Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới
Tuy nhiên, cũng trong quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cộng đồng, quốc gia,... phải tiếp tục coi đây là một nhiệm vụ hàng đầu, tăng cường hợp tác để thực hiện những giải pháp phù hợp...
I. DI SẢN THẾ GIỚI
Các loại di sản thế giới
Thông thường ta vẫn hiểu, di sản là những giá trị vật chất, giá trị tinh thần, giá trị tự nhiên và tài sản mà thế hệ trước đã tích lũy, gìn giữ và để lại cho thế hệ sau. Theo quy định của UNESCO, hiện có 3 loại di sản thế giới: Di sản văn hóa thế giới, Di sản thiên nhiên thế giới và Di sản thế giới hỗn hợp. Để được ghi vào danh sách Di sản thế giới, một di sản phải đáp ứng được một hoặc nhiều tiêu chí về văn hóa hoặc thiên nhiên theo Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản thế giới).
Di sản văn hóa thế giới
Để được đưa vào danh sách Di sản thế giới và được coi là có “giá trị toàn cầu nổi bật”, tài sản văn hóa (một di tích, một quần thể các công trình xây dựng hoặc một di chỉ) phải đáp ứng được một hoặc nhiều trong số những tiêu chí sau:
- Là một kiệt tác cho thấy thiên tài sáng tạo của con người;
- Biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người, trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan;
- Là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hoặc đã mất;
- Là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn trong lịch sử loài người;
- Là một mẫu hình nổi bật về nơi sinh sống truyền thống hoặc sử dụng đất đai của con người đại diện cho một (hoặc nhiều) nền văn hóa, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương do tác động của những biến đổi không cưỡng lại được;
- Liên quan trực tiếp hoặc đích thực tới các sự kiện hay truyền thống đang còn tồn tại, với những ý tưởng hoặc niềm tin, với các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học có ý nghĩa toàn cầu nổi bật (tiêu chuẩn này chỉ được xem xét trong những hoàn cảnh đặc biệt hoặc liên quan đến các tiêu chí văn hóa hoặc thiên nhiên khác khi Ủy ban Di sản thế giới xem xét có đưa vào danh sách Di sản thế giới hay không).
Di sản thiên nhiên thế giới
Một tài sản thiên nhiên để được đưa vào danh sách Di sản thế giới phải đáp ứng được một hay nhiều tiêu chí sau:
- Là những mẫu hình nổi bật tiêu biểu cho các giai đoạn lớn của lịch sử Trái đất, bao gồm hồ sơ về sự sống, các tiến trình địa chất có ý nghĩa đang diễn ra trong sự phát triển của địa hình hoặc các đặc điểm địa mạo có ý nghĩa;
- Là những mẫu hình nổi bật tiêu biểu cho các quá trình sinh thái và sinh học đang diễn ra trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái đất, nước ngọt, vùng duyên hải ven biển và của các cộng đồng động thực vật;
- Chứa đựng những hiện tượng tự nhiên siêu phàm hoặc những khu vực có vẻ đẹp tự nhiên kiệt xuất có tầm quan trọng về thẩm mỹ;
- Chứa đựng những khu cư trú tự nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo toàn tại chỗ tính đa dạng sinh học, bao gồm cả các loài có giá trị toàn cầu nổi bật có nguy cơ tuyệt chủng theo quan điểm khoa học và bảo toàn.
Di sản thế giới hỗn hợp (Di sản kép)
Một di sản được công nhận là Di sản thế giới hỗn hợp (cả văn hóa và thiên nhiên) phải thỏa mãn ít nhất một tiêu chí về Di sản văn hóa và một tiêu chí về Di sản thiên nhiên.
Để được đưa vào danh sách Di sản thế giới, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí nêu trên, các di sản còn phải đáp ứng các giá trị nguyên vẹn, nguyên bản của nó. |
Trách nhiệm quốc gia
Công ước Di sản thế giới là một thỏa ước quốc tế. Theo đó, mỗi quốc gia hoặc “quốc gia thành viên” tham gia Công ước phải bảo vệ, bảo toàn và giới thiệu di sản văn hóa và thiên nhiên có trên lãnh thổ của mình bằng những hành động pháp lý thích đáng. Công ước cũng khuyến nghị các chính phủ “có chính sách chung nhằm tạo cho di sản văn hóa và thiên nhiên có vai trò trong đời sống của cộng đồng và đưa việc bảo vệ di sản đó vào các chương trình hoạch định tổng thể”. Các khuyến nghị này bao gồm việc xem xét những kế hoạch cấp địa phương và quốc gia, dự báo tăng trưởng hay suy giảm dân số, các yếu tố kinh tế và hướng phát triển giao thông cũng như có các biện pháp phòng ngừa thảm họa...
