Vai trò của quan hệ Việt Nam - Australia trong bảo đảm an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Nguyễn Thị Thu NgaTS, Viện Quan hệ quốc tế - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ nhất, môi trường an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứa đựng 2 xu hướng: một là, xu hướng cạnh tranh về tập hợp lực lượng giữa các cường quốc đối trọng lẫn nhau; hai là, xu hướng thiết lập các mạng lưới liên kết nhằm ứng phó các thách thức an ninh xuyên quốc gia đang cùng tồn tại và đan xen lẫn nhau.
Hai xu hướng này đã và đang đặt các nước trong khu vực nói chung có những chiến lược tương tác khác nhau để bảo đảm lợi ích quốc gia, đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề, tình huống cụ thể trong mối tương quan giữa các chủ thể trong khu vực.
Chính vì thế, các mối quan hệ song phương, đa phương khu vực và tiểu khu vực đang hình thành nhiều mô hình hợp tác an ninh các nước lớn, giữa các nước tầm trung, giữa các tổ chức trên sự tương tác các không gian của môi trường an ninh như an ninh năng lượng, an ninh hàng hải, an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh quận sự...
Nằm trong môi trường an ninh phức tạp, nhiều tầng nấc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương như hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Australia được nuôi dưỡng bền chặt trong 50 năm qua và thu được nhiều lợi ích trên các lĩnh vực có chung lợi ích chiến lược, từ thương mại và đầu tư, quốc phòng và an ninh, chuyển giao kiến thức và đổi mới đến hỗ trợ phát triển.
Đây là sản phẩm dựa trên quá trình lịch sử tự nhiên được kiến tạo bằng những kết quả thông qua các hoạt động trực tiếp từ 2 nước, chứ không phụ thuộc vào bất kỳ nhân tố bên ngoài nào chi phối.
Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 22 đến ngày 24-8-2023, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã khẳng định, Việt Nam và Australia có “mối quan hệ đối tác thực sự dựa trên niềm tin”, “Australia và Việt Nam quan tâm đến việc duy trì một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, nơi chủ quyền được tôn trọng”.
Thứ hai, quan hệ Việt Nam - Australia có điểm chung trong mục tiêu để bảo đảm môi trường an ninh khu vực. Cả hai đều thực hiện ngoại giao cân bằng nước lớn. Australia một mặt giữ vững quan hệ đồng minh với Mỹ và phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Việt Nam xác định rõ định hướng duy trì thế cân bằng chiến lược với các nước lớn, là cần tạo ra lợi ích chiến lược đan xen giữa Việt Nam với các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, cô lập, phụ thuộc.
Đối với Trung Quốc, Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế, kiềm chế bất đồng. Đối với Mỹ, Việt Nam xác định chủ trương gác lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Đồng thời, Việt Nam và Australia đều có điểm chung về xây dựng lòng tin chiến lược trong quan hệ về quốc phòng - an ninh, hai bên sẽ mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo.
Hai nước đã xây dựng niềm tin chiến lược thông qua ký Hiệp định Hợp tác quốc phòng nhằm tập trung vào gìn giữ hòa bình, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hàng không và an ninh hàng hải.
Australia cung cấp nhiều loại hình đào tạo khác nhau cho binh sĩ và sĩ quan quân đội Việt Nam. Australia mang lại kinh nghiệm cho Việt Nam về quốc phòng, an ninh, kiến thức quân sự thông qua các khóa đào tạo cán bộ quân đội giúp đỡ Việt Nam xây dựng công nghiệp quân sự.
Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của Australia trong hợp tác quốc phòng, an ninh trong bối cảnh bất đồng ngày càng gia tăng và xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh, tình hình an ninh thế giới và khu vực đang diễn ra tình trạng suy giảm lòng tin chiến lược giữa các nước và đối với chủ nghĩa đa phương, các thể chế quản trị khu vực và toàn cầu, việc nuôi dưỡng, xây dựng và nỗ lực tăng cường lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Australia đã và đang có không chỉ mang giá trị song phương mà còn góp phần viết lên những bài học thành công để kiến tạo môi trường an ninh đóng góp vào thành công của chủ nghĩa hiện thực, hợp tác và đấu tranh, tăng cường lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững.
Thứ ba, quan hệ Việt Nam - Australia được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện đã khẳng định hai bên là đối tác quan trọng của nhau. Quan hệ 2 nước lên một cấp độ đối thoại mới, cho phép Việt Nam và Australia hướng tới những liên kết chiến lược lớn hơn để bảo đảm môi trường an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển.
Mức độ tin cậy chính trị hai bên được gia tăng, hợp tác có hiệu quả cao trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 13,8 tỷ USD. Hiện Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác lớn thứ 10 của Australia. Australia hiện có hơn 600 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Australia.
Đến nay, hành trình và đích đến trong quan hệ Việt Nam và Australia đạt đến điểm tuyệt đối là quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện.
Việt Nam và Australia xác định thúc đẩy quan hệ với 6 lĩnh vực hợp tác lớn hơn: làm sâu sắc quan hệ hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp; thúc đẩy gắn kết kinh tế; xây dựng tri thức và kết nối nhân dân; tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng; hỗ trợ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; củng cố hợp tác khu vực và quốc tế.
Trong đó, lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa gồm: thương mại và đầu tư, công nghệ, môi trường, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong và an ninh hàng hải.
Từ trong giới hạn 2 nước, quan hệ Việt Nam - Australia với các cơ chế đa phương khu vực ngày càng được khẳng định, củng cố và tăng cường tính kết nối sâu sắc, hành động cụ thể thông qua sự phối hợp của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, ổn định và phát triển, thịnh vượng chung của khu vực./.