Ứng dụng trí tuệ nhân tạo - lợi và hại
Phan Lương
Cần chủ động hơn nữa
Báo cáo “Biến đổi khí hậu: sức nóng (vẫn) cao” do Viện Swiss Re công bố cho thấy các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa giông và bão dữ dội, bao gồm cả bão nhiệt đới, đang gây ra thiệt hại kinh tế cho thế giới ước tính khoảng 200 tỷ USD mỗi năm. Dựa trên nghiên cứu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, báo cáo phân tích những khu vực có nguy cơ có thể gia tăng và đưa ra ước tính riêng về thiệt hại kinh tế do 4 nguy cơ thời tiết lớn là lũ lụt, bão nhiệt đới, bão mùa đông ở châu Âu và bão đối lưu nghiêm trọng gây ra.
Theo báo cáo, các nước hiện có khoảng cách rất lớn trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và chắc chắn những quốc gia có biện pháp giảm thiểu thiệt hại và thích ứng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ gặp rủi ro tài chính cao nhất. Philippines, với thiệt hại kinh tế hằng năm do biến đổi khí hậu lên tới 3% GDP, hiện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của 4 mối đe dọa thời tiết, khi phải đối mặt với nguy cơ rủi ro ngày càng gia tăng. Trung Quốc và Ấn Độ - 2 nền kinh tế lớn của châu Á và thế giới - cũng đều đã và đang hứng chịu thiệt hại đáng kể liên quan đến thời tiết (hơn 0,2% GDP).
Ông Jérôme Jean Haegeli - nhà kinh tế trưởng của Swiss Re - nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc thực thi các biện pháp thích ứng càng trở nên quan trọng hơn. Giảm thiểu rủi ro thông qua việc thích ứng sẽ thúc đẩy khả năng bảo hiểm trước tình trạng biến đổi khí hậu. Theo đó, các bên liên quan, từ chính phủ, khu vực tư và người dân, cần tăng cường vai trò của mình bằng cách thúc đẩy các khoản đầu tư vào năng lực thích ứng, trực tiếp với tư cách là nhà đầu tư dài hạn và gián tiếp thông qua việc bảo lãnh các dự án hỗ trợ khí hậu và chia sẻ kiến thức về rủi ro. Như vậy, rủi ro về biến đổi khí hậu càng được định giá chính xác, cơ hội thực hiện được các khoản đầu tư cần thiết càng lớn.
Công cụ hữu hiệu
Được xem là một công cụ hữu hiệu, AI đang tạo dựng sự hiện diện vững chắc trong các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững khắp thế giới, đặc biệt ở Đông Nam Á, khi đang và sẽ tiếp tục là một phần trong nhiều giải pháp cho những vấn đề tồn đọng lâu nay của khu vực. Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, ứng dụng AI phái sinh đang tạo ra những điều gần như là không tưởng. Chẳng hạn, AI có thể dự báo chính xác điều kiện nhiệt độ và tốc độ gió ở một khu phố, hay một trận bão có thể làm ngập một khu nhà hay không, qua đó giúp chính quyền và người dân có đủ thời gian để sẵn sàng ứng phó. Dự báo thời tiết chuẩn xác hơn là một trong những yếu tố quan trọng để giúp giảm thiểu những tác động trầm trọng của biến đổi khí hậu.
Tại Đông Nam Á - khu vực đang mạnh mẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ nhưng cũng rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu - các chính phủ đã nhanh chóng tận dụng sự phát triển của AI. Theo đó, AI đang được xem là một giải pháp cho khủng hoảng môi trường, thay vì là một yếu tố đóng góp. Chẳng hạn, công nghệ nông nghiệp đang được ứng dụng để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng hơn do nước biển dâng cao, hạn hán và lũ lụt. AI cũng đang được sử dụng để dự báo lũ lụt, ô nhiễm không khí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của khu vực.
Cơ quan dự báo khí tượng quốc gia Philippines PAGASA mới đây đã ký hợp đồng với hãng Atmo AI, trong nỗ lực bổ sung hệ thống học máy cho hệ thống dự báo thời tiết hiện có. Việc dự báo sớm hơn và chuẩn hơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Philippines, khi nước này hiện là quốc gia hứng chịu nhiều bão nhất thế giới, với khoảng 1/4 số cơn bão toàn cầu mỗi năm. Và do biến đổi khí hậu, các trận bão dự kiến sẽ có cường độ mạnh hơn và di chuyển theo đường đi khó dự báo và khó chuẩn bị hơn.
Thay vì chỉ dựa vào các siêu máy tính và vệ tinh đắt tiền do các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh và Nhật Bản độc quyền, Philippines giờ đây sẽ được trang bị công cụ AI tùy chỉnh của riêng mình, chạy trên mô hình đăng ký với Atmo AI. Thông qua AI, tính chi tiết trong các dự báo thời tiết có thể tăng gấp 100 lần. PAGASA tin tưởng rằng, công nghệ của Atmo AI có thể hữu ích khi trọng tâm giờ đây được chuyển sang “dự báo thời tiết dựa trên tác động”, tính toán thiệt hại tiềm tàng từ những sự kiện cực đoan thay vì số liệu cơ bản, như lượng mưa. Theo thời gian, điều đó có thể giúp phát triển một hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng.
Định vị chính xác
Tuy nhiên, theo không ít chuyên gia, luôn có hai mặt của một vấn đề, và do vậy cần phải định vị chính xác hơn vai trò của AI trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Trên thực tế, triển khai và ứng dụng AI trên diện rộng không phải không gây tổn hại đến khí hậu. Các ứng dụng AI lớn và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho chúng vẫn được đánh giá là tiêu hao nhiều tài nguyên. Không chỉ tiêu thụ rất nhiều năng lượng để chạy máy chủ và làm mát hệ thống, qua đó góp phần gia tăng phát thải khí carbon, ứng dụng AI quy mô lớn còn có thể gây ra nhiều tác động môi trường khác, chẳng hạn như độc tính của chất ô nhiễm hoặc nước thải và mất đa dạng sinh học trong môi trường.
Trong bối cảnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt nhằm thúc đẩy các hệ thống AI “an toàn, bảo mật và đáng tin cậy” để thế giới phát triển bền vững hơn. Nghị quyết về AI là nghị quyết đầu tiên thuộc loại này được đưa ra bỏ phiếu tại Liên hợp quốc, và đây cũng là sự thừa nhận rộng rãi về phạm vi tiếp cận lớn nhưng không đều của AI, cũng như những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thúc đẩy và điều chỉnh công nghệ hiện nay của các chính phủ trên toàn thế giới.
Dẫu cho còn nhiều khác biệt, nghị quyết của Liên hợp quốc đã vượt qua được những hạn chế về địa lý hay nhâu khẩu học khác nhau, khi gắn với các Mục tiêu phát triển bền vững. Việc tập trung vào AI xuyên suốt vòng đời của công nghệ, từ tiền thiết kế, thiết kế, phát triển, đánh giá, thử nghiệm, triển khai, ứng dụng, mua bán, vận hành và ngừng hoạt động, đã khiến nghị quyết này trở nên đáng chú ý, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường quá lớn của AI hiện nay. Ứng dụng AI để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu rõ ràng là cần thiết, nhưng cũng cần phải tính đến những tác động tiềm tàng mà AI có thể gián tiếp tạo ra cho chính môi trường để từ đó đưa ra một giải pháp thực sự hiệu quả, lâu dài và bền vững hơn./.