19/05/2024 | 00:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Dấu mốc bước ngoặt và tầm vóc mới

Khánh Chi
Dấu mốc bước ngoặt và tầm vóc mới Australia hỗ trợ Việt Nam triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bằng việc sử dụng máy bay vận tải C-17A Globemaster III chở người và thiết bị của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 sang Nam Suda
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia, ngày 7-3-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia. Đây được xem là dấu mốc mang tính bước ngoặt, khẳng định tầm vóc mới của quan hệ 2 nước, tương xứng với những thành tựu quan hệ và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong suốt hơn 50 năm qua.

Ghi dấu những thành tựu đột phá

Trải qua hơn 50 năm quan hệ song phương kể từ năm 1973 đến nay, quan hệ Việt Nam - Australia đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Nhìn lại cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi Việt Nam lần đầu tiên thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Australia là 1 trong 5 nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu tại Việt Nam. Đến năm 1990, Australia đầu tư tổng cộng gần 200 triệu USD vào Việt Nam và con số này vượt mức hơn 2 tỷ USD vào năm 2023. 

Theo thời gian, Việt Nam và Australia ngày càng xích lại gần nhau hơn khi 2 nước cùng bước sang chương mới trong lịch sử quan hệ song phương. 

Hai nước cùng có động lực lớn để đẩy mạnh và xây dựng quan hệ dựa trên nền tảng của sự chân thành và tin tưởng, đúng theo tinh thần “6 điểm hơn” mà thủ tướng 2 nước đã khẳng định trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Australia và tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia từ ngày 5-3 đến 9-3-2024, bao gồm: 1- Tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn; 2- Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn, tận dụng các tiềm năng của hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao; 3- Thúc đẩy hợp tác khoa - học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn; 4- Hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn; 5- Giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn; 6- Hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác quốc phòng - an ninh.

Trên lĩnh vực chính trị, các nhà lãnh đạo cấp cao Australia đều đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực; khẳng định, dù là chính phủ của đảng nào cầm quyền, Australia cũng luôn coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Việc 2 nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được xem là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong quan hệ 2 nước, thể hiện tầm vóc mới của mối quan hệ song phương, tạo cơ sở để 2 nước phát triển quan hệ sâu rộng hơn trong những thập niên tới, đồng thời đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, thành tựu nổi bật là kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 14 tỷ USD và 2 nước trở thành 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau như Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia (EEES) đề ra. 

Là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ cao, tiềm năng hợp tác còn rất lớn, hai bên đều nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đa dạng hóa, khắc phục sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào các lĩnh vực Australia có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu. 

Trong quá trình triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, 2 nước cần nâng cao chất lượng hợp tác, tranh thủ các động lực mới. Australia cam kết sẽ xem xét mở cửa thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của Việt Nam; tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các nguyên vật liệu ổn định, bền vững với giá thành hợp lý; nhất trí phối hợp thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao thuộc các ngành, lĩnh vực mới nổi, như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, năng lượng mới, năng lượng tái tạo...; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách đầu tư để đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu; phát triển kinh tế biển và đại dương. 

Các doanh nghiệp Australia cũng thể hiện sự quan tâm lớn đến các lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, tài chính, nông nghiệp công nghệ cao.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, 2 nước đang triển khai tích cực, hiệu quả Thỏa thuận về đối tác gìn giữ hòa bình; nghiên cứu mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự; hướng tới thiết lập cơ chế Đối thoại an ninh Việt Nam - Australia lên cấp bộ trưởng; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh phối hợp trong các lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mạng, tội phạm ma túy, chống khủng bố, buôn người.

Trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, Australia đang tích cực triển khai các dự án về đổi mới sáng tạo, thông qua gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam; khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ Australia hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, công viên phần mềm sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam; phát triển công nghiệp bán dẫn.

Phát huy tiềm năng hợp tác

Giáo dục - đào tạo là chìa khóa để tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng Việt Nam - Australia. Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa 2 nước ngày càng được đẩy mạnh khi ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại Australia. 

Hiện có hơn 100 thỏa thuận giữa các trường đại học của Australia và Việt Nam, trong đó có 20 thỏa thuận cung cấp bằng cấp của Australia cho sinh viên Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới khi 2 nước đẩy mạnh triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Australia có nhiều khả năng hỗ trợ “hạ tầng mềm” cho Việt Nam, bao gồm việc đào tạo các quan chức chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng của khu vực tư nhân. 

Bằng cách cung cấp các chương trình đào tạo cho quan chức Chính phủ Việt Nam về lĩnh vực tài chính, môi trường và kinh doanh cùng với các chương trình đại học về hành chính công, Australia có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hiện đại hóa quản trị và thực tiễn kinh doanh của Việt Nam. 

Trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lĩnh vực giáo dục - đào tạo cũng là một trong những trọng tâm trao đổi giữa các nhà lãnh đạo. Điều này cho thấy, chuyến thăm không chỉ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, mà còn đặt nền tảng vững chắc cho hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực giữa 2 nước trong tương lai.

Hãng tin Reuters nhận định, việc nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất với Australia đánh dấu thành công mới nhất của đường lối “ngoại giao cây tre” của Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Phát triển bền vững là mục tiêu chung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Australia. Với đặc thù là quốc gia sở hữu hệ sinh thái vô cùng phong phú và có ý thức cao về bảo tồn thiên nhiên, Australia càng chú trọng đến vấn đề này. 

Trong những năm gần đây, Australia tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực công nghệ, phát triển nguồn nhân lực về bảo vệ môi trường, phát triển ngành công nghiệp sản xuất hydrogen xanh tại Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy hoạch, phát triển hệ thống hạ tầng năng lượng tái tạo theo công nghệ tiên tiến của Australia, góp phần giúp Việt Nam đạt cam kết đưa mức phát thải carbon ròng về không; chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về xây dựng hệ thống và chính sách tài chính hỗ trợ thành lập thị trường carbon. 

Đồng thời, Australia khẳng định tiếp tục cung cấp ODA và hỗ trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực, như phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hợp tác nghiên cứu năng lượng sạch được coi là khía cạnh hợp tác đầy tiềm năng giữa Australia và Việt Nam. Australia đang trải qua một trong những quá trình chuyển đổi hệ thống điện nhanh nhất trên toàn cầu, mở ra cánh cửa tương lai cho lĩnh vực năng lượng. 

Các nhà nghiên cứu Australia đang chia sẻ kinh nghiệm với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, để hiểu và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch hơn và đạt được mục tiêu không phát thải ròng. Việt Nam có nguồn cung năng lượng tái tạo đang ngày càng gia tăng, bao gồm năng lượng gió, năng lượng Mặt trời và thủy điện. 

Việc Australia cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam được coi là nền tảng cho mối quan hệ đối tác lâu dài giữa 2 nước. Tháng 2-2024, chuyên gia 2 nước đã tổ chức hội thảo khu vực tại Thủ đô Hà Nội, trong đó tập trung vào việc khử carbon trong hệ thống điện của Việt Nam, nhằm cung cấp cho người tiêu dùng nguồn năng lượng sạch, an toàn, đáng tin cậy và giá cả hợp lý. 

Đây là cơ sở minh chứng về kinh nghiệm của Australia trong hỗ trợ hợp tác nghiên cứu, hoạch định chính sách và quy hoạch điện trong tương lai giữa Australia và Việt Nam./.