20/09/2024 | 19:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quá tải du lịch


Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, hàng nghìn người dân Barcelona (Tây Ban Nha) đã giơ cao biểu ngữ “Barcelona không phải để kinh doanh”, “Khách du lịch hãy rời khỏi thành phố của chúng tôi”, thậm chí còn xịt nước vào khách du lịch,... để phản đối tình trạng du khách ồ ạt đổ tới thành phố này, khiến giá thuê nhà và hàng hóa tiêu dùng tăng cao. Trước đó, chính quyền Amsterdam (Hà Lan) cũng đưa ra kế hoạch giảm 50% số tàu du lịch vào thành phố trong năm 2026, tiến tới cấm hẳn vào năm 2035, nhằm hạn chế lượng du khách và giảm ô nhiễm...

Những động thái trên xảy ra trong bối cảnh Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, lượng khách du lịch quốc tế năm 2023 tăng hơn 44% so với năm 2022; đồng thời dự báo 2024 là năm du lịch thế giới “bùng nổ tăng trưởng”. Tuy nhiên, sự phục hồi ngoạn mục của các hoạt động du lịch sau đại dịch cũng khiến tình trạng quá tải du lịch một lần nữa trở thành nỗi lo đối với chính quyền và cư dân tại nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, dẫn tới hành động phản đối tự phát của cộng đồng hay việc ra đời những kế hoạch “giảm tải” có thể gây tiếc nuối đối với nhiều du khách... Thực tế đó khiến việc giải bài toán làm thế nào để giải quyết tình trạng quá tải du lịch, giảm bớt những hệ lụy của tình trạng này đối với cộng đồng, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái..., để ngành du lịch phát triển bền vững hơn càng trở nên cấp thiết.

I. SỰ PHỤC HỒI NGOẠN MỤC VÀ NỖI LO QUÁ TẢI QUAY TRỞ LẠI

Vượt khó thành công

Du lịch - “gà đẻ trứng vàng”

Hơn nửa thế kỷ qua, du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức cao. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), nếu như năm 1950 số lượng khách du lịch quốc tế mới đạt 25 triệu lượt người, thì đến năm 2012 đã cán mốc 1 tỷ lượt người và tính đến năm 2019 đạt khoảng 1,6 tỷ lượt người.

Cũng tính đến năm 2019 - năm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 - tổng giá trị của ngành du lịch - lữ hành toàn cầu (bao gồm cả giá trị trực tiếp, gián tiếp và tác động lan tỏa) đã đạt khoảng 10.300 tỷ USD, tương đương với 10,4% GDP toàn cầu, theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC). Trong đó, chi tiêu của du khách quốc tế lên tới 1.910 tỷ USD.

Không chỉ mang lại nguồn doanh thu khổng lồ, sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” còn tạo ra những tác động tích cực trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy hòa nhập và bảo vệ môi trường... Đặc biệt, du lịch được xem là nguồn sinh kế quý giá qua việc tạo ra 10,5% tổng số việc làm trên toàn thế giới (khoảng 334 triệu người, tính đến năm 2019).

Sự phục hồi ngoạn mục

Trong hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, du lịch là một trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo UNWTO, năm 2020 và 2021, lượng khách du lịch quốc tế giảm tới hơn 70% so với năm 2019.

Tuy nhiên, kể từ năm 2022, khi đại dịch được khống chế, số lượng du khách đã tăng nhanh chóng. Thống kê của UNWTO cho thấy, năm 2023, du lịch không chỉ là một trong những ngành kinh tế quan trọng sớm phục hồi mà còn có sự phát triển mạnh mẽ. 

Với khoảng 1,3 tỷ lượt khách quốc tế trong năm, du lịch mang lại doanh thu 1.400 tỷ USD. Trung Đông là khu vực dẫn đầu về mức độ phục hồi, khi lượng khách quốc tế tăng tới 22% so với năm 2019. Trong khi đó, lượng du khách tới châu Phi phục hồi 96%; tiếp đó là châu Âu - khu vực được du khách ghé thăm nhiều nhất thế giới - đã đạt 94% mức của năm trước đại dịch...

Theo định nghĩa của UNWTO, điểm đến du lịch là một không gian vật lý có hoặc không có ranh giới hành chính hoặc/và ranh giới khác, mà du khách có thể nghỉ lại qua đêm. Nó là một cụm (cùng địa điểm) các sản phẩm và dịch vụ, các hoạt động và trải nghiệm dọc theo chuỗi giá trị du lịch và là một đơn vị cơ bản để phân tích du lịch. Một điểm đến bao gồm nhiều yếu tố liên quan khác nhau và có thể kết nối với nhau thành các điểm đến lớn hơn.

Xét về quốc gia, Pháp là điểm đến được ghé thăm nhiều nhất thế giới vào năm 2023 với 100 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tây Ban Nha đứng thứ hai với 85 triệu lượt, tiếp theo là Mỹ (66 triệu lượt), Italia (57 triệu lượt) và Thổ Nhĩ Kỳ (55 triệu lượt)... 

Sự tăng trưởng này giúp Mỹ thu được 176 tỷ USD, tiếp theo là Tây Ban Nha (92 tỷ USD), Vương quốc Anh (74 tỷ USD), Pháp (69 tỷ USD) và Italia (56 tỷ USD).

Tiếp nối tốc độ tăng trưởng năm 2023, trong quý I-2024, lượng khách du lịch quốc tế ước đạt 285 triệu lượt, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Trung Đông tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất, với lượng khách quốc tế vượt 36% so với quý I-2019; tiếp đến là châu Phi (tăng 5%), châu Âu (tăng 1%), châu Mỹ (đạt 99%). Riêng lượng khách đến châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi 82% sau khi phục hồi 65% vào năm 2023.

Theo UNWTO, việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong những năm “đóng cửa” do đại dịch, cộng với kết nối hàng không được tăng cường đồng thời với việc nhiều quốc gia tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cùng sự phục hồi mạnh mẽ hơn của các thị trường, điểm đến châu Á dự kiến sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế vào năm 2024, với ước tính mức tăng trưởng khoảng 2% so với năm 2019.

WTTC dự báo, năm 2024 sẽ xác lập nhiều kỷ lục mới trong lĩnh vực du lịch và lữ hành; đóng góp kinh tế toàn cầu của ngành này cũng sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại là 11.100 tỷ USD; tạo ra gần 348 triệu việc làm trên toàn thế giới, tăng hơn 13,6 triệu việc làm so với mức cao nhất đạt được vào năm 2019.

Cũng theo dự báo của WTTC, trong vòng 10 năm tới, du lịch và lữ hành sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và mang lại ngày càng nhiều việc làm, với tổng giá trị 16.000 tỷ USD (11,4% GDP toàn cầu) và cung cấp việc làm cho 449 triệu người (gần 12,2% lực lượng lao động) vào năm 2034.

Nỗi lo quá tải

Bên cạnh niềm vui, nhu cầu du lịch tăng đột biến từ năm 2022 đến nay đã khiến nhiều điểm đến nổi tiếng trên thế giới, nhất là các điểm đến ở châu Âu tái xuất hiện tình trạng quá tải vốn gây nhiều lo ngại.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2023, số đêm lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn châu Âu (EU) đạt tới mức kỷ lục là 2,92 tỷ đêm, cao hơn 1,6% so với 2,87 tỷ đêm vào năm 2019. 

Trong đó, số đêm lưu trú của du khách quốc tế tăng hơn 146 triệu, còn khách nội địa tăng 25 triệu. Tại Malta và Síp, mức tăng trưởng đêm lưu trú vượt quá 20% và tại 8 thành viên EU khác là Slovakia, Latvia, Bulgaria, Áo, Séc, Bồ Đào Nha, Romania, Hy Lạp, mức tăng trưởng đều cao hơn 10%. 

Về số lượng tuyệt đối, mức tăng lớn nhất số đêm lưu trú được ghi nhận tại Đức (tăng 32,8 triệu đêm) và Tây Ban Nha (tăng 32,3 triệu đêm). Chính vì vậy, nhiều điểm đến nổi tiếng, từ Venice (Italia), Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp) đến quần đảo Canary hay Barcelona (Tây Ban Nha),... đã rơi vào tình trạng quá tải.

Chẳng hạn như tại Venice, thành phố có dân số nội thành khoảng 50.000 người này đã phải đón trung bình khoảng 30 triệu du khách mỗi năm. Vì vậy, mỗi ngày, một người dân Venice phải đón 1,5 du khách. 

Trên thực tế, con số này còn lớn hơn, bởi theo báo cáo của chính quyền thành phố, mỗi đêm có khoảng 100.000 du khách lưu trú tại Venice. Tương tự, quần đảo Canary với khoảng 2 triệu người đã đón 14 triệu khách du lịch vào năm 2023 (trung bình, mỗi cư dân đón 7 khách du lịch).

Trong khi đó, nước Pháp đón trung bình khoảng 80 triệu khách du lịch mỗi năm, và hầu hết đều đến Paris. Khu vực nội thành Paris, với hơn 2 triệu dân, luôn phải đối mặt với tình trạng quá tải do thường xuyên phải đón tiếp lượng lớn khách du lịch. 

Tình hình ở Barcelona hay Amsterdam dù được xem là khá hơn, nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng vẫn chưa thể đáp ứng được do lượng khách du lịch quá lớn.

Báo cáo được công bố đầu tháng 6-2024 của Eurostat cho thấy, trong quý I-2024, có 452,6 triệu lượt lưu trú qua đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch trên khắp EU, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mức tăng số đêm lưu trú của du khách nước ngoài là 11%; số đêm lưu trú của khách du lịch nội địa là 4%. Số đêm lưu trú của du khách nước ngoài được ghi nhận tăng nhiều nhất ở Síp (23%), Croatia (22%), Malta và Luxembourg (đều tăng 21%).

II. QUÁ TẢI DU LỊCH: NHIỀU HỆ LỤY

Sức chịu tải và chất lượng điểm đến du lịch

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, một trong những vấn đề được các nhà quản lý luôn quan tâm, đó là sức chịu tải trong lĩnh vực du lịch. Theo UNWTO, sức chịu tải du lịch là số du khách tối đa có thể đến thăm một điểm du lịch tại cùng một thời điểm mà không gây tổn hại tới môi trường vật lý, kinh tế, văn hóa - xã hội và ảnh hưởng tới chất lượng trải nghiệm của khách du lịch.

UNWTO cho rằng, chất lượng của một điểm đến du lịch là kết quả của một quá trình bao hàm sự thỏa mãn mọi nhu cầu, yêu cầu và mong đợi của người tiêu dùng về sản phẩm, dịch vụ du lịch ở mức giá có thể chấp nhận được, phù hợp với các điều kiện được hai bên chấp nhận và các yếu tố cơ bản tiềm ẩn như an toàn và an ninh, vệ sinh, khả năng tiếp cận, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng và các tiện ích và dịch vụ công cộng. Nó cũng liên quan đến các khía cạnh đạo đức, tính minh bạch và sự tôn trọng đối với môi trường con người, tự nhiên và văn hóa tại điểm đến.

Với cách tiếp cận theo mức độ tác động của du khách, một số tác giả cho rằng, sức chịu tải của điểm đến du lịch là mức độ hoạt động của con người mà một điểm đến có thể đáp ứng mà không làm khu vực đó xấu đi, cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng xấu hoặc chất lượng trải nghiệm của du khách bị giảm sút.

Từ việc tính toán sức chịu tải du lịch, người ta có thể đặt ra giới hạn về số lượng du khách đến một điểm đến để bảo đảm chất lượng của điểm đến này.

Quá tải du lịch và nỗi lo chất lượng điểm đến

Mặc dù nhiều cảnh báo về hậu quả tiêu cực có thể xảy ra do sự gia tăng nhu cầu du lịch quốc tế đã được đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ trước, nhưng phải đến năm 2001, thuật ngữ “quá tải du lịch” hay “du lịch quá mức” mới được sử dụng trong một bài viết của nữ nhà báo Freya Petersen về thành phố cổ Pompei (Italia). 

Trong bài báo đó, tác giả đã than phiền về sự phát triển du lịch quá mức và tình trạng thiếu hụt quản lý tại thành phố này. Năm 2018, thuật ngữ này được đưa vào Từ điển Oxford và được đề cử là “từ của năm”.

Từ đó đến nay, nhiều định nghĩa về quá tải du lịch được đưa ra. Tuy nhiên, theo cách hiểu phổ biến nhất, quá tải du lịch là sự gia tăng quá mức của du khách dẫn đến tình trạng vượt quá sức chịu tải ở những khu vực, điểm đến, khiến cư dân phải gánh chịu hậu quả của các đợt du lịch cao điểm tạm thời và theo mùa, gây ra những thay đổi vĩnh viễn về lối sống, tiện nghi và gây tổn hại đến phúc lợi chung của họ. 

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chất lượng điểm đến du lịch bị xuống cấp, tác động tiêu cực tới cả người dân sở tại và du khách.

Những tác động không thể xem nhẹ

Tác động tới môi trường

Theo các chuyên gia, một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của tình trạng quá tải du lịch chính là những tác động tới môi trường. Trên thực tế, hệ động vật và thực vật thường là những đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng. Tại một số điểm đến, các vấn đề về môi trường do du lịch gây ra như nạn phá rừng, khai thác đất đai và ô nhiễm dẫn đến sự phá hủy toàn bộ hệ sinh thái. 

Trong một số trường hợp, sự gia tăng khách du lịch quá mức và việc phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách dẫn tới những tình huống không thể cứu vãn, chẳng hạn như sự suy giảm nghiêm trọng các rạn san hô trên khắp thế giới.

Theo các nhà khoa học, các rạn san hô là địa điểm thu hút khách du lịch của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch quá mức lại là một trong những nguyên nhân chính khiến các rạn san hô bị tổn thương. 

Một nghiên cứu được Mexico công bố năm 2022 chứng minh rằng, quá trình phát triển đô thị và du lịch ven biển là nguyên nhân chính gây ra cái chết của hàng nghìn quần thể san hô thuộc Hệ thống Trung Mỹ (SAM) lớn thứ hai thế giới, trải dài từ Mexico đến Honduras. 

Trong khi đó, tình trạng quá tải du lịch cũng đã phá hủy gần hết rạn san hô và hệ sinh thái của vịnh Maya, khiến điểm thu hút du khách nhất Thái Lan này phải đóng cửa gần 4 năm để khôi phục...

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải du lịch cũng làm phát sinh một lượng rác thải, nước thải lớn vượt quá khả năng xử lý của các điểm đến và trở thành vấn đề môi trường lớn. Năm 2018, “đảo thiên đường” Boracay ở Philippines buộc phải đóng cửa để phục hồi hệ sinh thái sau nhiều năm không kiểm soát được rác thải phát sinh do hoạt động du lịch. 

Rác thải cũng là vấn đề đau đầu với giới chức đảo Bali (Indonesia), nơi đang cố gắng thực hiện sáng kiến “Bali không rác thải”. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Venice (Italia) hay quần đảo Canary (Tây Ban Nha), lượng khách du lịch lớn cũng khiến lực lượng vệ sinh môi trường luôn trong tình trạng quá tải và không thể xử lý theo đúng tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng gây ô nhiễm. 

Chưa kể, do nhu cầu đi lại của khách du lịch luôn ở mức cao và không ngừng gia tăng, nên giao thông tại các điểm đến này luôn trong tình trạng tắc nghẽn, gây ô nhiễm tiếng ồn. Thêm vào đó, các không gian sống, nhất là đô thị vốn chỉ được thiết kế cho một lượng người giới hạn thì nay phải “nhồi nhét” gấp 2 - 3 lần, cũng dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí.

Tác động tới văn hóa - xã hội

Một trong những điều thu hút khách du lịch là nét đặc sắc về cảnh quan, văn hóa của các điểm đến. Tuy nhiên, khi các điểm đến trở nên nổi tiếng qua các hình thức quảng bá cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều du khách tìm đến. Dù điều này có thể mang lại nguồn lợi về kinh tế, nhưng lượng du khách quá lớn nhiều khi lại gây khó chịu cho người dân địa phương. 

Chẳng hạn như tại ngôi làng Binibeca Vell - một trong những “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch ở Tây Ban Nha - mặc kệ những tấm biển yêu cầu phải tôn trọng cuộc sống riêng của cư dân và im lặng, nhưng không ít khách du lịch còn trèo lên tường và mái nhà, thậm chí mở cửa đi vào trong nhà để xem những người ở đó sống ra sao. 

Rồi tiếng ồn ào cười nói, tiếng bấm máy ảnh và cả những bước chân rầm rập suốt ngày đêm trên những con đường lát đá cuội,... khiến người dân ngán ngẩm, thậm chí trở nên giận dữ muốn cấm cửa tất cả du khách vào làng.

Trên khắp châu Âu, cùng với hiện tượng quá tải du lịch, người dân sở tại phàn nàn về sự biến mất của các cửa hàng nhỏ, thay thế bằng các cửa hàng du lịch, cũng như việc thành phố của họ bị “xâm phạm”. 

Nhiều người cảm thấy khó chịu khi cuộc sống bình yên không còn nữa, chưa kể cảnh quan hay sinh thái còn bị biến đổi cho phù hợp với nhu cầu của du khách; cơ sở hạ tầng liên tục xuống cấp do sự quá tải; giá hàng tiêu dùng tăng cao. 

Chưa hết, lượng khách du lịch đông đúc và sự lan rộng của các nền tảng trực tuyến như Airbnb cũng khiến giá thuê nhà tăng; các nhà đầu tư tập trung vào mua bán bất động sản, kinh doanh dịch vụ khách sạn, khiến giá nhà trở nên đắt đỏ. 

Điều đó không chỉ làm cho người dân khó khăn hơn trong việc chi trả tiền thuê nhà hoặc không có khả năng mua nhà, mà còn buộc nhiều cư dân phải rời khỏi các điểm đến này. Hậu quả của xu hướng trên là các điểm đến ngày càng giống những “nhà hát du lịch” và tính chân thực về văn hóa - xã hội dần mai một.

Tác động về kinh tế

Với những lo ngại về tình trạng ô nhiễm cũng như sức ép về giá thuê, mua nhà và những bất tiện do du lịch gây ra, nhiều người dân địa phương chọn cách rời khỏi các điểm du lịch nổi tiếng để tìm nơi ở tốt hơn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho chính ngành du lịch, cũng như các ngành kinh tế khác.

Bên cạnh đó, sự phát triển quá mức của du lịch cũng khiến các ngành nghề truyền thống ở nhiều nơi bị xói mòn và có nguy cơ bị xóa sổ. Những người làm du lịch, những gia đình làm du lịch không ai muốn lao động vất vả để tiếp tục duy trì nghề của tổ tiên vốn chẳng mấy ai quan tâm trong khi có cơ hội kiếm tiền dễ dàng hơn. 

Thậm chí, một số nhà máy nhanh chóng trở thành điểm tham quan du lịch, trong khi kinh nghiệm được truyền qua nhiều thế hệ chỉ được biết đến qua những câu chuyện hoặc hình ảnh.

Ngoài ra, ở hầu hết các điểm đến, phần lớn lợi nhuận từ du lịch đều thuộc về các công ty du lịch, các nhà đầu tư từ nơi khác tới xây khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, cung cấp dịch vụ vận chuyển hay giải trí cho du khách...; phần lợi ích với địa phương là không đáng kể, không giúp nhiều cho việc cải thiện cuộc sống, thu nhập của người dân.

Ngày 6-7, hàng nghìn người đã biểu tình ở trung tâm thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) để phản đối tình trạng khách du lịch ồ ạt vào thành phố. Theo trang web bất động sản Idealista, tại các thành phố du lịch như Barcelona và Madrid, lượng khách du lịch tăng nhanh đã khiến giá thuê nhà trong tháng 6 tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, cũng tại Tây Ban Nha, người dân ở quần đảo Balearic và Canary đã xuống đường biểu tình, kêu gọi chính quyền tạm thời hạn chế số lượng du khách để giảm bớt áp lực lên môi trường, cơ sở hạ tầng và nguồn cung nhà ở trên đảo; đồng thời hạn chế việc người nước ngoài mua bất động sản. Theo thống kê, quần đảo Canary có 2,2 triệu dân nhưng đã phải đón tới 13,9 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2023, tăng 13,1% so với năm 2022.

III. PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG - GIẢI PHÁP CĂN CƠ

11 chiến lược để giải quyết tình trạng quá tải du lịch

Trong báo cáo chuyên đề năm 2019, UNWTO đề xuất 11 chiến lược và 68 biện pháp để chống lại tình trạng quá tải du lịch tại các điểm đến đô thị. 11 chiến lược bao gồm:

- Khuyến khích sự phân tán của khách du lịch trong điểm đến, thậm chí ra ngoài lãnh thổ, gợi ý việc ghé thăm các điểm đến ít được biết đến và các khu vực ít khách du lịch hơn.

- Thực hiện việc quảng bá du lịch vào các thời điểm khác nhau từ mùa cao điểm đến mùa thấp điểm mà không nên chỉ tập trung vào mùa cao điểm, nhằm thúc đẩy việc phân tán du khách theo thời gian.

- Tạo ra các hành trình và điểm tham quan mới và khác biệt.

- Xem xét và cải thiện các quy định, chẳng hạn như đóng cửa một số khu vực giao thông đông đúc.

- Thu hút nhiều loại du khách có trách nhiệm hơn.

- Bảo đảm lợi ích của du lịch đối với cộng đồng địa phương, ví dụ như thông qua việc tăng số lượng cư dân làm việc trong ngành du lịch và thu hút cư dân tham gia vào việc tạo ra các trải nghiệm du lịch...

- Phát triển và quảng bá những trải nghiệm tại những điểm đến hoặc vùng lãnh thổ có lợi cho cả khách du lịch và người dân địa phương.

- Tăng cường cơ sở hạ tầng và dịch vụ của khu nghỉ dưỡng.

- Thu hút cộng đồng địa phương và các bên liên quan tham gia vào các quyết định và lựa chọn của khách du lịch.

- Giáo dục du khách và hướng dẫn họ cách sống có trách nhiệm, tôn trọng điểm đến hơn.

- Theo dõi và đo lường những thay đổi; đồng thời thiết lập các biện pháp giám sát và ứng phó.

Theo UNWTO, việc quản lý luồng du lịch tại các điểm đến vì lợi ích của du khách và người dân là vấn đề cơ bản đối với ngành du lịch. Điều quan trọng là phải hiểu được thái độ của người dân đối với du lịch để bảo đảm phát triển các chiến lược du lịch bền vững thành công. 

Trên thực tế, không có biện pháp “phù hợp với tất cả” để giải quyết tình trạng quá tải du lịch và bất kỳ chiến lược quản lý điểm đến thành công nào cũng cần phải phù hợp với bối cảnh cụ thể.

Quản lý điểm đến - yêu cầu quan trọng

Khi phân tích về những giải pháp giải quyết tình trạng quá tải du lịch, cả UNWTO và Hội đồng Tương lai toàn cầu về du lịch bền vững của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đều cho rằng, việc quản lý điểm đến có ảnh hưởng rất lớn đến các loại hình du lịch, nhu cầu du lịch và tác động của nó. 

Những yếu kém trong quản lý điểm đến có thể dẫn tới việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và văn hóa; tác động kinh tế tiêu cực đến cộng đồng như lạm phát, “bong bóng giá” do sức mua cao hơn của khách du lịch tạo ra và mất sinh kế; việc sử dụng quá mức cơ sở hạ tầng; thiếu kết nối doanh thu của du khách với cộng đồng địa phương để tạo việc làm lâu dài và sinh kế bền vững; phản ứng dữ dội và tức giận khi tài nguyên nghiêng về phía du khách so với người dân địa phương; cảm giác thiếu kiểm soát khi cộng đồng địa phương phải gánh chịu chi phí khi không được tham gia vào việc thiết kế và quản lý điểm đến;... như đã xảy ra trong nhiều trường hợp du lịch quả tải.

Vì vậy, điều lý tưởng nhất là có sự quản lý thông qua kế hoạch phát triển điểm đến với những mục đích, tầm nhìn và chiến lược cùng các cơ chế phối hợp điều chỉnh hành vi của các chủ thể, kiểm soát việc sử dụng tài nguyên, điều phối luồng và trải nghiệm của du khách một cách rõ ràng. Những yêu cầu cần đặt ra bao gồm:

Đối với công tác quản lý điểm đến

Chính quyền địa phương phải thực hiện các biện pháp chính sách để thiết lập giới hạn chịu tải và chất lượng điểm đến du lịch; đồng thời bảo đảm chúng được thực hiện. Cùng với đó, các nhà quản lý điểm đến cần lập kế hoạch chiến lược toàn diện dựa trên khả năng đáp ứng của mình, có sẵn cơ chế để hiểu rõ hành vi và sở thích của du khách để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đối với ngành du lịch

Các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch nên tìm cách giảm thiểu tác động đến môi trường và xã hội, đưa ra các chiến lược có trách nhiệm với môi trường và xã hội, đồng thời thu hút du khách tham gia thực hiện các mục tiêu này. 

Đối với những du khách mong muốn du lịch bền vững hơn, điều quan trọng là ngành du lịch phải có đủ thông tin để lựa chọn một cách có trách nhiệm. Chuỗi cung ứng du lịch cũng phải có trách nhiệm chuyển hướng du lịch ra khỏi các điểm đến đông đúc nhưng cũng phải tránh chuyển vấn đề quá tải sang nơi khác.

Những người đầu tư vào du lịch cũng nên hỗ trợ các sáng kiến nâng cao nhu cầu và ưu tiên của địa phương, chứ không chỉ đơn thuần áp dụng mô hình khai thác tối đa để mang lại lợi ích cho chuỗi cung ứng.

Đối với du khách

Khách du lịch phải chịu trách nhiệm về hành vi và quyết định của mình khi đi du lịch, vì điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với người dân địa phương. Họ cũng cần nhận thức được những thách thức về tính bền vững mà điểm đến phải đối mặt và hành vi của họ là điều cần thiết để thúc đẩy tính bền vững. 

Họ cũng có thể chủ động tìm kiếm thông tin trước khi đi du lịch, lựa chọn cách tiêu dùng bền vững các sản phẩm và dịch vụ du lịch, có thể tham gia tạo ra sự thay đổi thông qua các hoạt động và bằng cách duy trì kết nối sau khi rời đi, nếu muốn.

Chúng ta có thể làm gì?

- Tránh đi máy bay và du thuyền. Hãy di chuyển bằng tàu hỏa và phương tiện công cộng bất cứ khi nào có thể.

- Đừng đưa ra quyết định thực hiện chuyến du lịch vào thời gian cao điểm.

- Tổ chức kỳ nghỉ theo cách khác: chọn những điểm đến đích thực và ít khách du lịch hơn.

- Du lịch trái mùa: mùa xuân và mùa thu là những mùa du lịch đẹp, ít tốn kém.

- Tôn trọng những nơi bạn đến thăm, cố gắng sống như người dân địa phương, đắm mình vào văn hóa của nơi đó và kết bạn với người dân địa phương.

Du lịch bền vững - giải pháp căn cơ

Từ những khuyến nghị, yêu cầu đặt ra, có thể thấy bên cạnh những việc thực thi các biện pháp hạn chế du lịch như thu phí, hạn chế số khách hay tạm thời đóng cửa các điểm đến..., điều quan trọng là cần khuyến khích phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững, thúc đẩy du lịch chất lượng thay vì số lượng. 

Điều đáng mừng là hiện nay xu hướng du lịch bền vững đã bắt đầu được chú ý và có sự lan tỏa nhanh. Trong báo cáo mới nhất về xu hướng du lịch do nền tảng Booking.com tiến hành, có hơn 60% số người tham gia khảo sát hưởng ứng xu thế này.

