13/11/2024 | 08:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Từ giải quyết hậu quả chiến tranh đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình

Tường Linh
Từ giải quyết hậu quả chiến tranh đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình Lễ trao trả kỷ vật chiến tranh cho cựu chiến binh và thân nhân cựu chiến binh Việt Nam tại tỉnh Bình Định, năm 2013_Ảnh: TL
Australia là nước từng cử quân tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng giải quyết hậu quả chiến tranh rồi mở rộng sang phối hợp trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình lại là những lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa 2 nước, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng - 1 trong 3 trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia.

Tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam

Ngày 3-8-1962, 30 sĩ quan cấp cao và hạ sĩ quan Australia đặt chân đến Sài Gòn, khởi đầu cho sự can dự của nước này vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong suốt 10 năm (1962 - 1972), khoảng 52 nghìn binh lính Australia đã tham chiến và phục vụ tại Việt Nam, 521 người thiệt mạng và hơn 3 nghìn người khác bị thương.

Cũng như ở nhiều nước, phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam ở Australia phát triển mạnh, bắt đầu từ năm 1965 khi hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình. Nhiều hoạt động thiết thực phản đối cuộc chiến phi nghĩa và yêu cầu để người dân Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình đã diễn ra, nổi lên là hoạt động của Liên đoàn Thuyền viên Australia (SUA). Các thành viên của SUA tổ chức nhiều cuộc tuần hành phản đối chiến tranh, nhiều thuyền viên từ chối chở vũ khí, đạn dược sang Việt Nam.

Tháng 12-1972, Chính phủ Công đảng Australia mới được bầu của Thủ tướng Gough Whitlam quyết định chấm dứt sự tham gia của nước này vào cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Australia rút quân về nước và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào đầu năm 1973. 

Chính phủ của ông Gough Whitlam thừa nhận Australia có nghĩa vụ đạo đức trong việc giúp đỡ Việt Nam tái thiết và bắt đầu có các hoạt động trợ giúp Việt Nam, mở đầu bằng chương trình viện trợ khiêm tốn bao gồm một trang trại gia súc và nhà máy chế biến sữa. Khoản viện trợ của Australia cho Việt Nam không nhiều, nhưng là nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tái thiết đất nước.

Đặc biệt, hợp tác trong giải quyết hậu quả chiến tranh đã mở cơ hội, tạo động lực thúc đẩy quan hệ giữa 2 nước, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Năm 2009, nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam, hài cốt của trung úy không quân Michael Herbert và thiếu úy không quân Robert Carver mất tích năm 1970 khi thực hiện nhiệm vụ ở Quảng Nam đã được tìm thấy. Sự kiện này hoàn tất công việc tìm kiếm các binh sĩ Australia mất tích trong chiến tranh Việt Nam.

Về phía Australia, ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, 2 nhà sử học quân sự là Bob Hall và Derrill de Heer (đều là cựu binh Australia từng tham chiến ở Việt Nam) cùng các đồng nghiệp tiến hành dự án Operation Wandering Souls (Những linh hồn phiêu bạt), thu thập hình ảnh, thư từ, nhật ký nhằm xác định danh tính, địa điểm chôn cất những quân nhân Việt Nam hy sinh trong các trận đụng độ với lực lượng của Australia và New Zealand.

Ngoài việc xác định nơi chôn cất các liệt sĩ Việt Nam, hàng chục năm ròng, những người tham gia dự án đã đi khắp Australia để tìm lại di vật của các chiến sĩ Việt Nam đang phiêu bạt cùng với các cựu binh Australia từng tham chiến ở Việt Nam, hay trong các trung tâm lưu trữ để trả về cho gia đình những người đã khuất. Bản thân 2 ông Bob Hall và Derrill de Heer từng quay lại Việt Nam, mang theo những kỷ vật của bộ đội Việt Nam mà các binh sĩ Australia mang về nước trong những năm tháng chiến tranh để trao trả cho thân nhân các liệt sĩ.

Tháng 3-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Faulkner trao cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh hồ sơ về người Việt mất tích trong chiến tranh Việt Nam nhằm đáp lại việc Việt Nam đã giúp tìm kiếm hài cốt của các quân nhân Australia mất tích. 

Năm 2019, các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trang thuộc Đại học New South Wales đã dày công nghiên cứu “Dự án số hóa thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ”.

Ngoài hỗ trợ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh, Australia còn trợ giúp Việt Nam trong các dự án rà phá bom mìn, cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng nghìn người bị thương do bom mìn. 

Năm 2006, Australia hỗ trợ cho các hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ở Việt Nam và những nước bị ảnh hưởng của bom mìn với số tiền tài trợ hơn 5 triệu đô la Australia (AUD). Năm 2011, Australia lại thông qua ICRC tài trợ tiếp 4 triệu AUD cho người khuyết tật ở Việt Nam và một số nước bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Biểu tượng mạnh mẽ về quan hệ hợp tác gần gũi

Các nỗ lực phối hợp giải quyết hậu quả chiến tranh đã giúp 2 nước xích lại gần nhau, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hòa bình trong phát triển quan hệ song phương, từ đó thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa 2 nước. Năm 1998, Việt Nam và Australia bắt đầu Đối thoại an ninh khu vực với sự tham dự của cả quan chức dân sự lẫn quan chức quốc phòng. 

Đây là nền tảng quan trọng để phát triển quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Australia. Tháng 2-1999, Phòng Tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Australia ở Hà Nội được mở. Tháng 9-2000, Việt Nam cử Tùy viên quân sự ở Thủ đô Canberra. 

Quan hệ quốc phòng giữa 2 nước chính thức được thiết lập. Những hoạt động như các cuộc hội thảo, các sáng kiến hợp tác, đào tạo từng bước giúp mối quan hệ này mở rộng thêm.

Trong giai đoạn đầu của hợp tác quốc phòng, lĩnh vực quân y được coi là nội dung quan trọng. Tháng 3-2000, Bộ Quốc phòng 2 nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu phòng chống sốt rét. Dự án này không chỉ tăng cường việc ngăn ngừa sốt rét trong quân đội từng nước, mà còn giúp hợp tác quốc phòng trở nên chặt chẽ hơn. 

Viện Sốt rét lục quân Australia thường xuyên cử các đoàn sang thực hiện những chương trình nghiên cứu thực địa và tiến hành các chương trình trao đổi với Học viện Quân y. Năm 2005, phòng thí nghiệm máu chống sốt rét, do quân đội Australia tài trợ, đã được khánh thành tại Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội (Cục Quân y). 

Năm 2010, 2 nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Từ năm 2012, Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng bắt đầu được tổ chức thường niên ở cấp thứ trưởng. Các nội dung hợp tác quốc phòng ngày càng được mở rộng, đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia.

Điểm đáng chú ý là trong lĩnh vực này, hợp tác trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc có thể coi là một điểm sáng. Trong những năm qua, Australia luôn là đối tác tin cậy, có nhiều sự hỗ trợ sớm và hiệu quả cho Việt Nam trong chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. 

Tháng 11-2005, 2 cán bộ quân đội Việt Nam lần đầu tiên tham dự khóa học dành cho quan sát viên quân sự được tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo các hoạt động hòa bình thuộc Lực lượng quốc phòng Australia. Những khóa đào tạo tiếng Anh nhằm hỗ trợ các quân nhân Việt Nam được triển khai tới Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS) đã được Australia tổ chức từ năm 2014 và duy trì cho tới hiện nay. 

Cùng với đó, Australia còn cung cấp các trang thiết bị thiết yếu cho quân nhân Việt Nam sử dụng cho quá trình huấn luyện tiền triển khai, cũng như trong thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ của Liên hợp quốc.

Đáng chú ý là Australia đã huy động máy bay vận tải quân sự C-17 hỗ trợ Việt Nam vận chuyển quân nhân và trang thiết bị trong 5 đợt triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Hiện bộ quốc phòng hai nước đang trao đổi về kế hoạch Australia tiếp tục hỗ trợ trong đợt triển khai thứ 6 vào tháng 9-2024. Hình ảnh lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam bước lên máy bay C-17 chính là một biểu tượng mạnh mẽ về quan hệ hợp tác gần gũi và ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Australia.

Đầu tháng 3-2024, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, 2 nước đã ký kết Thỏa thuận đối tác hòa bình, thay thế cho Thỏa thuận thực thi Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình ký năm 2015. Đây là lĩnh vực mà 2 nước sẽ tập trung hợp tác trong tương lai./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện