Trụ sở công dôi dư: Nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Phạm Văn Phong
Tài nguyên cho sáng tạo và khởi nghiệp
Seoul (Hàn Quốc): năm 2010, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) rời khỏi khu trụ sở rộng 100.000m² tại Seoul. Thị trưởng Seoul lúc bấy giờ là ông Park Won-soon có quyết định táo bạo: thay vì bán khu “đất vàng” này cho dự án bất động sản, Seoul trao lại không gian đó cho cộng đồng làm nơi xây dựng các sáng kiến xã hội và đô thị.
Kết quả là Seoul Innovation Park ra đời năm 2015, trở thành tổ hợp đổi mới sáng tạo lớn nhất Hàn Quốc, nơi hàng trăm tổ chức phi lợi nhuận, startup công nghệ, nhóm nghiên cứu tụ họp để cùng tìm giải pháp cho vấn đề của thành phố.
Từ năng lượng, thực phẩm đến giao thông, môi trường, nhiều ý tưởng đột phá tại đây đã hỗ trợ chính quyền Seoul trong quản lý đô thị sáng tạo. Bài học từ Seoul cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo đô thị hết sức quan trọng, dám nghĩ và hành động khác biệt để biến tài sản bỏ không thành tài nguyên cho sáng tạo và khởi nghiệp.
Campus startup dùng để chỉ các công ty khởi nghiệp được thành lập bởi sinh viên hoặc trong môi trường đại học. Đây thường là những dự án khởi nghiệp nhỏ, tận dụng nguồn lực từ trường học như cố vấn, cơ sở vật chất và mạng lưới kết nối để phát triển ý tưởng kinh doanh. |
Singapore: đảo quốc này nổi tiếng với chiến lược tận dụng không gian hiệu quả cho công nghệ. Một ví dụ điển hình là Block 71 ở khu Ayer Rajah - vốn là một tòa nhà công nghiệp cũ 7 tầng từng nằm trong diện chờ phá bỏ - nhưng nhờ tầm nhìn của Cơ quan Phát triển đô thị JTC và giới khởi nghiệp địa phương, Block 71 được “cứu sống”, trở thành một tổ hợp khởi nghiệp sầm uất, thu hút gần 100 startup chính thức đăng ký làm việc. Sự thành công của Block 71 lớn đến mức nơi đây được mệnh danh là “bệ phóng của Singapore” - cái nôi sản sinh ra hàng loạt startup thành công.
Chính phủ Singapore sau đó nhân rộng mô hình, phát triển thêm các Block 73, 79 lân cận, tạo thành one-north Startup Zone (một phần của hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi các doanh nghiệp trẻ có thể nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia, cố vấn và các chương trình tăng tốc để phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường).
Câu chuyện này là minh chứng cho hợp tác công - tư khéo léo góp phần đưa đến thành công của những công ty khởi nghiệp, trong đó nhà nước giữ vai trò tạo điều kiện (không phá tòa nhà, hỗ trợ hạ tầng), còn cộng đồng startup tự phát triển hệ sinh thái năng động của mình.
Paris (Pháp): giữa lòng Paris hoa lệ, Station F nổi lên như biểu tượng của đổi mới sáng tạo châu Âu. Ít ai ngờ nơi đây từng là nhà ga xe lửa chở hàng hoang phế mang tên Halle Freyssinet từ những năm 20 của thế kỷ XX.
Năm 2017, sau một dự án cải tạo khổng lồ do tỷ phú viễn thông Xavier Niel tài trợ, Station F chính thức mở cửa, trở thành campus startup lớn nhất thế giới, đủ chỗ cho 1.000 startup dưới một mái nhà. Station F hội tụ đầy đủ tiện ích cho khởi nghiệp: không gian làm việc chung, văn phòng của hàng loạt quỹ đầu tư, khu ký túc xá cho doanh nhân, thậm chí cả nhà hàng, trung tâm hội nghị.
Quan trọng hơn, nó vận hành theo mô hình tư nhân quản lý nhưng có sự hỗ trợ của chính quyền Paris trong việc kết nối vào mạng lưới đổi mới sáng tạo thành phố. Thành công của Station F cho thấy sức hấp dẫn của việc tái sử dụng công trình cũ, biến di sản công nghiệp thành bệ phóng cho tương lai, thu hút nhân tài toàn cầu và các công ty công nghệ đổ về Paris.
New York (Mỹ): xưởng đóng tàu 128 trong khu Navy Yard tại thành phố New York là bộ khung sắt khổng lồ hoen gỉ, minh chứng của thời kỳ công nghiệp đã qua.
Năm 2016, với sự chung tay của chính quyền bang New York, quỹ đầu tư và doanh nhân địa phương, tòa xưởng khoảng 20.000m² này lột xác thành tổ hợp nghiên cứu - khởi nghiệp công nghệ cao, với tên gọi New Lab. New Lab tập trung vào các lĩnh vực như robot, trí tuệ nhân tạo, sản xuất kỹ thuật số.
Nơi đây cung cấp cho startup hạ tầng kỹ thuật hiện đại (xưởng cơ khí, phòng in 3D, phòng lab) và không gian hợp tác mở. Hiện có hơn 350 kỹ sư, nhà sáng chế và nhân viên khởi nghiệp làm việc thường xuyên tại New Lab, biến nó thành một “thung lũng Silicon thu nhỏ”.
Dự án này cho thấy vai trò của huy động vốn sáng tạo (New York đã kết hợp tín dụng thuế liên bang, vốn ngân sách và đầu tư tư nhân để hiện thực hóa New Lab), cũng như tầm quan trọng của việc định hướng lĩnh vực ưu tiên (công nghệ cứng, sản xuất thông minh, phù hợp thế mạnh khu vực).
Hàm ý cho Việt Nam
Các tòa nhà công sở ở Việt Nam thường tọa lạc ở vị trí đắc địa, kết nối giao thông thuận lợi, có sẵn không gian làm việc, hội họp, có thể nhanh chóng biến thành các không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp hoặc phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo cho giới trẻ.
Chứa đựng nhiều tiềm năng, song hành trình chuyển đổi trụ sở công sang trung tâm khởi nghiệp có thể gặp những rào cản nhất định, đòi hỏi tư duy đột phá. Từ thành công trong chuyển đổi chức năng của các trụ sở ở một số quốc gia đã đề cập, chúng ta có thể rút ra một số gợi mở tham khảo sau:
Một là, lựa chọn trụ sở phù hợp và xây dựng mô hình thí điểm. Mỗi thành phố lớn nên bắt đầu bằng một vài dự án thí điểm chuyển đổi trụ sở công dôi dư thành trung tâm khởi nghiệp. Ưu tiên những trụ sở có vị trí thuận lợi và diện tích đủ lớn.
Ví dụ, Hà Nội có thể chọn trụ sở quận/huyện cũ, hoặc tòa nhà của sở, ngành đã di dời; Thành phố Hồ Chí Minh có thể tận dụng các trụ sở phường sau sáp nhập. Trên cơ sở thí điểm, chính quyền cùng đối tác sẽ xây dựng đề án chi tiết cho từng trung tâm: xác định mục tiêu, đối tượng phục vụ, dịch vụ cung cấp, dự kiến hiệu quả kinh tế - xã hội.
Điều quan trọng cần lưu ý là thiết kế không gian và chức năng linh hoạt, có khu làm việc chung, văn phòng cố định, phòng họp, khu sự kiện, phòng lab hoặc studio,... phù hợp với tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.
Hai là, mô hình vận hành theo hướng hợp tác công - tư. Để bảo đảm tính bền vững và chuyên nghiệp, nên áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) trong vận hành các trung tâm được chuyển đổi.
Cụ thể, chính quyền thành phố đóng góp vốn đối ứng bằng chính tài sản là tòa nhà và một phần ngân sách nâng cấp cơ bản. Phía tư nhân (có thể là một doanh nghiệp lớn về công nghệ, quỹ đầu tư hoặc một đơn vị vận hành không gian khởi nghiệp có uy tín) góp vốn cải tạo, trang bị và chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh. Hai bên có thể thành lập một công ty liên doanh để vận hành trung tâm, với thỏa thuận rõ ràng về chia sẻ doanh thu, chi phí.
Mô hình PPP giúp dung hòa lợi ích: khu vực công đạt mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp, khu vực tư có động lực tối ưu hóa vận hành để thu lợi nhuận. Nhà nước có thể ràng buộc một số tiêu chí công ích trong hợp đồng, chẳng hạn tỷ lệ phần trăm diện tích dành cho startup hưởng ưu đãi giá thuê, số sự kiện cộng đồng miễn phí mỗi năm..., đồng thời để nhà đầu tư tư nhân tự chủ trong khuôn khổ cam kết đó.
Ba là, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đa chiều. Chính quyền Trung ương và địa phương cần ban hành các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp và startup tham gia trung tâm khởi nghiệp tại trụ sở chuyển đổi.
Về pháp lý, sớm hoàn thiện nghị định về sử dụng tài sản công cho mục đích đổi mới sáng tạo, cho phép địa phương được chỉ định khai thác trụ sở dôi dư cho dự án khởi nghiệp thay vì bắt buộc đấu giá.
Về tài chính, có thể miễn hoặc giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất cho diện tích trụ sở được chuyển sang làm trung tâm khởi nghiệp trong một số năm đầu; đồng thời, bố trí nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ hoạt động của các vườn ươm tại đây.
Về nhân lực, kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để huy động chuyên gia cố vấn, sinh viên thực tập đến không gian khởi nghiệp, tạo dòng chảy nhân lực sáng tạo. Cuối cùng, cần có chính sách truyền thông, thương hiệu cho các trung tâm công nhận chúng là thành phần của mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, quảng bá rộng rãi để thu hút startup quốc tế, nhà đầu tư đến làm việc.
Bốn là, lồng ghép vào quy hoạch đô thị sáng tạo. Các trung tâm khởi nghiệp từ trụ sở cũ nên được đặt trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn của thành phố, như những hạt nhân của khu đô thị sáng tạo.
Chính quyền có thể xác định một số khu vực tập trung, nơi có nhiều lợi thế về nhân lực, hạ tầng để hình thành cụm các không gian sáng tạo.
Việc lồng ghép quy hoạch giúp bảo đảm hạ tầng giao thông, viễn thông, tiện ích đô thị đồng bộ với nhu cầu của giới khởi nghiệp. Một đô thị sáng tạo không chỉ có một tòa nhà khởi nghiệp đơn lẻ, mà cần cả hệ sinh thái xung quanh nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân, từ quán cà phê khởi nghiệp, không gian nghệ thuật, cho đến các sự kiện festival công nghệ thường niên.
Do đó, ngay từ khâu quy hoạch, hãy coi các trung tâm khởi nghiệp này là mắt xích quan trọng, giúp hồi sinh khu vực xung quanh và gắn kết với tổng thể phát triển đô thị./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn


