Thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá
An Linh
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư: trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương
Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt mức gần 14 tỷ USD.
Đáng lưu ý, Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam, như than đá, quặng và các loại khoáng sản. Hai nước đều là thành viên của các hiệp định thương mại đa phương lớn tại khu vực, như Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong Tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên nhấn mạnh quyết tâm tạo dựng môi trường thương mại và đầu tư cởi mở hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, khẳng định nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và hướng tới đa dạng hóa thương mại để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế, tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, thông qua việc triển khai Chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 của Australia.
Đây là nền tảng rất thuận lợi để hai bên tiếp tục mở rộng không gian hợp tác, chú trọng ưu tiên phát triển nền kinh tế xanh, khai thác có hiệu quả hơn nữa thế mạnh của mỗi bên, đồng thời có sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn.
Thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo khu vực và toàn cầu
Cả Australia và Việt Nam đều có chung mục tiêu đặt nền tảng cho sự tăng trưởng trong tương lai dựa trên khoa học và công nghệ, thúc đẩy tiềm năng hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo toàn cầu và khu vực. Trong Chiến lược khoa học và đổi mới quốc gia (năm 2016) của Australia, Việt Nam là 1 trong 17 quốc gia trong danh mục các quốc gia ưu tiên hợp tác.
Từ năm 2018, Chính phủ Australia đã hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thông qua Chương trình Aus4Innovation, được thực hiện thông qua quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan Khoa học quốc gia Australia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST). Mới đây, với cam kết của Chính phủ Australia, chương trình đã chính thức được kéo dài đến năm 2028, với tổng ngân sách hỗ trợ là 33,5 triệu USD.
Với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, hai bên nhất trí triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vào tháng 6-2023.
Trong đó, Australia cam kết hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ của Australia hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm, sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, chống biến đổi khí hậu
Thủ tướng A. Albanese nhấn mạnh: “tôi tự hào rằng quan hệ đối tác mới của chúng ta có những trụ cột cụ thể về hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng”. Australia và Việt Nam đều cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 - là nền tảng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới mà phần lớn chưa được khai thác. Trong khi đó, các doanh nghiệp Australia có chuyên môn trong ngành khai thác mỏ và chế biến. Những năm gần đây, các doanh nghiệp Australia cũng đang tìm kiếm cơ hội và triển khai mạnh lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á.
Trong thời gian tới, việc phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo mới nổi, bền vững, đa dạng thông qua tích hợp giải pháp công nghệ sẽ được đẩy mạnh. Năng lực ngày càng lớn của Việt Nam trong vai trò nhà chế tạo và xuất khẩu hàng hóa môi trường cũng như năng lượng tái tạo, cùng với trữ lượng các khoáng sản trọng yếu và chính sách hỗ trợ của Australia sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương mại hai chiều, đầu tư chéo và hợp tác không ngừng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt như hiện nay, Việt Nam và Australia đều nhận thấy cả 2 nước đều đứng trước những thách thức chung. Lãnh đạo cấp cao hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua cách tiếp cận đầy tham vọng, hợp tác và chủ động để ứng phó với những thách thức liên quan đến vấn đề này.
Hai bên cam kết sử dụng các nguồn lực của Australia, thông qua vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tài chính, thương mại và xuất khẩu, tài chính khí hậu và chia sẻ chuyên môn giữa hai bên tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, thị trường carbon và phát triển kinh tế xanh, chú trọng việc gia tăng khả năng chống chịu của môi trường, nông nghiệp thích ứng với khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, khoa học biển cho phát triển bền vững, giảm ô nhiễm nhựa, an ninh lương thực và nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực sông Mekong, bao gồm thông qua cơ chế Đối tác Mekong - Australia. Đây là những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, ưu tiên, hứa hẹn sẽ có những phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Với khuôn khổ quan hệ mới, Australia cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và tìm kiếm các cơ hội tăng cường hợp tác giáo dục và đào tạo thông qua đối thoại, cơ chế hợp tác, liên kết thể chế. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam để hỗ trợ các trường đại học Australia mở phân hiệu tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, 2 nước sẽ tiếp tục ưu tiên tăng số lượng và nâng cao chất lượng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo, đại học của 2 nước, trọng tâm là những ngành mà Việt Nam có nhu cầu cao và Australia có thế mạnh, như y tế, giáo dục, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng, logistics và các ngành mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Có thể nói, bối cảnh thế giới hiện nay có rất nhiều thay đổi, cùng với nhu cầu phát triển của mỗi bên đã mang lại những động lực mới cho Việt Nam và Australlia mở rộng và phát triển các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch, hợp tác trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây chính là nền tảng quan trọng để 2 nước tiếp tục đưa quan hệ song phương phát triển ngày càng mạnh mẽ, hiệu quả và đi vào chiều sâu trong thời gian tới./.