G-20 tự cản bước
Lý Mạc Phù
Sau cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên, đến lượt cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của các nước thành viên nhóm G-20 không đạt được sự đồng thuận quan điểm cần thiết cho việc phối hợp hành động chung.
Cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên không đạt được bất kỳ sự đồng thuận quan điểm cơ bản nào, nên bản tuyên bố cuối cuộc gặp chỉ là sự chắp gộp những quan điểm khác nhau.
Nguyên do là sự khác biệt quan điểm về đánh giá cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, cũng như về cuộc chiến giữa Hamas và Israel ở khu vực Trung Đông.
Mức độ bất đồng quan điểm trong nhóm G-20 rất trầm trọng và mang tính nguyên tắc, nên hiện tại gần như không thể khắc phục được. Những thành viên của nhóm thuộc khối phương Tây không phải chỉ ở cuộc gặp này, mà đã từ lâu luôn tìm mọi cách để biến cả G-20 thành diễn đàn chống Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina.
Trong khi đó, phe này cũng luôn tìm cách để ngăn cản những thành viên trong nhóm G-20 thuộc khối “phương Nam toàn cầu” gây ra những bất lợi lớn cho Israel về chính trị thế giới và pháp lý quốc tế ở khuôn khổ diễn đàn G-20, liên quan đến cách thức Israel tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza.
Cuộc gặp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước thành viên nhóm G-20 vừa qua ở Brazil thất bại vì các thành viên không nhất trí được với nhau về đánh giá cuộc chiến ở Ukraina ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới.
Khối các nước phương Tây trong nhóm G-20 muốn coi đánh giá đó là quan điểm chung của nhóm G-20 nhằm cô lập Nga, gây bất lợi cho Nga ở khuôn khổ diễn đàn G-20 cũng như trên thế giới, trong khi ngăn cản nhóm G-20 lên án cách thức Israel tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza.
Brazil, trong tư cách là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của nhóm G-20 và một số thành viên khác, chủ trương tạm gác bất đồng quan điểm về khía cạnh này để tập trung vào những nội dung thuần túy về kinh tế, thương mại và tài chính thế giới nhưng phe thành viên kia không đồng ý.
Vậy nên nhóm G-20 tự cản trở chính nó trên con đường gây dựng, tăng cường vai trò mà nhóm có thể đảm trách được về kinh tế, thương mại và tài chính thế giới. Nếu cứ “tự cản trở” như thế, nhóm này sẽ tiếp tục sa sút vị thế và uy tín; sẽ bị mờ nhạt và không thực chất trong thế giới hiện đại.
Xem ra, nhóm G-20 chỉ có thể vớt vát được tương lai khi không để chuyện chính trị thế giới chi phối, dẫn dắt chương trình nghị sự; hoặc khi tiếp cận chuyện chính trị thời sự thế giới sao cho sự đồng thuận quan điểm và phối hợp hành động giữa các thành viên được thúc đẩy mạnh mẽ hơn./.