22/11/2024 | 00:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Việt Nam - ASEAN trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia

Thanh Hằng
Việt Nam - ASEAN trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Australia Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia_Ảnh: vnanet.vn
Ngày 6-9-2023, Chính phủ Australia công bố “Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040”, trong đó đề cập đến một số lĩnh vực như tăng cường liên kết kinh doanh và thúc đẩy đầu tư giữa Australia và khu vực Đông Nam Á. Chiến lược cũng được xem là phương thức để Australia “xích lại” gần hơn với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.

Vị trí của Đông Nam Á đối với Australia

Đông Nam Á luôn có vị trí hết sức quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Australia. Sự quan tâm của Australia dành cho khu vực này xuất phát từ mong muốn kiến tạo một môi trường an ninh ổn định tại khu vực.

Thứ nhất, giữ quan hệ thân thiện, hợp tác chặt chẽ hoặc ít nhất là duy trì thái độ “trung lập” của các nước Đông Nam Á được đánh giá là “điều kiện cần” quan trọng đối với an ninh và phát triển của “lục địa đảo” này.

Thứ hai, sự phát triển kinh tế năng động của các quốc gia thành viên ASEAN từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay cùng những chuyển biến chính trị tích cực đã làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực ASEAN và tạo nên những cơ hội to lớn cho sự phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại với khu vực, thu hút sự quan tâm của Australia.

Thứ ba, trong xu thế liên kết khu vực gia tăng trong đời sống quốc tế, việc Australia tăng cường liên kết với khu vực ASEAN là hoàn toàn phù hợp. Hơn nữa, thông qua ASEAN, Australia có thể phát triển ảnh hưởng của mình ở châu Á như một quốc gia tầm trung.

Chính phủ Australia dự báo, thương mại hai chiều giữa nước này và các nước Đông Nam Á có thể đạt 465 tỷ AUD (tương đương 302 tỷ USD) vào năm 2040, tăng so với mức hiện tại là 287 tỷ AUD (tương đương 186 tỷ USD).

Việc ban hành chiến lược quan trọng này cho thấy sự nhạy bén và nỗ lực không muốn bỏ lỡ “cơ hội” tại một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới của Chính phủ Australia. Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm dự kiến đạt 4% từ năm 2023 đến năm 2040, Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ vào năm 2040. 

Dân số đông và ngày càng gia tăng tại Đông Nam Á sẽ dẫn đến chi tiêu nhiều hơn cho đời sống, giáo dục, nhà ở và nhu cầu về các dịch vụ y tế, chăm sóc người già. Đồng thời đến năm 2040, các dự báo cho thấy, dựa trên thu nhập sau thuế của các hộ gia đình, thị trường tiêu dùng tiềm năng ở Đông Nam Á sẽ lớn gấp 10 lần so với Australia.

Bên cạnh đó, chiến lược cũng đánh giá, tăng trưởng thương mại và đầu tư của Australia với khu vực không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á trong 20 năm qua, đồng thời sự phát triển trong các lĩnh vực then chốt sẽ mang lại cơ hội tăng trưởng đáng kể trong thương mại và đầu tư giữa Australia với Đông Nam Á.

Các ưu tiên và nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại

Theo chiến lược kinh tế năm 2040, Chính phủ Australia xác định một số lĩnh vực ưu tiên có thể giúp thúc đẩy thương mại giữa Australia và Đông Nam Á, bao gồm: nông nghiệp và thực phẩm; tài nguyên; chuyển đổi năng lượng xanh; kết cấu hạ tầng; giáo dục và kỹ năng; kinh tế du lịch; chăm sóc sức khỏe; kinh tế kỹ thuật số; dịch vụ chuyên nghiệp và tài chính và các ngành công nghiệp sáng tạo. Những lĩnh vực này mang lại tiềm năng lớn nhất cho hoạt động thương mại lớn hơn giữa Australia và Đông Nam Á.

Nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu thương mại giữa hai bên chính là mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực giữa Australia với Đông Nam Á. 

Các FTA lấy ASEAN làm trung tâm, như Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bảo đảm tất cả các bên đều có tiếng nói trong các quy tắc đầu tư và thương mại khu vực. 

Việc tham gia cấu trúc kinh tế do ASEAN dẫn dắt, chẳng hạn như thông qua Diễn đàn Kinh tế cấp cao Đông Á, được Chính phủ Australia xác định là một cách thức quan trọng nhằm tăng cường thương mại và đầu tư dựa trên các quy chuẩn thương mại quốc tế giữa hai bên.

Australia cũng đề cao sự ổn định do hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ mang lại, trong đó cốt lõi là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tích cực nỗ lực cải cách và củng cố WTO, bao gồm thông qua đàm phán các quy định mới về thương mại điện tử, tạo thuận lợi đầu tư, gỡ bỏ các rào cản dịch vụ để có thể tiếp tục hỗ trợ sự thịnh vượng của khu vực trong tương lai. 

Australia cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong thu hút các nền kinh tế Đông Nam Á tham gia những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện của khu vực, trong đó bao gồm thúc đẩy các biện pháp cải cách kinh tế trong nước.

