23/11/2024 | 15:20 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khí hậu tiếp tục phá những kỷ lục cực đoan

Nguyễn Trí Dũng
Khí hậu tiếp tục phá những kỷ lục cực đoan Cháy rừng tại Công viên Quốc gia Dadia, Hy Lạp, ngày 1-9-2023_Ảnh: Reuters
Năm 2023, thế giới chứng kiến những kỷ lục cực đoan của biến đổi khí hậu bị phá vỡ, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Chưa dừng lại ở đó, các nhà khoa học về khí hậu cho rằng, trong năm 2024, biến đổi khí hậu còn diễn biến khó lường hơn.

Nhiệt độ có thể tăng 1,50C

Trung tâm Dự báo thời tiết quốc gia Anh (MET Office) dự báo, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong năm 2024 sẽ cao hơn mức trung bình từ 1,340C đến 1,580C. Sự tăng vọt nhiệt độ toàn cầu được dự đoán một phần do hiện tượng El Nino - hiện tại làm nóng vùng nhiệt đới Thái Bình Dương. Tuy nhiên, GS. Adam Scaife - người đứng đầu bộ phận dự báo dài hạn tại MET Office - cho biết: “nguyên nhân chính dẫn đến nhiệt độ phá kỷ lục là sự nóng lên đang diễn ra, kể từ khi thế giới bắt đầu cách mạng công nghiệp”. Giáo sư A. Scaife nói tiếp: “năm 2023 gần như chắc chắn là năm ấm nhất trong lịch sử, vượt kỷ lục được thiết lập vào năm 2016 cũng được thúc đẩy bởi hiện tượng El Nino”.

Sự khác biệt về nhiệt độ trung bình toàn cầu giữa năm 1850 và 1900 được sử dụng làm dấu mốc cho cuộc cách mạng công nghiệp. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 được dự đoán là tăng dưới 1,50C, nhưng lần đầu tiên, không loại trừ có thể cao hơn 1,50C. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2024 dự kiến sẽ nằm trong khoảng từ 1,340C đến 1,580C - cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900) và là năm thứ 11 liên tiếp nhiệt độ Trái đất tăng ít nhất 10C.

Tiến sĩ Nick Dunstone - người đứng đầu bộ phận dự báo nhiệt độ toàn cầu của Met Office - cho biết: “dự báo phù hợp với xu hướng nóng lên toàn cầu đang diễn ra là 0,20C mỗi thập niên và được thúc đẩy bởi hiện tượng El Nino... Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng mức vượt quá 1,50C tạm thời sẽ không dẫn đến vi phạm Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, năm đầu tiên có nhiệt độ vượt quá 1,50C chắc chắn sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử biến đổi khí hậu”. Giáo sư Adam Scaife kết luận: “ngoài hiện tượng El Nino, chúng ta còn có nhiệt độ cao bất thường ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Đại Dương cùng với biến đổi khí hậu - những yếu tố gây ra hiện tượng nhiệt độ toàn cầu cực đoan mới”.

Phó Chủ tịch khoa học Cục Khí tượng Australia Andrew Pershing cho rằng, thế giới vừa trải qua giai đoạn 12 tháng nóng nhất trong lịch sử 125.000 năm qua, với nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,30C chỉ trong khoảng từ tháng 11-2022 đến hết tháng 10-2023. Các dữ liệu phân tích của các nhà khoa học Australia và liên minh khí tượng quốc tế cho thấy, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm tăng nhiệt độ đáng kể trên khắp thế giới. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, diễn biến thời tiết ở nhiều khu vực trên thế giới sẽ trở lên vô cùng khắc nghiệt. El Nino có thể kéo dài ít nhất là 4 tháng và kết hợp với biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao hơn.

Khó dự đoán tác động của El Nino

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) gần đây cho biết, họ dự đoán El Nino sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2024, nhưng sức nóng sinh ra từ hiện tượng này có thể kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể trong năm. Độ trễ khá phổ biến vì nước mất nhiều thời gian hơn không khí để thu và tản nhiệt. Lấy ngày hạ chí làm ví dụ, mặc dù nó xảy ra vào tháng 6 hằng năm ở Bắc bán cầu khi tia nắng Mặt trời chiếu trực tiếp nhất, nhưng các đại dương và đất liền thường không đạt nhiệt độ cao nhất cho đến tháng 7 hoặc tháng 8. El Nino là một nửa của chu kỳ El Nino - Dao động Nam xen kẽ, hay ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương, để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương).

Cả 2 giai đoạn của ENSO đều được xác định bởi nhiệt độ mặt nước biển và lượng mưa ở khu vực Thái Bình Dương khác với mức được coi là tiêu chuẩn trung tính. Mức độ ảnh hưởng của El Nino đến các kiểu thời tiết toàn cầu phụ thuộc vào cường nhiệt độ của nó. NOAA cho biết, tháng 7 đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu cao kỷ lục và đây cũng là tháng có sự bất thường về nhiệt độ mặt nước biển hằng tháng cao nhất trong kỷ lục 174 năm mà NOAA theo dõi. Michelle L'Heureux - nhà khoa học khí hậu của NOAA - cho biết: “tùy thuộc vào cường độ của nó, El Nino có thể gây ra một loạt tác động, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mưa lớn và hạn hán ở một số nơi trên thế giới”. L’Heureux cho biết: “biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm hoặc giảm thiểu một số tác động nhất định liên quan đến El Nino. Ví dụ, El Nino có thể dẫn đến những kỷ lục mới về nhiệt độ, đặc biệt ở những khu vực đã có nhiệt độ trên mức trung bình trong thời kỳ El Nino”.

Các nhà khoa học cho biết, tác động của El Nino thường tăng cường vào mùa thu và mùa đông, vì vậy trong vài tháng tới có thể mang lại lượng mưa và tuyết tăng ở một số nơi miễn là mô hình khí hậu vẫn được giữ nguyên. Theo NOAA, tác động thực sự của nó sẽ hình thành như thế nào có thể hơi khó dự đoán, lưu ý rằng việc thay đổi khí hậu toàn cầu “có nghĩa là El Nino này đang hoạt động ở một thế giới khác với các sự kiện El Nino trước đó”.

Trung Quốc: Nhiều kỷ lục về thời tiết cực đoan bị phá

Sau khi nhiều thành phố của Trung Quốc trong tháng 12-2023 chứng kiến đợt lạnh mạnh nhất trong tháng kể từ năm 1961, các nhà khoa học khí hậu cho biết vì năm 2024 là năm thứ hai xảy ra El Nino nên có khả năng không chỉ nóng hơn mà còn xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Đầu tháng 12, Bắc Kinh đã phá kỷ lục về nhiệt độ thấp liên tiếp dài nhất trong tháng kể từ năm 1951, trong khi Hà Nam thuộc miền Trung Trung Quốc trải qua đợt lạnh nhất vào giữa tháng 12 kể từ năm 1961. Ngoài ra, bão tuyết ở Yên Đài và Uy Hải ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc khiến tuyết tích tụ dày đặc. Ở cả 2 thành phố đều vượt quá kỷ lục lịch sử. Kể từ giữa tháng 12, nhiệt độ thấp nhất tại 78 trạm quan trắc khí tượng quốc gia đã giảm xuống dưới mức cực đoan lịch sử trong tháng. Tại 12 trạm quan trắc ở Sơn Tây, Hà Bắc, Nội Mông, Hồ Nam và các khu vực khác, nhiệt độ thấp nhất đã vượt quá mức cực đoan lịch sử kể từ khi thành lập các trạm. Nhiệt độ trung bình khu vực trong thời kỳ này ở Bắc Trung Quốc, Đông Bắc Trung Quốc và Nội Mông là thấp nhất kể từ năm 1961. Trong đợt rét đậm tháng 12-2023, diện tích đất liền cả nước có nhiệt độ giảm mạnh trên 100C trên khoảng 3,27 triệu ki-lô-mét vuông đất liền, chiếm 34% tổng diện tích đất liền cả nước.

Sun Shao - nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học khí tượng Trung Quốc - nói với Global Times rằng, Đài Quan sát khí tượng Trung ương đồng thời đưa ra cảnh báo về bão tuyết, sóng lạnh và băng giá, thể hiện tính chất cực đoan của hiện tượng thời tiết này. Xem xét tác động của El Nino, tờ The Sun dự đoán khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường hoặc cực đoan ở Trung Quốc cao hơn đáng kể so với một năm bình thường. Điều này ảnh hưởng đến cả mùa xuân và mùa hè năm 2024.

“Ngay cả sau khi trải qua đợt đợt lạnh cực kỳ dữ dội, nếu so sánh nhiệt độ trung bình toàn quốc từ tháng 12-2023 đến tháng 2-2024 với giá trị trung bình các năm 1991 đến 2020 thì vẫn có khả năng đây sẽ là một đợt rét đậm”, Sun Shao nói. Họ tuyên bố rằng sự nóng lên toàn cầu là một xu hướng lâu dài và mùa đông lạnh giá và mùa đông ấm áp là những dao động liên tục trong xu hướng này, trong khi những đợt lạnh kỷ lục là những sự kiện đặc biệt. Xét về mặt thời gian và quy mô không gian, 3 hiện tượng này khác nhau đáng kể./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện