Tự “sờ gáy” và sự đổi thay
Minh AnhDạo gần đây, tôi bất chợt thấy sự lạ lùng khi lướt mạng. Ấy là việc một vài chủ tài khoản Facebook xuất hiện khá thường xuyên trong những dòng trạng thái (status) hay khi bình luận (comment) ở các trang bạn bè.
Lạ là bởi đó là những cái tên khá dễ nhớ, lại có chức vụ, và trước đó hiếm khi bình luận trên “mạng ảo”, chỉ đôi lần trả lời trên trang nhà về những gì mình viết. Nói chung là một chiều, là màu hồng ngợi ca từ các bình luận phần nhiều của cấp dưới, hay những người “khen dạo”.
Ấy thế mà đột ngột “hạ mình” tương tác, giao đãi với không ít người trước đây chắc hẳn chưa từng đến thăm “nhà ảo”, dù là đồng nghiệp cùng cơ quan đi nữa. Và còn lạ hơn ở sự đổi thay về những nhận xét chủ yếu là dè bỉu, phê phán cá nhân, tổ chức sặc mùi cảm tính, hơn người.
Lâu nay, tôi thi thoảng vẫn thấy có không ít người mình quen biết “chơi” mạng xã hội với sự đổi thay rõ rệt khi đăng tải những dòng trạng thái trên trang cá nhân. Trước đó, họa hoằn họ mới tỏ bày ý kiến trên trang nhà, cũng như bình luận ở các trang bạn bè hay trang nhóm bất kỳ nào đó. Nếu có, chỉ là những xã giao rất đỗi thông thường, những bình luận không tỏ bày quan điểm, hết sức chừng mực.
Ấy thế mà đột ngột chuyển hướng, thậm chí quay ngoắt khi mạnh dạn tuyên bố cái gọi là “chính kiến”, “quan điểm”. Họ vống lên rằng đó là sự “dũng cảm” cất tiếng nói “phản biện”, “góp ý”, “xây dựng” bất kể vấn đề gì, nhất là những chuyện đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội cũng như cộng đồng mạng mà giới trẻ gọi là “bắt trend” (chạy theo xu hướng). Những thông tin đưa ra đa phần là hằn học, bất mãn, tiêu cực, không mang tính xây dựng.
Tôi có thói quen đọc tương đối trách nhiệm, nếu thấy quan tâm, cần thiết, hứng thú với thông tin cá nhân nào đó đăng tải, nhất là những người từng giữ vị trí lãnh đạo các cấp.
Giả dụ như phải đọc hết nội dung rồi mới bày tỏ hay có ý kiến bình luận. Hơn thế, tôi còn đọc không ít những bình luận, bởi đôi khi nó có thông tin tích cực, dựng xây, rõ ràng quan điểm, chính kiến. Cả những ý kiến trái ngược, thậm chí rất thẳng thắn, đối chọi.
Thế nên, qua những dòng trạng thái được chủ sở hữu tài khoản đăng tải, qua những bình luận của cộng đồng mạng rồi tiến hành xâu chuỗi, kết nối thì cũng có thể ít nhiều nhận ra tính cách, bản chất của không ít người.
Nó nhất quán một tư duy, mục đích đã được định hình sẵn, là dựng xây, nhân văn, thấu tình đạt lý hay công kích, đả phá bất chấp cơ sở, luận cứ, nói một đằng làm một nẻo, nói mà không đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể, nói mà không có đủ đầy thông tin, sự hiểu biết. Thậm chí, là “gió chiều nào theo chiều nấy”, là lần sau “đá” lần trước, là “đổi trắng thay đen”...
Mạng xã hội, từ ngày ra đời vốn đã được định danh là “mạng ảo”, tưởng như vô hại, như là không thể nhận diện, nhất là với những người chủ ẩn danh. Thế nhưng dần dà, “mạng ảo” chi phối, dẫn dắt, làm biến đổi đời sống con người, xã hội thật mạnh mẽ.
Nhiều người nổi tiếng, giàu có nhờ “chơi” mạng. Nhưng cũng không ít người phải hứng chịu tai tiếng, thậm chí vướng vòng lao lý. Những hậu quả, thiệt hại thật từ việc “chơi mạng ảo” kể không xuể.
Thế nên, không ai dám chắc điều gì sẽ xảy đến, nếu những thay đổi khác lạ ngày càng quá đà mà không bất chợt nhận ra giới hạn, điểm dừng. Bởi ai cũng bình đẳng trước pháp luật, đâu có “khoảnh trời riêng” cho thiểu số những “công thần” từng làm gì, ở đâu, giữ chức vụ nào,... trước đó.
Và quan trọng hơn, cư dân mạng đa phần rất nhanh nhạy, thông minh. Họ không khó nắm bắt, xâu chuỗi, nhận ra tinh thần, thái độ, giọng điệu, sự “tỏ bày chính kiến” của bất kỳ ai ở thời điểm hiện tại và trước đó, ngay cả khi chỉ gặp và quen biết trên mạng đi nữa. Họ cũng không khó để kiểm chứng thông tin nếu cần, nhất là những thông tin thu hút sự quan tâm, chia sẻ khiến ai đọc cũng bày tỏ cảm xúc bất ngờ, đau khổ, tiếc thương...
Thế nên, những thay đổi bất chợt, khác lạ của ai đó, nhất là những người có chức quyền, địa vị khi còn công tác, cũng đều mau chóng lộ diện bản chất mà thôi. Chỉ có điều, nhiều khi họ nói, họ viết mà không tự “sờ gáy” mình, bởi nếu “sờ” sẽ giật mình thấy sự đổi thay, thậm chí trái ngược đã ở rất gần ranh giới kích động, chống phá./.









Các bài cũ hơn


