống giá trị mới mà tất cả người dân Singapore có thể coi là của riêng mình. Đó là một hệ thống coi trọng đất nước, gia đình, nhân ái, hòa hợp và khoan dung.
Trong đó, quốc gia và gia đình là ý nghĩa cốt lõi của các giá trị chính trị xã hội Singapore. “Tinh thần Singapore” cũng biện minh cho quyền lực và kỷ luật. Các chính phủ Singapore tin tưởng vào việc quản trị xã hội thông qua công cụ pháp trị nghiêm minh. Đến tận ngày nay, Singapore vẫn duy trì hình phạt đánh roi.
Ngay sau khi lên nắm quyền, PAP, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Lý Quang Diệu, đã bắt đầu cuộc đấu tranh chống tham nhũng không khoan nhượng thông qua công cụ pháp lý để tạo dựng hình ảnh chính phủ trong sạch.
Đóng góp rất lớn cho thành công này là Cục Điều tra tham nhũng (CPIB) có tính độc lập. Được tổng thống bổ nhiệm và chịu trách nhiệm trực tiếp trước thủ tướng, CPIB có quyền lực rất lớn và chỉ hành động theo pháp luật.
Tất cả các đối tượng phạm pháp đều bị xử lý bất chấp cấp bậc hay công trạng của họ. Hiện Singapore xếp thứ 5 trong danh sách những quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI).
.... đến “một đòn đau”
Việc duy trì một hình tượng chính phủ trong sạch, không tham nhũng của Singapore đã được đền đáp. Kinh tế Singapore tăng trưởng cao một cách nhất quán, vượt qua các giai đoạn phát triển khác nhau và hội nhập sâu trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Với hơn 5,5 triệu dân, Singapore hiện là một trung tâm tài chính hàng đầu ở châu Á. Có thể khẳng định thành tựu phi thường của Singapore là bởi sự kiên định đối với định hướng chính sách của PAP - chính đảng cầm quyền duy nhất tại Singapore kể từ khi lập quốc.
PAP luôn nhấn mạnh đến chế độ coi trọng nhân tài, một bộ máy hành chính có tư duy tiến bộ và pháp quyền, được củng cố bởi ý thức về sự công bằng trong xã hội. Với định hướng đó, các chính trị gia PAP, trên bất kỳ cương vị nào, luôn nỗ lực và phấn đấu thể hiện mình là người có năng lực và trung thực. Tuy nhiên, một loạt bê bối đã xảy ra thời gian gần đây làm rung chuyển đảo quốc Đông Nam Á.
Mọi chuyện bắt đầu vào đầu tháng 7-2023, khi Bộ trưởng Giao thông vận tải S. Iswaran bị bắt trong một cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất tại Singapore trong nhiều thập niên. Không lâu trước đó, Bộ trưởng Luật pháp và Nội vụ K Shanmugam và Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan bị nghi ngờ lạm dụng công quỹ để cải tạo lại nhà ở công vụ của mình, dù kết quả điều tra sau đó đã chứng minh cả 2 ông không có hành vi sai trái.
Tuy nhiên, “giọt nước tràn ly” lại là việc Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-Jin và một nữ nghị sĩ của PAP phải từ nhiệm, qua đó “tạm biệt” sự nghiệp chính trị của mình, do có “quan hệ không phù hợp”.
Ngành tư pháp Singapore - vốn nổi tiếng công bằng và nghiêm khắc - cũng đang hứng chịu búa rìu dư luận. Theo đó, một người điều khiển xe nâng ở bãi container mới đây đã bị phạt 2 tháng tù giam do nhận hối lộ khoảng 7 - 10 USD/ngày trong suốt 2 năm, cho phép các tài xế xe tải đưa tiền được xếp trước trong danh sách dỡ hàng hóa.
Trong khi đó, ban điều hành tập đoàn Keppel của Singapore, dẫu bị cáo buộc hối lộ hàng triệu USD, đã thoát tội và chỉ phải nhận “cảnh báo nghiêm khắc”. Giới chức tư pháp Singapore thừa nhận, họ không có đủ án lệ để đưa ban lãnh đạo Keppel ra xét xử.
Một loạt bê bối liên tiếp xảy ra chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã khiến PAP hứng chịu nhiều áp lực. Kênh Channel News Asia gọi hậu quả từ các vụ việc này là “khủng hoảng nghiêm trọng nhất về niềm tin của công chúng thời gian gần đây”.
Nhật báo Straits Times cũng đăng một bài viết với tiêu đề “Thương hiệu PAP đang có vấn đề?”. Tất cả những dấu hiệu này, điều chưa từng xảy ra trước đây, đang cho thấy rõ loạt bê bối trên đã tác động mạnh thế nào đến người dân Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận PAP, vốn coi tính liêm chính là trọng tâm bản sắc của đảng, đã phải “hứng chịu một đòn đau”.
Thách thức bầu cử
Dự kiến trong năm 2025, Singapore sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa quan trọng lịch sử khi đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới ở đảo quốc này.
Cuộc bầu cử càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Singapore đang đối mặt với nhiều thách thức, từ dân số già, sự cạnh tranh địa - chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực, cũng như sự nổi lên của chính sách ưu tiên công nghiệp trên thế giới và sự sụt giảm trong thương mại tự do toàn cầu. Tất cả đều có khả năng gây rủi ro cho sức khỏe nền kinh tế Singapore trong dài hạn.
Danh tiếng quản trị sạch và hiệu quả bị “vấy bẩn” có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Singapore cả trong và ngoài nước, khiến những thách thức kinh tế nói trên ngày càng gia tăng.
Là đảng cầm quyền kể từ lập quốc vào năm 1965 đến nay, PAP rõ ràng đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa khẳng định ý định nghỉ hưu, và người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ thời điểm ông Lý Hiển Long sẽ rút lui, thậm chí ông từng tỏ ý có thể sẽ dẫn dắt PAP trong chiến dịch vận động tranh cử sắp tới.
Khác với trước đây, PAP đang phải đối mặt với phe đối lập mạnh hơn và được tổ chức tốt hơn. Ngay cả Phó Thủ tướng Lawrence Wong cũng thừa nhận, PAP hiện tại không thể coi việc chiến thắng trong các cuộc bầu cử là đương nhiên được nữa.
Trước khi loạt bê bối xảy ra, từng có ý kiến cho rằng PAP sẽ tiến hành bầu cử trước thời hạn 2025. Tuy nhiên, theo nhận định chung của giới phân tích, PAP giờ đây có thể sẽ trì hoãn tiến hành bầu cử đến thời điểm cuối cùng, với hy vọng kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm sau sẽ thành công.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, gần như có thể chắc chắn PAP sẽ đối mặt với thách thức bầu cử lớn nhất trong lịch sử đảng này./.