21/11/2024 | 23:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Triển vọng xung đột Nga - Ukraina: Giằng co trong cuộc chiến tiêu hao

Tường Linh
Triển vọng xung đột Nga - Ukraina: Giằng co trong cuộc chiến tiêu hao Một tòa chung cư bị phá hủy trong xung đột Nga - Ukraina tại Izyum thuộc vùng Kharkiv, Ukraina_Ảnh: AFP
Cuộc xung đột Nga - Ukraina sắp bước sang năm thứ ba và vẫn trong thế giằng co, thử sức chịu đựng của cả hai bên. Dù cục diện trên chiến trường đang có dấu hiệu đổi chiều, nhưng giải pháp thì vẫn trong tình trạng bế tắc.

Nga giành thế chủ động, Ukraina co về phòng thủ

Sau nỗ lực phản công với mục tiêu trong vòng 60 - 90 ngày tiến tới bán đảo Crimea không mang lại bất kỳ thay đổi lớn trên thực địa trong khi phải chịu tổn thất nặng nề về người và phương tiện, Ukraina buộc phải chuyển từ công sang thủ, từ chủ động sang bị động. Dù không muốn nhưng cuối cùng Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng phải thừa nhận rằng, trên thực tế Ukraina đã bước vào giai đoạn mới của cuộc xung đột - giai đoạn phòng thủ với hy vọng thời gian sẽ mang lại những thay đổi thuận lợi cho Ukraina.

Trên chiến tuyến, những chiếc xe tăng Leopard hiện đại mà phương Tây quảng cáo sẽ giúp Ukraina tạo bước ngoặt trong chiến dịch phản công nay quay sang làm nhiệm vụ phòng thủ, trở thành những cỗ pháo tầm xa hơn là phương tiện đột phá qua “Phòng tuyến Surovikin” của Nga. Thay cho tâm lý lạc quan khi phát động phản công, mục tiêu của Ukraina khi bước vào năm 2024 là gấp rút dựng lên “Tuyến phòng thủ Zelensky” dài hơn 1.000km dọc chiến tuyến với Nga nhằm giúp các binh lính Ukraina có thể sống sót qua các cuộc tấn công mùa Đông của Nga.

Trước viễn cảnh năm 2024 còn “khó khăn hơn cả năm 2023 và 2022 cộng lại”, Ukraina đang phải tính đến một cuộc tổng động viên mới nhằm huy động thêm 450.000 - 500.000 quân. Bên trong nghị trường, các nhà lập pháp đang gấp rút nghiên cứu để thông qua một dự luật vào tháng 1-2024, cho phép gọi nhập ngũ cả những người Ukraina đang sống ở nước ngoài. Ông Mikhail Podoliak, Cố vấn cấp cao của ông Zelensky cảnh báo tất cả nam giới nước này nên quay về quê hương để chiến đấu nếu không sẽ bị phạt.

Trong khi chi phí của Ukraina như cái thùng không đáy, thì dòng viện trợ từ Mỹ và phương Tây lại đang chảy chậm lại. Gói viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 61,4 tỷ USD cho Ukraina đã không vượt qua được “cửa ải” tại Thượng nghị viện Mỹ. Khoản viện trợ trị giá 55 tỷ USD mà Liên minh châu Âu (EU) hứa với Ukraina thì bị Thủ tướng Hungary Viktor Orban chặn lại. Năm 2024 lại là năm bầu cử ở Mỹ và Nghị viện châu Âu. Kết quả các cuộc bầu cử này, đặc biệt là ở Mỹ, sẽ tác động lớn đến tương lai của viện trợ bổ sung cho Ukraina. Từng nhiệt tình ủng hộ Ukraina cả về vật chất và tinh thần, phương Tây bắt đầu tỏ ra mệt mỏi trước các đòi hỏi của Kiev về vũ khí và tài chính. Các cơ quan tình báo phương Tây bắt đầu tính toán xem Ukraina có thể cầm cự được bao lâu nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ và NATO. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ ước tính xung đột sẽ còn trải qua nhiều tháng, với kịch bản xấu nhất là sẽ có một bước thụt lùi đáng kể, hoặc thậm chí là thất bại vào mùa Hè 2024.

Trong khi đó, 40.000 quân Nga đang dồn sức siết chặt vòng vây quanh thành phố Avdiivka, nơi được coi là tâm điểm của cuộc xung đột Nga - Ukraina suốt từ tháng 10-2023 đến nay. Nếu như Avdiivka sụp đổ, đây có thể là thất bại nặng nề nhất của Ukraina kể từ khi để mất thành trì Bakhmut vào tay Nga hồi tháng 5-2023. Nó có thể dẫn đến sự sụp đổ của tuyến phòng thủ phía Đông của Ukraina. Tuy nhiên, tạo cú đột phá xoay chuyển tình hình cũng không phải là điều dễ dàng với Nga. Với sự trợ giúp của các loạt vũ khí hiện đại do phương Tây cung cấp như hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS), tên lửa tầm xa Storm Shadow và bây giờ là máy bay F-16, Ukraina đang tìm cách tấn công các nhà máy sản xuất vũ khí, kho vũ khí và các tuyến hậu cận nhằm tiêu hao tiềm lực của Nga. Mùa đông lại thường có lợi cho bên phòng thủ hơn là bên tấn công, đặc biệt là ở khu vực Đông Âu như Ukraina. Nhiều khả năng Nga cũng sẽ phải áp dụng chiến thuật tấn công tầm xa với sự trợ giúp của tên lửa và máy bay không người lái, chờ tới mùa xuân khi thời tiết thuận lợi để mở các chiến dịch tiến công quy mô lớn hơn.

