18/05/2024 | 21:23 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mốc son mới sau những thăng trầm

Khánh Bình
Mốc son mới sau những thăng trầm Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Australia Paul Keating chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa 2 nước trong chuyến thăm chính thức Australia năm 1995_Ảnh: TL
Dù trải qua những thăng trầm, song quan hệ Việt Nam - Australia không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ sau hơn nửa thế kỷ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân 2 nước. Ngày 7-3-2024, việc Việt Nam - Australia nhất trí nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược toàn diện được xem là một mốc son mới trong chặng đường quan hệ hợp tác giữa 2 nước.

Những kết quả chính của 50 năm quan hệ hợp tác

Thứ nhất, hợp tác chính trị “mở đường”

Tháng 5-1993, sau 20 năm Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Australia. Một năm sau, tháng 4-1994, Việt Nam đón chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Australia Paul Keeting. 

Từ các chuyến thăm mang tính “mở đường” này, hợp tác song phương Việt Nam - Australia bắt đầu khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), quan hệ Việt Nam - Australia tiếp tục được củng cố và phát triển, nhất là từ khi 2 nước thống nhất tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị trên mọi lĩnh vực, nhân chuyến thăm chính thức tới Australia của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 3-1999).

Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa 2 nước trở nên sôi động hơn từ giữa thập niên đầu thế kỷ XXI. Các hoạt động trao đổi đoàn tăng cả về số lượng và cấp tiếp xúc, với nội dung trao đổi ngày càng đi vào thực chất. 

Trong chuyến thăm chính thức Australia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 9-2009), Việt Nam và Australia đã ra Tuyên bố chung nhất trí nâng quan hệ 2 nước lên tầm Đối tác toàn diện dựa trên 3 trụ cột hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân. Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới toàn diện và sâu sắc hơn trong quan hệ giữa 2 nước.

Tháng 3-2015, 2 nước ký kết Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường nhân chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích về tăng trưởng kinh tế, ổn định và an ninh khu vực. 

Tháng 3-2018, quan hệ song phương bước sang trang mới với Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên Đối tác chiến lược, thể hiện sự tin cậy về chính trị, hiểu biết lẫn nhau, cùng chia sẻ khó khăn trước mắt, hướng tới tương lai, vì lợi ích của mỗi dân tộc và nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Quan hệ song phương càng được củng cố và làm sâu sắc thêm bởi chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 3-2024), với việc 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. 

Đây không chỉ là kết quả của 50 năm xây dựng và phát triển quan hệ, là nỗ lực làm sâu sắc và nhân rộng lòng tin chiến lược, góp phần xây dựng một tầm nhìn mới cho khu vực, mà còn là minh chứng điển hình cho bước phát triển và sức mạnh tổng thể của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. 

Hai nước cũng chia sẻ và hợp tác hiệu quả tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, đặc biệt trong hợp tác ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong.

Thứ hai, hợp tác kinh tế hiệu quả

Tăng cường hợp tác kinh tế là một trong những ưu tiên trong quan hệ Việt Nam - Australia, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại mỗi nước, đồng thời đưa 2 nền kinh tế ngày càng xích lại gần nhau hơn.

Trong lĩnh vực thương mại, Australia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Australia. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia trong nhiều năm qua tăng đều và khá cao, từ 32,3 triệu USD năm 1990 lên 13,8 tỷ USD vào năm 2023. Tháng 1-2024, thương mại song phương đạt 1,25 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 0,52 tỷ USD, nhập khẩu 0,73 tỷ USD.

Về hợp tác đầu tư, ngay sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987 (có hiệu lực từ năm 1988), các nhà đầu tư Australia đã tìm đến thị trường Việt Nam và trở thành một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Tính đến nay, Australia có hơn 630 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,03 tỷ USD, đứng thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đầu tư sang Australia hơn 90 dự án, với tổng số vốn đầu tư đạt hơn 550 triệu USD.

Bên cạnh các dự án FDI, nhiều năm qua Australia còn là một trong những đối tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) song phương lớn nhất cho Việt Nam. Trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia hỗ trợ ODA cho Việt Nam khoảng 3 tỷ AUD (tương đương 47 nghìn tỷ đồng); trong đó, giai đoạn 2013 - 2019 là 92,7 triệu AUD/năm, giai đoạn 2020 - 2022 là 78,9 triệu AUD/năm và giai đoạn 2022 - 2023 là 92,8 triệu AUD/năm.

Thứ ba, đa dạng các lĩnh vực hợp tác

Là trụ cột thứ ba trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia, giao lưu nhân dân giữa 2 nước phát triển trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, truyền thông đến tổ chức hữu nghị, thể thao... Trong các mối giao lưu đó, giáo dục - đào tạo được đánh giá là cầu nối hữu nghị quan trọng trong quan hệ 2 nước. 

Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới về số lượng du học sinh quốc tế học tập tại Australia, với hơn 32.000 sinh viên và nghiên cứu viên. Quan hệ giữa 2 nước còn được xây dựng trên nền tảng vững chắc của những kết nối du lịch, văn hóa bền chặt. 

Hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa, như trao đổi các đoàn biểu diễn nghệ thuật, liên hoan phim, triển lãm tranh, ảnh về đất nước và con người nhằm quảng bá hình ảnh và nâng cao hiểu biết về Việt Nam tại Australia, cũng như về Australia tại Việt Nam. 

Những năm gần đây, khách du lịch Australia đến Việt Nam ngày càng tăng và trở thành một trong 10 nước, vùng lãnh thổ có số lượng khách du lịch đến Việt Nam đông nhất, với 90.000 lượt khách năm 2023. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 159.000 lượt khách từ Australia.

Quan hệ quốc phòng - an ninh luôn được quan tâm đẩy mạnh

Kể từ khi 2 nước ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 10-2010, hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm giữa quân đội 2 nước; hoạt động tham vấn quốc phòng được duy trì hằng năm. 

Trong lĩnh vực an ninh, trên cơ sở các hiệp định và thỏa thuận được ký kết, hai bên tăng cường sự phối hợp giữa lực lượng cảnh sát 2 nước trong phòng, chống các nguy cơ tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người, tội phạm lợi dụng công nghệ cao...

Việt Nam và Australia còn mở rộng và hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành mà hai bên có thế mạnh, như khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp, y tế, thông tin - truyền thông, lao động - việc làm, hàng không...

Về tổng thể, có thể thấy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia ngày càng phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Tuy nhiên theo đánh giá từ nhiều phía, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, văn hóa - giáo dục, quốc phòng,... giữa hai bên còn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của 2 nước. 

Mặt khác, nhiều cơ chế hợp tác chưa phù hợp, cần được hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho 2 nước giao lưu phát triển kinh tế - thương mại. Bên cạnh đó, còn những yếu tố khách quan (như tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp), yếu tố chủ quan (như sự cách trở về địa lý, sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội, văn hóa, tâm lý, thói quen...) khiến mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên chưa đạt được những bước tiến như mong muốn.

Nền tảng tốt đẹp cho tương lai

Một là, hợp tác Việt Nam - Australia phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình mới của thế giới, với xu thế toàn cầu hóa và xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là sự phát triển năng động của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai là, Australia có thể chia sẻ những lợi thế của một nền kinh tế lớn thứ tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 12 trên thế giới, có những liên kết chặt chẽ cùng khu vực phát triển nhanh nhất thế giới là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với Việt Nam - một nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế quan trọng trong quá trình chuyển đổi, cân bằng quyền lực tại khu vực. Qua quá trình mở rộng các quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, 2 nước có thể rút ra được những kinh nghiệm ban đầu để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Ba là, 2 nước đều có nhiều lợi ích chung trong các tổ chức quốc tế và khu vực, như ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),... trong việc duy trì an ninh, ổn định và tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, với mục tiêu tranh thủ những thay đổi mạnh mẽ trong khu vực để trở thành 1 trong số 10 nước giàu nhất thế giới vào năm 2025, Australia tập trung tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc củng cố và mở rộng nhiều mối quan hệ với các nước, như Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ...; bước phát triển trong quan hệ thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm là, cộng đồng 350.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của Australia chính là cầu nối hữu nghị quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử, phong tục, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước cũng như quan hệ giao lưu giữa nhân dân 2 nước.

Nhìn lại quan hệ Việt Nam - Australia trong 50 năm qua có thể thấy, với sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, với nhu cầu hợp tác để cùng phát triển trong bối cảnh tiến trình hội nhập quốc tế đầy năng động, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển sang một giai đoạn mới sâu sắc hơn, tin cậy hơn và toàn diện hơn. 

Hai nước sẽ cùng nhau hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng, năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực quan trọng này cũng như trên toàn thế giới./.