24/01/2025 | 00:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nông nghiệp An Giang chuyển đổi số

NGÔ CHUẨN
Nông nghiệp An Giang chuyển đổi số Sử dụng thiết bị bay không người lái vào sản xuất giúp nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe người nông dân tại tỉnh An Giang_Ảnh: TL
Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đang trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) với định hướng đưa hoạt động sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp lên môi trường số và thông qua việc phổ cập sử dụng các nền tảng số giúp nhà nông, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp lợi ích của CĐS. Tỉnh từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Vào cuộc đồng bộ

Ở xã nông thôn mới nâng cao Tà Đảnh (huyện Tri Tôn), công nghệ số đang được nhiều nông dân áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Điển hình như toàn bộ vườn cam 1.000 cây trên diện tích 1ha của nông dân Nguyễn Thanh Dân (ấp Tân Trung) đều được áp dụng mô hình tưới phun tự động, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Giờ đây, dù ngồi trong nhà hay có việc đi đâu, ông Dân đều có thể mở ứng dụng trên điện thoại thông minh, điều khiển hệ thống hòa dinh dưỡng với nước để tưới phun cho cây. 

Tại khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa, thành phố Long Xuyên, sau vài vụ thử nghiệm thành công mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel để trồng dưa lưới trong nhà màng, anh Đoàn Văn Phụng quyết định đầu tư thêm hệ thống cảm biến để kiểm soát toàn bộ vườn dưa qua ứng dụng trên điện thoại di động. Nhờ vậy, ngoài điều khiển hệ thống tưới, hòa dinh dưỡng, anh còn có thể theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, sinh trưởng của dưa dù đang ở xa, cách vườn vài cây số.

Ông Trương Kiến Thọ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang - cho biết: sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân là nhân tố quan trọng bảo đảm sự thành công bước đầu của tiến trình CĐS trong nông nghiệp thời gian qua. 

Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền nảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, các hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp từng bước nâng cao giá trị, chất lượng nhiều loại nông sản và rộng cửa quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có nhiều mô hình CĐS trong nông nghiệp đạt hiệu quả khả quan.

Trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài mô hình sản xuất lúa chất lượng không dấu chân (sử dụng máy bay không người lái trong việc sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật) để giảm chi phí sản xuất, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời còn triển khai phần mềm “bác sĩ cây trồng”. Phần mềm cài trên thiết bị di động, giúp nông dân xác định đúng loại dịch hại và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp. Phần mềm còn có nội dung hỏi - đáp trực tiếp với các chuyên gia cây trồng, giúp nông dân quản lý dịch hại hiệu quả.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hệ thống chăn nuôi lợn của Tập đoàn THACO, các trại chăn nuôi lợn, gà, vịt gia công cho Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam,... đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng mô hình chuồng kín có hệ thống làm mát, máng ăn uống tự động, hệ thống cào và thu gom chất thải gia súc, gia cầm tự động. Hệ thống này được tích hợp vào điện thoại thông minh hoặc máy vi tính để điều khiển từ xa, giúp giảm chi phí nhân công. 

Nhiều nhà nuôi chim yến giờ đây cũng áp dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, giám sát bằng hệ thống camera, sử dụng hệ thống phun sương làm mát điều khiển, giúp người nuôi giám sát số lượng và hoạt động của đàn yến từ xa. Trong lĩnh vực thủy sản, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất của Công ty Cổ phần cá tra Việt Úc (ấp Vĩnh Bường, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu) đã CĐS hoàn toàn với việc tự động hóa hệ thống thiết bị thu mẫu, hệ thống quan trắc môi trường ao nuôi, hệ thống xử lý nguồn nước đầu vào tự động; chip điện tử định danh cá, thực hiện tốt dữ liệu truy xuất nguồn gốc đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hợp tác chuyển đổi số, hướng đến bền vững

Để nâng cao hiệu quả CĐS trong nông nghiệp, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường sự hợp tác giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đang phối hợp Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel triển khai thí điểm ứng dụng “Nhận diện sinh vật gây hại lúa và hướng dẫn biện pháp phòng trừ” trên địa bàn tỉnh. 

Phần mềm nhằm giúp nông dân chủ động quản lý sinh vật gây hại trên cây lúa, giảm thiểu thiệt hại và nâng cao năng suất. Trong lĩnh vực chăn nuôi, từ tháng 9-2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tỉnh An Giang xây dựng và ứng dụng phần mềm quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Phần mềm này giúp Chi cục cập nhật, lưu số liệu kịp thời, chính xác trên hệ thống mạng điện tử thông suốt từ xã, huyện đến tỉnh (thông qua website: cccnty-angiang.gov.vn), đồng thời hỗ trợ tốt công tác kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi toàn tỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung đang đứng trước “3 biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của khách hàng. Để thích ứng và hạn chế những tác động bất lợi của “3 biến” này, phải nhanh chóng CĐS trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xem đây là một cuộc cách mạng, nhằm chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. 

Tiến sĩ Đoàn Thanh Nghị (Trường Đại học An Giang) cho rằng, khi phát triển được nền nông nghiệp tuần hoàn dựa vào CĐS, An Giang và nhiều địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ cơ bản giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và ô nhiễm môi trường; giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan; hướng đến nền nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững. 

Trong xu thế đó, điều đáng mừng là những năm gần đây, ngày càng nhiều mô hình hợp tác CĐS, sản xuất nông nghiệp thông minh đã xuất hiện ở An Giang và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long như: tưới nước thông minh, tự động bằng cảm biến, làm phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, kỹ thuật tưới ướt - khô xen kẽ...

Ở tỉnh An Giang, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Nam Việt, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ An Giang, Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang, Trang trại rau, củ, quả an toàn DH (huyện An Phú), Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Phan Nam,... đã đi đầu trong CĐS và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh. 

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử cũng ngày càng tăng. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế tuần hoàn, các mô hình nông nghiệp thông minh, tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu và hạ tầng công nghệ tiên tiến phục vụ đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp trong thời gian tới./.

4 December 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau