21/09/2024 | 10:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đồng minh ngoài liên minh

Lý Mạc Phù
Sau Anh, Đức và Pháp là những thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và G-7 tiếp theo ký kết hiệp ước an ninh song phương với Ukraina. Cả 3 nước này thực hiện thỏa thuận giữa các thành viên trong nhóm G-7 là ký kết hiệp ước an ninh song phương với Ukraina làm bước quá độ cho tới khi Ukraina được gia nhập NATO.

Nhóm G-7 thông qua quyết định này trước hết và chủ yếu nhằm răn đe Nga, thể hiện quyết tâm chính trị hậu thuẫn Ukraina bằng mọi giá, với mọi cách để Ukraina không những không bị thua mà còn thắng Nga trong cuộc chiến ở Ukraina giữa Nga và Ukraina. Thực chất, các hiệp ước an ninh song phương như thế giữa các thành viên NATO trong nhóm G-7 với Ukraina giúp Ukraina trở thành thành viên không chính thức của NATO, là đồng minh quân sự của các thành viên NATO và của NATO chừng nào chưa được kết nạp vào NATO. Đó cũng là cách NATO và nhóm G-7 giữ chân Ukraina, khích lệ Ukraina kiên định quyết chí chiến tranh với Nga cho đến khi chiến thắng Nga.

Đối với Ukraina trong tình cảnh chiến sự hiện tại, mọi sự trợ giúp của Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU), NATO, nhóm G-7 đều có tầm quan trọng sống còn. Những hiệp ước an ninh song phương với Anh, Đức và Pháp càng thêm quan trọng đối với Ukraina, vì cả ở Mỹ lẫn trong EU hiện đều có những dấu hiệu cho thấy mức độ sẵn sàng trợ giúp Ukraina về quân sự, tài chính để tiếp tục chiến tranh với Nga đã bắt đầu suy giảm. Mỹ là nước viện trợ nhiều nhất cho Ukraina nhưng việc Mỹ tiếp tục hậu thuẫn Ukraina đã trở nên ngày càng khó khăn, không kịp thời và suy giảm. Nếu rồi đây cựu Tổng thống Donald Trump trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, chắc Ukraina sẽ phải dựa vào EU và các thành viên NATO ở châu Âu nhiều hơn.

Anh, Đức và Pháp ký kết hiệp ước an ninh song phương này trong bối cảnh EU buộc phải nỗ lực tự thân vận động nhiều hơn để có được mức độ tự chủ chiến lược tối đa về an ninh, tức là tối thiểu hóa mức độ lệ thuộc vào Mỹ về bảo đảm an ninh. Họ có lợi ích chiến lược càng cấp thiết với việc biến Ukraina thành đồng minh.

Cấu trúc và nội dung của các hiệp ước an ninh song phương này cơ bản giống nhau. Trong đó có cam kết hậu thuẫn Ukraina về an ninh, không phải là cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraina; có những khoản viện trợ tài chính cho Ukraina về ngắn hạn cũng như dài hạn để Ukraina tăng cường tiềm lực bảo đảm an ninh; có cả cung cấp vũ khí cụ thể cho thời gian tới.

Anh, Đức, Pháp và Ukraina đều coi những hiệp ước này có ý nghĩa lịch sử. Nhìn nhận như thế vì xưa nay chưa từng có và góp phần giúp Ukraina tiếp tục tồn tại, tiếp chiến Nga. Nhưng nếu chỉ có như vậy thì chắc chắn chưa thể đủ để giúp Ukraina không thua Nga, chứ chưa nói đến thắng được Nga trong cuộc chiến hiện tại ở Ukraina./.

1 March 2024