Khe cửa hẹp cho đàm phán hòa bình

Trong thế giằng co trên chiến tuyến, xuất hiện những đồn đoán về khả năng tái khởi động các cuộc đàm phán hòa bình. Thực tế thì ngay lãnh đạo một số nước châu Âu cũng đã đề cập đến khả năng này. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: “mặc dù nghĩa vụ của Pháp là hỗ trợ Kiev nhưng có lẽ đã đến lúc phải có một số cuộc đàm phán công bằng và tốt đẹp” với Nga. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cũng thừa nhận: “EU đang rất mệt mỏi về cuộc xung đột. Chúng ta đang ở gần thời điểm mà mọi người đều hiểu rằng cần phải có một lối thoát”. Lãnh đạo các nước Bulgaria, Hungary và gần đây là Slovakia thì cho rằng việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ không giúp giải quyết xung đột Nga - Ukraina, thay vào đó nên thúc đẩy giải pháp ngoại giao.

Tuy nhiên, triển vọng tái hiện các cuộc tiếp xúc giữa Nga với Ukraina sẽ khó có thể diễn ra sớm trong thời gian trước mắt bởi sự đối đầu trong quan điểm giữa hai bên. Tổng thống Ukraina Zelensky từng nhiều lần khẳng định Kiev sẽ không ngồi xuống đàm phán và đưa ra nhượng bộ với Nga. Để khẳng định quyết tâm, tháng 10-2022, ông Zelensky đã ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, phía Nga tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ phải tính đến “lợi ích hợp pháp của Moscow”, bao hàm cả vấn đề Ukraina gia nhập NATO. Trong cuộc giao lưu trực tuyến với người dân ngày 14-12, ông V. Putin vẫn nhắc lại mục tiêu của Moscow trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” là “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và bảo đảm tình trạng trung lập của Ukraina”, điều mà Kiev kiên quyết bác bỏ.

Nếu như chưa thể đàm phán hòa bình thì liệu 2 bên xung đột có thể thỏa hiệp bằng một thỏa thuận ngừng bắn hay không trong năm 2024? Đây không phải là một giả thuyết bởi không ít lời đồn đoán, thậm chí là những cuộc vận động ngầm sau chính trường, về giải pháp này. Tờ Politico của Mỹ trích dẫn nhận định của nhà quan sát Jack Blanchard rằng, do cuộc phản công của Ukraina không thành công như kỳ vọng, giới ngoại giao Anh đang “gia tăng sức ép để Kiev ngồi xuống đàm phán”. Tờ Bild của Đức thì cho rằng Mỹ và Đức đang hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraina để gây sức ép buộc Tổng thống Zelensky đàm phán với Nga mà không trực tiếp yêu cầu nhà lãnh đạo Ukraina làm vậy. Ông Aleksey Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia Ukraina cũng từng cho biết: “Ukraina lo ngại trước thực tế ngày càng gia tăng các cuộc thảo luận giữa các nước đối tác liên quan đến việc cần đàm phán với Nga”. Về phía Nga, tờ New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã ra tín hiệu “phía sau hậu trường” rằng Nga sẵn sàng ngừng bắn dọc theo chiến tuyến hiện tại. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn mà ông V. Putin mong muốn đồng nghĩa với việc Nga sẽ giữ lại các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát ở Ukraina.

Chưa biết khả năng hòa đàm giữa Nga và Ukraina sẽ diễn biến thế nào nhưng trước mắt, Nga đã quyết định nâng ngân sách quốc phòng năm 2024 lên hơn 111 tỷ USD, chiếm khoảng 6% GDP Nga và tăng 68% so với chi tiêu quân sự năm 2023, để chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài ở Ukraina”. Tờ Bild dẫn các nguồn tin tình báo cho biết Nga còn xây dựng một kế hoạch tác chiến trung hạn mới, nhằm mở rộng chiến dịch quân sự ở Ukraina thêm 36 tháng với mục tiêu kiểm soát các tỉnh Donetsk và Luhansk cũng như một phần tỉnh Kharkov, kéo dài đến sông Oskil. Còn Tổng thống Ukraina thì tiết lộ trong năm 2024, Ukraina có kế hoạch sản xuất 1 triệu máy bay không người lái, loại vũ khí ngày càng có vai trò quan trọng trên chiến trường, để phá hủy các khí tài quân sự đắt tiền của Nga. Theo tờ New York Times, mục tiêu của Ukraina là tạo ra mối đe dọa đủ lớn để Nga phải cân nhắc ngồi vào bàn đàm phán vào cuối năm 2024 hoặc vào năm 2025”. Cuộc chiến tiêu hao còn tiếp diễn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện