12/09/2024 | 09:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế báo chí thế giới và những hướng đi mới

Trần Trung Hiếu
Kinh tế báo chí thế giới và những hướng đi mới Trụ sở báo The New York Times tại New York, Mỹ_Ảnh: AFP/ TTXVN
Có thể tạo ra lợi nhuận lớn và là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, các sản phẩm của cơ quan báo chí được xem như hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng. Hoạt động kinh tế báo chí cũng mang lại nguồn thu, lợi nhuận và bảo đảm sự vận hành, phát triển của cơ quan báo chí.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra nhiều thử thách cho báo chí thế giới, nhưng cũng là cơ hội cho báo chí chuyển mình thích nghi, thay đổi cho phù hợp với những nhu cầu của công chúng trong thời kỳ cách mạng công nghệ. 

Nhiều tờ báo và các hãng thông tấn lớn trên thế giới đã có những bước thay đổi, đạt được thành tựu nhất định, trở thành những ví dụ tiêu biểu để các cơ quan báo chí nghiên cứu, học hỏi, tìm ra hướng đi riêng trong bối cảnh mới. 

Nhiều mô hình mới được áp dụng, giúp những tờ báo lớn như The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal (Mỹ), The Guardian (Anh),... đạt được những kết quả quan trọng, góp phần chung vào sự phát triển của báo chí.

Đổi mới cách thức hoạt động

Là tờ báo nổi tiếng nước Mỹ với những tin tức trong nước và thế giới ở nhiều lĩnh vực, The New York Times là một công ty truyền thông lớn hoạt động ở 3 phân khúc chính là mô hình đăng ký trả trước, quảng cáo và các dịch vụ khác. 

Báo cáo của công ty năm 2022 cho biết, chỉ tính riêng trên nền tảng kỹ thuật số, The New York Times đạt thêm hơn 1 triệu người đăng ký trả phí xem trước nội dung, nâng tổng số người đăng ký trả phí lên 9,6 triệu người, đem về doanh thu 2,3 tỷ USD. 

Sự đổi mới trong cách thức hoạt động đã gia tăng lợi nhuận cho công ty, giúp tờ báo hướng tới mục tiêu nâng con số người dùng lên 15 triệu người vào năm 2027. Doanh thu gia tăng theo từng năm đang dần khẳng định vị trí của The New York Times.

Được thành lập vào năm 1877, The Washington Post là một trong những tờ báo uy tín bậc nhất của Mỹ. Tờ báo đặc biệt chú trọng đến vấn đề chính trị quốc gia và đạt được nhiều nhiều thành tựu, giải thưởng liên quan tới lĩnh vực này trong lịch sử phát triển. 

Với thế mạnh về tốc độ đưa tin và tính thời sự chuyên sâu của các bài báo, doanh thu chính của tờ báo hiện nay đến từ chiến lược khuyến khích độc giả đăng ký trả phí trước để được truy cập vào những nguồn tin mới nhất, độc quyền và sử dụng dịch vụ quảng cáo kỹ thuật số. Chiến lược đó giúp tờ báo có được lượng độc giả lớn trên phạm vi toàn thế giới, thường xuyên được xếp hạng thương hiệu tin tức hàng đầu về lượng người dùng hàng tháng.

Trong khi đó, The Wall Street Journal là cái tên đáng tin cậy của nhiều độc giả tìm kiếm thông tin trong giới kinh tế tài chính. Là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất tại Mỹ với hơn 3,9 triệu người đăng ký trả phí tính tới tháng 8-2023, The Wall Street Journal nắm bắt được xu thế chuyển đổi, chuyển sang nội dung kỹ thuật số. 

Tờ báo kết hợp giữa việc đăng ký nội dung kỹ thuật số cao cấp với quảng cáo và tính phí truy cập trên trang web chính thức WBJ.com, đồng thời tung ra các ứng dụng trả phí cho các thiết bị công nghệ như các sản phẩm iPhone và iPad. Theo đó, hướng đi mới của The Wall Street Journal còn tập trung vào quảng cáo kỹ thuật số thông qua việc hợp tác với Microsoft. 

Chiến lược này được ông Gordon McLeod - Giám đốc điều hành của tờ báo - nhấn mạnh: “quảng cáo kỹ thuật số có mục tiêu và phù hợp rất quan trọng đối với chúng tôi, cũng như chất lượng trải nghiệm mà chúng tôi mang lại cho người dùng”. The Wall Street Journal cũng lưu ý cân bằng tính toàn vẹn nội dung của tờ báo với tích hợp quảng cáo, bảo đảm nhu cầu thông tin của độc giả và doanh nghiệp.

The Guardian (Anh) cũng ngày một khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường báo chí quốc tế. Thuộc công ty mẹ Guardian Media Group (GMG), trong năm 2022, tờ báo đạt kỷ lục về doanh thu cho mảng kinh doanh tin tức với tổng doanh thu tăng lên 264,4 triệu bảng. Trong đó, các sản phẩm kỹ thuật số chiếm 70% doanh thu, cao hơn đáng kể so với hầu hết các nhà xuất bản báo chí ở Anh vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh số bán báo in. 

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra có trung bình 148 triệu lượt truy cập hàng tháng trên trang website của hãng. Những kết quả này cho thấy tín hiệu tích cực của The Guardian trong mục tiêu trở thành tổ chức tin tức toàn cầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Ngày 12-3-2024, công ty mẹ của hãng Reuters là Thomson Reuters đã công bố ra mắt sản phẩm CoCounsel Core - một trợ lý AI chuyên về các vấn đề pháp lý, được triển khai nhằm hướng tới phân khúc khách hàng trong các doanh nghiệp truyền thông, thuế, bao gồm cả trong các hoạt động như quản lý rủi ro và gian lận tài chính. Hướng đi này của hãng cũng mở ra cơ hội phát triển mới trong thời đại báo chí trí tuệ.

Triệt để khai thác lợi thế công nghệ

Bên cạnh các tờ báo lớn, các thông tấn hàng đầu thế giới như Associated Press (AP, Mỹ) và Reuters (Vương quốc Anh) cũng đang chuyển mình khai thác những lợi thế công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Là một trong những hãng thông tấn lâu đời nhất của Mỹ và lớn nhất thế giới, AP có nguồn tin tức nhanh, chính xác, khách quan đáng tin cậy nhất ở mọi định dạng và là nhà cung cấp thiết yếu về công nghệ, dịch vụ quan trọng đối với ngành kinh doanh tin tức. 

Hãng tập trung vào việc cấp phép các nội dung trên nhiều định dạng (bao gồm cả kỹ thuật số), thông qua phí đăng ký mà các tổ chức tin tức phải trả để truy cập vào nội dung đã được kiểm duyệt. Tính tới năm 2023, khoảng 82% doanh thu của AP đến từ việc cấp phép nội dung và đạt 44,2 triệu người dùng hàng tháng.

Với nguyên tắc đưa tin một cách chính trực, độc lập và khách quan, Reuters trở thành một trong những hãng thông tấn nổi bật và lớn nhất thế giới hiện nay. Hoạt động chính của hãng tới từ việc cung cấp các bài viết, nguồn thông tin, hình ảnh và video cho các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác với nhiều ngôn ngữ. 

Chiến lược này giúp Reuters đạt 1,88 tỷ USD trong báo cáo doanh thu quý I-2024, có sự tăng trưởng so với mức 1,74 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Hiện nay, hãng tập trung đầu tư vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). AI là trọng tâm trong sứ mệnh của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters nhằm khám phá tương lai của báo chí trên toàn thế giới. 

Từ năm 2016, Viện đã làm việc với các nhà báo và chuyên gia công nghệ để hiểu rõ hơn về ý nghĩa sự phát triển AI đối với tương lai của tin tức và công bố nghiên cứu về nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề này. Báo cáo thường niên của Viện đầu năm 2024 cũng khẳng định sức mạnh đột phá và ảnh hưởng của AI tới báo chí cùng sự xuất hiện của nhiều thiết bị điện tử mới sẽ là đòn bẩy cho những định dạng mới của báo chí, đặc biệt là video, audio và thực tế ảo tăng cường (AR).

Rõ ràng, các cơ quan báo chí quốc tế lớn đang tập trung vào các nền tảng kỹ thuật số với những mô hình mới, phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, từ đó nâng cao doanh thu và phát triển đa dạng hơn để thu hút lượng độc giả mới. Điểm chung dễ thấy ở những cơ quan báo chí trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự gia tăng về số lượng, chất lượng các sản phẩm trên đa dạng các nền tảng; sự tăng cường hợp tác giữa các hãng thông tấn lớn trên thế giới để cùng nhau phát triển và tồn tại.

Những chiến lược mới phù hợp với mục tiêu và bối cảnh hiện nay của các cơ quan báo chí, các hãng thông tấn là cần thiết, đồng thời mở ra cơ hội thay đổi để phát triển cho nền báo chí thế giới./.

12 August 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau