21/09/2024 | 10:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Lượng một đằng, chất một nẻo

Lý Mạc Phù
Cách đây 20 năm, Liên minh châu Âu (EU) thực hiện lần mở rộng có quy mô lớn nhất trong lịch sử khi kết nạp thêm 10 thành viên. Những thành viên mới này là Malta, Síp, Séc, Estonia, Hungari, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia. Trong số 10 thành viên mới này, có 8 nước thuộc vùng Đông Âu.

Qua một đêm, EU từ có 15 thành viên đã quy tụ tổng cộng 25 thành viên. Dân số, diện tích lãnh thổ của EU tăng thêm 20% trong khi GDP tổng cộng chỉ tăng thêm 9% và GDP tính theo đầu người giảm. 

Về sau, EU thu nạp thêm Romania, Bulgaria và Croatia. Năm 2016, nước Anh quyết định rời EU.

Về chính trị và an ninh, lần mở rộng liên minh nói trên là dấu mốc và bước ngoặt lịch sử đối với EU. Quá trình “Đông tiến” của EU song hành với quá trình “Đông tiến” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. 

EU dùng việc mở rộng liên minh này để gây dựng vai trò quyết định nhất, nổi bật nhất trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu về chính trị và phát triển kinh tế. 

Còn NATO “Đông tiến” vừa để kiềm chế và đối phó Nga, vừa gây dựng vai trò quyết định về chính trị, quân sự, an ninh ở châu Âu.

Thực tiễn sau 20 năm không được hoàn toàn như EU toan tính, mong đợi. Nhìn lại 20 năm qua, EU nhận thức rõ: thêm lượng không có nghĩa là tự khắc sẽ tăng chất. 

Hai mươi năm qua là giai đoạn EU gặp nhiều thách thức, khó khăn nhất, thậm chí sự tồn tại của liên minh cũng vài lần bị đe dọa. 

Nguyên do ở chỗ, EU tăng thêm số lượng thành viên và coi đó là thành quả phát triển đầy tự hào, nhưng sự đồng thuận, thống nhất nội bộ lại không tăng theo mà suy giảm liên tục. 

Sự phân bè, chia phái trong nội bộ EU ngày càng thêm rõ nét và nghiêm trọng.

Những kỷ cương, nguyên tắc trong liên minh dần bị nới lỏng, hoặc bị một số thành viên bất chấp. 

EU đối diện với không ít khó khăn, trở ngại vì nhiều cuộc khủng hoảng bất ngờ: khủng hoảng tài chính và nợ công, khủng hoảng đồng Euro, khủng hoảng do vấn đề tị nạn và di cư gây ra. 

Rồi việc nước Anh rời EU, cuộc chiến ở giữa Nga và Ukraina. EU đã rất chật vật trong việc xử lý tất cả những chuyện này, mà nguyên nhân chính là nội bộ không thống nhất. 

Cũng bởi thành viên càng đông, việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động càng thêm khó khăn, khiến EU không những không được mạnh lên mà thậm chí bị yếu đi. 

Phương Tây có câu châm ngôn: sau khi chuyện đã xảy ra rồi thì ai cũng thông minh hơn. Bây giờ thì chắc nhiều thành viên EU thấm thía hơn điều này./.

10 May 2024