Đồng Nai tìm giải pháp “giữ chân” người lao động
Thảo My
Để đảm bảo nhân lực, các DN bố trí nhân lực về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên tuyển người lao động (NLĐ). Song, số lượng tuyển được vẫn không đáp ứng nhu cầu sản xuất. Các DN đang thực hiện những giải pháp để “giữ chân” lao động, nhất là lao động tay nghề; đồng thời nâng cao phúc lợi để thu hút lao động mới.
Thiếu nhân lực ở các doanh nghiệp
Trước đây, Công ty TNHH Hwasesung Vina (huyện Nhơn Trạch) có khoảng 15.000 lao động. Tuy nhiên hiện nay, DN này chỉ còn khoảng 10.000 lao động. Nguyên nhân lao động giảm là do NLĐ nghỉ việc về quê hoặc nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Đây là thách thức lớn của DN khi đơn hàng có trở lại và việc tuyển lao động đang gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2024 đến nay, DN này tham gia các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tìm kiếm nhân lực lấp vào chỗ trống.
Anh Dương Minh Nhựt Long - nhân viên nhân sự Công ty TNHH Hwaseung Vina - cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, DN đã bố trí nhân sự về các tỉnh miền Tây Nam bộ tuyển lao động. Về yêu cầu lao động, chỉ cần có sức khỏe, biết đọc - viết cơ bản.
Đối với chế độ, NLĐ được tham gia các loại bảo hiểm, xét tăng lương hàng năm, thưởng tết và có xe đưa rước công nhân đi làm. DN ưu tiên lao động cũ trở lại làm việc được giữ mức lương cũ để khuyến khích NLĐ. Song từ đầu năm 2024 đến nay mới tuyển được khoảng 1.000 lao động.
Tương tự, Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) cũng tuyển hàng nghìn lao động phổ thông chuyên về may mặc. Chị Vũ Thị Thúy - nhân viên nhân sự công ty - cho hay từ đâu năm 2024, DN đã ký kết nhiều đơn hàng và liên tục tuyển lao động phục vụ sản xuất. Dù DN tuyển dụng nhiều kênh nhưng đến nay, nguồn lực vẫn chưa đáp ứng đủ.
“DN đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cũng như có chế độ hỗ trợ lao động mới, nhưng việc tuyển lao động không dễ dàng. Việc khan hiếm nhân lực đang là trở ngại với DN khi đơn hàng tăng”, chị Thúy chia sẻ.
Chia sẻ tại Ngày hội việc làm huyện Nhơn Trạch năm 2024, ông Lương Hữu Ích - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện - cho biết, sau đại dịch COVID-19, hiện nay các DN trên địa bàn huyện đã khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, tình hình đơn hàng khởi sắc và nhu cầu tuyển lao động tăng cao ở nhiều vị trí để phục vụ sản xuất. Việc tổ chức ngày hội việc làm tạo cơ hội để NLĐ và DN kết nối việc làm; đồng thời hỗ trợ các DN tuyển lao động thuận lợi, khôi phục và đáp ứng được kế hoạch sản kinh doanh.
Giữ chân lao động bằng chính sách lâu dài
Qua các đợt khảo sát đời sống, việc làm, tiền lương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công nhân làm việc tại các DN trên địa bàn Đồng Nai, đa số NLĐ cho biết, thu nhập không đảm bảo mức sống. Trong khi đó, nhiều lao động xa quê phải chật vật với tiền thuê trọ, tiền sinh hoạt và nuôi con ăn học, nhất là khi công việc không thuận lợi, phải giảm giờ làm...
Khi mức sống không đảm bảo, buộc họ lựa chọn phương án về quê làm việc tại các khu công nghiệp gần nhà.
Ngoài ra, vấn đề nhà ở, nhà trẻ, y tế, giáo dục còn là nỗi lo của NLĐ. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 400.000 lao động phải ở trọ trong những phòng trọ chật hẹp. Trong khi đó, nhà ở xã hội dành cho lao động thu nhập thấp còn hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu an cư của NLĐ.
Một số DN chưa quan tâm đến tăng lương, môi trường sống, việc làm và đời sống NLĐ. Đó là những lý do khiến nhiều công nhân không có mục tiêu gắn bó lâu dài với DN và địa phương.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tại các DN trong các khu công nghiệp có khoảng 17 - 18.000 lao động nghỉ việc. Nguyên nhân do việc hình thành các khu công nghiệp ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, nên công nhân di chuyển về quê tại các tỉnh này để sinh sống và làm việc.
Việc lựa chọn này của NLĐ thuận lợi so với cuộc sống hiện tại ở trong các khu nhà trọ chật hẹp. Dịch chuyển công nhân về các nơi báo hiệu sự thay đổi, cần phải quan tâm hơn tới chất lượng đời sống NLĐ.
Trong khi đó, các DN cho biết, để giữ chân công nhân, DN sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà trọ, nhà ở, ký túc cho công nhân. Tuy nhiên, do thủ tục khó khăn nên việc triển khai các dự án vẫn chưa thể thực hiện được.
Một số tập đoàn lớn, đông công nhân đã xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu giải trí của NLĐ tại khuôn viên công ty hoặc xây dựng trường mầm non để phục vụ việc học tập của con công nhân, giúp họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, những mô hình trên còn rất hạn chế.
Tổng hợp số liệu của của các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 54.000 DN đăng ký hoạt động, tuy nhiên chỉ có trên 43.000 DN đang ở trạng thái hoạt động. Trong đó, có trên 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các DN trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định. Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là phát triển thị trường lao động một cách toàn diện, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội |
Bà Trần Thị Bích Lài - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Gỗ Tân Dương (Khu công nghiệp Tam Phước) - cho hay, để giữ chân và tuyển mới NLĐ, ngoài việc các DN đưa ra giải pháp hỗ trợ, đãi ngộ giúp công nhân giảm chi phí cuộc sống xa quê thì các cấp, các ngành, địa phương cần sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm ổn định cuộc sống để NLĐ yên tâm làm việc.
“Thời gian qua, ngành gỗ chịu nhiều ảnh hưởng do thị trường thế giới, song vẫn đảm bảo thu nhập cho NLĐ. Về lâu dài, DN mong địa phương hỗ trợ, quan tâm đời sống công nhân để họ gắn bó lâu dài với DN”, bà Lài chia sẻ.
Một số DN khó khăn trong tuyển lao động cho hay, trong bối cảnh các DN khan hiếm lao động, ảnh hưởng trực tiếp tốc độ phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động đang trở nên cấp bách. Do đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp thu hút NLĐ như: vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo nghề,... cần được triển khai sớm để thu hút NLĐ, gỡ khó kịp thời cho DN.
Anh Nguyễn Thành Tấn - nhân viên bộ phận tuyển dụng của Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) - cho hay, DN đang tuyển lao động kỹ thuật viên cơ khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô với mức lương từ 9-14 triệu đồng/tháng. “Năm nay, việc tuyển lao động khó khăn hơn do nhiều DN tham gia tuyển lao động số lượng lớn. Công ty đang tìm nhân lực bằng nhiều kênh tuyển để đáp ứng yêu cầu sản xuất”, anh Tấn chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nông Văn Dũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, giới thiệu việc làm và phối hợp các phương tiện truyền thông tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Những tháng cuối năm, có 1.500 DN đăng ký tuyển lao động với nhu cầu khoảng 18.000 lao động. Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động từ phía DN, nắm nhu cầu tìm việc của NLĐ và định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và online kết nối các vùng miền, hỗ trợ phỏng vấn tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, tăng cường sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của địa phương và DN trong thu hút lao động... Tuy nhiên, để giữ chân NLĐ và tuyển mới, các DN cần đưa ra chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt là các vấn đề liên quan tiền lương, thưởng tết và phúc lợi và giữ việc làm ổn định cho NLĐ./.