21/11/2024 | 16:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cuộc chơi với lằn ranh đỏ

Lý Mạc Phù

Chính phủ Ukraina không che giấu nỗi thất vọng khi không được, hoặc chưa được các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp tên lửa tầm xa cho phép sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga. 

Bất chấp mọi cầu khẩn của Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và áp lực từ một số thành viên NATO, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn kiên định chủ trương không cho phép Ukraina sử dụng những chủng loại vũ khí được Mỹ cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng không nhất trí được với nhau về quyết định có cho phép hay không việc Ukraina sử dụng các loại vũ khí được Mỹ và Anh cung cấp cho đến nay, để tấn công vào các mục tiêu ở sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Phía Ukraina cần sự cho phép này để tiến hành tấn công tên lửa tầm xa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga. Chiến lược của Ukraina là đem chiến tranh đến bên trong nước Nga, chứ không chỉ tấn công vào vùng biên giới với Nga. 

Đức hay Mỹ, hoặc Anh đều ngần ngừ vì lo ngại chiến tranh sẽ leo thang về mức độ và lan rộng về phạm vi, lo ngại Nga sẽ trả đũa nhằm không chỉ vào Ukraina mà còn vào cả các thành viên NATO ở châu Âu. 

NATO nói chung và các thành viên nói trên không muốn chiến tranh giữa Nga và Ukraina lây lan thành xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, hay giữa Nga và một số thành viên NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhiều lần cảnh báo, răn đe NATO rất mạnh mẽ về việc này.

Trong thực chất, các thành viên NATO được đề cập trên và Ukraina đang tạo nên lằn ranh đỏ mới trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, nhằm 2 mục đích là răn đe và gia tăng áp lực đối với Nga, đồng thời chuẩn bị dư luận cho việc có thể sẽ bước qua lằn ranh đỏ mới này.

Cuộc chơi này không hề mới, mà đã được các thành viên NATO sử dụng từ sau khi bùng phát cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Khởi đầu là cung cấp vũ khí và đạn dược; rồi đến cung cấp pháo binh tầm xa, các loại hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện đại, các loại xe tăng trong phiên chế chính thức của NATO, các loại tên lửa tầm ngắn và bây giờ đến lượt các chủng loại tên lửa tầm xa.

Cuộc chơi này kết hợp hiệu ứng quân sự và tâm lý. Thực chất của nó là sự can dự trực tiếp ngày càng thêm sâu rộng vào cuộc chiến ở Ukraina. Có lẽ, nó sẽ còn tiếp tục không chỉ chừng nào cuộc chiến tranh còn dai dẳng, mà cả ở thời kỳ hậu chiến./.

25 September 2024