14/04/2025 | 00:22 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thuế đối ứng 46%: Tác động và ứng phó

Vũ Đình Ánh
TS, chuyên gia kinh tế
Thuế đối ứng 46%: Tác động và ứng phó Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2-4-2025_Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 2-4-2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối ứng (reciprocal tariff) có hiệu lực từ 9-4-2025. Theo đó, thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46%. Tuy nhiên, ngày 9-4 ông D. Trump bất ngờ tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Quốc lên 125% và hoãn áp thuế 90 ngày với hơn 75 nước, trong đó có Việt Nam. Chính sách thuế của Mỹ thực sự là thách thức đối với nền kinh tế và thương mại Việt Nam nói riêng cũng như toàn thế giới nói chung.

Cuộc chiến thương mại và thuế quan do Mỹ khởi xướng từ đầu năm 2025 khác hẳn so với cuộc chiến thương mại 8 năm trước. Nếu trước đây, Việt Nam hầu như đứng ngoài cuộc chiến, thậm chí còn có lợi từ tăng kim ngạch xuất khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì giờ đây mức thuế đối kháng kỷ lục tác động tiêu cực tới Việt Nam ở nhiều lĩnh vực và chiều kích, cụ thể là:

Một là, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngắn hạn và trung hạn của Việt Nam trở nên bất khả thi khi thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ có thể gần như đóng cửa hoàn toàn. Theo Tổng cục thống kê, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tới 119,6 tỷ USD, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ lên tới 104,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2023. 

Theo số liệu của Mỹ thì cũng trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hàng hóa trị giá trên 136 tỷ USD còn thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới hơn 123 tỷ USD. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng liên tục, chủ yếu là nhập khẩu máy tính, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ. 

Không một đối tác thương mại nào khác của Việt Nam có thể bù đắp tổn thất do mất thị trường trị giá cả trăm tỷ USD như Mỹ, ít nhất là trong trung hạn. Hơn nữa, mức thuế 46% gần như triệt tiêu mọi nỗ lực xuất khẩu, kể cả ý định tăng giá bán tương ứng hay chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc thậm chí chấp nhận thua lỗ của một nhà xuất khẩu nào đó. 

Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh vốn đã gay gắt trên thị trường Mỹ sẽ không “chừa” lại cơ hội cạnh tranh nào cho nhà xuất khẩu Việt Nam do thuế suất áp đặt với Việt Nam cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với thuế suất dành cho nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trên thị trường Mỹ. 

Hậu quả tiêu cực từ xuất khẩu tác động mạnh tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, từ tăng trưởng kinh tế, lạm phát đến việc làm và thu nhập.

Hai là, nếu cánh cửa xuất khẩu sang Mỹ khép chặt lại thì cán cân thương mại vốn thặng dư 24,77 tỷ USD năm 2024 của Việt Nam sẽ đảo lộn hoàn toàn. 

Năm 2024, bên cạnh xuất siêu sang Mỹ cùng với xuất siêu sang EU (35,4 tỷ USD, tăng 23,2%) và xuất siêu sang Nhật Bản (3,2 tỷ USD, tăng 91,9%) thì Việt Nam lại nhập siêu từ Trung Quốc tới 83,7 tỷ USD, tăng 69,5% và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD trong khi nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9% và nhập siêu từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%. 

Nếu cán cân thương mại đảo chiều từ thặng dư sang thâm hụt thì Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn về cán cân thanh toán khi cán cân thương mại dịch vụ năm 2024 vẫn thâm hụt 12,34 tỷ USD còn tài khoản vốn lại không ổn định, thậm chí có thể đảo chiều nếu lợi ích từ tự do thương mại bị triệt tiêu. Cán cân thanh toán tiêu cực, thậm chí đảo chiều, sẽ tác động đến tỷ giá hối đoái, từ đó tới lãi suất và nhiều biến số kinh tế vĩ mô khác.

Ba là, mức thuế đối ứng dường như còn cao hơn cả nhiều mức thuế trừng phạt kinh tế khiến nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn FDI của Việt Nam trở nên ít ý nghĩa. Phần lớn doanh nghiệp FDI vào Việt Nam nhằm mục tiêu tận dụng các ưu đãi thuế từ hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cùng với làn sóng đầu tư né tránh những điểm nóng chiến tranh thương mại, đa dạng hóa đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. 

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31-12-2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 38,23 tỷ USD còn vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu 290,94 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. 

Dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả FDI và vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể sẽ thu hẹp lại, thậm chí đảo chiều nếu mức thuế 46% không được gỡ bỏ. Sức hấp dẫn dòng vốn nước ngoài của Việt Nam sẽ không còn nữa khi thay vì những ưu đãi thuế quan và điều kiện thương mại thuận lợi lại là hàng rào thuế quan cao ngất ngưởng do nền kinh tế chiếm gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu áp đặt. 

Mức thuế 46% nếu được duy trì chắc chắn sẽ thúc đẩy dòng vốn tiếp tục dịch chuyển, chỉ có điều thay vì là điểm đến như mấy năm gần đây, Việt Nam lại là điểm rời đi khi môi trường đầu tư kém hấp dẫn.

Để ứng phó với tác động tiêu cực từ mức áp thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần chuẩn bị cả chiến thuật và chiến lược trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn nên tập trung vào:

Thứ nhất, thời gian từ nay đến khi thuế đối ứng có hiệu lực còn quá ngắn nên mục tiêu chỉ là đàm phán song phương để trì hoãn hiệu lực thi hành từ 1 đến 2 tháng, dành thời gian cho vòng đàm phán tiếp theo.

Thứ hai, vòng đàm phán làm rõ căn cứ và thỏa thuận mức thuế đối kháng phù hợp với mục tiêu đưa thuế suất xuống mức không quá một nửa so với mức 46% hiện nay. Có nhiều lập luận cần sự thỏa hiệp của các bên tham gia đàm phán, chẳng hạn ngay cả số liệu tổng hợp về xuất nhập khẩu và cán cân thương mại Việt - Mỹ cũng không thống nhất, chênh nhau cả chục tỷ USD thì rõ ràng bức tranh thương mại này cần được mô tả, nhận định và đánh giá một cách nhất quán để làm cơ sở đàm phán gắn với thực tế chính xác và đầy đủ nhất. 

Tiếp đó, phía Việt Nam cần chuẩn bị sẵn bằng chứng chứng minh tốc độ tăng và quy mô xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ cũng như chênh lệch cán cân thương mại là hệ quả của cơ cấu kinh tế, là vấn đề kinh tế chứ không phải vấn đề tài chính hay thuế quan. 

Thực tế, Việt Nam không sử dụng hàng rào thuế quan hay phi thuế quan để ngăn hàng hóa Mỹ vào Việt Nam. Vì vậy, việc Mỹ sử dụng thuế đối kháng để xử lý vấn đề kinh tế là chưa phù hợp. Hơn nữa, phía Việt Nam cần tìm hiểu rõ cách thức Mỹ tính ra mức thuế tới 90% mà Việt Nam áp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vì thuế suất thuế nhập khẩu phần lớn hàng hóa từ Mỹ vào Việt Nam hiện chỉ ở mức phổ biến 5 - 7% (theo Bộ Tài chính thì bình quân 9,4%). 

Nếu con số 90% đúng là Mỹ chỉ đơn giản lấy quy mô thâm hụt thương mại chia cho kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam thì chưa phản ánh đúng bản chất của hàng rào thuế quan, do đó càng không thể là căn cứ để tính thuế suất đối ứng. 

Bên cạnh đó, nội dung đàm phán còn liên quan đến việc cụ thể hóa thuế suất đối ứng chung với từng nhóm hàng hóa, từng sản phẩm xuất nhập khẩu cụ thể theo bảng phân loại mã HS (hệ thống mã hóa quốc tế để phân loại sản phẩm) cũng như mối quan hệ giữa thuế đối ứng với các loại thuế khác đánh trên cùng một sản phẩm, nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thứ ba, các vòng đàm phán tiếp theo đặt mục tiêu đưa mức thuế đối ứng (nếu còn tồn tại) đối với Việt Nam về mức tối thiểu 10% như Mỹ áp dụng đối với các quốc gia được đánh giá là có thương mại công bằng và không gây hại cho lợi ích của Mỹ. 

Các vòng đàm phán giai đoạn 3 cần có sự trao đổi và thỏa thuận các nội dung liên quan đến thương mại công bằng và bảo đảm lợi ích hài hòa của cả 2 phía.

Sau khi Mỹ công bố biểu thuế đối ứng thì thị trường toàn cầu lập tức có phản ứng dữ dội, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ mất 5 - 6 nghìn tỷ USD còn giá trị thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm kỷ lục sau 3 phiên gần 1,1 triệu tỷ đồng. 

Lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo thang khiến cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối chính sách thuế đối ứng diễn ra khắp nơi. 

Bên cạnh đó, các nền kinh tế chịu tác động của thuế đối ứng đều ngay lập tức có những phản ứng trái chiều. Nếu Trung Quốc tuyên bố đáp trả bằng áp thuế tương ứng 34% đối với hàng hóa Mỹ đi đôi với nhiều biện pháp trả đũa thương mại liên quan đến đất hiếm thì Campuchia - quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất thế giới - lại mong muốn đàm phán để đưa mức thuế này về 5% còn EU và một số nước khác thậm chí dự định đàm phán với Mỹ xóa bỏ thuế quan với thuế suất 0%. 

Giữa hai xu hướng “đánh”, “ăn miếng trả miếng” hay “đàm” nhằm đối phó với lời tuyên chiến chiến tranh thuế quan toàn cầu của chính quyền D. Trump; gần như ngay lập tức, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gọi điện và gửi thư cho Tổng thống Mỹ, đồng thời cử đoàn đàm phán tới Mỹ đề nghị đàm phán với phương án mạnh bạo là đưa thuế xuất nhập khẩu song phương xuống 0% đi đôi với nhiều thỏa thuận thương mại và đầu tư khác có lợi cho cả hai bên trong tương lai gần. 

Hy vọng thông qua chiến lược và chiến thuật đàm phán chủ động, nhạy bén, kịp thời và mạnh bạo, Việt Nam sẽ vượt qua những tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan và tiếp tục đạt các mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trong bối cảnh kinh tế tài chính quốc tế còn nhiều biến động khó lường, Việt Nam cần nâng cao năng lực dự báo để chủ động có phương án ứng phó, mặt khác cần điều chỉnh mô hình kinh tế từ chủ yếu dựa vào xuất khẩu, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài sang mô hình cân đối giữa xuất khẩu với tiêu dùng trong nước, giữa đầu tư trong nước với đầu tư nước ngoài, giữa tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi đầu tư với tăng hàm lượng khoa học - công nghệ trong mỗi sản phẩm hàng hóa dịch vụ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, dựa vào nội lực là chủ yếu. 

Chỉ có như vậy, chủ trương mở cửa hội nhập nói chung, các cuộc đàm phán quốc tế nói riêng, mới vừa có cơ sở vững chắc vừa đem lại lợi ích thiết thực cho dân tộc Việt Nam./.

11 April 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau