Triển vọng kinh tế thế giới ra sao?
Phạm Thị Thanh BìnhPGS, TS, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Năm 2023 nhiều sóng gió, khó khăn
Năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều sóng gió và khó khăn khi phải đối mặt với một loạt thách thức: tàn dư của đại dịch COVID-19 cùng những hệ lụy không mong muốn của các cuộc xung đột (cuộc chiến Nga - Ukraina; xung đột Israsel - Hamas). Những“cơn gió nghịch” này đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007 - 2008. Mức tăng trưởng chung của kinh tế thế giới chỉ đạt 2,5 - 3% GDP, thấp hơn mức dự báo 3,3 - 3,5% GDP của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ đạt mức tăng trưởng 0,7% GDP, còn các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi có mức tăng trưởng là 4% GDP.
Tỷ trọng thương mại thế giới cũng sụt giảm khoảng 5% so với năm 2022[1], do nhu cầu tiêu dùng và sản xuất giảm. Kinh tế thế giới tiếp tục chật vật với cuộc chiến chống lạm phát. Giá năng lượng tăng cao cộng với nguồn cung giảm đã đẩy lạm phát lõi[2] tăng lên ở nhiều quốc gia. Theo tờ Finance Times (Anh), giá dầu đã tăng khoảng 25% do việc cắt giảm nguồn cung kéo dài từ các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+).
Mỹ là một trong những điểm sáng của kinh tế thế giới năm 2023. Nền kinh tế Mỹ mặc dù có thời điểm đứng bên bờ vực suy thoái khi các siêu ngân hàng sụp đổ[3]. Tuy nhiên, Mỹ đã thể hiện sức mạnh cao hơn kỳ vọng. Không chỉ thoát khỏi vòng xoáy suy thoái, kinh tế Mỹ còn trở lại tăng trưởng ổn định. Chi tiêu cho tiêu dùng tăng mạnh, đầu tư ổn định cùng sự hỗ trợ hiệu quả của thị trường việc làm vững chắc khiến tỷ lệ thất nghiệp thấp ở mức kỷ lục (3,9%). Xu hướng gia tăng tiêu dùng là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trong năm 2023.
Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,4% GDP (cao hơn so với mức dự báo trước đó là 5% GDP), nhờ vào duy trì sự ổn định kinh tế thông qua phối hợp chính sách “mục tiêu kép” kiểm soát đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trung Quốc đưa ra những gói kích cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc còn công bố phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu (tương đương 137 tỷ USD) cho các chính quyền địa phương nhằm ổn định giá tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư toàn cầu. Tiêu dùng của người dân được coi là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Trung Quốc năm 2023. Doanh số bán lẻ đã tăng 10,1%, phần lớn do nhu cầu về dịch vụ thực phẩm và hàng hóa tăng.
Nền kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép từ nhiều vấn đề nội tại, như tình trạng thất nghiệp và thị trường bất động sản tăng trưởng thiếu ổn định. Thị trường bất động sản Trung Quốc đã rơi vào trạng thái khủng hoảng sau khi Chính phủ siết chặt chính sách tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản. Sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc nhiều khả năng sẽ kéo dài và tiềm ẩn những thách thức khó lường cho kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. Suy thoái trong lĩnh vực bất động sản cùng với khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương (lên tới 12,6 nghìn tỷ USD năm 2022) có thể triệt tiêu phần lớn tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các thách thức khác liên quan tới tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ trẻ sơ sinh giảm (giảm 10%, xuống còn 9 triệu trẻ sơ sinh năm 2023) cũng tác động không nhỏ đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn.
Châu Âu, cụ thể là Liên minh châu Âu (EU) mất đà tăng trưởng kinh tế do chi phí sinh hoạt tăng cao, nhu cầu bên ngoài suy yếu và chính sách thắt chặt tiền tệ. Ở cả EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,6% GDP. Đây là hậu quả của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan xung đột Nga - Ukraina khiến người dân châu Âu phải gồng mình chịu đựng. Kết quả dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế trì trệ cùng lạm phát tăng cao kỷ lục. Trước nguy cơ sụp đổ nền kinh tế do lạm phát, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải tung ra biện pháp gia tăng lãi suất để kiểm soát dòng tiền.
Việc kiểm soát dòng tiền thông qua tăng lãi suất ngân hàng cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn, cũng như mở rộng sản xuất. Người dân eurozone không dám đi vay để mua sắm và trang trải, ảnh hưởng đến mọi hoạt động kinh tế toàn khối EU. Nhu cầu giảm dẫn đến nguồn cung giảm, khó khăn thêm chồng chất. Lạm phát chưa được giải quyết triệt để, tình hình kinh tế bất ổn cùng những căng thẳng địa - chính trị là những yếu tố khiến nền kinh tế khu vực châu Âu liên tục gặp thách thức trong năm 2023.
Việc Mỹ - đối tác chính của EU - áp dụng chính sách gia tăng lãi suất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu của khu vực eurozone. Trung Quốc - đối tác hàng đầu của khối EU-27 - vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, càng khiến nền kinh tế châu Âu thêm ảm đạm. Số lượng du khách đến châu Âu sụt giảm đáng kể trong năm 2023 khiến một số nước EU - có nguồn thu nhập lớn đến từ các dịch vụ như Pháp, Italia hay Tây Ban Nha - đều chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đạt mức tăng trưởng khoảng 4% GDP. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động, Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng 5,05% GDP - được xem là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua thách thức.
Năm 2024 tiếp tục ảm đạm?
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục có xu hướng chậm lại. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục giảm xuống 2,9% - mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều thập niên.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% (năm 2022) xuống còn 5,9% (năm 2023) và dự kiến tiếp tục xuống còn khoảng 4,8% (năm 2024). Tỷ lệ lạm phát lõi dự kiến giảm xuống 4,5%. Thị trường lao động khởi sắc, chi tiêu toàn cầu bắt đầu tăng sau giai đoạn trì trệ hậu đại dịch COVID-19. Tỷ lệ thất nghiệp tại phần lớn các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều ở mức thấp hơn khoảng 0,5 điểm phần trăm so với mức trước đại dịch COVID-19. Đây là những tín hiệu lạc quan cho nền kinh tế thế giới năm 2024.
Năm 2024, Mỹ bước vào giai đoạn chạy đua tranh cử tổng thống. Do vậy, Mỹ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng song ở mức thấp và dự báo sẽ tăng cao hơn trong năm 2025. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể giảm xuống 4,6% GDP (năm 2024) do lĩnh vực bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và nhu cầu bên ngoài sụt giảm. Sự kết hợp giữa suy giảm trong lĩnh vực bất động sản và khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương có thể xóa đi phần lớn tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm dần xuống còn khoảng 3,5% GDP (năm 2028) trong bối cảnh năng suất giảm và dân số già hóa ngày càng gia tăng.
Triển vọng về sự ổn định tài chính của khu vực EU vẫn rất mong manh, mặc dù tỷ lệ lạm phát đã giảm. Năm 2024, mức tăng trưởng kinh tế của EU dự báo sẽ cải thiện lên 1,3% GDP. Tại eurozone, tỷ lệ tăng trưởng sẽ thấp hơn, ở mức 1,2% GDP. Năm 2025, với tình trạng lạm phát và lực cản từ việc thắt chặt tiền tệ giảm xuống, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 1,7% GDP đối với EU và 1,6% GDP đối với eurozone. Lạm phát chung ở eurozone được dự đoán sẽ giảm xuống 3,5% (năm 2024) và 2,4% (năm 2025).
Kinh tế Mỹ, Trung Quốc - những đối tác chính của EU - đều ít nhiều ghi nhận những suy giảm, khiến các doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn trong việc xuất khẩu, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm. IMF nhận định, nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và “hạ cánh mềm”. Tiền lương tăng sẽ là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu.
Có thể thấy, do những căng thẳng địa - chính trị vẫn dai dẳng, mức nợ cao và tính bất ổn của các nền kinh tế sẽ tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu. Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn sẽ rất “bấp bênh”./.[1] Theo đánh giá tại Hội nghị về Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNTAC) năm 2023.
[2] Lạm phát lõi là sự thay đổi giá của hàng hóa và dịch vụ, trừ thực phẩm và năng lượng.
[3] Ngân hàng Silvergate Bank (sụp đổ ngày 8-3-2023), Ngân hàng Silicon Valley Bank (sụp đổ ngày 10-3-2023) và Ngân hàng Signature Bank (sụp đổ ngày 12-3-2023).