20/05/2024 | 12:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Dự báo năm 2024


Năm 2023, thế giới kiên cường vượt qua nhiều “cơn gió ngược”. Tuy nhiên, rất nhiều diễn biến không tích cực trong năm qua cũng như những vấn đề phức tạp mới phát sinh sẽ tiếp tục chi phối đời sống chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu trong năm 2024.

Ngay từ thời điểm này, những thách thức như cuộc chiến tại Ukraina và Dải Gaza cũng như các “điểm nóng” khác trên thế giới; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; các cuộc bầu cử sẽ diễn ra năm 2024; xu hướng lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ; sự suy giảm hoạt động ngoại thương hay những diễn biến khí hậu bất thường, nguy hiểm;... đã được nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tập trung phân tích, đánh giá, từ đó đưa ra các dự báo và khuyến nghị chính sách cần thiết. Mặc dù vậy, bên cạnh những thách thức đó, năm 2024 cũng sẽ có không ít cơ hội mới mở ra cho sự phát triển.

I. TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM TẠI NHIỀU KHU VỰC

Hai cuộc chiến lớn: Khó có giải pháp đột phá

Xung đột Nga - Ukraina

Khi cuộc xung đột Nga - Ukraina đã bước sang năm thứ ba và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, viện trợ của quốc tế dành cho Kiev trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm. Mặc dù từ đầu xung đột đến nay, Mỹ đã viện trợ cho Ukraina hơn 100 tỷ USD, nhưng Nhà Trắng thừa nhận nước này đã chi hết 96% ngân sách mà Quốc hội thông qua để viện trợ cho Ukraina, buộc Washington phải cắt giảm lượng viện trợ quân sự cho Kiev. Trong khi đó, tại châu Âu, nhiều quốc gia đã đảo ngược chính sách viện trợ cho Ukraina sau các cuộc bầu cử gần đây.

Trước sự thất bại của các chiến dịch phản công từ phía Ukraina và sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraina giảm mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin bày tỏ rằng, binh sĩ Nga có thể làm “những điều chúng ta mong muốn” trên chiến trường Ukraina. Tuy nhiên, gần đây ông Putin đã gửi đi một thông điệp khác: họ sẵn sàng đạt một dàn xếp về lệnh ngừng bắn để “đóng băng” chiến sự dọc theo chiến tuyến hiện tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thông điệp này có thể thành hiện thực cũng mới chỉ là bước đi đầu tiên trong việc giảm căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga - Ukraina và các nước phương Tây.

Chẳng hạn như vào tháng 11-2023, Slovakia thông báo với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng nước này sẽ dừng viện trợ quân sự nhưng vẫn duy trì hỗ trợ nhân đạo và kỹ thuật cho Kiev. Còn tân Thủ tướng Hà Lan Geert Wilders tuyên bố, nước này không nên gửi thêm viện trợ cho Ukraina, nếu điều đó khiến quân đội Hà Lan không thể bảo vệ đất nước mình...

Với lực lượng và khả năng nhỏ hơn nhiều so với Nga, nếu không nhận được nguồn viện trợ quân sự cần thiết từ phương Tây, quân đội Ukraina sẽ không thể tiếp tục các cuộc tấn công quy mô lớn để giành được những đột phá trên chiến trường trong năm 2024 và cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ bị “đóng băng”. Đây sẽ là cơ hội để quân đội Nga tái trang bị lực lượng và vũ khí.

Trong trường hợp ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo phương Tây đảo ngược chính sách viện trợ cho Ukraina vào đầu năm 2024 thì có thể sẽ giúp Kiev được trang bị những khả năng cần thiết để giành chiến thắng trong xung đột vào cuối năm. Kết quả này sẽ có tác động sâu rộng đến an ninh châu Âu và tình hình quốc tế.

Cuộc chiến tại Dải Gaza

Năm 2024 cũng bắt đầu với những thách thức lớn, khi Israel tiếp tục các cuộc tấn công Hamas - lực lượng đang kiểm soát Dải Gaza. Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc chiến ở Gaza có thể vẫn trong vòng xoáy leo thang khi Israel vẫn kiên trì mục tiêu loại trừ Hamas và xóa bỏ vai trò của lực lượng này tại Dải Gaza; đồng thời bảo đảm việc thả các con tin mà nhóm này bắt giữ.

Nếu Israel thành công trong việc đạt được những mục tiêu này, một giai đoạn chuyển tiếp có thể sẽ bắt đầu. Các chủ thể khu vực và quốc tế sẽ nỗ lực phối hợp với Israel để tạo ra một phương thức cho phép quản lý và tái thiết Dải Gaza, phục hồi chính quyền Palestine và đưa họ trở lại Gaza. Nếu Israel không thành công trong việc đạt được các mục tiêu chính của mình, giao tranh có thể sẽ tiếp tục. Trong bối cảnh bất ổn khu vực đang diễn ra, cuộc chiến này còn có nguy cơ leo thang hơn nữa.

Những “điểm nóng” cần quan tâm

Sudan

Cuộc chiến đang diễn ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh đã đẩy đất nước này đến bờ vực sụp đổ. Chỉ sau chưa đầy 1 năm giao tranh, số người cần hỗ trợ nhân đạo tại Sudan đã tăng hơn gấp đôi.

Không chỉ tập trung ở Khartoum và Darfur, các cuộc giao tranh ngày càng lan rộng sang các khu vực khác của đất nước, thu hút ngày càng nhiều nhóm vũ trang tham gia khiến cuộc khủng hoảng này được dự báo sẽ xấu đi đáng kể vào năm 2024 và có rất ít triển vọng về việc chấm dứt xung đột trong tương lai gần.

Nam Sudan

Nam Sudan đối mặt với tình trạng bất ổn kể từ khi giành được độc lập khỏi Sudan vào năm 2011. Bước sang năm 2024, cuộc chiến xuyên biên giới ở Sudan có nguy cơ làm suy yếu nền kinh tế mong manh của Nam Sudan và làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị.

Ngoài ra, căng thẳng liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Nam Sudan, dự kiến diễn ra vào tháng 12-2024, có thể đe dọa sự gắn kết chính trị và xã hội. Hiện tại, các cuộc đụng độ bạo lực giữa các nhóm vũ trang cũng đã gia tăng ở miền Bắc đất nước này.

Bên cạnh các điểm nóng trên, những mâu thuẫn, xung đột tại Ethiopia, Niger, Somali, Myanmar,... cũng sẽ tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng xấu tới tình hình của mỗi nước cũng như thế giới trong năm 2024.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, đặc điểm nổi bật của môi trường địa - chính trị năm 2024 sẽ là tính đa cực. Với tư cách là các cường quốc, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục định hình môi trường địa - chính trị toàn cầu. Các quốc gia như Ấn Độ, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil,... dù không liên kết cụ thể với bất kỳ cường quốc hay khối lớn nào cũng sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn trong chương trình nghị sự quốc tế. Các quốc gia nhỏ hơn, các tổ chức phi nhà nước cũng sẽ nắm bắt cơ hội để vẽ lại ranh giới hoặc định hình vai trò địa - chính trị của họ.

Cộng hòa dân chủ Congo

Giao tranh dữ dội nổ ra ở miền Đông CHDC Congo (DRC) vào năm 2023, sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ và nhóm vũ trang M23. Điều này làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng kéo dài vốn đã khiến hàng triệu người Congo phải đối mặt với xung đột, căng thẳng chính trị, áp lực kinh tế, cú sốc khí hậu và dịch bệnh bùng phát dai dẳng. Theo nhiều dự báo, năm 2024, xung đột tại CHDC Congo sẽ tiếp tục leo thang.

Mali

Việc rút lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc khỏi Mali đã làm dấy lên những lo ngại về an toàn, đặc biệt là các cuộc giao tranh giữa chính phủ và các nhóm vũ trang người Tuareg ở miền Bắc nước này đã tái diễn. Với việc các nhóm vũ trang đang bao vây nhiều thị trấn và cắt đứt khả năng tiếp cận nhân đạo trong khi một nửa đất nước đang sống trong cảnh nghèo đói, theo dự báo, mức độ xung đột giữa chính phủ, các nhóm vũ trang và các nhóm đối lập tại Mali sẽ tiếp tục leo thang vào năm 2024 và có thể gây thêm nhiều tổn hại nghiêm trọng đối với dân thường.

II. BẦU CỬ - NHỮNG CUỘC ĐẤU SẼ ĐỊNH HÌNH CỤC DIỆN THẾ GIỚI

Năm 2024, thế giới bước vào siêu chu kỳ bầu cử. Kết quả bầu cử tại gần 60 quốc gia đại diện cho hơn 50% dân số thế giới và phần lớn GDP toàn cầu trong năm 2024 sẽ không chỉ tạo ra những thay đổi ở từng quốc gia, mà còn giúp xác định ai sẽ là người mang đến những biến chuyển trong cục diện trật tự thế giới hiện nay.

Bầu cử tại Mỹ: Ông Joe Biden và Donald Trump “tái đấu”

Không còn nghi ngờ gì, cuộc bầu cử tổng thống thứ 60 của Mỹ vào ngày 5-11-2024 là cuộc bầu cử thu hút sự quan tâm nhất của dư luận quốc tế. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số cử tri Mỹ cho rằng, tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã quá già để có thể tiếp tục nắm quyền, bất chấp đối thủ tiềm năng của ông, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã ở tuổi 77.

Tương tự như 2 cuộc bầu cử tổng thống trước đây vào năm 2016 và 2020, cuộc bầu cử năm 2024 dự kiến cũng sẽ xảy ra những rủi ro đáng kể trên mạng và trong thế giới thực. Còn chưa đầy 1 năm nữa là đến cuộc bầu cử, nhưng những tường thuật sai sự thật được thiết kế nhằm làm suy yếu niềm tin vào quá trình bầu cử và gieo rắc sự nghi ngờ vào hệ thống chính trị Mỹ đã lan truyền trên mạng. Cuộc bầu cử cũng có thể trở nên phức tạp hơn do sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ về một số vấn đề chính sách.

Hiện tại, ông D. Trump tham gia cuộc đấu sơ bộ để tranh suất đề cử của Đảng Cộng hòa với tư cách được yêu thích nhất, bất chấp nhiều phiên tòa hình sự đang chờ đợi. Có chuyên gia đã mạnh dạn dự đoán, ông D. Trump sẽ giành chiến thắng để quay trở lại làm Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai. Khi đó, cục diện đối đầu giữa phương Tây và Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Nga: Ông Vladimir Putin sẽ tái tranh cử

Theo truyền thông Nga, nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới vào ngày 17-3-2024. Ngày 18-12-2023, ông V. Putin đã đích thân nộp các hồ sơ ứng cử lên Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) để đăng ký ứng cử, trở thành người đầu tiên nộp hồ sơ ứng cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Vào năm 2020, Nga đã sửa đổi Hiến pháp để cho phép về mặt lý thuyết việc ông V. Putin có thể tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ và nắm quyền đến năm 2036.

Ngoài ông V. Putin, một số nguồn tin cho biết những người có khả năng sẽ tranh cử Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử sắp tới như Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, Thống đốc tỉnh Tula Aleksey Dyumin, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nikolai Patrushev... Tuy nhiên, ít ai có khả năng cản đường ông V. Putin trong cuộc bầu cử này. Trong một tuyên bố mới đây trên báo chí, Tổng thống V. Putin cho biết ông muốn tiếp tục lãnh đạo nước Nga thêm một thời gian nữa.

Nếu ông V. Putin tái đắc cử, cục diện cuộc chiến Ukraina sẽ tiếp diễn theo chiều hướng như hiện nay và nước Nga sẽ tiếp tục là một “cực” đối trọng với phương Tây trong cuộc đấu tranh địa - chính trị dai dẳng.

Ấn Độ: Cuộc chơi quyền lực của ông Narendra Modi?

Một trong những cuộc bầu cử quốc gia quan trọng nhất vào năm 2024 sẽ diễn ra ở Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi cùng Đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc của ông đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba. Sự nghiệp chính trị và thành công của ông N. Modi dựa trên sự ủng hộ từ hơn 1 tỷ người theo đạo Hindu ở Ấn Độ.

Trong cuộc bầu cử này, ông N. Modi sẽ tham gia bỏ phiếu với tư cách là người được ủng hộ rõ ràng, thể hiện việc ghi nhận ông là người đã nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Chẳng hạn như vào tháng 8-2023, Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đưa tàu vũ trụ không người lái lên Mặt trăng (sau Nga, Mỹ và Trung Quốc), đồng thời có kế hoạch đưa người lên Mặt trăng vào năm 2040. Tuy nhiên, hy vọng về nhiệm kỳ thứ ba của ông N. Modi có thể bị phá vỡ bởi liên minh đối lập mới gồm 28 đảng có tên là Liên minh Phát triển toàn diện quốc gia Ấn Độ (INDIA). Nếu điều này xảy ra, nhiều người lo ngại rằng có thể gây ra những hậu quả chiến lược, làm tổn hại đến nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo Ấn Độ trở thành đồng minh và đối trọng với Trung Quốc.

EU: Thử thách của chủ nghĩa dân túy

Cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới vào tháng 6-2024 sẽ chứng kiến hơn 400 triệu cử tri từ 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đi bỏ phiếu chọn ra 720 thành viên Nghị viện châu Âu (MEP). Cuộc bầu cử này sẽ dẫn đến những thay đổi cả về quy mô và thành phần của MEP, do có thêm 15 thành viên mới.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh EU có sự chia rẽ nội bộ về vấn đề di cư và Ukraina. Cuộc bỏ phiếu cũng sẽ là phép thử về mức độ ủng hộ đối với những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu tại châu Âu, vốn đang nổi lên mạnh mẽ sau chiến thắng gần đây của Đảng Tự do (PVV) theo đường lối chống Hồi giáo, chống EU tại Hà Lan và việc Đảng Anh em tự do Italia của Thủ tướng Giorgia Meloni thắng cử hồi năm 2022.


Năm 2024, châu Âu cũng sẽ chứng kiến các cuộc bầu cử tại Áo, Bỉ, Croatia và Phần Lan. Nỗi lo phổ biến là các cuộc bầu cử này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các đảng theo chủ nghĩa dân tộc - dân túy, chống người di cư, bài ngoại thuộc phe cực hữu, giống như những diễn biến gần đây ở Italia, Hà Lan và Slovakia.

III. KINH TẾ THẾ GIỚI: CÒN NHIỀU THỬ THÁCH


Nhiều rủi ro

Căng thẳng địa - chính trị gia tăng

Đây được xem là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Nếu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina tiếp tục kéo dài, thị trường những loại nhiên liệu chủ chốt như dầu thô, khí đốt, lúa mì, ngô, đậu tương, phân bón, kim loại,... vẫn tiếp tục chịu sức ép. Với cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào thời gian và phạm vi của cuộc chiến này. Theo đánh giá, nếu cuộc chiến lan rộng trong khu vực Trung Đông, giá dầu và khí đốt có thể tăng đáng kể do sản xuất ở các nền kinh tế Trung Đông vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng sản lượng dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu. Các ước tính từ mô hình kinh tế cho thấy, nếu giá dầu tăng 10 USD/thùng, lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Chưa hết, dòng chảy thương mại quốc tế có thể bị gián đoạn đáng kể trong tường hợp xung đột ảnh hưởng tới tuyến đường vận chuyển dầu và LNG quan trọng là eo biển Hormuz và kênh đào Suez - tuyến vận tải chiếm khoảng 12 - 15% lưu lượng thương mại hàng hóa toàn cầu.

Thương mại toàn cầu phục hồi yếu

Theo dự báo, tăng trưởng thương mại năm 2024 và 2025 có thể yếu hơn dự kiến. Xu hướng này bắt nguồn từ sự phục hồi đầu tư yếu hơn và điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn ở các nền kinh tế phát triển, làm gia tăng chi phí tín dụng thương mại. Đặc biệt, định hướng hướng nội ngày càng tăng của các chính sách thương mại và đầu tư cũng như căng thẳng địa - chính trị gia tăng có thể làm tăng thêm xu hướng giảm nhập khẩu ở nhiều nền kinh tế, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Điều này có thể tạo nên những tác động dây chuyền, làm suy yếu cạnh tranh, tăng giá, cản trở tăng trưởng năng suất,... ở các nền kinh tế mới nổi.

Lạm phát vẫn còn cao

Mặc dù lạm phát giảm nhanh chóng ở hầu hết các nền kinh tế trong năm qua, nhưng nhìn chung vẫn còn cách xa mục tiêu (2%), trong khi các tác động cơ bản tích cực từ việc giảm giá năng lượng đang mờ dần; lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao so với chuẩn mực trước đại dịch. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cao kéo dài cùng những diễn biến phức tạp của giá năng lượng và lương thực cũng có thể ảnh hưởng đến yêu tố tâm lý của các doanh nghiệp và hộ gia đình, khiến việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu trở nên khó khăn hơn.

Chính sách tiền tệ vẫn chưa được nới lỏng

Theo dự báo, việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm 2024 ở nhiều nền kinh tế lớn. Tại Mỹ, việc cắt giảm lãi suất quỹ liên bang dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm. Tại khu vực đồng euro (eurozone), nơi áp lực lạm phát cơ bản vẫn tương đối cao, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi dự kiến sẽ không thay đổi cho đến mùa xuân năm 2025.

Trong khi đó, việc giảm lãi suất chính sách dự kiến cũng chỉ bắt đầu vào nửa cuối năm 2024 tại Australia, Canada, Hàn Quốc... Lãi suất cho vay của ngân hàng duy trì ở mức cao hoặc tăng không chỉ khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp ngày càng khó khăn trong việc trả nợ, mà còn khiến các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro cao.

“Sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc được xem là một biến số có mức độ ảnh hưởng đáng kể đối với tăng trưởng toàn cầu. Tính theo sức mua tương đương, Trung Quốc là nền kinh tế quốc gia lớn nhất thế giới và là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu. Các kịch bản minh họa cho thấy mức giảm 3 điểm phần trăm ngoài dự kiến trong tăng trưởng nhu cầu nội địa của Trung Quốc trong 1 năm có thể trực tiếp làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu 0,6 điểm phần trăm và có khả năng giảm hơn 1 điểm phần trăm trong trường hợp các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đáng kể. Các quốc gia có liên kết thương mại chặt chẽ với Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu nhu cầu của Trung Quốc suy giảm.

Điểm tích cực

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2024 cũng có nhiều yếu tố tích cực đối với kinh tế thế giới như nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu cho đến nay vẫn tỏ ra tương đối kiên cường trước việc thắt chặt chính sách tiền tệ và lạm phát có thể quay trở lại mục tiêu mà không có sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt hoặc tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Việc tiếp tục xu thế đó sẽ mang lại mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến vào năm 2024 trong khi lạm phát giảm bớt. Tăng trưởng cũng sẽ mạnh hơn nếu các hộ gia đình sẵn sàng chi tiêu số tiền tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch...

Tăng trưởng thấp hơn 2023?

Với những điều kiện bất định kể trên, nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023. Tại Báo cáo Triển vọng kinh tế tháng 11-2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho rằng, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống 2,7% vào năm 2024, từ mức 2,9% trong năm 2023, nhưng kết quả tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh.

Sự khác biệt ngày càng tăng giữa các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian tới, với tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế thị trường mới nổi nhìn chung ổn định hơn so với các nền kinh tế tiên tiến và tốc độ tăng trưởng ở châu Âu tương đối thấp so với tốc độ tăng trưởng ở Bắc Mỹ và các nền kinh tế lớn ở châu Á. Lạm phát giá tiêu dùng hằng năm ở các nền kinh tế G-20 được dự đoán sẽ tiếp tục giảm dần khi áp lực chi phí vừa phải, giảm xuống 5,8% vào năm 2024, từ mức 6,2% vào năm 2023.

Tại Mỹ, theo dự báo của OECD, tăng trưởng nhu cầu trong nước dự kiến sẽ ở mức vừa phải cho đến giữa năm 2024 do các điều kiện tài chính và tiền tệ thắt chặt hơn, tốc độ tăng trưởng việc làm chậm hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ. Chính sách tiền tệ dự kiến sẽ nới lỏng từ nửa cuối năm 2024 do lạm phát tiếp tục giảm, dự kiến sẽ giúp tăng nhu cầu trong nước. Tăng trưởng GDP thực tế được dự báo sẽ chậm lại vào năm 2024 và ở mức 1,5%.

Tại châu Âu, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, vốn bị ảnh hưởng tương đối nặng nề bởi cú sốc giá năng lượng năm 2022 và chiến tranh ở Ukraina, dự kiến sẽ vẫn yếu nhưng sẽ cải thiện dần khi lạm phát giảm, việc nới lỏng chính sách tiền tệ được thực hiện và thu nhập phục hồi. Tăng trưởng GDP hằng năm ở khu vực eurozone được dự đoán sẽ tăng từ 0,6% vào năm 2023 lên 0,9% vào năm 2024. Nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ tăng trưởng 0,6% vào năm 2024, sau khi giảm nhẹ vào năm 2023. Tại Anh, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chậm lại, với áp lực tài chính cao hơn đè nặng lên thu nhập khả dụng của hộ gia đình, nhưng sẽ cải thiện từ 0,5% vào năm 2023 lên 0,7% vào năm 2024. Thị trường lao động thắt chặt sẽ góp phần khiến lạm phát tồn tại dai dẳng ở nhiều quốc gia, nhưng do áp lực giảm bớt, lạm phát dự kiến sẽ quay trở lại mục tiêu ở khu vực eurozone và các nước trên thế giới.

Công ty S&P Global Market Intelligence dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ ở mức 2,3%. Công ty Fitch Ratings cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 chỉ ở mức 2,1%.

Tại châu Á, các nền kinh tế tiên tiến ở châu Á được dự đoán sẽ có lộ trình tăng trưởng hơi khác nhau trong năm 2024, phần nào do chính sách khác nhau. Tại Nhật Bản, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm xuống 1% vào năm 2024 từ mức 1,7% của năm 2023 do đóng góp tích cực từ xuất khẩu ròng giảm dần và các chính sách kinh tế vĩ mô bắt đầu được thắt chặt; tăng trưởng tiền lương được dự đoán sẽ tăng dần, với lạm phát ổn định ở mức 2% vào năm 2024. Tăng trưởng GDP thực tế ở Hàn Quốc dự kiến sẽ từ mức 1,4% vào năm 2023, phục hồi lên mức 2,3% vào năm 2024 khi nhu cầu bán dẫn toàn cầu tăng lên và lãi suất chính sách hạ xuống ở mức thấp.

Tăng trưởng GDP ở Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại ở mức 4,7% vào năm 2024. Tại Ấn Độ, tăng trưởng GDP thực tế được dự đoán là 6,3% trong năm tài chính 2023 - 2024 và 6,1% trong năm tài chính 2024 - 2025.

IV. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI CÔNG NGHỆ

Trí tuệ nhân tạo (AI)

Sau khi ChatGPT ra đời, AI trở thành chủ đề thống trị trong các cuộc trò chuyện về công nghệ năm 2023 trên toàn thế giới. Ngày nay, không có ngành công nghiệp nào mà AI không thể tạo ra sự khác biệt, từ dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe đến du lịch... AI đang nhanh chóng trở thành một phần trong kế hoạch và chiến lược kinh doanh của các tổ chức khi vạch ra kế hoạch phát triển trong tương lai. Theo báo cáo của IDC (tổ chức đầu tư mạo hiểm, quản lý sự kiện, nghiên cứu và truyền thông kỹ thuật số), chi tiêu cho AI chỉ riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng lên 78,4 tỷ USD vào năm 2027. Việc gia tăng chi tiêu cho AI phản ánh sự thay đổi theo hướng tận dụng công nghệ tiên tiến để hình dung lại hoạt động, cải thiện trải nghiệm khách hàng và duy trì lợi thế cạnh tranh trong một thị trường đang thay đổi nhanh chóng.

Anthropic đang được coi là đối thủ cạnh tranh gần nhất với OpenAI. Họ đã tăng cường đầu tư, tìm cách phát triển các hệ thống AI đáng tin cậy, dễ hiểu và có thể điều khiển được. Anthropic mới phát hành Claude, phiên bản chatbot mô hình ngôn ngữ lớn, được cho là mang lại phản hồi tốt hơn ChatGPT của OpenAI. Anthropic cho biết, chatbot này có thể xử lý các cửa sổ ngữ cảnh lớn hơn ChatGPT, có nghĩa là nó có thể lưu giữ nhiều thông tin hơn trong các cuộc trò chuyện dài hơn.

Theo Tập đoàn công nghệ IBM, AI sẽ có mức tăng trưởng theo cấp số nhân, gấp 3,5 lần vào năm 2025. Trong đó, một lĩnh vực sẽ có sự tăng trưởng lớn vào năm 2024 là AI sáng tạo. Các thử nghiệm về AI sáng tạo sẽ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn và tạo ra những chuyển biến đáng kể.

Cùng với xu hướng phát triển các ứng dụng AI, nhiều chính phủ trên thế giới cũng sẽ quan tâm hơn tới các vấn đề liên quan tới việc quản lý nhằm bảo vệ người dùng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ việc sử dụng AI...

Cuộc đua giữa các nhà sản xuất chip

Năm 2024, các nhà sản xuất chip sẽ làm tất cả những gì có thể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu về chip AI. Trong khi Nvidia đặt ra tiêu chuẩn cho chip AI thì “gã khổng lồ” công nghệ chip AMD cũng đang bảo đảm rằng họ vẫn là người chơi chủ chốt trong ngành. Giám đốc điều hành của AMD tuyên bố, chip MI300X của công ty gần đây là bộ tăng tốc AI tiên tiến nhất trong ngành. AMD kỳ vọng chip MI300 sẽ là sản phẩm nhanh nhất của hãng đạt doanh thu 1 tỷ USD vào giữa năm 2024.

Giống như AMD muốn thách thức Nvidia, Intel cũng hy vọng sẽ trở lại ngành này vào năm 2024. Hãng công nghệ này dự định cho ra mắt Gaudi 3 vào năm 2024 với tư cách là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với 2 công ty dẫn đầu thị trường hiện tại.

Khai thác tiềm năng blockchain

Vào năm 2024, công nghệ blockchain được dự báo sẽ tích hợp nhiều hơn với điện toán đám mây. Nhiều doanh nghiệp nhận ra tiềm năng của blockchain trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động, tính bảo mật và tính minh bạch. Khoản đầu tư gia tăng này được củng cố bởi sự phát triển của nền tảng Blockchain-as-a-Service (BaaS). Các giải pháp dựa trên đám mây này hỗ trợ doanh nghiệp tạo và triển khai các ứng dụng blockchain mà không yêu cầu quản lý cơ sở hạ tầng blockchain phức tạp.

Thông qua việc làm cho công nghệ blockchain dễ tiếp cận hơn với các cá nhân và doanh nghiệp, chắc chắn sẽ có sự thay đổi trong cách các công ty tiếp cận chiến lược kinh doanh và công nghệ trong năm mới.

Thực tế tăng cường: Nâng cao trải nghiệm tương tác

Thực tế tăng cường (AR) đang chuyển đổi cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh nhanh chóng. Bằng cách kết hợp thông tin số hóa vào môi trường vật lý, AR nâng cao nhận thức và mang đến những trải nghiệm mới.

Xu hướng công nghệ 2024 hứa hẹn sẽ đưa AR lên tầm cao mới với sự phát triển trong học máy, thị giác máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Điều này cho phép AR tương tác thời gian thực với môi trường, mở ra tiềm năng mới trong giáo dục, giải trí và thương mại.

Ứng dụng tiềm năng của AR trong giáo dục là rất lớn. Nó có thể biến quá trình học tập thành trải nghiệm tương tác và phong phú. Trong lĩnh vực thương mại, AR có thể thay đổi cách chúng ta mua sắm và đưa ra quyết định mua hàng. Với thông tin sản phẩm và đánh giá được hiển thị trực tiếp trên sản phẩm thực tế, AR mang lại trải nghiệm mua sắm hấp dẫn và thông tin chi tiết hơn.

Tương lai của xe tự lái

Năm 2024, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến sự tiến bộ của xe tự vận hành với công nghệ cảm biến, máy học và kết nối. Điều này sẽ cho phép các phương tiện tự lái điều hướng trong các môi trường phức tạp và tương tác với các phương tiện cũng như cơ sở hạ tầng khác trong thời gian thực, mở đường cho một tương lai nơi việc lái xe không còn là tiêu chuẩn nữa.

Trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành, xe tự lái hứa hẹn cung cấp dịch vụ vận chuyển an toàn, hiệu quả và chi phí hiệu quả, cải thiện tiếp cận và di chuyển cho những người chưa được phục vụ bởi hệ thống giao thông truyền thống. Ngoài các dịch vụ di chuyển, xe tự lái còn có tiềm năng biến đổi ngành công nghiệp hậu cần và giao hàng. Bằng cách tự động hóa việc vận chuyển hàng hóa và bưu kiện, xe tự lái có thể giảm chi phí, tăng hiệu quả và cải thiện trải nghiệm của khách hàng.

Tạo môi trường đô thị bền vững với thành phố thông minh

Năm 2024 có thể được chứng kiến sự phổ biến của các thành phố thông minh. Những tiến bộ trong các lĩnh vực như Internet vạn vật (IoT), mạng 5G và AI sẽ cho phép các thành phố thông minh trở nên kết nối, hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu của người dân tốt hơn.

Một trong những ứng dụng hứa hẹn nhất của thành phố thông minh là trong lĩnh vực quản lý năng lượng. Bằng cách sử dụng phân tích dữ liệu và đồng hồ thông minh, thành phố thông minh có thể giám sát việc sử dụng năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí và những tác động đến môi trường. Ngoài ra, thành phố thông minh còn có thể cải thiện hệ thống giao thông bằng cách cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực, tối ưu hóa các tuyến đường vận chuyển công cộng và hỗ trợ phương tiện tự lái. Điều này có thể giúp giảm tắc nghẽn giao thông, cải thiện chất lượng không khí và tăng cường khả năng di chuyển cho người dân...

V. VIỆT NAM: MỤC TIÊU CAO NHƯNG VẪN KHẢ THI

Nền tảng quan trọng

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta năm 2023 vẫn đạt mức tăng trưởng 5,05%. Dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, nhưng đây là kết quả tích cực, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng ổn định, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả... Đây chính là cơ sở để Quốc hội khóa XV đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%.

Cho rằng chính sách tài chính và tiền tệ trong nước của Việt Nam đã hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cũng khá lạc quan khi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 6,3%. Tương tự, trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) công bố mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ được duy trì ở mức 6%; lạm phát khoảng 4%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng năm 2024 đạt 5,8%...

Khó khăn nhưng vẫn có thể vượt qua

Chia sẻ về mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm 2024, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, đây là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được. Tuy nhiên, trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô. Điều đó cho thấy quyết tâm của cả hệ thống chính trị về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch COVID-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay, các kết quả năm 2023 cơ bản rất tích cực, tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024. Qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế cho thấy cả 3 động lực là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Trong lĩnh vực đầu tư, cả ba mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư tư nhân, cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt. Đặc biệt, thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả rất tích cực do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, nhất là đầu tư trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip bán dẫn, ngành nghề khác phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Về xuất khẩu, Việt Nam đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, thặng dư thương mại ở mức cao. Đối với tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mặc dù đầu tư tư nhân năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn do tác động của các bất cập thị trường trong nước, như thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường này khá tốt. Việc kích thích được đầu tư trong nước sẽ giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội khi thị trường xuất khẩu khởi sắc hơn.

Với những tiền đề, những điểm sáng của nền kinh tế trong những tháng vừa qua cũng như những yếu tố trên, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 dù cao và việc thực hiện sẽ có nhiều thách thức nhưng vẫn có thể đạt được nếu các giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các trụ cột tăng trưởng hiện hữu như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đồng thời kích hoạt, làm mới các động lực tăng trưởng khác./.

Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh - Duy Anh (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