21/11/2024 | 20:06 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phong cách ứng xử gây sốc của 2 nhà cựu lãnh đạo quốc gia

Gia Ngọc
Phong cách ứng xử gây sốc của 2 nhà cựu lãnh đạo quốc gia Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phóng viên tại một buổi họp báo, tháng 10-2019_Ảnh: Getty
Khá tình cờ, khi ở Mỹ có Tổng thống Donald Trump và ở Philippines có Tổng thống Rodrigo Duterte cùng gây ấn tượng với thế giới bởi phong cách ứng xử khá giống nhau và đều thuộc kiểu “trăm năm khó gặp”.

Một chính trị gia không nên nói năng kiểu đó

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có phong cách bùng nổ và hay “lỡ miệng”. Người ủng hộ ông coi đó là sự nhiệt tình, cùng lắm chỉ là “không chuẩn mực về chính trị”. Nhưng những người khác thì luôn sẵn sàng phản ứng ở nhiều mức độ với ông.

Tờ Cosmopolitan đã liệt kê 10 vụ ông thể hiện thái độ “rất tức giận” ra bên ngoài, bao gồm: khi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố sẽ rút khỏi bất cứ cuộc điều tra nào nhằm vào chiến dịch tranh cử trong tương lai của ông D. Trump, việc các nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng tiếp xúc với người Nga (như ông) mà không bị điều tra, khi ông nghi ngờ Tổng thống B. Obama nghe lén tháp Trump, khi ông bị so sánh với 100 ngày đầu tiên của Tổng thống B. Obama, khi chương trình truyền hình “Ngôi sao tập sự” nổi tiếng bị đóng cửa, khi BuzzFeed đưa tin (thiếu căn cứ) rằng ông thuê gái mại dâm tiểu tiện trên giường khách sạn khi ở Moscow (vụ này ông đặc biệt phẫn nộ, gọi BuzzFeed là một đống rác và gọi luôn CNN là tổ chức “khủng khiếp, tin giả”), khi ông liên tục đăng các tweet cáo buộc các phương tiện truyền thông đăng tin giả, ông đột ngột cúp máy khi đang điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull khi ông này đề nghị Mỹ tôn trọng cam kết tiếp nhận 1.250 người tị nạn Australia, khi ông đổ lỗi cho các cơ quan tình báo trong vụ cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mike Flynn buộc phải từ chức và khi Melissa McCarthy giả vờ làm thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer.

Nhìn vào danh sách này, có thể thấy các vấn đề khiến ông D. Trump bị kích động khá đa dạng. Ông không cố tỏ ra kiềm chế như nhiều chính trị gia khác vẫn làm. Đến Candace Owens - nhà hoạt động chính trị theo trường phái bảo thủ, người dành cho ông D. Trump rất nhiều ủng hộ, người gọi ông là “vị cứu tinh của thế giới tự do” - cũng từng có lần phải lên tiếng kêu ca về cách ứng xử thô lỗ của ông, tới mức cô phải đặt câu hỏi liệu ông D. Trump có phải là kiểu người hay báo thù, hoang tưởng và thiếu khiêm tốn hay không.

C. Owens nói, sau cuộc bầu cử năm 2020, D. Trump ở trong “không gian giận dữ” và trở nên hoang tưởng. Ông đang “giữ tinh thần báo thù”. Việc ông tấn công Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cho thấy ông đang lo lắng. Đó là cô khá bao dung.

Kathleen Parker - nhà bình luận của The Washington Post - giải thích khái niệm “đứng đắn về chính trị”, phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ trước, là sự chỉnh sửa ngôn từ và chính sách để không bị quá mức đến độ xúc phạm bất kỳ nhóm người nào. Bà diễn đạt một cách văn vẻ: ông D. Trump đã định nghĩa lại khái niệm này thành “chuyển bất cứ điều gì từ não sang miệng lưỡi mà không có quá trình xử lý kiềm chế như nền văn minh yêu cầu”.

Bà Parker viết: “sự xúc phạm, một hình thức thiếu nghệ thuật được D. Trump hoàn thiện, không sai về mặt chính trị. D. Trump đã thuyết phục được đội quân của mình rằng việc đưa ra những bình luận ác ý về ai đó là một hành động mang tính cách mạng, một huy hiệu danh dự”.

D. Trump gọi những người Mexico nhập cảnh trái phép vào Mỹ là những kẻ hiếp dâm và giết người, tuy có nói thêm một cách chiếu lệ “và một số, tôi cho rằng, là những người tốt”. Ông gọi Megyn Kelly - nữ MC của Fox News, người có bằng Luật - là bimbo (tiếng lóng ám chỉ người đẹp không não), kéo theo một làn sóng tấn công nữ MC từ những người ủng hộ ông ta.

Không lạ gì khi cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderón gọi ông D. Trump là một người rất thiếu hiểu biết và nói thẳng: “gã ta hoàn toàn điên rồ”. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron tế nhị hơn: “tôi nghĩ nếu ông ấy đến thăm đất nước chúng tôi, ông ấy sẽ giúp chúng tôi đoàn kết lại để phản đối ông ấy”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu: “một chính trị gia không nên nói năng kiểu đó”. 

Năm 2015, trong bài phỏng vấn trên tờ Independent, Thị trưởng London Boris Johnson phản ứng: “lý do duy nhất mà tôi sẽ không tới khu vực nào ở New York chính là nguy cơ thực sự phải gặp mặt ông D. Trump”.

Chính ông D. Trump, trong nhiệm kỳ của mình, cũng có tới hơn 50 lần (được ghi nhận) đã nói rằng “thế giới đang cười nhạo chúng ta”. Nhưng làn sóng phản ứng không làm tổn thương gì tới D. Trump. Ông vẫn đang là ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa. Số cử tri Đảng Cộng hòa ủng hộ ông vẫn đang tăng lên, dù ông đã gọi cử tri là “ngu ngốc”, đúng nghĩa đen.

Mạng sống của 100 gã đó đáng giá sao?

Cựu Tổng thống Philippines R. Duterte nổi tiếng với cách hành xử quyết liệt, cực đoan, thể hiện rõ nhất trong chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu, mà tại đó cảnh sát được phép thẳng tay bắn chết hàng loạt người dính dáng đến tội phạm ma túy. 

Ông R. Duterte từng tuyên bố 100.000 người sẽ chết trong các chiến dịch bài trừ tội phạm, nếu ông thắng cử. Khi đắc cử, ông phát động chiến dịch “giết người nghiện ma túy” với các phát biểu kêu gọi người dân nếu phát hiện kẻ nào nghiện ma túy thì “giết ngay”, với lời giải thích “đừng để cha mẹ chúng phải làm điều đó, vì quá đau lòng”. 

Không chỉ vậy, ông Duterte nhiều lần khác có lời nói vượt quá giới hạn, và được CBSNews ghi nhận lại.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 9-2016, ông so sánh mình với A. Hitler: “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do Thái... Có 3 triệu người nghiện ma túy. Tôi rất vui lòng tàn sát họ”. Tháng 6-2016, khi nghe tin một nhà báo qua đời ở Manila, ông phát biểu: “chỉ vì anh là nhà báo nên anh không được miễn bị ám sát, nếu anh là một tên khốn nạn”.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh năm 2016 dự kiến diễn ra tại Lào với Tổng thống Mỹ lúc đó là ông B. Obama, ông R. Duterte chửi: “thằng khốn, ta sẽ nguyền rủa ngươi trên diễn đàn đó”. Ông còn nói Obama nên “xuống địa ngục”. Tuy sau ông có xin lỗi, nhưng ông Obama đã hủy chuyến đi.

Khi còn là thị trưởng thành phố Davao, bình luận về việc một nhà truyền giáo người Australia bị giết chết, ông nói: “tôi tức giận vì cô ấy bị cưỡng hiếp, đó là một chuyện. Nhưng cô ấy xinh đẹp như vậy, lẽ ra thị trưởng phải là người đầu tiên. Thật lãng phí”. 

Năm 2016, Giáo hoàng Francis tới thăm Manila, chuyến thăm gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Ông Duterte phát biểu cảm nghĩ: “tôi muốn gọi ông ấy, Giáo hoàng, đồ khốn, hãy về nhà đi. Đừng đến thăm chúng tôi nữa”.

Nói về chiến dịch trấn áp ma túy, ông Duterte tỏ ra không chút xót thương: “mạng sống của 100 tên tội phạm này có thực sự quan trọng không? Nếu tôi là người phải đối mặt với tất cả nỗi đau này, liệu 100 mạng sống của những tên ngốc này có ý nghĩa gì với tôi không?”. 

Khi nói về việc có phụ nữ chiến đấu trong lực lượng nổi dậy, ông tỏ ra thật sự cay độc: “nói với binh lính. Có lệnh mới từ thị trưởng: chúng tôi sẽ không giết các cô. Chúng tôi sẽ chỉ bắn vào âm đạo của các cô”.

Không biết có phải kiểu ứng xử độc đáo đó, mà ông D. Trump và ông R. Duterte đều rớt đài sau 1 nhiệm kỳ? ./.