Người Nga chọn tiền như thế nào để tiết kiệm?
Hùng Nguyễn(từ Moscow)
Theo khảo sát của website Banki.ru, 54% số người Nga tin tưởng ngoại tệ như một công cụ tiết kiệm tiền và 33% tiết kiệm bằng ngoại tệ. Kể từ đầu năm 2023, lãi suất tiền gửi ngoại tệ ngày càng tăng. Dòng vốn của người Nga chảy ra tiền gửi ở ngân hàng nước ngoài chậm lại, tỷ trọng tài sản ngoại tệ trong tiết kiệm của người dân Nga bắt đầu tăng trở lại, đặc biệt có thể thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu tháng 10. Hơn nữa, không chỉ đồng USD và euro thông thường, cả đồng nhân dân tệ cũng được quan tâm.
Điều này xảy ra trong bối cảnh đồng rub suy yếu mạnh. Năm 2023, tỷ giá đồng USD so với đồng rub tăng 37,37%, tỷ giá đồng euro tăng 40,09%. Vào tháng 8-2023, đồng USD đã vượt mốc tâm lý 100 rub và đồng euro đạt mức tối đa trong năm là 108,7 rub.
Người Nga cần lưu ý gì khi mua ngoại tệ?
Mục đích chính của việc tạo ra tài sản ngoại tệ là để bảo vệ tiền tiết kiệm khỏi lạm phát. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát hằng năm ở Nga là 7,5%, vượt quá mức giới hạn trên trong dự báo của Ngân hàng Trung ương cho năm 2023.
Khi chọn ngoại tệ, điều quan trọng là phải chú ý đến tỷ lệ lạm phát trong nước, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái của đồng tiền đó. Ở các nước đang phát triển, lạm phát cao hơn đáng kể so với các nước phát triển, do đó, đồng tiền của các nước đang phát triển chủ yếu mang lợi ích thực dụng để tính toán ở các quốc gia này chứ không phải như một phương tiện để tiết kiệm.
Theo truyền thống, các loại tiền tệ phổ biến nhất để tiết kiệm là USD và euro. Điều này là do lạm phát thấp hơn và độ tin cậy của nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 2022, nhiều quốc gia đã chứng kiến lạm phát hằng năm tăng mạnh: lên tới 6,5% ở Mỹ và 10,4% ở Liên minh châu Âu, trong khi lạm phát ở Nga là 11,94%. Tỷ lệ lạm phát đã giảm vào năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức của năm 2021.
Một yếu tố quan trọng khác là tính thanh khoản. Tức là khả năng chuyển đổi một cách dễ dàng và nhanh chóng đồng tiền này sang đồng tiền khác. Ở đây cũng vậy, cho đến gần đây, USD và euro vẫn dẫn đầu, nhưng vào năm 2022, chúng không còn được tự do chuyển đổi trên thị trường Nga.
Điều quan trọng là không chỉ chọn loại tiền tệ mà còn cả hình thức tiết kiệm. Vì vậy, khi lựa chọn tiền gửi cần chú ý đến lãi suất. Ở mức lãi suất thấp, việc lưu trữ ngoại tệ bằng tiền mặt sẽ có lợi hơn vì điều này làm giảm nguy cơ “đóng băng” tài khoản. Một lựa chọn khác có thể tính đến là mua trái phiếu ngoại tệ. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn việc mua ngoại tệ.
Người Nga có cần USD và euro không?
Hiện nay, USD và euro vẫn là những ngoại tệ phổ biến nhất của người Nga để cất giữ tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, theo lý thuyết của Ray Dalio - người sáng lập Quỹ Hedge Fund Bridgewater Associates - sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu đang suy yếu. Điều này là do nợ công cao, mỗi năm một tăng. Khả năng vỡ nợ của nền kinh tế Mỹ đang gia tăng và trong bối cảnh quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, ngày càng có ít giao dịch tiền tệ toàn cầu được thực hiện bằng USD.
Việc Nga xếp Liên minh châu Âu và Mỹ là “các quốc gia không thân thiện” khiến tiền gửi bằng các loại tiền tệ này ít sinh lời hơn. Đồng thời, cất giữ USD và euro bằng tiền mặt sẽ tiếp tục là một trong những loại hình tiết kiệm dễ tiếp cận nhất đối với người dân Nga, sau khi vào ngày 7-9-2023, Ngân hàng Trung ương Nga cho phép các ngân hàng bán tiền mặt (USD và euro) không hạn chế cho người dân.
Tiết kiệm bằng nhân dân tệ
Theo thống kê của Ngân hàng Trung ương Nga, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại hối đã tăng lên 44%. Việc Nga phân chia các quốc gia thành thân thiện và không thân thiện đã thúc đẩy điều này. Sử dụng đồng nhân dân tệ - đồng tiền của nước Trung Quốc thân thiện - có nghĩa là sẽ không bị đe dọa “đóng băng” tài khoản bằng đồng tiền này và các hạn chế khác, ngoài ra, đồng nhân dân tệ có tính thanh khoản cao.
Năm 2022, Bộ Tài chính đã phê duyệt cơ cấu mới của Quỹ Phúc lợi quốc gia. Giờ đây, sau khi loại trừ đồng euro, yên và bảng Anh khỏi thành phần các loại tiền tệ của Quỹ Phúc lợi quốc gia, có tới 60% số tiền trong Quỹ là nhân dân tệ và tới 40% là vàng.
Giữ đồng rub không phải là một ý tưởng hay Theo khảo sát của Trung tâm khảo sát xã hội toàn Nga (VTsIOM), gần 70% số người Nga hiện giữ tiền tiết kiệm bằng đồng rub. Nhưng trong năm qua, mức độ tin tưởng vào đồng rub đã giảm sút. Điều này là do đồng rub yếu đi 40% so với đồng USD kể từ đầu năm 2023. Trong 2 năm tới, dự báo tỷ lệ lạm phát ở Nga dự kiến sẽ giảm, nhưng hầu hết các nhà phân tích đều hoài nghi về khả năng Ngân hàng Trung ương có thể đạt được mục tiêu lạm phát 4% vào năm 2024. Vào tháng 9-2023, Ngân hàng Nga đã nâng lãi suất cơ bản lên 13% mỗi năm. Hiện nay, lãi suất trung bình đối với tiền gửi bằng đồng rub là 10,5%, có thể bù đắp lạm phát 7,5%. Tuy nhiên, do tình hình địa - chính trị thay đổi nhanh chóng, việc lưu giữ toàn bộ tiền tiết kiệm bằng đồng rub có rủi ro cao. |
Nhân dân tệ được coi là một loại tiền tệ ổn định. Kể từ năm 2010, biến động tỷ giá hối đoái của đồng tiền này đã tương đương với biến động của các loại tiền tệ như đồng euro, bảng Anh hoặc đồng yên. Tuy nhiên, xu hướng trong năm qua cho thấy sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Vào tháng 8-2023, đồng nhân dân tệ giao dịch ở mức 7,3 USD/1 USD - mức thấp nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm là tốc độ phục hồi kinh tế ở Trung Quốc chậm lại so với dự báo.
Các ngân hàng đầu tư trên khắp thế giới đã đưa ra quan ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5%. Do đó, vào giữa tháng 8-2023, JPMorgan Chase đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 xuống 4,8% so với đầu tháng 5 dự đoán là 6,4%. Bloomberg viết: “nếu dự báo trở thành sự thật, Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng kinh tế chậm lại xuống dưới 5% trong 3 năm liên tiếp - tốc độ chậm nhất kể từ năm 1976, khi Mao Trạch Đông qua đời”.
Tuy nhiên, theo nhà kinh tế trưởng của ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, quá trình quốc tế hóa đồng tiền Trung Quốc đã có bước nhảy vọt trong năm 2023. Tỷ trọng thanh toán toàn cầu của đồng nhân dân tệ đã tăng đáng kể, từ 1,9% trong tháng 1 lên 3,6% trong tháng 10, mặc dù tỷ trọng này vẫn còn cực kỳ thấp so với đồng USD (47,25%) và euro (23,36%).
Thống kê của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cho thấy, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ đứng thứ 5 trên thế giới về khối lượng giao dịch. Theo tính toán của Reuters, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên 48,4%. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc lưu ý rằng trong nửa đầu năm 2023, tổng số tiền thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ tăng 20% tính theo năm, chiếm 57% tổng số thanh toán.
Và trong thương mại hàng hóa, tỷ trọng bằng đồng nhân dân tệ tăng 6,7% trong cùng kỳ so với năm 2022 và chiếm 23% tổng thanh toán trong 6 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất trong những năm gần đây. Điều này xảy ra phần lớn là do sự mở rộng thương mại bằng tiền tệ quốc gia với Nga.
Do đó, xu hướng củng cố vị thế của đồng nhân dân tệ trong thương mại quốc tế có thể thấy rõ và rất có thể sẽ tiếp tục mạnh lên vào năm 2024, điều này có thể dẫn đến sự mạnh lên của đồng tiền Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng tỷ giá đồng nhân dân tệ hoàn toàn được kiểm soát bởi Ngân hàng Quốc gia Trung Quốc, ngân hàng này có thể thao túng nó vì mục đích kinh tế của nhà nước. Mua nhân dân tệ trước hết cần được xem như một khoản đầu tư dài hạn vì trong ngắn hạn, biến động tỷ giá có thể xảy ra. Đồng thời, xu hướng tăng cường quan hệ thương mại với nhiều nước và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể dẫn đến thực tế là trong tương lai dài hạn, đồng nhân dân tệ có thể thay thế đồng USD trên trường quốc tế./.