Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia
I. AUSTRALIA - QUỐC GIA ĐA VĂN HÓA, CÓ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN
Địa lý, dân cư
Không giống bất cứ đất nước nào khác, Australia (Liên bang Australia) là quốc gia lục địa duy nhất ở châu Đại dương. Với diện tích 7,69 triệu ki-lô-mét vuông, bao gồm phần lục địa Australia, đảo Tasmania cùng nhiều đảo nhỏ khác ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Australia là quốc gia có diện tích lớn thứ 6 thế giới.
Australia cũng là quốc gia rất giàu tài nguyên, bao gồm than đá, sắt, đồng, thiếc, bạc, bauxite, uranium, niken, tungsten (wolfram), cát sa khoáng, chì, kẽm, kim cương, khí tự nhiên, dầu mỏ...
Australia có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, từ những vùng ven biển hoang sơ đến những khu rừng nhiệt đới tươi tốt và sa mạc đỏ. Đây cũng là quốc gia có hệ động thực vật phong phú, bao gồm một số lượng lớn thực vật và động vật bản địa không tồn tại ở bất cứ nơi nào khác trên Trái đất. Ngoài hệ thống dự trữ môi trường quốc gia bao phủ 19,74% diện tích đất, Australia còn có mạng lưới các khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới (chiếm 37% vùng biển quốc gia) và hơn 17% rạn san hô trên thế giới, bao gồm cả rạn san hô Great Barrier. |
Australia hiện có khoảng 25 triệu dân. Trong đó, dân số sinh ra ở nước ngoài chiếm khoảng 1/3; tỷ lệ dân số được xác định là người gốc thổ dân hoặc người dân đảo Torres Strait là 3,3%.
Quốc gia đa văn hóa
Australia là một trong những quốc gia đa văn hóa nhất trên thế giới, cũng là nơi có nền văn hóa lâu đời nhất thế giới. Người bản địa Australia đã sinh sống và quản lý đất đai ở đây từ hơn 60.000 năm trước.
Australia được người Hà Lan phát hiện từ đầu thế kỷ XVII. Sau năm 1770, Chính phủ Anh đưa tù nhân và di dân đến khai phá, định cư tại đây. Vào những năm 50 của thế kỷ XIX, vàng được phát hiện và “cơn sốt” vàng sau đó đưa mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến lục địa này. Dù điều đó tạo nên sự phát triển kinh tế, thương mại, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy mâu thuẫn, xung đột giữa người nhập cư và người bản địa.
Năm 1901, những vùng đất của Anh ở Australia đã thống nhất lại thành Liên bang Australia. Năm 1931, Australia được độc lập về đối nội và đối ngoại.
Kể từ những năm 60 của thế kỷ XX, các chính phủ ở quốc gia này cùng với thổ dân và người dân đảo Torres Strait có nhiều nỗ lực hướng tới sự hòa giải. Vào tháng 7 hằng năm, Tuần lễ Naidoc được tổ chức để khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa và thành tựu của thổ dân và người dân đảo Torres Strait.
Hiện nay, ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ chính, người Australia còn sử dụng hơn 300 ngôn ngữ khác.
Chính trị, đối ngoại
Hiến pháp Australia năm 1901 thiết lập hệ thống chính phủ liên bang, dựa trên truyền thống chính phủ của Anh. Quyền lực được phân bổ giữa chính phủ quốc gia (Khối thịnh vượng chung) và 6 bang (New South Wales, Queensland, Nam Australia, Tasmania, Victoria và Tây Australia). Lãnh thổ Thủ đô Australia và lãnh thổ phía Bắc có các thỏa thuận tự trị.
Theo luật, tất cả công dân Australia trên 18 tuổi đều phải bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới trao quyền bầu cử cho phụ nữ (từ năm 1902).
|
Năm 1945, Australia trở thành thành viên sáng lập của Liên hợp quốc. Kể từ đó, nước này luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quốc tế của mình và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh. Từ năm 1947 đến nay, hơn 65.000 người Australia đã phục vụ trong hơn 50 hoạt động hòa bình và an ninh trên khắp thế giới. Gần đây nhất, Australia là thành viên được bầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2013 - 2014) và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2018 - 2020).
Ngoài mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực, Australia có mối quan hệ kinh tế, an ninh, chính trị, xã hội, văn hóa... với Mỹ, Canada, các quốc gia châu Âu và các châu lục khác. Đặc biệt, trong hàng chục năm qua, quốc gia này đã không ngừng tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó Việt Nam được xem là một trong những đối tác quan trọng.
Nền kinh tế mạnh mẽ và cởi mở
Với nguồn tài nguyên phong phú, có trữ lượng lớn và lực lượng lao động tay nghề cao, Australia đạt được những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế. Kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nền kinh tế của quốc gia này đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nước phát triển lớn nào khác. Tính đến trước năm 2020, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Australia ghi nhận 28 năm tăng trưởng kinh tế hằng năm liên tiếp và là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới, với GDP gần 1.400 tỷ USD/năm.
Mặc dù chỉ là nơi sinh sống của 0,3% dân số toàn cầu, nhưng với nền tảng kinh tế vững chắc, người dân Australia được hưởng mức sống cao nhất trên thế giới; được tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe có chất lượng...
Cùng với đó, Australia rất quan tâm tới việc cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước đang phát triển để tăng cường tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Riêng trong năm 2019 - 2020, Australia đã cung cấp 4 tỷ USD hỗ trợ phát triển - bao gồm 1,4 tỷ USD cho khu vực Thái Bình Dương.
Khoa học và đổi mới
Australia đã sớm phát triển và triển khai Chương trình nghị sự khoa học và đổi mới quốc gia nhằm hỗ trợ các ý tưởng thông minh, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tạo việc làm. Các công nghệ mới nổi đã và đang tạo ra tác động tích cực tới toàn bộ nền kinh tế và xã hội Australia.
Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) là tổ chức nghiên cứu đáng tin cậy nhất của Australia, được kết nối nhiều nhất với các trường đại học, cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp lớn của Australia. CSIRO hoạt động tại hơn 80 quốc gia và được xếp hạng trong top 1% các tổ chức khoa học thế giới ở 13 trên 22 lĩnh vực nghiên cứu.
Hướng tới phát triển xanh
Australia là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ phát thải thấp và tập trung vào việc thúc đẩy các công nghệ thực tế, có thể mở rộng và khả thi về mặt thương mại để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới phát thải bằng không.
Hiện nay, quốc gia này đang tập trung triển khai lộ trình đầu tư công nghệ với tổng mức đầu tư trị giá 1,9 tỷ USD vào các công nghệ tương lai; đồng thời cung cấp hàng tỷ USD tài chính khí hậu để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm giải quyết và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, để thực hiện cam kết về các giải pháp năng lượng bền vững và tái tạo, Australia đang tập trung phát triển năng lượng tái tạo với mức đầu tư kỷ lục, hướng đến mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của nguồn năng lượng này lên 50% lượng điện năng vào năm 2030.
Ngoài ra, Australia cũng đang định vị là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về sản xuất hydro và đang thúc đẩy đầu tư để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp hydro sạch, sáng tạo, an toàn và cạnh tranh.
II. CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - AUSTRALIA
Năm 1973
Tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Australia được khởi nguồn từ di sản của cựu Thủ tướng Australia Gough Whitlam, khi Chính phủ Công Đảng của Thủ tướng G. Whitlam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 26-2-1973, trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Năm 1986
Năm 1986, Văn kiện Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “Nhà nước ta chủ trương tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị với Thụy Điển, Phần Lan, Pháp, Australia, Nhật Bản và các nước phương Tây khác trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi”. Trong các kỳ đại hội Đảng tiếp theo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Australia nói riêng luôn nằm trong hướng ưu tiên triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Năm 1990
Hiệp định Thương mại và Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Australia được ký kết.