Công ước cũng khuyến khích sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm bảo vệ di sản của họ. Đồng thời, bất cứ quốc gia thành viên nào của Công ước cũng đều có thể yêu cầu quốc tế hỗ trợ đối với những tài sản là một phần của di sản văn hóa hay thiên nhiên có giá trị toàn cầu nổi bật tọa lạc trên lãnh thổ của mình.
Các thể chế quốc tế có liên quan
Theo Công ước Di sản thế giới, Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 thành viên được Đại hội đồng các quốc gia thành viên Công ước bầu 2 năm một lần với nhiệm kỳ 6 năm. Ủy ban sẽ được các ban tư vấn về kỹ thuật trong việc lựa chọn những tài sản để đưa vào danh sách Di sản thế giới. Công ước cũng quy định rõ vai trò của 3 cơ quan tư vấn hỗ trợ cho Ủy ban, bao gồm:
- Hội đồng quốc tế về các di tích và di chỉ (ICOMOS). Đây là tổ chức phi chính phủ (NGO) thành lập năm 1965, có vai trò trợ giúp Ủy ban Di sản thế giới trong việc lựa chọn những khu di sản văn hóa để đưa vào danh sách Di sản thế giới.
- Trung tâm quốc tế nghiên cứu bảo tồn và trùng tu các di sản văn hóa (ICCROM). Đây là cơ quan liên chính phủ do UNESCO thành lập năm 1956, có vai trò tư vấn về kỹ thuật trong việc bảo tồn các tài sản văn hóa và hoạt động đào tạo.
- Liên đoàn thế giới về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) - một cơ quan liên chính phủ do UNESCO thành lập năm 1948, có vai trò tư vấn cho Ủy ban về việc lựa chọn và bảo toàn các khu Di sản thiên nhiên.
Để điều phối các hoạt động liên quan đến di sản thế giới, năm 1992, Trung tâm Di sản thế giới đã được thành lập. Cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý Quỹ Di sản thế giới, theo dõi bổ sung danh sách và dữ liệu các khu di sản thế giới và tổ chức những cuộc họp của các cơ quan điều hành của Công ước như Ủy ban Di sản thế giới. Trung tâm cũng tổ chức trợ giúp kỹ thuật khi các nước thành viên yêu cầu, huy động hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động khẩn cấp khi các di sản thế giới bị đe dọa; đồng thời tổ chức những hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về di sản thế giới... |
Hơn 50 năm sau khi được thông qua, Công ước Di sản thế giới đã được 194 quốc gia phê chuẩn. Điều đó mở đường cho việc ghi tên 1.154 di sản ở 167 quốc gia (bao gồm 897 di sản văn hóa, 218 di sản tự nhiên, 39 di sản hỗn hợp) vào Danh sách Di sản thế giới có “giá trị toàn cầu nổi bật”; đồng thời cho thấy sự đa dạng, vị trí quan trọng của các di sản văn hóa và thiên nhiên đối với cuộc sống và sự phát triển của các quốc gia nói riêng và nhân loại nói chung.
Theo UNESCO, trong số 1.154 di sản trên, có 43 di sản xuyên biên giới (nằm trên lãnh thổ của 2 quốc gia trở lên); 52 di sản nằm trong tình trạng “đang gặp nguy hiểm”. Cũng trong hơn 50 năm qua, đã có 3 di sản bị loại khỏi Danh sách Di sản thế giới là thành phố cảng Liverpool (Anh), thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) và Khu bảo tồn linh dương Arab (Oman) vì mất đi tính toàn vẹn vốn có.
II. BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản - mối quan hệ biện chứng
Hiểu một cách chung nhất, bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật, hiện tượng theo dạng thức vốn có của nó. Song song với bảo tồn, việc phát huy giá trị di sản cũng là một yêu cầu đặc biệt và giữa chúng luôn có sự gắn kết chặt chẽ biện chứng. Đó là 2 lĩnh vực thống nhất, tương hỗ, chi phối ảnh hưởng qua lại trong hoạt động giữ gìn di sản. Nếu chúng ta chỉ bảo tồn, không sử dụng, không đưa các ý nghĩa của di sản vào cuộc sống thì đó chỉ là “di sản chết”, không thể phát huy được giá trị và thời gian sẽ làm di sản mai một, có thể rơi vào tình trạng bị lãng quên hoặc bị phá hủy. Tuy nhiên, bảo tồn thành công thì mới có thể phát huy được các giá trị di sản và chỉ khi giá trị các di sản được phát huy thì mới có cơ sở, căn cứ làm điều kiện để bảo tồn. Phát huy tạo ra hướng đi, môi trường, hướng tiếp nhận, ảnh hưởng mới cho giá trị các di sản trong đời sống cộng đồng và do vậy nó không bị mai một hoặc mất đi, giá trị luôn được lưu giữ trong cuộc sống và ý thức của cộng đồng xã hội. Như vậy, có thể nói, hoạt động bảo tồn là căn bản, là cơ sở của sự sáng tạo, phục vụ cho hoạt động phát huy. Ngược lại, phát huy giúp cho bảo tồn di sản có hiệu quả cao hơn, các giá trị di sản được bồi đắp nhiều hơn. Do đó, mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn và phát huy cần được giải quyết hài hòa để bảo tồn không cản trở sự phát triển mà tạo cơ sở, điều kiện cho việc phát huy giá trị di sản.
Nguồn lực tinh thần vô giá
Có thể nói, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản cũng đồng nghĩa với việc tạo ra những “phúc lợi tinh thần” quan trọng của con người. Thật khó để tưởng tượng các đất nước, thành phố và cảnh quan..., nếu không có những dấu tích quen thuộc của quá khứ. Bên cạnh đó, được sống và trải nghiệm những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc cũng mang lại những cảm giác, sự hứng thú đặc biệt... Bên cạnh đó, việc thừa nhận và bảo tồn tính đa dạng của di sản văn hóa và thiên nhiên, tiếp cận công bằng với di sản và chia sẻ công bằng lợi ích thu được từ việc sử dụng di sản sẽ nâng cao cảm giác về vị trí và sự tôn trọng lẫn nhau, góp phần vào sự gắn kết xã hội của một cộng đồng cũng như quyền tự do lựa chọn và hành động của mỗi cá nhân cũng như tập thể. Khả năng tiếp cận, tận hưởng và chăm sóc di sản là rất cần thiết, vì như điều mà Amartya Sen - nhà kinh tế học, triết gia Ấn Độ từng đoạt giải Nobel - gọi là “khả năng của các cá nhân được sống và trở thành những gì họ lựa chọn”, đó là một thành phần cơ bản của sự phát triển con người.
Công cụ quan trọng cho sự phát triển bền vững
Di sản thế giới và di sản nói chung cũng có thể trở thành một công cụ quan trọng cho sự phát triển bền vững trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết, di sản thế giới được bảo vệ tốt có thể góp phần trực tiếp vào việc giảm nghèo và bất bình đẳng bằng cách cung cấp hàng hóa và dịch vụ cơ bản như an ninh và sức khỏe, thông qua nơi ở, tiếp cận không khí sạch, nước, thực phẩm và các tài nguyên quan trọng khác. Trên thực tế, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, với sự kết hợp phong phú nhất giữa đa dạng sinh học trên cạn, dưới biển hay những kiến thức, kỹ năng và thực tiễn địa phương được duy trì, điều chỉnh theo thời gian đã cung cấp cho nhân loại một chế độ ăn uống đa dạng để có đủ dinh dưỡng, mang lại nguồn thu nhập quan trọng và việc làm bền vững cho nhiều người, bao gồm cả những người nghèo và dễ bị tổn thương, thông qua hoạt động nông nghiệp, các nghề thủ công, du lịch cùng nhiều hoạt động khác.
Khi được UNESCO công nhận, các di sản trở nên nổi tiếng, nằm trong danh sách gợi ý của mọi hoạt động du lịch trên thế giới, thu hút khách tham quan, từ đó mở ra cơ hội phát triển cho du lịch và các ngành kinh tế bổ trợ ở địa phương. Mặc dù chưa có những số liệu chính thức, song việc đưa một khu vực vào danh sách Di sản thế giới thường trùng hợp với tỷ lệ tăng nhanh về số lượng du khách. Sự công nhận của UNESCO cũng giúp các địa phương tiếp cận các nguồn quỹ bảo tồn vô cùng hữu ích của Liên hợp quốc. |
Bên cạnh đó, di sản thế giới cũng là một tài sản quan trọng cho phát triển kinh tế, bằng cách thu hút đầu tư, phát triển du lịch và bảo đảm việc làm xanh tại địa phương ổn định và bền vững. Lịch sử cho thấy, những di sản tồn tại qua hàng thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ đã chứng minh mô hình quản lý, sử dụng, tiêu dùng,... là thành quả của một quá trình thích ứng giữa cộng đồng và môi trường sống của họ. Điều này không chỉ đúng với những khu bảo tồn thiên nhiên giàu đa dạng sinh học mà còn đúng với các cảnh quan văn hóa và thành phố lịch sử. Sự thích ứng đó cũng giúp bồi đắp, bảo tồn hiệu quả các di sản văn hóa và thiên nhiên.
Ngoài ra, một di sản được bảo tồn tốt cũng rất quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro liên quan đến thiên tai và thảm họa do con người gây ra. Kinh nghiệm cho thấy, sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên, các khu vực nông thôn bị bỏ quên, sự mở rộng đô thị và các công trình mới được thiết kế kém làm tăng tính dễ bị tổn thương của cộng đồng trước rủi ro thiên tai, đặc biệt là ở các nước nghèo. Ngược lại, môi trường tự nhiên và lịch sử được bảo tồn tốt, dựa trên kiến thức và kỹ năng truyền thống sẽ làm giảm đáng kể các yếu tố rủi ro thiên tai tiềm ẩn, tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng.
Tại Phiên họp thứ 26 (năm 2002), Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua Tuyên bố Budapest, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải “đảm bảo sự cân bằng phù hợp và công bằng giữa bảo tồn, tính bền vững và phát triển, để các di sản thế giới có thể được bảo vệ thông qua các hoạt động phù hợp góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng chúng ta”. |
Hơn nữa, vào thời điểm khủng hoảng, việc tiếp cận và chăm sóc di sản có thể giúp những người dễ bị tổn thương lấy lại được cảm giác về vai trò và phẩm giá. Đặc biệt, trong các tình huống xung đột và hậu xung đột, việc thừa nhận và bảo tồn di sản dựa trên những giá trị và lợi ích chung có thể thúc đẩy sự công nhận lẫn nhau, lòng khoan dung và tôn trọng giữa các cộng đồng khác nhau. Đây là điều kiện tiên quyết cho hòa bình và sự phát triển xã hội.
III. NHỮNG BÀI HỌC TỪ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN THẾ GIỚI
Những bài học thành công
Bảo vệ Vườn quốc gia Chitwan (Nepal)
Dưới chân dãy Himalaya, Chitwan là một trong số ít di tích còn nguyên vẹn của vùng Terai (Nepal). Nơi đây có hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là quần thể tê giác châu Á một sừng và là một trong những nơi ẩn náu cuối cùng của loài hổ Bengal. Tuy nhiên, trong thời gian dài, những loài động vật quý hiếm này, nhất là tê giác một sừng, luôn bị đe dọa bởi tình trạng săn trộm, đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Từ năm 1973, Vườn quốc gia Chitwan được Nepal đưa vào diện được bảo vệ đặc biệt theo Đạo luật Bảo tồn động vật hoang dã và Công viên quốc gia. Sau đó 2 năm, quân đội Nepal được triển khai để bảo vệ công viên, ngăn chặn tình trạng săn trộm. Bên cạnh đó, Quy định về Vườn quốc gia Chitwan (năm 1974) và Quy định quản lý vùng đệm (năm 1996) đã bảo đảm đầy đủ việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên với sự tham gia của người dân vào công tác bảo tồn; đồng thời bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội đối với người dân vùng đệm.
Năm 1984, Vườn quốc gia Chitwan được UNESCO đưa vào Danh sách Di sản thế giới. Đây cũng là cơ sở để Nepal tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ di sản quan trọng này. Các giá trị của Vườn được nâng cao khi số lượng tê giác một sừng lớn và hổ Bengal tăng lên (từ khoảng 300 con tê giác trong những năm 80 của thế kỷ XIX tăng lên 503 con vào năm 2011 và 40 con hổ trưởng thành sinh sản trong những năm 80 lên 125 con trưởng thành sinh sản vào năm 2010)...
Hiện nay, việc duy trì tính toàn vẹn lâu dài của Vườn quốc gia vẫn tiếp tục được bảo đảm thông qua việc thực hiện chiến lược bảo vệ, quản lý dựa trên cơ sở khoa học. Việc thực hiện hiệu quả chương trình vùng đệm, duy trì sự cân bằng giữa bảo tồn và các yêu cầu cơ bản của người dân sống xung quanh di sản này tiếp tục là mối quan tâm chính của cơ quan quản lý.
Cân bằng phát triển và bảo tồn ở Grand-Bassam (Bờ Biển Ngà)
Grand-Bassam, thành phố nằm ở phía Đông Nam Bờ Biển Ngà vốn là một thị trấn thuộc địa vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, được quy hoạch với các khu chuyên về thương mại, hành chính, nhà ở, thu hút dân cư từ khắp các vùng của châu Phi, châu Âu và phía Đông Địa Trung Hải.
Việc ghi tên thị trấn lịch sử Grand-Bassam vào Danh sách Di sản thế giới năm 2012 đã mang đến những cơ hội mới để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong thành phố. Từ việc thành lập Văn phòng Quản lý di sản thế giới tại địa phương đến phát triển du lịch văn hóa và quan hệ đối tác công - tư, một loạt sáng kiến nhằm đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và sinh kế của địa phương.
Tuy nhiên, vị trí địa lý chiến lược của thành phố nằm giữa đầm phá và đại dương khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương trước thiên tai. Vào tháng 10-2019, lượng mưa lớn khiến sông Comoé và các nhánh của nó tràn bờ, gây thiệt hại đáng kể. Để đáp lại, Bờ Biển Ngà đưa ra hệ thống quản lý khủng hoảng, tái định cư những người dân bị ảnh hưởng và hỗ trợ lương thực cho họ. Bên cạnh đó, cộng đồng N’zima địa phương cũng tham gia vào các quy trình quản lý khủng hoảng theo phong tục, góp phần giúp tăng cường năng lực ứng phó của cộng đồng trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Song song với đó, việc Grand-Bassam trở thành di sản thế giới cũng thúc đẩy chính quyền địa phương đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về quản lý địa điểm, xây dựng khung pháp lý và huy động sự tham gia của cộng đồng. Thành phố cũng được tiếp cận với nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế..., qua đó làm tăng sức hấp dẫn của Grand-Bassam, đưa thành phố này trở thành một điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.
Tăng cường sự kết nối của người dân với di sản làm vườn ở Bamberg (Đức)
Bamberg là một đô thị thuộc bang Bavaria, phía Nam nước Đức. Từ thế kỷ X, đô thị này được xem là khu vực liên kết quan trọng với các dân tộc Slav, đặc biệt là người Ba Lan và Pomerania. Trong thời kỳ thịnh vượng nhất, từ thế kỷ XII trở đi, kiến trúc của Bamberg ảnh hưởng mạnh mẽ đến miền Bắc nước Đức và Hungary. Cuối thế kỷ XVIII, đây là trung tâm của thời kỳ Khai sáng ở miền Nam nước Đức.
Bên cạnh nỗ lực của các gia đình làm vườn tại địa phương, Văn phòng Di sản thế giới Bamberg phát triển chương trình làm vườn kết nối các khía cạnh của quy hoạch thành phố, bảo vệ di sản, du lịch và nghề làm vườn. Chương trình bao gồm các hoạt động nâng cao nhận thức, khuyến khích tài chính cho người làm vườn, phát triển những chuyến tham quan theo chủ đề, chiến dịch tiếp thị và phương pháp sử dụng đất bền vững... Những nỗ lực không ngừng của cộng đồng địa phương và Văn phòng Di sản thế giới Bamberg đã tạo cơ hội cho người dân Bamberg tăng cường kết nối với di sản làm vườn của họ và thúc đẩy các mô hình tiêu dùng bền vững. |
Với những giá trị đặc biệt, năm 1993, Bamberg được ghi vào Danh sách Di sản thế giới. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu, thành phố này phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Tác động của hiệu ứng này trở nên trầm trọng hơn do đô thị hóa, khi các tòa nhà chặn gió mát từ Main và hướng lên thung lũng Regnitz. Theo thống kê, nhiệt độ trung bình ở Bamberg tăng khoảng 20C trong 40 năm qua, trong khi lượng mưa trung bình hằng năm giảm khoảng 5%.
Để giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và mang lại sự thoải mái cho những cư dân tại đây; đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị này, chính quyền Bamberg đã đặt trọng tâm vào việc kết nối cư dân với các hoạt động làm vườn truyền thống.
Trong lịch sử, nghề làm vườn thương mại có từ thời Trung cổ ở Bamberg, là duy nhất ở Đức và được đưa vào Sổ đăng ký Di sản văn hóa phi vật thể của Đức năm 2016. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà từ hơn 500 cơ sở làm vườn, tại đây chỉ còn khoảng 30 cơ sở. Mặc dù vậy, việc duy trì, phát triển hoạt động làm vườn vẫn được xem là một phần quan trọng trong chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bamberg. Với sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, 30 gia đình làm vườn đã thành lập hiệp hội để duy trì truyền thống làm vườn hàng thế kỷ và tiếp thị sản phẩm của họ. Những người làm vườn địa phương cũng khôi phục lại việc trồng các loại cây trồng truyền thống, chẳng hạn như cây hương liệu phục vụ sản xuất rượu mùi. Hiện nay, các hoạt động kinh tế từ làm vườn truyền thống tại Bamberg phát triển mạnh mẽ, đồng thời thích ứng với những xu hướng làm vườn mới. Điều đó giúp không gian xanh của đô thị này được duy trì và phát triển, trở thành giải pháp thích hợp để làm mát không gian, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và mang lại sự thoải mái cho cư dân, góp phần cải thiện tính bền vững đô thị của Bamberg.
Và những thất bại
Bài học từ thành phố cảng Liverpool (Anh)
Là thành phố cảng trọng yếu trong thương mại hàng hải của thế giới trong các thế kỷ XVIII và XIX, Liverpool giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của đế quốc Anh giai đoạn này. Nơi đây lưu giữ nhiều cảnh quan mang đậm dấu ấn lịch sử, tập trung, tạo nên quần thể văn hóa độc đáo như những công trình kiến trúc dân sự, thương mại, cầu cảng, hệ thống kênh đào,... lâu đời vẫn còn sử dụng đến ngày nay.
Với những giá trị đó, thành phố cảng Liverpool được ghi vào Danh mục Di sản thế giới năm 2004. Tuy nhiên, đến năm 2012, UNESCO chuyển địa danh này sang danh mục Di sản Thế giới đang bị đe dọa, vì lo ngại thành phố tiến hành dự án hiện đại hóa mang tên Liverpool Waters với kinh phí 5,5 tỷ bảng Anh, cho phép các tòa nhà chọc trời, bến tàu du lịch và hàng nghìn căn hộ mọc lên tại những bến tàu cũ... Do chính quyền Liverpool không có những hành động đúng mức để bảo vệ các di tích cũng như không có động thái can thiệp cần thiết khi UNESCO ra khuyến cáo, tháng 7-2021, UNESCO tuyên bố xóa thành phố cảng Liverpool khỏi Danh mục Di sản thế giới...
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do tại Liverpool, Richard Kemp cho biết, việc Liverpool bị đưa ra khỏi Danh mục Di sản thế giới là “đáng xấu hổ”; đồng thời cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch và đầu tư vì Liverpool không còn lợi điểm bán hàng độc nhất để cạnh tranh với tất cả các thành phố đang thu hút chú ý trên toàn cầu. Ông Richard Kemp tin rằng, Liverpool vẫn phải tiếp tục bảo tồn và xây dựng thương hiệu thành phố từ nền tảng lịch sử, thay vì cho phép sự phát triển hỗn loạn như những năm qua. |
Linh dương Arab từng bị tuyên bố tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 1972, do nạn săn bắt trộm và suy thoái môi trường sống. Tuy nhiên sau đó Mỹ đã nhân giống thành công trong điều kiện nuôi nhốt, và đưa loài linh dương này trở lại Oman từ năm 1982.
Với những đặc điểm tự nhiên riêng có, Khu bảo tồn linh dương Arab ở Oman sở hữu hệ sinh thái sa mạc độc đáo, trong đó có nhiều loài thực vật đặc hữu và nhiều loài động vật quý hiếm. Không chỉ là nơi có quần thể linh dương Arab hoang dã lớn nhất, Khu bảo tồn linh dương Arab còn là nơi sinh sản tự nhiên duy nhất của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như sói Arab, lửng mật, sươn dương Nubia, linh miêu tai đen...
Khu bảo tồn được công nhận Di sản thế giới từ năm 1994. Đến năm 2007, sau khi phát hiện mỏ dầu nằm bên trong ranh giới khu bảo tồn, Chính phủ Oman quyết định cắt giảm 90% quy mô của nó. Cùng với nạn săn bắn trái phép, đã có thời điểm số lượng linh dương Arab giảm xuống chỉ còn dưới 100 cá thể. Ngay sau quyết định của Chính phủ Oman, tháng 6-2007, UNESCO loại khu vực này khỏi danh sách Di sản thế giới.
IV. DI SẢN THẾ GIỚI VẪN ĐỐI MẶT NHIỀU THÁCH THỨC
Một số vấn đề nội tại
Tính đại diện
Theo UNESCO, dù việc thực hiện Công ước Di sản thế giới trong hơn 50 năm qua đạt được những kết quả quan trọng, nhưng một trong những vấn đề lớn hiện nay là sự chênh lệch đáng kể về mặt địa lý vẫn tồn tại trong Danh sách Di sản thế giới. Trong khi một số quốc gia có hơn 50 tài sản được đăng ký, nhiều quốc gia khác lại không có, như trường hợp của 12 quốc gia châu Phi tham gia Công ước. Dù có bề dày lịch sử, văn hóa cũng như sự đa dạng, độc đáo về tự nhiên, nhưng số tài sản văn hóa và tự nhiên của toàn bộ khu vực châu Phi trong Danh sách Di sản thế giới chỉ chiếm 9%. Điều đó không chỉ đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các chính phủ mà còn cần sự tham gia nhiều hơn của người dân bản địa - những người có thể tham gia đầy đủ vào quá trình từ đề cử các di sản để ghi danh cho đến việc quản lý, phát huy giá trị của chúng...
Khả năng tiếp cận
Việc ghi tên các địa điểm vào Danh sách Di sản thế giới, công nhận giá trị nổi bật toàn cầu của chúng được toàn nhân loại chia sẻ. Mục đích chính của Công ước là bảo đảm rằng những tài sản đó được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Mặc dù chia sẻ và truyền tải là 2 trụ cột của di sản thế giới, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm rằng mọi người thực sự có thể tiếp cận các địa điểm này, đặc biệt là những người trẻ tuổi.
“Tứ bề thọ địch”
Biến đổi khí hậu
UNESCO nhận định, biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu quan trọng nhất hiện nay đối với di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là các di sản thiên nhiên thế giới. Theo thống kê của tổ chức này, chỉ trong 10 năm qua, số lượng các di sản bị đe dọa do biến đổi khí hậu đã tăng gần gấp đôi. Ngoài ra, nếu nhiệt độ tăng 10C, số lượng loài tiếp xúc với điều kiện khí hậu nguy hiểm sẽ tăng gấp đôi; đồng thời các khu rừng, rạn san hô và sông băng cũng là những hệ sinh thái bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là các vùng đất ngập nước, vùng đồng bằng thấp, vùng đất đóng băng vĩnh cửu và các hệ sinh thái nhạy cảm với nhiệt độ...
Thống kê cho thấy, gần 2/3 diện tích rừng tại các di sản thế giới đang bị đe dọa bởi áp lực sử dụng đất và các hiểm họa liên quan đến khí hậu, như cháy rừng. Các rạn san hô được xếp hạng di sản thế giới, như rạn san hô Great Barrier (Australia) - hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới, đảo san hô Aldabra (Seychelles) ở Ấn Độ Dương - đảo san hô lớn thứ hai thế giới và rạn san hô Belize Barrier (Belize) ở Đại Tây Dương - rạn san hô lớn nhất ở bán cầu Bắc, đã bị ảnh hưởng bởi các sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt trong những thập niên qua. Đánh giá khoa học toàn cầu đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu đối với các rạn san hô là di sản thế giới do UNESCO thực hiện năm 2022, dự báo đến năm 2040, tất cả các rạn san hô trong Danh sách Di sản thế giới có thể phải đối mặt với hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng hằng năm ít nhất 2 lần trong 1 thập niên.
Một con số đáng kinh ngạc là 60% số di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận đang bị đe dọa bởi các sự kiện liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là cháy rừng. Một số địa điểm, như Vườn quốc gia/Rừng tự nhiên Núi Kenya ở Kenya, Khu bảo tồn Pantanal và Khu bảo tồn Cerrado và Vườn quốc gia Emas ở Brazil gần đây đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hỏa hoạn. Trong khi đó, trận động đất xảy ra ở Kathmandu (Nepal) hay vụ hỏa hoạn tại Cung điện Hoàng gia Abomey (Benin) cùng trong năm 2015 cũng là những ví dụ nổi bật về tính dễ bị tổn thương của di sản văn hóa trên toàn thế giới. Ngoài ra, chúng ta đã thấy biến đổi khí hậu khiến di sản sống - truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, tập quán xã hội, sự kiện lễ hội và kiến thức truyền thống gặp nguy hiểm như thế nào. Khi biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng mất chỗ ở và buộc phải di cư, toàn bộ lối sống của các cộng đồng có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn. |
Bên cạnh đó, do nhiệt độ ấm lên, các sông băng là di sản thế giới cũng đang tan với tốc độ nhanh kể từ năm 2000. Theo dự báo, các sông băng ở 1/3 trong số 50 địa điểm có sông băng là di sản thế giới sẽ biến mất vào năm 2050; đến năm 2100, một nửa số sông băng và rạn san hô là di sản thế giới có thể biến mất, bất chấp những nỗ lực nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ. Đây có thể là số phận của các sông băng cuối cùng còn sót lại ở châu Phi như Kilimanjaro hay các địa điểm mang tính biểu tượng khác ở châu Âu và Bắc Mỹ như Dolomites (Italia), Pyrénées-Mont Perdu (Pháp, Tây Ban Nha) và Công viên quốc gia Yosemite (Mỹ).
Chiến tranh, xung đột
Di sản, trong đó có di sản văn hóa, thường là nạn nhân của sự thù địch và luôn ở “tuyến đầu” của các cuộc xung đột. Trong lịch sử, xung đột vũ trang luôn tàn phá đời sống con người. Ngoài thiệt hại về nhân mạng, tài sản, các cuộc xung đột còn phá hủy không ít di sản văn hóa.
Những năm gần đây, rất nhiều di sản văn hóa đã bị cướp bóc, phá hủy tới mức khó có thể phục hồi tại các quốc gia, khu vực xung đột, chẳng hạn, như ở Afghanistan, Libya, Mali, Iraq, Syria, Sudan... Các di sản không chỉ bị coi là mục tiêu tấn công mà còn được xem là nguồn lợi để các phe phái, nhóm vũ trang, tổ chức khủng bố cướp bóc, buôn bán bất hợp pháp để phục vụ cho mục đích quân sự.
Một trong những nạn nhân của tình trạng này là Mosul (Iraq) - một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới đã gần như bị phá hủy hoàn toàn sau 3 năm (2014 - 2017) bị tổ chức Hồi giáo cực đoan IS chiếm đóng kéo dài. Trong khi đó, liên quan đến cuộc chiến Nga - Ukraina, UNESCO đã không ít lần phải lên tiếng trước việc nhiều địa điểm văn hóa tại Ukraina bị xâm hại. Theo tổ chức này, kể từ đầu cuộc chiến đến nay đã có gần 5.000 tài sản văn hóa và du lịch, trong đó có 341 địa điểm di sản văn hóa bị hư hại. Tháng 9-2023, Ủy ban Di sản thế giới đưa 2 địa điểm của Ukraina là Thánh đường St. Sophia và Khu phức hợp tu viện Kyiv-Pechersk Lavra cũng như toàn bộ trung tâm lịch sử của Lviv vào Danh sách Di sản thế giới đang gặp nguy hiểm. Trước đó, UNESCO cũng đã đưa Trung tâm lịch sử Odesa vào danh sách này vì lý do tương tự.
Cùng với những thách thức trên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng gặp không ít trở ngại do tình trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính và nhân lực. Một trở ngại đáng kể khác là nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ một số di sản trong công chúng còn hạn chế. Các dự án phát triển kinh tế không bền vững, đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng thiếu sáng tạo, yếu kém,... cũng tác động tiêu cực đến di sản, tiếp tục gây ra mối đe dọa cho việc bảo tồn di sản.
V. BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM
Tài sản vô giá
Tại Việt Nam, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 1993), đến nay cả nước đã có 9 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được ghi danh. Ngoài ra, Việt Nam còn có 15 Di sản văn hóa phi vật thể, 9 Di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO công nhận như Mộc bản triều Nguyễn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ... Bên cạnh đó, còn có 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; trên 40.000 di tích được kiểm kê; 498 Di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Ngoài Cố đô Huế, Việt Nam còn có 4 Di sản văn hóa thế giới khác là Đô thị cổ Hội An (công nhận năm 1999), Khu di tích Mỹ Sơn (1999), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long (2010), Di tích thành nhà Hồ (công nhận năm 2011); 3 Di sản thiên nhiên bao gồm Vịnh Hạ Long (công nhận 2 lần vào năm 1994 và 2000), Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (công nhận 2 lần vào năm 2003 và năm 2015), Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (công nhận năm 2013) và 1 Di sản hỗn hợp là Quần thể Tràng An (2014). |
Dù không có thống kê cụ thể, nhưng từ khi các tài sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu của Việt Nam được ghi vào Danh mục Di sản thế giới, số lượng khách du lịch và doanh thu du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư ngày càng tăng... Đây là minh chứng sống động cho thấy giá trị của các di sản đã được phát huy rất tốt bên cạnh những nỗ lực bảo tồn.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Trên cơ sở những kinh nghiệm, bài học đã gặt hái được trong thời gian qua, theo các chuyên gia, để giải quyết được những vẫn đề đang đặt ra, qua đó phát triển di sản bền vững, điều kiện tiên quyết là phải bảo đảm được sự đồng bộ, nhất quán trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy di sản, khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý. Các giải pháp quản lý, bảo vệ giá trị cảnh quan thiên nhiên, địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa lịch sử cần được thực hiện dựa trên cơ sở khoa học, hướng đến mục tiêu thân thiện với môi trường, hài hòa với cảnh quan, phù hợp với lợi ích người dân, gia tăng giá trị với cộng đồng...
Để bảo đảm được yêu cầu này, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho chính các cấp lãnh đạo của chính quyền địa phương về quan điểm, nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản, từ đó có những định hướng, quyết sách đúng đắn. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng là chủ thể của di sản hoặc sống dựa vào di sản. Tăng cường phổ biến pháp luật, trang bị cho họ những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, các nguyên tắc ứng xử với di sản...
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản và các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm.
Hiện nay, nguồn tư liệu liên quan đến di sản Việt Nam còn rải rác ở nhiều nơi, kể cả ở nước ngoài. Do vậy, cần có cơ chế và đầu tư thích đáng tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà quản lý tiếp cận, khai thác phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy di sản.
Một trong những vấn đề quan trọng cần tiếp tục chú trọng trong thời gian tới là tăng cường hợp tác, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực quốc tế cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác công - tư trong công tác này theo hướng chính quyền định hướng, ban hành các quy chế, chính sách; doanh nghiệp đầu tư, tôn tạo, tu bổ di sản, kết cấu hạ tầng, tài trợ các dự án nghiên cứu khoa học, xây dựng định hướng bảo tồn các giá trị di sản và các sản phẩm du lịch... Đặc biệt, cần tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua việc hỗ trợ cho người dân tham gia các hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa bền vững, phát triển các mô hình sinh kế.../.
Thành Nam - Duy Anh - Công Minh - Khôi Nguyên - Tiến Thắng (thực hiện)