20/09/2024 | 16:45 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Báo chí trí tuệ


Dù thế giới luôn có những biến động lớn về chính trị cũng như kinh tế - xã hội, nhưng có một thực tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đó là sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, những phương thức truyền thông mới cũng như tình trạng “quá tải và mệt mỏi” về tin tức của công chúng,... đang khiến các cơ quan báo chí trên khắp thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. Chẳng hạn như theo thống kê nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Google, mỗi tuần tại Mỹ có khoảng 2 - 3 tờ báo buộc phải đóng cửa. Năm 2023, riêng lĩnh vực truyền thông của quốc gia này đã phải cắt giảm khoảng 20.000 chỗ làm việc, cao gấp 6 lần so với năm 2022.

Trong bối cảnh đó, để giữ được độc giả, rất nhiều cơ quan báo chí đã không ngừng đổi mới, đẩy mạnh việc ứng dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như dữ liệu hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo và tăng cường (AR),... vào công đoạn thu thập, xử lý, phân phối tin tức và quản lý. Bên cạnh đó là việc đặc biệt chú trọng thực hiện chiến lược nội dung chuyên sâu, cung cấp các kiến giải, giải pháp và ý tưởng giải quyết những vấn đề độc giả quan tâm, thay vì tiếp tục cuộc “chạy đua” tin tức thời sự thuần túy, từng bước định hình xu hướng báo chí trí tuệ.

I. NHỮNG THÁCH THỨC CỦA BÁO CHÍ TRONG THẾ KỶ XXI

Từ thực tiễn việc làm trong ngành báo chí

Tháng 5-2024, The Wall Street Journal (Tạp chí phố Wall) - một trong những nhật báo chuyên về tài chính nổi tiếng hàng đầu thế giới xuất bản tại Mỹ tuyên bố ít nhất 8 nhà báo phải nghỉ việc. Đây không phải lần đầu tiên tờ báo lớn này phải cắt giảm nhân sự, mà trước đó 3 tháng, 16 phóng viên và 1 người phụ trách chuyên mục của tờ báo này cũng rơi vào tình trạng mất việc làm. Không dừng lại ở đó, theo kế hoạch, các văn phòng khu vực Bờ Đông, Trung Mỹ và Bờ Tây của tờ báo cũng sẽ bị đóng cửa trong tương lai gần.

Việc cơ cấu lại tổ chức, nhân sự được các nhà lãnh đạo Tạp chí phố Wall lý giải là nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới, trong bối cảnh báo chí đang gặp nhiều khó khăn và phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Không riêng Tạp chí phố Wall, một báo cáo của Công ty việc làm Challenger, Grey and Christmas công bố cuối năm 2023 cho thấy, trong năm 2023, ngành truyền thông Mỹ đã cắt giảm tổng cộng khoảng 20.000 việc làm, cao gấp 6 lần so với năm 2022. Trong đó, chỉ riêng lĩnh vực tin tức đã mất 2.681 việc làm, nhiều hơn 2 năm trước đó.

Cũng theo báo cáo này, trong gần 12 tháng của năm 2023, hàng chục hãng tin tại Mỹ đã phải cho nhân viên nghỉ việc, trong đó các thương hiệu lớn như The Washington Post, NPR, BuzzFeed News, Vox và The Texas Tribune,... cũng không phải là ngoại lệ. Một thống kê khác cho biết, hiện mỗi tuần tại Mỹ có 2 - 3 tờ báo địa phương phải đóng cửa.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Canada, Tập đoàn Phát thanh - Truyền hình Canada (CBC) mới đây đã công bố kế hoạch cắt giảm 600 chỗ làm việc, tương đương 10% lực lượng lao động, trong bối cảnh khó khăn tài chính do doanh thu quảng cáo truyền hình sụt giảm.

Theo ước tính của Press Gazette, vào tháng 1-2024, ngành báo chí Mỹ, Anh, Ireland và Canada đã cắt giảm ít nhất 980 việc làm. Vào tháng 2, con số này là 615.

Những thách thức lớn

Việc sắp xếp lại tổ chức, cắt giảm nhân sự chỉ là một trong số rất nhiều biện pháp mà các cơ quan báo chí trên thế giới đã, đang và sẽ phải thực hiện nhằm giải quyết những thách thức lớn mà báo chí đang phải đối mặt.

