19/05/2024 | 00:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm New Zealand và Australia: Thúc đẩy đà cải thiện quan hệ

Đình Hùng
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm New Zealand và Australia: Thúc đẩy đà cải thiện quan hệ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters ở Wellington, ngày 18-3-2024_Ảnh: AFP
Từ ngày 17 đến ngày 21-3-2024, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến thăm đến New Zealand và Australia. Chuyến công du này góp phần đẩy nhanh hơn đà cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với 2 đối tác chủ chốt ở Nam Thái Bình Dương.

Tăng cường hợp tác, thu hẹp khác biệt

Đây là chuyến thăm trở lại New Zealand và Australia sau 7 năm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Trong 7 năm qua, mối quan hệ giữa Trung Quốc với cả 2 nước đã có những khó khăn nhất định do những khác biệt trong chính sách đối ngoại cùng với tác động của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc với 2 quốc gia này trở nên xấu đi, nhất là quan hệ giữa Trung Quốc với Australia.

Phải đến năm 2023, quan hệ giữa Trung Quốc với 2 nước trên mới có những bước cải thiện. Tháng 2-2023, tại Thủ đô Canberra (Australia), Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đã thảo luận về nhiều nội dung, trong đó nhất trí cùng thúc đẩy cải thiện quan hệ với Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối tác quan trọng, cho dù vẫn còn những khác biệt. 

Thủ tướng C. Hipkins và Thủ tướng A. Albanese cũng lần lượt có chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng 6 và tháng 11-2023. Các chuyến thăm này đều tạo đà quan trọng để cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc với New Zealand và Australia.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới 2 nước sau 7 năm nhằm đáp lễ các chuyến thăm của lãnh đạo 2 nước Australia và New Zealand tới Trung Quốc năm 2023, cũng là để chuẩn bị cho các cuộc tiếp xúc cấp cao hơn trong tương lai, góp phần đẩy nhanh hơn tốc độ cải thiện quan hệ vì lợi ích của các bên liên quan.

Tại New Zealand - chặng dừng chân đầu tiên - Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã có các cuộc tiếp xúc, hội kiến với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters cùng tân Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. 

Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư song phương, ghi nhận tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ kinh tế cởi mở và cùng có lợi.

Hai bên cũng thảo luận về việc xây dựng các động lực tăng trưởng mới, bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng, chuyển đổi xanh, kinh tế số, đổi mới công nghệ và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Mặc dù còn một số khác biệt được thừa nhận, song hai bên đã làm việc với tinh thần tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng giải quyết các vấn đề khác biệt trên tinh thần xây dựng, hướng trọng tâm vào việc tìm kiếm các giải pháp thiết thực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hai bên tái khẳng định cam kết đối với việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do New Zealand - Trung Quốc, thảo luận các biện pháp tạo thuận lợi để thúc đẩy hợp tác lớn hơn trên lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư.

Tại Australia, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã gặp gỡ, làm việc với các quan chức chủ chốt của Australia. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cùng người đồng cấp Penny Wong tiến hành cuộc Đối thoại chiến lược và ngoại giao Trung Quốc - Australia lần thứ 7. 

Hai bên thừa nhận rằng, mặc dù còn tồn tại những khác biệt đáng kể giữa 2 quốc gia nhưng vẫn cam kết theo đuổi lợi ích chung. Bộ trưởng Ngoại giao P. Wong nhấn mạnh, Australia sẽ quản lý những khác biệt giữa hai bên một cách thận trọng. 

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã hội kiến với Thủ tướng Australia A. Albanese. Thủ tướng A. Albanese cam kết, Australia sẽ tăng cường hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm lợi ích chung mặc dù còn những khác biệt.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Australia và New Zealand, là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm chủ lực của 2 quốc gia ở Nam Thái Bình Dương, như các mặt hàng sữa, rượu vang, tôm, quặng sắt..., đồng thời cũng là nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực liên quan đến kết cấu hạ tầng, viễn thông...

Mặc dù chuyến thăm chưa đưa đến những quyết định về việc giải quyết các mâu thuẫn trong thương mại đang tồn tại giữa Trung Quốc và Australia cũng như New Zealand, song mở ra cơ sở triển vọng hơn đối với các bên liên quan.

Tháng 4-2024, Bộ trưởng Thương mại New Zealand McClay dự kiến sẽ có chuyến thăm Trung Quốc nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại, sau đó có thể là chuyến thăm của Thủ tướng C. Luxon tới Trung Quốc góp phần đánh dấu bước đột phá trong quan hệ giữa Trung Quốc và New Zealand. 

Với Australia, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị có thể sẽ mở ra cơ hội để Trung Quốc và Australia thúc đẩy đàm phán giải quyết các mâu thuẫn về thương mại, đầu tư, giảm thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Australia sang Trung Quốc.

Chuẩn bị ứng phó với những biến động tiềm tàng

Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế và cải thiện quan hệ song phương, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến hai nước New Zealand và Australia còn mang ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.

Về phía Trung Quốc, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ở mức khoảng 5%, song trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% đòi hỏi nỗ lực rất lớn. 

Bên cạnh đó, môi trường đối ngoại của Trung Quốc cũng còn những thách thức không nhỏ; cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực vẫn diễn ra hết sức quyết liệt. Xung đột, khủng bố, tranh chấp biên giới, lãnh thổ vẫn diễn ra phức tạp ở một số quốc gia, khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, bất ổn mà tất cả các quốc gia phải đối mặt, nhận thức và ứng phó.

Trong khi đó, Australia và New Zealand là 2 nước lớn nhất ở khu vực Nam Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng về an ninh và chiến lược trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ và các đồng minh đang hướng tới. 

Với vị trí và vai trò đó, Australia và New Zealand là những “mắt xích” quan trọng trong các chiến lược an ninh, các tập hợp lực lượng do Mỹ đề xướng, như nhóm Bộ Tứ (QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ; Thỏa thuận hợp tác ba bên AUKUS gồm Mỹ, Australia và Anh; nhóm Ngũ nhãn gồm Mỹ, Australia, Anh, New Zealand và Canada.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng gay gắt, các mối quan hệ quốc tế đan xen phức tạp, rõ ràng không nước nào, nhất là các quốc gia nằm ở vị trí tâm điểm của các sáng kiến, các tập hợp lực lượng trên, muốn ở vào thế bất lợi trong cuộc cạnh tranh này. 

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tới Australia và New Zealand với cam kết thúc đẩy hợp tác đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Trung Quốc và các nước, giảm bớt sức ép từ các tập hợp lực lượng mà Mỹ dẫn dắt.

Về phía Australia và New Zealand, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị diễn ra vào thời điểm khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm 2024 với những kết quả còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ. 

Với những lo ngại về khả năng ông Donald Trump có thể quay trở lại cầm quyền, giới hoạch định chính sách của các quốc gia có lẽ đang chuẩn bị cho một kịch bản mà trong đó, Mỹ có thể sẽ quay trở lại với lập trường cô lập hơn, bảo hộ hơn và khó lường hơn. 

Nếu điều này xảy ra, những nỗ lực hình thành các liên minh, các chính sách kinh tế, thương mại của Mỹ dưới thời kỳ Tổng thống Joe Biden hiện nay rất có thể bị xem xét lại, và điều đó sẽ có ảnh hưởng lớn đến cục diện thế giới, đến chiến lược, lợi ích của các quốc gia liên quan. Do đó, việc chuẩn bị cho một kịch bản như vậy có thể là điều mà các quốc gia đang xem xét.

Việc tăng cường tính tự chủ, đồng thời đa dạng hóa quan hệ, tránh bị rơi vào thế kẹt trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc là hướng đi của đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay. Đó là những lý do mà cả Australia và New Zealand cùng mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, chuẩn bị cho những biến động tiềm tàng của cục diện thế giới.

Tuy nhiên, quá trình đi đến cải thiện hoàn toàn quan hệ giữa Australia và New Zealand với Trung Quốc không phải là điều dễ dàng. Những mâu thuẫn không thể tránh khỏi về lợi ích kinh tế trong quan hệ thương mại, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như an ninh quốc gia, sẽ cản trở việc thúc đẩy đàm phán giải quyết các mâu thuẫn giữa 2 nước với Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, cho dù là chính quyền của đảng nào lên cầm quyền ở Mỹ, việc duy trì các liên minh truyền thống vẫn là ưu tiên. Mỹ sẽ không dễ dàng đẩy các đồng minh lâu năm như Australia và New Zealand đi quá xa vòng ảnh hưởng của mình. 

Vì vậy, có thể nói chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã góp phần thúc đẩy đà cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với Australia và New Zealand, song sẽ còn những thử thách phía trước đòi hỏi các nước này phải vượt qua trên con đường xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên liên quan./.

10 April 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 Sau