20/05/2024 | 10:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Xu hướng báo chí: Từ thách thức đến cơ hội

Thanh Vân
Xu hướng báo chí: Từ thách thức đến cơ hội Phần Lan - là nước có tỷ lệ công chúng tin tưởng báo chí nhất, ở mức 69%_Ảnh minh họa
Báo chí thế giới đang ở giai đoạn đầy thách thức và cơ hội. Xu hướng lảng tránh tin tức sẽ là thách thức đối với các cơ quan báo chí theo đuổi lợi ích ích kỷ, nhưng sẽ là cơ hội để các cơ quan báo chí nghiêm túc tư duy lại sứ mệnh, định vị lại vị thế của mình để gắn kết công chúng chặt chẽ hơn. Dù ở thời kỳ phát triển nào, đối mặt với tình hình chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp như thế nào, cơ quan báo chí vì công chúng phục vụ luôn có chỗ đứng của mình.

Thách thức hiện hữu

Năm 2023 là năm khó khăn đối với báo chí thế giới trên nhiều phương diện. Lạm phát gia tăng trong khi tăng trưởng kinh tế suy giảm buộc người dân tiết kiệm những khoản chi được coi là ít thiết yếu hơn như đặt mua báo, đăng ký đọc báo trực tuyến, trong khi các doanh nghiệp cắt giảm ngân sách quảng cáo. Những thách thức từ phía công chúng báo chí không ngừng gia tăng mức độ đa dạng và phức tạp. Công chúng ngày càng phân chia thành các nhóm riêng biệt, rời rạc; sự chú ý của công chúng ngày càng mang tính ngắn hạn, dễ bị gián đoạn; công chúng trẻ ngày càng thờ ơ với tin tức, mất kiên nhẫn với những nội dung chuyên sâu, có dung lượng lớn; niềm tin của công chúng với báo chí tiếp tục đà suy giảm. Báo cáo nghiên cứu Tin tức số năm 2023 của Đại học Oxford (Vương quốc Anh) tại 46 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu cho thấy, chỉ có 40% tổng số người cho biết họ tin tưởng báo chí. Phần Lan là nước có tỷ lệ công chúng tin tưởng báo chí nhất, ở mức 69% trong khi ở Hy Lạp, tỷ lệ này chỉ ở mức 19%. Khi công chúng mất niềm tin vào báo chí, họ không còn tiếp cận thông tin báo chí mà tìm kiếm các nguồn tin thay thế. Các trang tin miễn phí hoặc trang mạng xã hội trở thành nguồn tin thay thế chủ yếu.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, tình trạng lảng tránh tin tức sẽ trở thành xu hướng mạnh mẽ hơn trong năm 2024. Khi xã hội tràn ngập thông tin tiêu cực, giật gân, gây hoang mang, gây phẫn nộ thì một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ, chủ động không tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận thông tin. Đối với họ, tiếp nhận tin tức không chỉ tiêu tốn tiền bạc, lãng phí thời gian mà còn chuốc lấy phiền muộn. Mỹ là một trong những quốc gia có tỷ lệ chủ động lảng tránh tin tức cao nhất thế giới, chiếm hơn 42% số người dân Mỹ. Những nước có tỷ lệ người dân tin tưởng báo chí thấp thường có tỷ lệ người dân lảng tránh tin tức cao.

Tiến sĩ Kristen Eddy - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Vương quốc Anh) - cho rằng, tình trạng lảng tránh tin tức là do công chúng cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi với chương trình nghị sự lặp đi lặp lại của báo chí; cảm thấy tin tức có tác động tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần của họ. Khi kinh tế lạm phát, đời sống khó khăn, công chúng không muốn tiếp nhận thêm những thông tin u ám, tiêu cực từ báo chí. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, tình trạng quá tải thông tin và sự phổ biến của thông tin mọi lúc, mọi nơi nhờ thiết bị và dữ liệu di động đã khiến công chúng bị bội thực thông tin và không còn trân trọng cơ hội tiếp cận thông tin nữa.

Carolyn Cohen - một giáo viên nghỉ hưu ở Mỹ - là trường hợp điển hình về tình trạng lảng tránh tin tức. Bà chia sẻ: “tôi có thể lướt qua các dòng tít nhưng tôi không chịu nổi sự căng thẳng khi đọc trang nhất. Tôi thấy các tin tức gây ra cảm giác mệt mỏi, nó ảnh hưởng trực tiếp đến mình. Tôi không biết thế giới liệu có tồi tệ hơn trước đây hay không, nhưng tiếp nhận những thông tin ấy cũng giống như đón nhận một sự đe dọa đối với bản thân”. Bà chỉ ra những chủ đề gây ra tâm trạng bất lực như kiểm soát súng, biến đổi khí hậu... Những công chúng như Carolyn Cohen sẵn sàng tắt tivi hoặc bỏ tờ báo xuống để đi dạo một vòng quanh công viên.

Lảng tránh tin tức được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Các nghiên cứu về chủ đề này cũng gia tăng đáng kể trong 5 năm qua trong lĩnh vực báo chí và truyền thông chính trị. Nic Newman, Đại học Oxford cho rằng, đại dịch COVID-19 cũng là nguyên nhân chính khiến công chúng từ bỏ tin tức. Tình trạng lảng tránh tin tức có thể có mục tiêu rõ ràng hoặc không rõ ràng, mang tính hệ thống hoặc tính tạm thời, phụ thuộc vào từng nhóm công chúng cụ thể. Tình trạng lảng tránh tin tức sẽ tồi tệ hơn nếu nó chuyển sang trạng thái phản kháng tin tức. Trong bối cảnh đó, nguyên tắc công chúng là trung tâm và báo chí giải pháp sẽ là liệu pháp cần thiết và hữu hiệu.

Sức ép hữu ích

Nghiên cứu của Đại học Oxford năm 2023 chỉ ra 2 nhóm công chúng chủ động lảng tránh tin tức: nhóm thường xuyên lảng tránh tất cả các loại tin tức và nhóm hạn chế tiếp nhận một số loại thông tin trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, cả 2 nhóm này đều bày tỏ mối quan tâm đối với báo chí tích cực, hay báo chí giải pháp, trong khi không quan tâm đến những câu chuyện thời sự “nóng” trong ngày. Báo chí tích cực là báo chí ít gây ra phiền não trong khi mang lại giải pháp, hy vọng cho công chúng. Một người dân Đức tham gia nghiên cứu của Đại học Oxford cho biết: “tôi muốn giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Như thế, tâm trạng của tôi sẽ tốt hơn, bớt lo lắng hơn”.

Đôi khi thực trạng có thể không như mong muốn, nhưng có giải pháp là một niềm an ủi. Do áp lực của chu kỳ và tốc độ thông tin, các nhà báo thường phản ánh nhiều hơn phân tích, lý giải; phê phán nhiều hơn nhận định công bằng; tập trung vào nguyên nhân hơn là giải pháp. Thói quen tìm kiếm sự thật, truy tìm vấn đề, thậm chí “bới lông tìm vết” có thể khiến nhà báo hình thành lăng kính tiêu cực một cách vô thức. Do đó, việc cạnh tranh tốc độ thông tin, việc tranh giành sự chú ý của công chúng bằng những câu chuyện giật gân cần được xem xét lại, không nên coi là ưu tiên số một của cơ quan báo chí và nhà báo. Công chúng cần là ưu tiên số một.

Tania L. Montalvo - cán bộ quản lý chương trình tại Viện Nghiên cứu báo chí Reuters - kỳ vọng, năm 2024 nên là một năm công chúng cảm thấy rằng, báo chí lắng nghe và đồng cảm với sự mệt mỏi, lo lắng của họ. Báo chí nên cung cấp những thông tin tích cực, hoặc nhìn nhận bức tranh ảm đạm với lăng kính tích cực, hay đem lại hy vọng, sự lạc quan. Tình hình thế giới càng diễn biến phức tạp, khó lường, báo chí càng cần có một chương trình nghị sự vững vàng, xây dựng niềm tin cho công chúng. Bà Montalvo cho rằng: “trong năm 2024, báo chí nên cung cấp cho công chúng thông tin về những giải pháp, nỗ lực của cộng đồng và những câu chuyện truyền cảm hứng. Trong bối cảnh hỗn loạn, cơ quan báo chí cần có quyết tâm và cam kết phục vụ công chúng”.

Báo chí giải pháp chính là báo chí lấy công chúng làm trung tâm, coi công chúng là ưu tiên số một. Báo chí giải pháp nhấn mạnh trách nhiệm xã hội và vai trò của báo chí trong việc xây dựng hệ sinh thái thông tin lành mạnh, có lợi cho đời sống tinh thần của công chúng. Các nhà nghiên cứu báo chí cho rằng, đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, lạm phát chính là cơ hội để báo chí định vị lại sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình, làm mới vai trò của mình nhằm cung cấp thông tin và năng lượng tích cực cho xã hội. Báo chí không đơn thuần thực hiện chức năng thông tin, mà còn cung cấp giải pháp tâm lý - xã hội mà trong một số trường hợp được gọi là chức năng an dân.

Michel Foucault - nhà triết học người Pháp - nhận định, báo chí có quyền lực kiến tạo bởi thông tin chính là quyền lực. Nếu biết sử dụng đúng đắn quyền lực này, báo chí kiến tạo xã hội nhân văn, vì tiến bộ xã hội, vì con người. Báo chí tích cực hay báo chí giải pháp sẽ gắn kết được công chúng trong một nỗ lực chung, trong một cộng đồng bao trùm. Khi báo chí thể hiện sự đồng cảm với công chúng, tìm kiếm giải pháp cho những mối quan tâm của công chúng, báo chí sẽ nhận được sự chú ý, ủng hộ của công chúng. Công chúng sẽ tham gia vào các diễn đàn và không gian xã hội.

Năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với các cơ quan báo chí, nhưng sức ép ấy là hữu ích để các cơ quan báo chí chân chính phục vụ công chúng tốt hơn. Sức ép ấy cũng là cần thiết để các cơ quan báo chí thiên kiến, lệch lạc mất đi vị thế, chỗ đứng nếu họ không chịu quay đầu, không chịu tuân theo quy luật công chúng là trung tâm, công chúng là số một. Công chúng sẵn sàng xa lánh những cơ quan báo chí chỉ biết tìm kiếm lợi ích cho chính mình bao nhiêu thì cũng sẵn sàng gắn kết, ủng hộ cơ quan báo chí biết lấy lợi ích của công chúng và xã hội làm sứ mệnh của mình bấy nhiêu./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện