Hợp tác biển vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, phát triển, hòa bình, thịnh vượng
Nguyễn Thanh VânBan Đối ngoại Trung ương
Cùng chung tầm nhìn
Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông khi là một trong những cửa ngõ quan trọng, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến con đường giao thương của Australia với các nước khu vực châu Á, từ đầu thế kỷ XXI, Australia đã có những điều chỉnh chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó biển trở thành một trong những ưu tiên mà Australia cần quan tâm trong quan hệ quốc tế với các quốc gia tại khu vực.
Tháng 4-2023, Australia công bố Chiến lược Quốc phòng mới, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt trong hợp tác với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á nhằm bảo đảm an ninh toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực biển. Đối với Australia, Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại với vai trò là cầu nối giữa Australia đến các quốc gia Đông Bắc Á.
Biển Đông còn là bộ phận quan trọng trong tư duy “hướng Á” của Australia, là nơi khẳng định vị thế “cường quốc tầm trung” của Australia, cũng như là trọng tâm trong vùng không gian lợi ích chiến lược của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đối với Việt Nam, với đường bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến hợp tác thương mại, quốc phòng - an ninh.
Nắm giữ lợi thế về biển, Việt Nam có tiềm năng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, như vận tải biển, giao thông hàng hải, đồng thời là cửa ngõ quan trọng giúp các nước tiếp cận với khu vực Đông Nam Á.
Chính vì vậy, an ninh hàng hải là một nội dung quan trọng được Việt Nam quan tâm đầu tư, tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định của quốc gia và khu vực.
Về vấn đề Biển Đông, Australia nhất trí với Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; nhất trí cao trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác biển, cùng phấn đấu đưa Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. |
Cùng là 2 quốc gia có lợi ích chiến lược trên biển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam và Australia vừa nhanh chóng thích nghi với bối cảnh biến đổi đa chiều của khu vực, vừa tăng cường thúc đẩy hợp tác biển nhằm hướng đến bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực.
Hợp tác cùng phát triển
Trải qua hơn 50 năm phát triển, , quan hệ hợp tác Việt Nam - Australia ngày càng thiết thực, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực chính trị, ngoại giao kinh tế, văn hóa, quốc phòng - an ninh... Hợp tác biển là một lĩnh vực hợp tác mới giữa 2 nước, được hai bên đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, 2 nước ký kết nhiều văn bản, tuyên bố chung quan trọng, trong đó bao hàm nhiều nội dung liên quan tới hợp tác biển, như: Tuyên bố chung Việt Nam - Australia nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Thủ tướng Australia Scott Morrison (tháng 8-2019); Tuyên bố tầm nhìn chung về thúc đẩy quan hệ quốc phòng (năm 2018); Kế hoạch hành động vì quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Australia giai đoạn 2020 - 2023...
Ngoài ra, các cơ quan, ban, bộ, ngành của hai bên cũng nhiều lần gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hợp tác về quy hoạch không gian biển, quản lý tài nguyên biển, xây dựng cơ sở dữ liệu biển, phát triển điện gió ngoài khơi, bảo tồn hệ sinh thái và rạn san hô, phát triển nền kinh tế xanh...
Mặc dù mới chỉ bắt đầu hợp tác biển trong những năm gần đây, song mức độ hợp tác giữa hai bên phát triển nhanh chóng, tích cực. Australia luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng cung cấp kỹ thuật, nhân lực, vật lực hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, khai thác, điều tra tài nguyên biển, xây dựng cơ sở dữ liệu để thiết lập bản đồ đường bờ biển và đáy biển; qua đó, không chỉ giúp Việt Nam nghiên cứu, làm rõ các vấn đề về môi trường biển, mà còn đánh giá được những tác động của môi trường trên biển, biến đổi khí hậu...
Bên cạnh đó, Australia cũng tạo điều kiện giúp Việt Nam tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, nghiên cứu thực tế giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cán bộ, công chức làm việc liên quan tới lĩnh vực biển của Việt Nam.
Về an ninh hàng hải, hải quân Australia và Việt Nam đã triển khai một số hoạt động hợp tác thiết thực, như huấn luyện hàng hải ở vùng biển ngoài khơi Vịnh Cam Ranh. Hai bên còn thực hiện trao đổi trực tuyến về hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; huấn luyện hàng hải tập trung vào Bộ Quy tắc ứng phó bất ngờ trên biển (CUES); kết nối sĩ quan trẻ của Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) và học viên Học viện Hải quân Việt Nam.
Có thể thấy, các hoạt động hợp tác biển giữa Việt Nam và Australia được triển khai ngày càng đa dạng, lòng tin chính trị giữa 2 nước ngày càng được củng cố, xây dựng vững mạnh, thúc đẩy xây dựng một trật tự khu vực rộng mở, minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để 2 nước tăng cường tiếng nói trong khu vực, thu hút các quốc gia khác hành xử tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chung.
Cùng nắm bắt cơ hội
Trên nền tảng lịch sử quan hệ lâu bền, cũng như tiếp nối những thành quả hợp tác phong phú đạt được trong nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam và Australia tiếp tục bước sang một chương mới khi 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 7-3-2024. Đây được xem là bước tiến quan trọng, giúp 2 nước tiến tới nắm bắt cơ hội, tăng cường tin cậy chính trị, từ đó làm sâu sắc hơn nữa hợp tác đa lĩnh vực, trong đó có hợp tác biển.
Việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới cho thấy mức độ coi trọng của cả hai bên đối với nhau. Australia đã sớm nhìn nhận khu vực Đông Nam Á là trọng tâm chiến lược của mình từ những năm đầu thế kỷ XXI, trong đó, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Australia ở khu vực Đông Nam Á, bao gồm hợp tác kinh tế, quốc phòng - an ninh, nhất là hợp tác trên biển - một lĩnh vực “nóng” trong thời gian gần đây.
Ở chiều ngược lại, thông qua việc nâng cấp quan hệ, Việt Nam cũng nhìn nhận Australia là một trong những đối tác chiến lược quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Có thể nói, việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện chính là bước khởi đầu quan trọng giữa Việt Nam và Australia trong bối cảnh hiện nay. Nhờ đó, hợp tác biển giữa 2 nước có tiềm năng đạt được những kết quả ngày càng thực chất, sâu rộng hơn, nhất là khi cả 2 nước cùng thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng của Biển Đông.
Cả Việt Nam và Australia đều mong muốn phấn đấu đưa Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Để hiện thực hóa được mong muốn đó, ngoài hợp tác chặt chẽ trên các mặt kinh tế, năng lượng sạch, giao thông, môi trường, tài nguyên,... 2 nước cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hàng hải, như huấn luyện, công nghệ quân sự, chia sẻ thông tin, nâng cấp kết cấu hạ tầng...; qua đó, hướng tới bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, phát triển, thịnh vượng./.