Năm 1991
Hai nước ký kết Hiệp định Thúc đẩy và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau.
Năm 2009
Tháng 9-2009, nhân dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Australia, 2 nước thiết lập mối quan hệ “Đối tác toàn diện” nhằm củng cố và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên một số lĩnh vực chủ chốt, như mở rộng quan hệ chính trị và trao đổi chính sách công; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển thương mại; hỗ trợ hợp tác và phát triển công nghệ; xây dựng mối quan hệ quốc phòng - an ninh; hỗ trợ liên kết người dân với người dân; đẩy mạnh triển khai các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu. Đây được xem là dấu mốc đột phá đầu tiên trong quan hệ chính trị giữa 2 nước.
Năm 2010
Tháng 10-2010, 2 nước ký kết Chương trình Hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2010 - 2013.
Năm 2012
Trong Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á”, Australia nhìn nhận Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong thương mại và đầu tư của khu vực; Australia sẽ tập trung gắn kết hơn nữa với các cường quốc khu vực như Việt Nam về các vấn đề an ninh và bền vững.
Năm 2013
Việt Nam và Australia Ký kết Hiệp định Hợp tác khoa học - công nghệ.
Năm 2015
Tháng 3-2015, 2 nước ký kết Tuyên bố về quan hệ Đối tác Toàn diện tăng cường, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích qua lại về kinh tế, ổn định và an ninh khu vực.
Năm 2016
Tháng 11-2016, Kế hoạch Hành động Việt Nam - Australia giai đoạn 2016 - 2019 được ký kết.
Năm 2018
Tháng 3-2018, 2 nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ song phương.
Năm 2019
Tháng 8-2019, Việt Nam và Australia nhất trí xây dựng Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế với mục tiêu trở thành top 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư 2 chiều. Chiến lược củng cố cam kết chung của 2 nước đối với tự do hóa thương mại, đầu tư và kết nối kinh tế, giúp 2 nước tận dụng các cơ hội của thị trường mới nổi...
Năm 2020
Tháng 11-2020, 2 nước ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Australia giai đoạn 2020 - 2023. Chương trình hành động tập trung vào 3 trụ cột là tăng cường gắn kết kinh tế; làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; xây dựng quan hệ đối tác tri thức và đổi mới nhằm giúp quan hệ Đối tác Chiến lược giữa 2 nước phát triển mạnh mẽ, ngày càng sâu rộng và thực chất.
Năm 2021
Công bố Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia.
|
Năm 2022
Tháng 12-2022, nhân chuyến thăm chính thức Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ý tưởng hướng tới nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đã được 2 nước công bố.
Năm 2023
Tháng 4-2023, Toàn quyền Australia David Hurley thăm chính thức Việt Nam. Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã nhắc lại việc nâng cấp quan hệ 2 nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Tháng 6-2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese thăm chính thức Việt Nam. Các chuyến thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo Australia không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, tăng cường gắn kết, củng cố lòng tin chiến lược giữa 2 quốc gia mà còn là thể hiện quyết tâm của Australia trong việc củng cố mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á. Các cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo 2 nước cũng tập trung thảo luận và thống nhất về phương hướng hợp tác giữa 2 quốc gia trong phát triển thương mại và đầu tư; mở rộng hợp tác song phương về khí hậu, năng lượng và môi trường, giáo dục, đổi mới sáng tạo...
Năm 2024
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức Australia từ ngày 7 đến ngày 9-3.
Tại Đối thoại lãnh đạo thường niên (ngày 7-3), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese đã cùng công bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược toàn diện; nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện 6 phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.
III. HƠN NỬA THẾ KỶ HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN
Tăng cường gắn kết, củng cố lòng tin chiến lược
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Australia luôn phát triển mạnh mẽ và tích cực trên cơ sở mối quan hệ chính trị bền chặt, tin cậy lẫn nhau. Bên cạnh các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo 2 nước, hai bên thường xuyên có những cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp.
Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì đều đặn, hiệu quả và thực chất. Riêng về quan hệ đối ngoại đảng, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì quan hệ hữu nghị với 3 chính đảng tại Australia, gồm Công đảng cầm quyền, Đảng Tự do đối lập và Đảng Cộng sản Australia.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao thời gian qua góp phần tăng cường gắn kết, củng cố lòng tin chiến lược giữa 2 quốc gia, thể hiện sự coi trọng trong việc xây dựng, củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác của cả hai bên. Đây là tiền đề quan trọng để 2 nước từng bước nâng cấp quan hệ, từ Đối tác Toàn diện (năm 2009) lên Đối tác Toàn diện tăng cường (năm 2015), Đối tác Chiến lược (năm 2018) và năm 2024 là Đối tác Chiến lược toàn diện.
Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Australia được thực hiện từ khá sớm và phát triển đáng kể từ khi Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng được ký kết vào cuối năm 2010. Theo đó, hai bên triển khai nhiều hoạt động như huấn luyện, trao đổi giữa lực lượng quốc phòng Australia và Việt Nam. Australia cũng là nước đi đầu trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh và huấn luyện chuyên môn cho các cán bộ, sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam từ năm 2014. Về an ninh, 2 nước hợp tác chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nguy hiểm xuyên quốc gia và có tổ chức. Ở cấp chiến lược, hai bên chia sẻ thông tin nghiệp vụ, tiến hành các chuyên án chung và cùng làm việc để phát triển năng lực trong các lĩnh vực như tội phạm mạng, khoa học hình sự, tiếng Anh, công cụ và phân tích thông tin nghiệp vụ... |
Việt Nam ủng hộ Australia ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2013 - 2014 và Hội đồng Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) nhiệm kỳ 2016 - 2017. Trong khi đó, Australia ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhiệm kỳ 2023 - 2025, thành viên Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015 - 2019 và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và thành viên Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (IPU) nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Hiện 2 nước đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giai đoạn 2022 - 2025.
Hợp tác phát triển
Australia là một trong những đối tác song phương cung cấp vốn ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (trung bình 92,7 triệu đô la Australia (AUD)/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 và 78,9 triệu AUD/năm giai đoạn 2020 - 2022). Tháng 10-2022, Quốc hội Australia quyết định tăng 18% vốn ODA cho Việt Nam, lên mức 92,8 triệu AUD/năm giai đoạn 2022 - 2023. Ước tính, tổng vốn ODA của Australia năm 2023 - 2024 là 95,1 triệu AUD.
Tính chung, trong 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ cho Việt Nam khoảng 3 tỷ AUD vốn ODA (tương đương 47.000 tỷ đồng). Đây là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Về hạ tầng, sau công trình cầu Mỹ Thuận - cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam bắc qua sông Tiền - được xây dựng với sự trợ giúp của Australia, từ năm 2000, Australia tiếp tục dành hơn 650 triệu AUD viện trợ không hoàn lại cho đồng bằng sông Cửu Long, trong đó dự án cầu Cao Lãnh (trị giá 160 triệu AUD) là hoạt động đầu tư đơn lẻ lớn nhất của Australia trên khu vực đất liền Đông Nam Á.
Trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực, kể từ năm 1974 đến nay, hơn 6.000 cán bộ lãnh đạo và quản lý của Việt Nam đã được hỗ trợ sang học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn tại Australia; hơn 80.000 cựu sinh Việt Nam trong mạng lưới cựu sinh toàn cầu của Australia tiếp tục được Australia hỗ trợ phát triển kỹ năng cá nhân và chuyên môn, nhằm tăng cường hơn nữa đóng góp của họ cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chương trình Aus4Equality hỗ trợ hơn 15.000 phụ nữ Việt Nam (hầu hết là người dân tộc thiểu số) tăng thu nhập và 1.963 phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo tại các nhóm cộng đồng. Hơn 2.000 phụ nữ và trẻ em được hỗ trợ thoát khỏi các hành vi bạo lực gia đình thông qua các chiến dịch truyền thông, nâng cao năng lực cho các tư vấn viên và đường dây nóng. 22 công ty với 188.000 nhân sự đã nâng cao bình đẳng giới nhờ xây dựng chính sách nội bộ về lãnh đạo có sự tham gia của nhiều thành phần, làm việc linh hoạt và chống quấy rối.
Thông qua Quan hệ Đối tác chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới (WB), Australia có đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cho hàng chục chính sách tại Việt Nam, bao gồm Kế hoạch Phát triển kinh tế -xã hội giai đoạn 2021 - 2025, sửa đổi Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) và những thảo luận chuyên đề liên quan do Australia và các đối tác hỗ trợ thực hiện đã góp phần giúp các địa phương tại Việt Nam đánh giá chính xác và cải thiện hiệu quả quản trị. Ngoài ra, Australia rất tích cực trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, thiết lập nền tảng quan trọng cho hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
|
Mở rộng hợp tác trong phát triển nhân lực
Hiện nay, Australia nổi tiếng là điểm đến du học chất lượng cao của du học sinh Việt Nam, với khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh đang theo học. Australia cũng cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện của 2 nước đang có hàng chục chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Đại học RMIT đã mở 2 cơ sở (tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) với hàng nghìn sinh viên theo học và dự kiến còn mở rộng hoạt động tại các thành phố Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm khoảng 75 triệu USD vào Việt Nam.
Tháng 10-2021, 2 nước ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2021 - 2025 trị giá 50,1 triệu AUD. Tính đến tháng 3-2023, có 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Australia đã được ký kết.
Một nét đặc trưng trong quan hệ giữa 2 nước là cộng đồng người Việt Nam tại Australia có khoảng 300.000 người; tiếng Việt là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 5 tại Australia. Đây được coi là cầu nối quan trọng, không chỉ về văn hóa mà còn về thương mại, đầu tư, kết nối kinh tế giữa doanh nghiệp 2 nước, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
IV. ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI - NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG TIẾN TRÌNH HỢP TÁC
Nhà đầu tư lớn
Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khi Việt Nam mới mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Australia là 1 trong 5 nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Đến năm 1990, Australia đầu tư tổng cộng 300 triệu AUD (gần 200 triệu USD) vào Việt Nam và đến năm 2020, tổng lượng vốn FDI của Australia vào Việt Nam là 1,38 tỷ AUD.
Tính đến tháng 3-2023, có 593 dự án của các nhà đầu tư Australia vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3 tỷ AUD, đứng thứ 20/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đầu tư của Australia tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ ăn uống; nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, Telstra, RMIT, ANZ, Bluescope Steel, Allens và BHP đã thực hiện các khoản đầu tư chiến lược góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Các khoản đầu tư đáng chú ý khác từ Australia bao gồm Austal, VMS và Midway Metals trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo; Linfox và Aurecon trong lĩnh vực hậu cần và dịch vụ; Blackstone Minerals và Blueleaf Energy trong lĩnh vực tài nguyên và năng lượng tái tạo; CBH và SunRice trong lĩnh vực nông nghiệp...
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam sang Australia tăng mạnh từ năm 2010 đến 2014, sau khi hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) chính thức có hiệu lực. Riêng năm 2019, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư vào Australia nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Hiện tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đạt trên 593 triệu USD với 90 dự án, đưa Australia trở thành quốc gia lớn thứ 11 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Tiêu biểu là các dự án của Tập đoàn TH (135 triệu USD), Tập đoàn An Viên (18 triệu USD); Tập đoàn Vinfast (20 triệu USD); Công ty cổ phần Hàng không VietJet ký thỏa thuận đầu tư hạ tầng sân bay ở thành phố Melbourne và đang xúc tiến mở đường bay trực tiếp với nhiều thành phố lớn của Australia...
Đối tác thương mại quan trọng
Là 2 nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt là việc Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lớn trong khu vực, những năm gần đây, thương mại song phương Việt Nam - Australia đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, thương mại 2 chiều đạt mức tăng trưởng trung bình 8,6% mỗi năm, nhanh hơn nhiều so với tăng trưởng thương mại chung của Australia (5,8%/năm) và nhanh hơn mức tăng trưởng thương mại cùng kỳ của Australia với các nước trong khối ASEAN (5,5%).
Năm 2022, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 15,7 tỷ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Năm 2023, thương mại hàng hóa 2 chiều đạt gần 14 tỷ USD. Với kết quả này, Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia.
Về xuất khẩu hàng hóa, trong khu vực ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế quan trọng thứ hai đối với Australia (chiếm khoảng 2,1% trên tổng giá trị theo số liệu năm 2023, tăng từ mức 1,5% trước đại dịch COVID-19).
|
Các mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất sang Australia hiện vẫn là nhóm hàng chủ lực của Việt Nam, bao gồm sản phẩm điện thoại và linh kiện điện tử, máy móc, máy vi tính, một số mặt hàng quan trọng khác như dệt may, dầu thô, thủy sản...
Ngoài ra, gạo, cà phê, trái cây,... cũng là các mặt hàng thế mạnh tại thị trường Australia. Hiện nước này đã mở cửa cho các mặt hàng của Việt Nam như vải, xoài, thanh long, nhãn, tôm đông lạnh...
Ở chiều ngược lại, hiện nay Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, quy mô thương mại song phương Australia - Việt Nam liên tục gia tăng mạnh mẽ nhờ khai thác một số hiệp định thương mại đa phương. Theo đó, 2 nước hiện là thành viên chung của ít nhất 3 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do AANZFTA. Nếu CPTPP và AANZFTA giúp giảm thuế quan, thì RCEP giúp doanh nghiệp tận dụng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Điều này giúp tăng trưởng xuất khẩu giữa Việt Nam và Australia luôn ở mức cao.
V. THÚC ĐẨY MỐI QUAN HỆ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN
Ngày 7-3, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, đưa lịch sử quan hệ song phương bước sang một chương mới. Theo đó, hai bên thống nhất cùng phối hợp chặt chẽ để tiếp tục phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực của khuôn khổ quan hệ mới nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.
Hợp tác chính trị, quốc phòng, an ninh và tư pháp
Theo đó, hai bên tiếp tục cam kết duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh; duy trì các cơ chế hợp tác song phương. Hai bên cũng sẽ hợp tác chặt chẽ để mở rộng các chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và tư pháp thông qua giáo dục và đào tạo, trao đổi chuyên môn và hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình cùng nhiều hoạt động khác. Đặc biệt là nâng cấp hợp tác gìn giữ hòa bình lên Đối tác Gìn giữ hòa bình và nâng cấp Đối thoại an ninh cấp thứ trưởng hiện nay lên cấp bộ trưởng.
Hai bên cũng cam kết thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật, hợp tác tình báo nhằm xác định và ngăn chặn các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có thể ảnh hưởng tới lợi ích chung của 2 nước; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như công nghiệp quốc phòng, an ninh hàng hải, chia sẻ thông tin và tình báo; tăng cường hợp tác hàng hải, an ninh mạng và công nghệ thiết yếu. Tiếp tục triển khai tốt việc chia sẻ thông tin và dự báo về các vấn đề chiến lược hai bên cùng quan tâm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia của mỗi nước...
Thúc đẩy gắn kết kinh tế
Hai bên cam kết tăng cường hợp tác kinh tế, tạo dựng môi trường thương mại và đầu tư cởi mở hơn; tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia, bổ trợ bằng việc triển khai Chiến lược kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040 của Australia. Thúc đẩy các biện pháp tiếp cận thị trường và tạo thuận lợi thương mại cho cả 2 nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp...
|
Xây dựng tri thức và kết nối nhân dân
Hai bên cam kết tăng cường sự tham gia và vai trò lãnh đạo của các nhóm yếu thế, phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các lĩnh vực hợp tác; hợp tác để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam phát triển các khuôn khổ và chính sách quốc gia nhằm khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và xây dựng hệ thống giáo dục và dạy nghề hiệu quả; hoan nghênh và tìm kiếm các cơ hội nhằm tăng cường đi lại và du lịch giữa 2 nước; cam kết thúc đẩy thế hệ trẻ 2 nước đi du lịch và làm việc tại Việt Nam và Australia qua việc triển khai các Chương trình thị thực lao động kết hợp kỳ nghỉ tương ứng...
Hai bên sẽ tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người Việt tại Australia và cộng đồng người Australia tại Việt Nam có những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ song phương gần gũi giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục hợp tác hướng tới xây dựng các xã hội bao trùm, tạo cơ hội bình đẳng cũng như tôn trọng quyền con người của tất cả mọi người, không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường trao đổi và hợp tác văn hóa thông qua các loại hình nghệ thuật và các viện bảo tồn văn hóa. Cam kết phát triển Trung tâm Việt Nam - Australia thành một nền tảng để xây dựng năng lực trong ngành dịch vụ công của Việt Nam và các nước láng giềng.
Tăng cường hợp tác về khí hậu, môi trường và năng lượng
Hai bên cam kết nắm bắt các cơ hội trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở mỗi nước để củng cố nền kinh tế và đóng góp vào mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon toàn cầu. Trong quá trình hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, hai bên cam kết sử dụng một loạt nguồn lực của Australia, bao gồm vốn ODA, tài chính thương mại và xuất khẩu, tài chính khí hậu và chia sẻ chuyên môn; tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, thị trường carbon và phát triển kinh tế xanh.
Để thúc đẩy an ninh năng lượng chung trong quá trình chuyển đổi, hai bên sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên, bao gồm thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư.
Hai bên cũng tiếp tục phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo mới nổi, bền vững, đa dạng thông qua tích hợp giải pháp công nghệ giúp cả 2 nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không...
Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Theo đó, hai bên cam kết làm sâu sắc hơn hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ (bao gồm các công nghệ mới và công nghệ thiết yếu mới nổi), mạng và đổi mới sáng tạo hướng tới sự phát triển bền vững và bao trùm...
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, trường đại học, các tổ chức nghiên cứu thông qua các sáng kiến để nâng cao chất lượng nghiên cứu, trao đổi kiến thức và đào tạo những nhà khoa học trẻ tài năng; thúc đẩy chuyển giao và áp dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cải thiện hệ sinh thái đổi mới quốc gia và xây dựng năng lực cho sự phát triển bền vững và toàn diện của hệ thống nghiên cứu và đổi mới quốc gia của Việt Nam...
Hai bên cũng tái khẳng định cam kết chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam và Australia nhằm tăng cường chuyển đổi chính phủ số và đạt được các mục tiêu của chính phủ số.
Củng cố hợp tác khu vực và quốc tế
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các khuôn khổ song phương, ba bên và đa phương để ủng hộ các thể chế hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, ổn định và thịnh vượng; thúc đẩy các lợi ích chung về chính trị, kinh tế và an ninh cũng như giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào trên Biển Đông cũng phải thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như không làm phương hại đến quyền lợi của quốc gia khác theo luật pháp quốc tế.
Hai bên bên cam kết tiếp tục hợp tác lâu dài để hỗ trợ sự hội nhập và phát triển bền vững của tiểu vùng, bao gồm thông qua cơ chế Đối tác Mekong - Australia và những người bạn của Mekong, ủng hộ các cơ chế khác do Mekong dẫn dắt để thúc đẩy khu vực tiểu vùng sông Mekong bền vững, tự cường và bao trùm./.
Thành Nam - Duy Anh - Tiến Thắng - Công Minh - Khôi Nguyên (thực hiện)
Các bài cũ hơn