Đây được xem là sự lựa chọn lý tưởng cho những du khách thích những không gian vắng vẻ, ngắt kết nối với thiết bị công nghệ để có thời gian hòa mình vào thiên nhiên và những trải nghiệm sâu sắc. 

Với du lịch bền vững, du khách sẽ tránh xa các địa điểm du lịch đông đúc, đề cao vấn đề trải nghiệm cá nhân thay vì ồ ạt tham gia các chuyến tham quan; lựa chọn mùa du lịch thấp điểm để tăng cường sự riêng tư. Xu hướng này cũng khuyến khích du khách hòa mình vào văn hóa, ẩm thực và truyền thống địa phương...

IV. GIẢI PHÁP HẠN CHẾ QUÁ TẢI DU LỊCH TRÊN THẾ GIỚI

Tại Tây Ban Nha

Đối mặt với lượng khách du lịch không ngừng tăng cao, ngành du lịch đang thúc đẩy sự hợp tác với các bên để giải quyết những thách thức của du lịch đại chúng, du lịch theo mùa và địa lý... Mục tiêu đặt ra là đưa đất nước trở thành điểm đến du lịch “bền vững và cạnh tranh hơn” thông qua mô hình du lịch có trách nhiệm, giảm thiểu tác động tới môi trường, hỗ trợ các ngành công nghiệp và việc làm; đồng thời bảo tồn di sản văn hóa địa phương.

Để điều chỉnh lượng khách vào thành phố, từ năm 2012, chính quyền Barcelona bắt đầu áp dụng thuế lưu trú ban đêm với thuế suất thay đổi tùy theo loại chỗ ở. Các mức thuế này được tăng vào tháng 4-2023.

Năm 2018, chính quyền Thủ đô Madrid đưa ra quyết định nhằm ngăn chặn việc xây dựng các khách sạn mới ở trung tâm lịch sử, từ chối các tàu du lịch và cắt giảm số lượng khách du lịch được phép vào chợ Boqueria. 

Tháng 10-2023, thành phố đóng cửa bến cảng du lịch phía Bắc để chuyển các tàu ra xa thị trấn hơn. Bắt đầu từ tháng 4-2024, khách du lịch (bao gồm cả du khách đi tàu) sẽ phải trả “phụ phí thành phố” cao hơn là 3,25 euro (khoảng 3,50 USD), tăng từ 2,75 euro (khoảng 3 USD) vào năm 2023.

Trong khi đó, điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước này là Lanzarote cũng đang kiên trì theo đuổi mục tiêu giảm lượng khách du lịch khi hòn đảo này đang trở thành nơi tập trung quá đông người, xe cộ và rác thải, cũng như những hành vi “thiếu văn minh” của nhiều du khách... 

Nhiều biện pháp đã được đề xuất để giải quyết tình trạng này như hạn chế quyền tiếp cận đường bờ biển; bảo vệ nhiều hơn cho khu vực công viên tự nhiên; hạn chế lượng khách du lịch đến từ Anh...

Tại Pháp

Tại Pháp, 80% trong tổng số 100 triệu du khách tới nước này mỗi năm chỉ tập trung vào 20% lãnh thổ. Do đó, các ngành chức năng đã xây dựng chương trình quảng bá nhằm thúc đẩy du lịch 4 mùa trên khắp đất nước, khuyến khích du khách chuyển hướng sang những địa điểm ít được biết đến hơn hoặc không đi du lịch vào mùa hè cao điểm.

Ở Paris - thành phố ánh sáng, điểm đến yêu thích của du khách toàn thế giới - sự nổi tiếng gia tăng trong nhiều năm qua tạo ra áp lực lớn về cơ sở hạ tầng và cộng đồng địa phương. Các biện pháp giảm tải đang được xem xét để bảo vệ chất lượng cuộc sống và giảm tác động tiêu cực của du lịch quá mức.

Trong khi đó, để bảo vệ Công viên quốc gia Calanques “nhạy cảm, dễ bị tổn thương và xuống cấp nhất”, thành phố Marseilles đã xây dựng và vận hành hệ thống đặt chỗ nhằm hạn chế lượng khách du lịch vào tham quan địa điểm này.

Tương tự, để giúp giảm bớt tình trạng tắc nghẽn xung quanh Nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde, năm 2020, câu lạc bộ du thuyền Marseille Provence đã áp dụng hệ thống quản lý luồng cho hành khách của các hãng du thuyền. 

Việc điều tiết số lượng du thuyền và xe bus phục vụ phù hợp với từng thời điểm giúp du khách có trải nghiệm tốt hơn; đồng thời bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như các doanh nghiệp địa phương.

Điểm đến thơ mộng Venice (Italia) gần đây đã áp dụng phí vào cửa cho du lịch đến tham quan các kênh đào nổi tiếng của thành phố nhưng chỉ ở lại 1 ngày. Thành phố cũng áp dụng thuế qua đêm, với các mức thuế khác nhau dựa trên số đêm lưu trú và cấp độ hoặc số sao của nơi lưu trú. Trước đó, từ năm 2021, các tàu du lịch trên 25.000 tấn đã bị cấm sử dụng kênh đào Giudecca chính.

Cũng tại Italia, để hạn chế khách du lịch, những người không phải là cư dân địa phương chỉ có thể lái xe dọc theo con đường ven biển Amalffi vào một số ngày nhất định.

Tại Nhật Bản

Ngành du lịch Nhật Bản đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là chào đón khoảng 60 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2024, tăng gần 35 triệu khách so với năm 2023. 

Tuy nhiên, Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho biết, nước này cũng tập trung thực hiện nhiều biện pháp chống quá tải du lịch, phòng ngừa và giảm thiểu các hành vi vi phạm đạo đức do tập trung khách du lịch; thúc đẩy thu hút khách du lịch đến các vùng nông thôn; đẩy mạnh hợp tác du lịch với cư dân địa phương...

Tại các điểm đến cụ thể, chẳng hạn như núi Phú Sĩ, trước sự bùng nổ về số lượng người leo núi đi kèm với một lượng lớn rác thải mà khách du lịch để lại trong quá trình leo núi cũng như sự quá tải về giao thông..., từ ngày 1-7-2024, chính quyền tỉnh Yamanashi (Tokyo) bắt đầu triển khai dịch vụ đặt chỗ trực tuyến cho tuyến leo núi này; đồng thời chỉ cho phép tối đa 4.000 người leo núi mỗi ngày trên đường mòn Yoshida và thu phí 2.000 yên (khoảng 12 USD). 

Trước đó, vào tháng 9-2023, chính quyền đã cho dựng một rào chắn để chặn một góc nhìn phổ biến về ngọn núi nổi tiếng này do những người dân sống gần góc nhìn đặc biệt này liên tục phàn nàn về việc đám đông những người đến đây để chụp ảnh thường từ chối tuân thủ các quy tắc về xả rác và đỗ xe.

Hiện các điểm đến phổ biến khác ở Nhật Bản như thành phố Osaka và thị trấn nghỉ dưỡng suối nước nóng Hakone cũng đang xem xét áp dụng thuế du lịch mới để giải quyết tình trạng gia tăng lượng du khách.

Tại Amsterdam (Hà Lan)

Theo một sắc lệnh có tên là “Du lịch Amsterdam cân bằng”, khi số lượng du khách lưu trú qua đêm đạt 18 triệu người, hội đồng thành phố “có nghĩa vụ phải can thiệp”. Theo đó, vào năm 2018, hội đồng thành phố tăng gấp đôi thuế phòng khách sạn lên 6%, cấm cho thuê Airbnb ngắn hạn ở trung tâm và không cho đầu tư các cửa hàng lưu niệm mới.

Thành phố cố gắng thu hút khách du lịch rời khỏi trung tâm bằng cách đầu tư phát triển các địa điểm ngay bên ngoài Amsterdam, chẳng hạn như dải bờ biển Zandvoort được khách du lịch gọi là “bãi biển Amsterdam”; đẩy mạnh truyền thông về việc xử phạt các hành vi xấu, nhằm loại bỏ những khách du lịch “gây ra vấn đề”.

Năm 2023, Amsterdam tuyên bố sẽ cấm sử dụng cần sa trên đường phố và thực hiện các bước đi mới để ngăn chặn tình trạng uống rượu ở “khu đèn đỏ”. Trong nỗ lực “hạn chế du lịch và ngăn ngừa phiền toái”, Amsterdam có kế hoạch hạn chế du thuyền trên sông, chuyển đổi khách sạn thành văn phòng, cấm xây dựng khách sạn mới và áp dụng thời gian đóng cửa sớm hơn đối với các quán bar và câu lạc bộ.

Từ tháng 9-2023, Amsterdam tăng phí hằng ngày đối với du khách đi tàu du lịch từ 8 lên 11 euro và tăng 12,5% phí nghỉ đêm tính vào giá phòng khách sạn.

Tại Bali (Indonesia)

Theo WTTC, năm 2023, Bali là một trong những điểm du lịch phải hứng chịu tình trạng quá tải du lịch nghiêm trọng. Điều này buộc Chính phủ Indonesia phải đưa ra các biện pháp giảm tải du lịch cũng như bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nơi đây. 

Theo đó, Bộ Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia tiến hành mở rộng các điểm du lịch phía Bắc và phía Tây Bali để cung cấp nhiều lựa chọn du lịch hơn cho du khách, tránh tình trạng quá tải ở miền Nam Bali; đồng thời có kế hoạch đầu tư hệ thống đường sắt hạng nhẹ LRT và vận tải trên biển để hỗ trợ du lịch ở khu vực này. 

Để tránh ùn tắc giao thông, cảnh sát triển khai hệ thống giao thông một chiều. Chính phủ cũng cảnh báo về rủi ro của tình trạng quá tải và kêu gọi chuyển sang mô hình du lịch bền vững.

Với mục tiêu kiểm soát lượng khách du lịch tăng cao, Thống đốc Bali đã ban hành hướng dẫn “nên và không nên làm” đối với khách du lịch, bao gồm việc phải tuân thủ các quy định và ứng xử văn hóa tại những địa điểm linh thiêng ở Bali. Kể từ ngày 14-2-2024, mỗi khách du lịch quốc tế cũng sẽ phải trả khoản thuế mới là 150.000 Rp (tương đương 10 USD).

V. VIỆT NAM: CÁCH NÀO HẠN CHẾ QUÁ TẢI DU LỊCH?

Điểm đến hấp dẫn

Với vị trí thuận lợi về địa lý, khí hậu và điều kiện tự nhiên cùng bề dày văn hóa, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Không chỉ có bờ biển trải dài, Việt Nam còn nằm trong danh sách 12 quốc gia hàng đầu có những vịnh đẹp nhất trên thế giới như Mỹ Khê (Đà Nẵng), An Bàng (Quảng Nam), Bãi Dài (Côn Đảo), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Lăng Cô (Huế), Nha Trang (Khánh Hòa)...

Việt Nam cũng có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng về loại hình, có giá trị cao về nhiều mặt với gần 40.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, hơn 59.000 di sản văn hóa phi vật thể phân bổ khắp cả nước. 

Nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận như Vịnh Hạ Long, Tràng An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn...; nhiều khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Cát Bà (Hải Phòng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam)...

Những năm qua, sự hấp dẫn của những điểm đến này cùng chính sách phát triển du lịch phù hợp giúp Việt Nam liên tục nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về du lịch nhanh nhất thế giới, với lượng khách quốc tế và nội địa không ngừng tăng cao. 

Nếu như năm 2010, Việt Nam mới đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2016, con số này đã tăng gấp đôi và đến năm 2019 đạt 18 triệu lượt. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa cũng tăng nhanh chóng, từ trên 28 triệu lượt (năm 2010) lên 85 triệu lượt vào năm 2019.

Cũng như nhiều quốc gia khác, sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đến năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Du lịch Việt Nam kết thúc năm 2023 với con số đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, vượt 57% mục tiêu ban đầu (8 triệu lượt). 

Khách du lịch nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch. Trong đó, châu Á là khu vực đóng góp lượng khách quốc tế lớn nhất tới Việt Nam với hơn 9,78 triệu người, gấp 3,8 lần năm 2022; khách đến từ châu Âu đạt 1,459 triệu người (gấp 2,9 lần); khách đến từ châu Mỹ đạt trên 900.000 lượt người (gấp 2,3 lần)...

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước với gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa. Trong khi đó, Hà Nội đón 4 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa. Lượng khách đến các địa phương khác như Bình Thuận, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế,... cũng tăng cao.

Những năm qua, du lịch Việt Nam được quốc tế đánh giá cao. Riêng năm 2023, Việt Nam đã lần thứ tư được UNWTO vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, lần thứ năm được bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”. 

Nhiều điểm đến cấp địa phương như Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), Mộc Châu (Sơn La), Hà Nam, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), bãi biển An Bàng (Quảng Nam), Mỹ Khê (Đà Nẵng),... cũng được trao tặng các hạng mục giải thưởng du lịch danh giá. Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, năm 2023, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 và là điểm đến duy nhất tại Đông Nam Á nằm ở top 10.

Nhiều điểm đến bị quá tải

Tuy nhiên, song hành với sự gia tăng lượng du khách, các địa phương, điểm đến nổi tiếng, có sự tăng trưởng mạnh cũng rơi vào tình trạng quá tải khách du lịch, nhất là vào thời gian cao điểm, dịp nghỉ lễ, tết,... như tại Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang, Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang)... 

Dù chỉ xảy ra cục bộ trong mùa cao điểm du lịch, nhưng sự tập trung quá đông lượng khách tại cùng một thời điểm không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, mà còn tác động tiêu cực tới cơ sở hạ tầng, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; gây khó khăn đối với công tác quản lý, vận hành của điểm đến. 

Người dân địa phương ở các khu vực đông du khách cũng phải chịu các vấn đề như tình trạng đông đúc, tắc nghẽn giao thông, rác thải và tiếng ồn...

Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do sự bùng nổ nhu cầu du lịch sau những năm “đóng băng” do đại dịch COVID-19, tính mùa vụ du lịch của điểm đến, sự hạn chế về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. 

Bên cạnh đó là việc thiếu chủ động trong tính toán, quy hoạch sức chịu tải tại điểm đến, không có phương án điều tiết khách hợp lý, sản phẩm du lịch bổ trợ chưa đa dạng, mới chỉ tập trung phát triển du lịch ở vùng lõi, vùng trung tâm mà chưa quan tâm nhiều tới các điểm đến vệ tinh...

Làm gì để giảm sức ép?

Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục tình trạng quá tải khách ở những điểm đến có sự phát triển “nóng”, ngành du lịch cần phải đa dạng hóa điểm đến và trải nghiệm du lịch của du khách, trong đó phát triển điểm đến vệ tinh là một trong những giải pháp quan trọng.

Điểm đến vệ tinh có thể hiểu là những điểm đến có khoảng cách nhất định với điểm đến trung tâm tập trung đông khách du lịch, có điều kiện thuận lợi để kết nối với trung tâm và có khả năng phát triển du lịch nhằm chia sẻ lượng khách, giảm áp lực cho các trung tâm, giúp khai thác hiệu quả hơn nguồn tài nguyên du lịch.

Cụ thể, cần tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để các địa phương có tiềm năng tập trung đầu tư trở thành điểm đến vệ tinh; tăng cường liên kết, phối hợp giữa trung tâm du lịch với các điểm đến vệ tinh và giữa các điểm đến vệ tinh với nhau; khuyến khích sự hỗ trợ của các trung tâm lớn đối với các điểm đến vệ tinh trong phát triển du lịch; đẩy mạnh hiệu quả thực thi của cơ chế công - tư trong đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng tại điểm đến vệ tinh. 

Đặc biệt, cần có chính sách xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch tại các điểm đến vệ tinh; chú trọng đến hạ tầng quản lý chất thải, cung cấp năng lượng, nước và hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng; xây dựng bộ tiêu chí cho điểm đến vệ tinh và hướng dẫn các địa phương xây dựng điểm đến du lịch vệ tinh bền vững...

Bên cạnh đó, cần tập trung khai thác các thị trường ngách, tạo dấu ấn khác biệt về sản phẩm du lịch để phát triển các điểm đến vệ tinh. Công tác quy hoạch và xây dựng đề án phát triển du lịch tại các điểm đến vệ tinh cần huy động sự tham gia của người dân để nhận được sự đồng thuận, hợp tác, chung sức, đồng hành lâu dài cùng địa phương, doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, đây không chỉ là giải pháp cho vấn đề quá tải du lịch mà còn là cách tiếp cận theo hướng phát triển du lịch bền vững, dựa trên việc bảo đảm quyền lợi của du khách, cân bằng lợi ích của người dân, bảo vệ môi trường, văn hóa và kinh tế, trong đó người dân - cộng đồng địa phương là động lực của sự phát triển./.

THÀNH NAM - KHÔI NGUYÊN - TIẾN THẮNG - CÔNG MINH - DUY ANH (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