Các nhóm giải pháp chính

Trong chiến lược này, Australia đưa ra 75 đề xuất khác nhau để gia tăng sự nhận thức cho các doanh nghiệp tại Australia về các cơ hội ở Đông Nam Á. Không chỉ đưa ra các đề xuất, Australia đã và đang tiến hành nhiều nghiên cứu, gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu để tìm hiểu về cách thức thúc đẩy việc thực hiện những đề xuất này. Chính phủ Australia xác định các nhóm giải pháp ưu tiên triển khai như sau:

Để tăng cường đầu tư vào khu vực, Australia sẽ thành lập Nhóm Đàm phán để giúp xác định các cơ hội và đối tác thương mại, cung cấp thông tin thị trường và hướng dẫn về rủi ro, quy định và sự tham gia của Chính phủ. 

Nhóm Giao dịch đầu tư (Investment Deal Team) đã được thành lập tại Singapore, Thủ đô Jakarta (Indonesia) và Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy hoạt động trao đổi với các chính phủ và doanh nghiệp ở Đông Nam Á để xác định và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội đầu tư ra nước ngoài cho những nhà đầu tư Australia.

Để nâng cao nhận thức về các cơ hội kinh doanh ở Đông Nam Á cho các doanh nghiệp, Australia sẽ triển khai Chương trình trao đổi kinh doanh Đông Nam Á - có vai trò điều phối các hoạt động kinh doanh trong khu vực, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và tăng cường phối hợp với cộng đồng người Đông Nam Á ở nước ngoài. 

Để mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư giữa Australia và Đông Nam Á, Chính phủ Australia sẽ thực hiện một chiến dịch xúc tiến thương mại và đầu tư tại Australia, giới thiệu về hàng hóa và dịch vụ ở Đông Nam Á và nêu bật khu vực này như một điểm đến đầu tư. 

Đồng thời, để phát triển năng lực ở Australia và Đông Nam Á, một chương trình thí điểm dành cho các chuyên gia trẻ sẽ được tiến hành, với trọng tâm ban đầu là đầu tư, chuyển đổi năng lượng và kinh tế số, nhằm xây dựng mối liên kết lâu dài giữa các doanh nghiệp Australia và Đông Nam Á.

Về tài chính, Chính phủ Australia công bố thành lập quỹ đầu tư trị giá 2 tỷ AUD cho Đông Nam Á. Đặc biệt, ngay trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, Australia tuyên bố sẽ bổ sung 222,5 triệu AUD cho hợp tác với các nước Tiểu vùng sông Mekong và các sáng kiến khác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư với ASEAN thời gian tới, công bố bổ sung 40 triệu AUD cho Chương trình đối tác biển Đông Nam Á, nâng tổng số tài trợ lên thành 64 triệu AUD cho giai đoạn 4 năm tới.

Australia cũng thông báo cấp 55 học bổng thạc sĩ và 55 học bổng nghiên cứu sinh thuộc khuôn khổ sáng kiến “Australia vì tương lai ASEAN”, thành lập Trung tâm ASEAN - Australia để thúc đẩy giao lưu văn hóa và giáo dục giữa hai bên.

Vị trí của Việt Nam đối với Australia

Về mặt địa - chính trị, Australia hết sức coi trọng Việt Nam, bởi: 1- Việt Nam có vị trí địa - chiến lược ở Đông Nam Á, là nơi giao thoa ảnh hưởng và ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của các nước lớn trên thế giới; 2- Việt Nam xử lý hài hòa mối quan hệ với Trung Quốc - một nước láng giềng lớn và là đối tác kinh tế lớn nhất của Australia. Do vậy, Australia rất coi trọng vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại với khu vực.

Về kinh tế, cho đến nay, Việt Nam là một nền kinh tế lớn ở Đông Nam Á. Thủ tướng Australia G. Whitlam từng nhận định rằng, cam kết hợp tác ngoại giao của Australia với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư của Australia vào Việt Nam và trên thực tế, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng trở nên mạnh mẽ. 

Việt Nam nổi lên như là một trong những động lực kinh tế mới của châu Á, vươn lên trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang trở thành một trung tâm sản xuất lớn trong khu vực do có nguồn lao động với giá cả cạnh tranh. Chính nhờ những yếu tố này, quan hệ kinh tế Việt Nam - Australia có những bước tiến mạnh mẽ trong giai đoạn gần đây.

Về vị trí của Việt Nam trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, khẳng định: “khi mối quan hệ giữa Australia và ASEAN ngày càng phát triển, Australia đặt nhiều kỳ vọng về mối quan hệ với Việt Nam. 

Việt Nam có vai trò quan trọng đối với tương lai kinh tế của Australia”. Đặc biệt, Australia đề xuất 4 lĩnh vực sẽ ưu tiên thúc đẩy trong quan hệ với Việt Nam, bao gồm: nông nghiệp và thực phẩm, tài nguyên, chuyển đổi sang năng lượng xanh, giáo dục và kỹ năng. 

Đồng thời, Australia cũng không loại trừ khả năng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong cả các nội dung khác mà nước này thấy có nhiều tiềm năng, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số.

Khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà hai bên vừa thiết lập vào ngày 7-3-2024 sẽ tiếp tục nâng tầm vị trí ưu tiên của Việt Nam trong chuỗi các giải pháp mà Chính phủ Australia sẽ triển khai để hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2040 trong quan hệ Australia - ASEAN thời gian tới./.