15/01/2025 | 14:16 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Liên minh châu Âu và Nhật Bản khởi động đối thoại chiến lược về quốc phòng - an ninh

Phương Chi
Liên minh châu Âu và Nhật Bản khởi động đối thoại chiến lược về quốc  phòng - an ninh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (từ trái qua) tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản ở Brussels, Bỉ, ngày 13-7-
Ngày 13-7-2023, tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản lần thứ 29 được tổ chức tại Thủ đô Brussels (Bỉ), hai bên nhất trí thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược EU - Nhật Bản nhằm phối hợp ứng phó với những thách thức về an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cơ chế đối thoại này sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng và các mối đe dọa khác.

Lĩnh vực chính trong cam kết an ninh giữa EU và Nhật Bản

Tại cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố hai bên đang tiến thêm một bước trong hợp tác về an ninh.

Về lĩnh vực an ninh hàng hải, cả EU và Nhật Bản đều chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đồng minh trong lĩnh vực này, đặc biệt là liên quan đến các biện pháp chống cướp biển và tự do hàng hải. EU và Nhật Bản đang xem xét tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng biển châu Á, với ý tưởng treo lá cờ của EU bên cạnh quốc kỳ của Nhật Bản để nhấn mạnh cam kết của khối châu Âu đối với khu vực. Nội dung này cũng là một phần trong chương trình nghị sự mà Nhật Bản sẽ thảo luận với EU về việc tăng cường khả năng tuần tra trên biển với tư cách là bên thứ ba trong khu vực. Trong Tuyên bố chung, hai bên cũng bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh trên biển Hoa Đông và Biển Đông; nhấn mạnh sẽ phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc. EU muốn thiết lập các khu vực hàng hải có thể mang lại lợi ích cho EU ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua khái niệm Hiện diện hàng hải phối hợp (CMP). Thông qua CMP, các quốc gia thành viên EU sẽ cung cấp tài sản hải quân và không quân trên cơ sở tự nguyện cho các khu vực được coi là quan trọng. Dựa trên khái niệm tự do hàng hải trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Đặc phái viên của EU về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Gabriele Visentin đã đề xuất cần có các chuyến thăm hải quân và các cuộc tập trận huấn luyện quân sự chung trong khu vực. Một số quốc gia thành viên EU như Đức đã hoạt động hoặc có sự hiện diện ở Biển Đông, cũng đã thực hiện một số cuộc tập trận quân sự chung với Nhật Bản vào năm 2021.

Nhật Bản cũng hợp tác thường xuyên với EU về an ninh hàng hải trong Lực lượng hải quân Liên minh châu Âu (EU NAVFOR). Hai bên đã thực hiện nhiều cuộc tập trận chung ngoài khơi bờ biển Somalia kể từ năm 2014, cuộc tập trận gần đây nhất diễn ra vào tháng 10-2021. Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật Bản đã cung cấp tàu cho EU để thực hiện các nhiệm vụ nhằm ngăn chặn cướp biển phát triển trở lại trong khu vực này.Nhật Bản còn tham gia Dự án về các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (CRIMARIO) do EU tài trợ, thông qua các hoạt động đào tạo và nâng cao năng lực về an ninh hàng hải cho các quốc gia đối tác.

Về lĩnh vực an ninh mạng, hai bên thường xuyên tổ chức đối thoại thông qua nhiều kênh khác nhau như Đối thoại mạng hay Đối thoại chính sách công nghệ thông tin. EU và Nhật Bản đã ký thỏa thuận Đối tác kỹ thuật số nhằm tăng cường sự tham gia của cả hai bên trong lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm cả an ninh mạng. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác với các quốc gia đối tác khác để học hỏi kinh nghiệm về an ninh mạng và tăng cường khả năng phòng, chống các cuộc tấn công mạng thông qua chương trình “Tăng cường hợp tác an ninh trong và với châu Á” do EU tài trợ.

Về chống khủng bố, EU và Nhật Bản đều mong muốn tham gia chia sẻ thông tin nâng cao với các đối tác của mình. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm tương đồng về các nhiệm vụ liên quan đến hòa bình và ổn định. Nhật Bản muốn tiếp tục tham gia gìn giữ hòa bình thông qua việc cử nhân viên và tăng cường nỗ lực xây dựng năng lực trên thực địa, trong khi EU muốn có nhiều đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hơn tham gia vào Chiến dịch Chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP).

Tác động đối với khu vực

Kể từ năm 2018, môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã thay đổi mạnh mẽ, với việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định vai trò cường quốc ở khu vực và cuộc xung đột Nga - Ukraina đã định hình lại vai trò của Nga trên toàn cầu. Trong bối cảnh EU và Nga đang có những động thái trừng phạt nhau liên quan đến xung đột Nga - Ukraina, còn Nhật Bản đang phải đối diện với môi trường an ninh xung quanh phức tạp hơn bao giờ hết, như vấn đề tên lửa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp trên biển Hoa Đông với Trung Quốc..., cả EU và Nhật Bản đều mong muốn thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai bên đều có quan điểm cho rằng, an ninh ở châu Âu và châu Á là không thể tách rời và có lợi ích liên quan trực tiếp với nhau. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh rằng, an ninh châu Âu và an ninh của khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương là “không thể chia cắt” và EU sẽ tăng cường can dự vào khu vực này. Việc nâng cấp quan hệ an ninh sẽ giúp mỗi bên tự nâng cao sự bảo đảm an ninh của chính mình. Giới phân tích cho rằng, sự gần gũi của EU với Nhật Bản trên mặt trận an ninh có thể khiến Trung Quốc và Nga phải cảnh giác hơn. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời làm gia tăng lo ngại sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả châu Âu.

Hiện nay, Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất trên thế giới, việc bảo đảm an ninh hàng hải trên các tuyến đường biển này là một vấn đề quan trọng đối với cả Nhật Bản và EU. Tuy nhiên, do các tranh chấp và căng thẳng đang diễn ra trong khu vực, việc tăng cường hợp tác an ninh ở Biển Đông có thể gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông nói riêng và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung là một lĩnh vực tiềm năng để EU và Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác trong tương lai.

Bằng cách đặt mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng từ 1% ngân sách hằng năm lên 2% trong 5 năm tới và công bố các chiến lược quốc phòng và an ninh mới của Nhật Bản thể hiện nỗ lực phản ứng chính sách đối với môi trường an ninh khu vực mới của châu Á. Với khả năng phòng thủ mới và sự sẵn sàng hợp tác ngày càng tăng với các quốc gia có cùng chí hướng, Nhật Bản đang tiến tới trở thành đối tác tham gia an ninh mạnh mẽ hơn trong khu vực. Hiện Nhật Bản được coi là một trong những đồng minh mạnh nhất của EU ở Đông Á. Trong lĩnh vực an ninh, cả hai bên đều có lịch sử hợp tác chặt chẽ với nhau, chủ yếu trên lĩnh vực hàng hải. Có thể thấy, việc mở rộng hợp tác an ninh EU - Nhật Bản nhằm mục tiêu: 1- Nhật Bản đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược để giúp duy trì trật tự tự do quốc tế và cân bằng với Trung Quốc; 2- Mối quan tâm của EU trong việc nâng cấp vai trò lãnh đạo quốc tế và mở rộng cam kết an ninh ở châu Á - một khu vực mà EU muốn được thừa nhận là một bên liên quan có trách nhiệm. Do đó, sự hội tụ nhất định trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của hai bên đang tạo ra động lực mới để phát triển hợp tác an ninh.

Có thể nói, khi tình hình thế giới luôn biến động với nhiều thách thức khó lường thì việc thúc đẩy hợp tác an ninh dường như là một hướng hành động khả thi. Hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản đóng vai trò là nền tảng để khởi động các sáng kiến liên quan đến an ninh, góp phần thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai bên tại khu vực. Thông qua Hội nghị thượng đỉnh lần này, khối EU gồm 27 thành viên được kỳ vọng sẽ gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế rằng EU đang tăng cường can dự vào an ninh ở châu Á, qua đó tìm kiếm sự liên minh, liên kết với các nước có cùng chung lợi ích, góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng tại khu vực./.

30 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 4 5 6 Sau