“Cuộc chơi” nay đã khác

Kỷ nguyên Internet mở ra cơ hội mới cho việc chia sẻ thông tin, nhưng cũng đặt các loại hình báo chí truyền thống như báo in, phát thanh, truyền hình, thậm chí cả báo mạng điện tử trước một “đối thủ cạnh tranh” sở hữu những nguồn lực gần như vô tận.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội trong những năm qua đã chiếm cứ gần như toàn bộ không gian truyền thông. Sự đa dạng của thông tin và những hình thức tương tác mới trên không gian mạng cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh đã thu hút số lượng người dùng khổng lồ cũng như “tiêu thụ” toàn bộ thời gian rảnh rỗi của họ. 

Thói quen đọc báo, xem truyền hình, nghe radio để thu nhận tin tức của một bộ phận lớn công chúng báo chí đã nhanh chóng được thay bằng việc “lướt web”, đọc và tham gia mạng xã hội trên máy tính và điện thoại thông minh mà gần như ai cũng có cơ hội sở hữu. 

Tin tức đã không còn là “sản phẩm độc quyền” của báo chí cũng như các nhà báo, mà bất cứ ai cũng có thể tham gia vào các công đoạn thu nhận, xử lý và phân phối tin tức trên không gian mạng, thậm chí còn có thể trở thành những người xuất bản thông tin đầu tiên ngay tại nơi sự kiện diễn ra, ở mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị cầm tay có kết nối Internet...

Mặc dù vẫn làm công việc sản xuất tin tức, thậm chí còn sản xuất lượng tin tức lớn gấp nhiều lần, với sự trợ giúp tích cực của các công nghệ mới để tồn tại trong môi trường truyền thông xã hội không ngừng mở rộng, nhưng trong những năm qua báo chí lại không có quyền quyết định cuộc chơi, mà điều đó lại thuộc về các nền tảng mạng xã hội, những cỗ máy tìm kiếm thông tin hay các trang tổng hợp tin tức...

Sự phụ thuộc đáng lo ngại

Khi tác động của những nền tảng mạng xã hội với người dùng càng lớn, báo chí càng lệ thuộc vào những nền tảng này. Những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến sự mở rộng hợp tác giữa rất nhiều tờ báo lớn và các mạng xã hội có lượng người dùng khổng lồ trong việc cung cấp thông tin báo chí qua mạng xã hội. 

Điều đó một mặt giúp báo chí tiếp tục đến gần hơn với độc giả, nhưng mặt khác, thông tin báo chí không còn là một sản phẩm độc lập như trước, mà được “trộn lẫn” trong dòng chảy chung của các loại thông tin trên không gian Internet, “làm mờ” ranh giới giữa thông tin báo chí và thông tin từ các nguồn không chính thống khác, thậm chí là làm lẫn lộn giữa tin thật và tin giả.

Sau giai đoạn phát triển, một số năm gần đây lưu lượng truy cập tin tức qua các nền tảng mạng xã hội bắt đầu có xu hướng giảm sút. Dữ liệu được Viện Nghiên cứu báo chí Reuters sử dụng trong Báo cáo Dự báo xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2024 lấy từ nhà cung cấp phân tích Chartbeat cho thấy, lưu lượng truy cập vào các trang tin tức từ Facebook đã giảm 48% vào năm 2023, trong khi lưu lượng truy cập từ X (trước đây là Twitter) giảm 27%. 

Báo cáo này nhận định, theo thời gian, những thay đổi này có thể sẽ làm giảm thêm lượng công chúng đến các trang tin tức đã có uy tín và làm giảm lợi nhuận của các cơ quan báo chí.

Thách thức về niềm tin

Nhiều nghiên cứu cho rằng, trong cuộc cạnh tranh thu hút độc giả hiện nay, nhất là với các nền tảng mạng xã hội và những phương thức giải trí mới, báo chí hiện đang nằm ở “thế yếu”. Ở một số nơi, điều này bắt nguồn từ tình trạng mất niềm tin của độc giả vào báo chí.

Theo Báo cáo Tin tức kỹ thuật số 2023 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, phần lớn công chúng đang hoài nghi về các thuật toán được sử dụng để chọn những gì họ nhìn thấy thông qua công cụ tìm kiếm, mạng xã hội và các nền tảng khác. Bên cạnh đó, niềm tin vào tin tức đã giảm thêm 2 điểm phần trăm trên khắp các thị trường. Tỷ lệ người được khảo sát cho biết luôn tin tưởng hầu hết các tin tức chỉ còn khoảng 40%; ở quốc gia có mức độ tin cậy tổng thể cao nhất là Phần Lan, tỷ lệ này cũng chỉ đạt 69%.

Điều đáng chú ý là các khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters trong khoảng 5 năm trở lại đây cũng cho thấy thực tế đáng lo ngại, đó là sự xuất hiện của tình trạng “quá tải và mệt mỏi” về tin tức đã khiến nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ ít xem tin tức hơn, thậm chí không xem tin tức. Cụ thể, tại báo cáo năm 2023, tổ chức này cho biết, tỷ lệ người tiêu dùng tin tức thường xuyên hoặc đôi khi tránh tin tức đang ở mức cao nhất mọi thời đại là 36%. Trong đó, một tỷ lệ lớn đang “cố gắng định kỳ tránh tất cả các nguồn tin tức”!

Theo Dự báo xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2024, với những khó khăn mà báo chí, truyền thông đang phải đối mặt, chỉ có 47% số biên tập viên, giám đốc điều hành (CEO) và CEO kỹ thuật số tham gia khảo sát “tự tin về triển vọng” của ngành báo chí trong năm 2024, trong khi khoảng 12% bày tỏ mức độ tin cậy thấp.

Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cũng dự báo, nhiều tờ báo sẽ ngừng sản xuất báo in hàng ngày trong năm 2024 do chi phí in ấn tăng và mạng lưới phân phối suy yếu do lượng độc giả giảm sút...

II. TẠO ĐỘT PHÁ TỪ CÔNG NGHỆ

Từ chiến lược chuyển đổi số

Trước sự thay đổi mạnh mẽ trong xu hướng tiếp cận thông tin và sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ mới, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới nhanh chóng triển khai chiến lược chuyển đổi số để gia tăng hiệu quả hoạt động và bảo đảm mục tiêu phát triển.

Theo đó, các tòa soạn mạnh mẽ thay đổi mô hình, cách thức hoạt động, ứng dụng công nghệ số để làm mới quy trình truyền thống trong sáng tạo và phân phối sản phẩm, dịch vụ báo chí. Cụ thể như việc chuyển đổi số trong sản xuất nội dung - cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, quan tâm của người dùng, từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các nhóm độc giả; đa dạng hóa các sáng tạo nội dung.

Chuyển đổi số báo chí là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho các khách hàng mà tòa soạn ấy phục vụ.

Bên cạnh đó, nhiều tòa soạn còn tập trung chuyển đổi số trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, như sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, các nền tảng số). 

Chuyển đổi mô hình kinh doanh báo chí thông qua quá trình chuyển đổi sang thu phí nội dung, hướng vào nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng trải nhiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả. Chuyển đổi mô hình tòa soạn số (hội tụ về không gian làm việc, về phương thức tác nghiệp, về nội dung, về nền tảng vận hành tòa soạn...).

Theo Báo cáo Xu hướng báo chí thế giới của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA), những xu hướng báo chí thịnh hành hiện nay đều gắn một phần hay hoàn toàn với hoạt động chuyển đổi số như cá nhân hóa nội dung (content personalization), đa nền tảng (multi-platform), báo chí di động (mobile media, mobile journalism), báo chí xã hội (social media, social journalism), báo chí dữ liệu (data journalism), báo chí sáng tạo (innovative journalism), siêu tác phẩm báo chí (digital mega-stories)... 

Trong đó, dễ thấy nhất là việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như AI, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data),... trong các các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động, giúp tạo ra các sản phẩm thông minh, phù hợp hơn với người dùng.

Bước đột phá từ sử dụng AI

Kể từ khi ChatGPT ra mắt công chúng hơn 1 năm trước, các tòa soạn trên thế giới bắt đầu thừa nhận tác động đa chiều từ những tiến bộ của AI, đặc biệt là AI tổng hợp. Mặc dù vẫn còn những lo ngại về niềm tin và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tòa soạn cũng có thể thấy được lợi thế từ việc sử dụng AI để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và nâng cao mức độ phù hợp với khán giả.

Cụ thể, tham gia cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters năm 2023, đa số các nhà điều hành tin tức đánh giá cao khả năng của AI trong thực hiện các tin tức phụ trợ, đề xuất và tạo nội dung với sự giám sát của con người cùng những ứng dụng quan trọng tiềm năng khác như mã hóa, thu thập tin tức, hỗ trợ điều tra hoặc kiểm tra và xác minh thực tế... Sự xuất hiện của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cũng mang đến rất nhiều cơ hội để tăng tốc và tối ưu hóa các công việc thường ngày trong phòng tin tức.

Hiện nay, các tòa soạn tin tức đã ứng dụng AI vào rất nhiều công việc như:

Tóm tắt

Một số ấn phẩm như Aftonbladet (Thụy Điển), Verdens Gang (Na Uy) và Helsingin Sanomat (Phần Lan) bắt đầu thêm phần tóm tắt vào đầu bài viết của họ. Aftonbladet phát hiện rằng, những bản tóm tắt này đã làm tăng mức độ tương tác tổng thể và độc giả trẻ nói riêng có nhiều khả năng nhấp qua để biết thêm thông tin.

Thử nghiệm tiêu đề

Một số ấn phẩm đã thử nghiệm các tiêu đề tối ưu hóa cho tìm kiếm được AI thực hiện và biên tập viên kiểm tra để thu hút thêm độc giả.

Biên tập, ghi chú và phiên âm

Những công cụ AI hỗ trợ các quy trình này ngày càng trở nên phổ biến trong các phòng tin tức. Các công cụ phiên âm bằng ngôn ngữ ít phổ biến cũng đã được cải thiện đáng kể trong năm 2023. Verdens Gang gần đây đã triển khai công cụ Jojo của mình trong khi nhiều nhà xuất bản tin tức khác đang sử dụng Good Tape của Zetland (Đan Mạch).

Dịch thuật

Báo Le Monde (Pháp) đã sử dụng AI để hỗ trợ dịch và cho phép xuất bản khoảng 30 bài báo mỗi ngày trên ấn bản tiếng Anh - nhiều hơn đáng kể so với những gì có thể làm được trước đây. AI đã hỗ trợ thực hiện các bản dịch “thô”, sau đó được kiểm tra và hiệu chỉnh bởi con người. Phần mềm này cũng được tùy chỉnh để nhận dạng phong cách viết của Le Monde.

Tạo hình ảnh

Một số ấn phẩm như Kolner Stadt-Anzeiger (Đức) và DennikN (Slovakia) đang sử dụng các công cụ như Midjourney để tạo hình minh họa đồ họa xung quanh các chủ đề như công nghệ và nấu ăn. Đây là một trong những hình thức tạo nội dung tự động được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông sử dụng.

Tạo bài viết

Tờ báo Express.de của Đức đã tạo ra một “nhà báo ảo” tên là Klara Indernach (KI). “Nhà báo” này hiện viết hơn 5% số câu chuyện đã xuất bản về nhiều chủ đề. Tuy nhiên, các biên tập viên vẫn là người quyết định câu chuyện nào sẽ được xuất bản sau khi xem xét nội dung, dù cách viết, cấu trúc và giọng điệu đều được AI thực hiện một cách hiệu quả. Ngoài việc soạn thảo, công tác quản lý và lựa chọn các tiêu đề và liên kết mà người dùng nhìn thấy trên trang web giờ đây cũng được tự động hóa, dẫn đến tỷ lệ nhấp chuột tăng đáng kể.

Dẫn chương trình và đọc tin

Radio Expres ở Slovakia đã sao chép giọng nói của một người dẫn chương trình nổi tiếng (Bára Hacsi) trong bản sao AI (Hacsiko) để đảm trách ca đêm, với những nội dung bình luận về âm nhạc và các câu chuyện, tin tức được lấy từ trang web của đài này.

Trong khi đó, 2 đài phát thanh ở miền Tây nước Anh đã sử dụng giọng nói tổng hợp để biến văn bản thành bản tin phát thanh hằng giờ. Công ty sở hữu 2 đài phát thanh này cho rằng, giọng nói đó rất thực tế nên rất ít người có thể nhận ra sự khác biệt. Đây là điều rất ý nghĩa trong bối cảnh họ không đủ khả năng để thuê biên tập viên hoặc phát thanh viên.

Tạo kênh truyền hình

Tiến thêm một bước nữa là NewsGPT, một dịch vụ truyền hình thử nghiệm 24 giờ, trong đó tất cả các câu chuyện và tất cả người thuyết trình đều được tạo ra bởi AI mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người. NewsGPT có thể được xem qua YouTube, tự nhận mình là cung cấp tin tức “không có thành kiến của con người”. Tuy nhiên, tuyên bố từ chối trách nhiệm của NewsGPT cho biết những nội dung này có thể chứa một số thông tin không chính xác hoặc kết quả đầu ra không mong muốn.

Tại Mỹ, Channel.1 AI, có trụ sở tại Los Angeles, có kế hoạch ra mắt dịch vụ tin tức được cá nhân hóa vào năm 2024 nhằm tìm hiểu những câu chuyện mà người xem muốn xem và hứa sẽ cung cấp chúng bằng bất kỳ ngôn ngữ nào.

Dù mang lại những kết quả tích cực, nhưng các nhà báo cũng lo lắng về tác động của việc ứng dụng tự động hóa trong công việc sáng tạo tác phẩm báo chí và niềm tin vào các phương tiện truyền thông.

Trên thực tế, trong năm 2023, các bài viết do CNET tạo tự động được phát hiện có nhiều lỗi và chất lượng kém. Sports Illustrated (SI) cũng bị phát hiện đã sử dụng các bài đánh giá sản phẩm được cung cấp bởi bên thứ ba, nhưng lại được thực hiện một phần bởi AI và không chính xác.

Mặc dù vậy, theo khảo sát của WAN-IFRA, 52% số CEO tin tức cho biết họ lạc quan hoặc rất lạc quan về cách AI sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức tin tức của họ trong vòng 3 - 5 năm tới.

Còn theo khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters thực hiện năm 2023, 87% số người được hỏi xác định AI và tự động hóa là lĩnh vực đầu tư hàng đầu trong 12 tháng tới, tiếp theo là đầu tư cho phân tích dữ liệu và trí thông minh, chiếm 86%.

III. NHỮNG ỨNG DỤNG HIỆU QUẢ

Thụy Sĩ: Tamedia phát triển bản tin địa phương bằng tính năng tự động hóa

Công ty truyền thông Tamedia (Thụy Sĩ) thành lập năm 1893, hiện sử dụng khoảng 1.800 nhân sự, trong đó có nhiều biên tập hàng đầu. Các tờ báo, tạp chí và nền tảng tin tức hằng ngày và hằng tuần của Tamedia được đặt tại nhiều địa phương của Thụy Sĩ và được nối mạng quốc tế.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các thương hiệu tin tức khu vực của Tamedia là phải tạo ra sự khác biệt qua việc cung cấp những nội dung địa phương độc đáo để phù hợp với độc giả địa phương. Trong khi đó, việc sản xuất mỗi bản tin theo cách thủ công cần ít nhất 2 giờ.

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2023, Tamedia đã triển khai chiến lược tự động hóa sản xuất và tìm nguồn cung ứng nội dung. Với sự trợ giúp của AI, thời gian sản xuất bản tin giảm tới 80%, dẫn đến việc mở rộng đáng kể danh mục bản tin siêu địa phương trong các cộng đồng nhỏ, trong đó có không ít cộng đồng chỉ có 5.000 cư dân. Các nội dung địa phương cũng được cá nhân hóa theo hướng linh hoạt đã tiếp cận tới 40% số cư dân trong các cộng đồng mà Tamedia phục vụ, với tỷ lệ tương tác trên mức trung bình.

Bên cạnh đó, Tamedia còn phát triển các công cụ AI để hỗ trợ nhắn tin các đoạn giới thiệu tin tức, tạo tiêu đề và tóm tắt ngắn gọn các bản tin, tạo thuận lợi cho độc giả khi sử dụng công cụ tìm kiếm.

Nam Phi: The Daily Maverick với việc cải thiện mức độ tương tác của độc giả

The Daily Maverick - một tổ chức tin tức kỹ thuật số có trụ sở tại Nam Phi - đã tiến hành thử nghiệm ChatGPT để giúp tạo các bài viết tóm tắt, thẻ tóm tắt, từ đó cải thiện mức độ tương tác của độc giả.

Từ cuối năm 2022, với khoản tài trợ Sáng kiến tin tức đổi mới của Google, Daily Maverick bắt đầu thử nghiệm cải thiện mức độ tương tác của độc giả qua các bản tóm tắt tin tức do AI tạo ra. Cùng với đó, hãng cũng tích hợp CMS (hệ thống quản trị nội dung) và giao diện người dùng mới để cung cấp bản tóm tắt hằng ngày và kết hợp các quy trình chỉnh sửa để bảo đảm nội dung của các bản tóm tắt là chính xác nhất.

Việc xuất bản các bản tóm tắt giúp Daily Maverick phục vụ tốt hơn những độc giả đang bị thúc ép về thời gian và có nguy cơ không tiếp tục truy cập trang web của mình. Kết quả cụ thể là mặc dù thời lượng phiên truy cập không tăng, nhưng mỗi độc giả truy cập trang web sẽ đọc bản tóm tắt của ít nhất 3 bài viết khác trong lượt truy cập của họ. Điều đó giúp Daily Maverick biết độc giả của mình đang quan tâm đến các phiên bản tin tức ngắn gọn, từ đó tiếp tục mở rộng phạm vi truy cập.

Indonesia: IDN Media tăng cường kết nối với giới trẻ

Từ việc khảo sát hơn 1.000 thanh niên hầu hết có trình độ đại học, IDN Media của Indonesia biết rằng nhóm đối tượng này dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn so với các trang web tin tức, do nhu cầu giải trí và tiếp nhận những nội dung dễ tiếp thu. Kết quả khảo sát cũng cho thấy giới trẻ hoài nghi về thông tin trên mạng xã hội vẫn sẽ tìm đến các nhà xuất bản tin tức để tiếp cận những nội dung được tuyển chọn và xác minh.

Để thu hẹp khoảng cách này, với sự hỗ trợ của AI, IDN Media tạo ra “Intinya Sih” (Đây là điểm), là những bản tóm tắt bài viết chỉ mất chưa đầy 20 giây để tiếp nhận, thay vì các bài viết dài thường mất vài phút để đọc. Các bản tóm tắt dễ hiểu này được nhúng vào trang bài viết để mang lại trải nghiệm liền mạch cho người dùng, phù hợp với khoảng thời gian chú ý ngắn hơn của nhóm độc giả trẻ tuổi.

Nỗ lực này đã được đền đáp xứng đáng khi thời gian tương tác và số lần hiển thị quảng cáo đều tăng. “Thừa thắng xông lên”, IDN Media đang triển khai ứng dụng AI cho các sản phẩm truyền thông khác của mình. Chẳng hạn như “nhà báo robot” điều khiển bằng AI của IDN Media “Timmy si Robot” tạo ra 8 loại bài viết hằng ngày, từ cập nhật thời tiết, cảnh báo động đất, kết quả trận đấu thể thao, diễn biến thị trường, câu đố, mẹo trang trí nhà cửa, mẹo công nghệ và ý nghĩa lời bài hát nổi tiếng... Tuy nhiên, công việc của Timmy si Robot vẫn phải chịu sự giám sát của các nhóm biên tập, kỹ thuật và độc giả của IDN Media.

Đối với IDN Media, việc tận dụng AI giúp công ty nền tảng truyền thông này trở nên linh hoạt, có điều kiện liên tục thử nghiệm các ý tưởng mới mà không cần đầu tư lớn. Những ý tưởng thất bại có thể bị loại bỏ nhanh chóng, còn những ý tưởng thành công có thể được phát triển sâu hơn.

Thụy Điển: NTM với chiến lược kỹ thuật số

Khi phương tiện truyền thông kỹ thuật số phát triển, đã có sự chuyển giao quyền lực cho khán giả. Nhận thức rõ điều đó, NTM - một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất ở Thụy Điển - đã xác định đây chính là đối tượng mà NTM muốn làm hài lòng và khiến họ trả tiền cho hoạt động báo chí của NTM.

Để làm được điều đó, tập đoàn này quyết định chuyển hướng chiến lược kỹ thuật số của mình. Trong đó, phần lớn chiến lược đăng ký của NTM được xây dựng xoay quanh 3 nguyên tắc cốt lõi: giá trị của báo chí, mối quan hệ với khán giả và tạo thói quen.

Chỉ trong 3 năm kể từ năm 2020, NTM đã triển khai 10 dự án lớn, trong đó nhân sự của 17 phòng tin tức được đào tạo lại và được yêu cầu tập trung vào việc thực hiện lời hứa với độc giả nhằm tạo ra tuyên bố có giá trị.

NTM cũng thực hiện công việc bổ sung chiến lược định giá, dữ liệu và trang tổng quan. Vào năm 2020, họ đã thay thế siêu dữ liệu “tiêu chuẩn phụ” bằng một nhóm công nghệ mới để cho phép phân tích dữ liệu phù hợp - một yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh thu từ độc giả.

Cùng với đó, NTM còn tiến hành phân tích sâu về hành vi và mức tiêu thụ, hiệu suất nội dung của độc giả, đồng thời chú ý hơn đến việc sản xuất những bài báo gây được tiếng vang.

Mặc dù nhóm độc giả từ 50 đến trên 70 chiếm phần lớn, nhưng NTM xác định phải tăng cường tiếp cận các nhóm độc giả trẻ hơn. Các phòng tin tức được yêu cầu tập trung vào những câu chuyện ít hơn nhưng hay hơn, phù hợp với những mối quan tâm của nhóm tuổi 30 - 50. Các nhà báo được yêu cầu ưu tiên những nhóm tin tức có mức độ tương tác cao nhất như về thành phố, nơi cư trú, công việc, chăm sóc sức khỏe, gia đình...

Ngoài ra, NTM cũng dành nhiều thời gian để xây dựng các bảng điều khiển nội bộ dễ điều hướng trong CMS, giúp việc sử dụng dữ liệu trở nên dễ tiếp cận hơn.

Với những giải pháp này, sau khi đạt mục tiêu thu hút 55.000 người dùng trả phí trong năm 2021, đến tháng 3-2024, NTM đã có 260.000 lượt đăng ký, trong đó 113.000 lượt đăng ký tin tức kỹ thuật số.

IV. BÁO CHÍ TRÍ TUỆ: KHÔNG CHỈ LÀ CÔNG NGHỆ

“Giá trị gia tăng” trong tác phẩm báo chí - yêu cầu mới

Không phải cho đến hiện nay yếu tố chất lượng, hàm lượng “giá trị” mới được đặt ra đối với các tác phẩm báo chí. Đây cũng là điều mà các tòa soạn và người làm báo luôn hướng tới trong quá trình thực hiện tác phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông mới, việc cung cấp thông tin không còn là “độc quyền” của báo chí mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông xã hội và công chúng. 

Xu hướng này hằng ngày, hằng giờ tạo nên lượng thông tin khổng lồ, được cung cấp trên một môi trường không bị giới hạn bởi những yếu tố địa lý hay công nghệ như khu vực phát hành, vùng phủ sóng..., và đặc biệt là được cung cấp gần như miễn phí.

Điều đó giúp công chúng ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào cũng có thể dễ dàng nắm bắt được mọi thông tin xảy ra trên thế giới, thậm chí còn là những thông tin được đăng, phát trước cả các bản tin thời sự chính thống do các cơ quan báo chí thực hiện. 

Bởi vậy, nếu chỉ cung cấp những thông tin, tin tức đơn thuần, báo chí sẽ không còn chỗ đứng trong môi trường truyền thông mới; mô hình kinh tế truyền thống của báo chí sẽ bị suy yếu.

Thực tế đó đòi hỏi các nhà báo, tòa soạn báo chí phải quay trở lại với những gì họ đã từng làm trước đây, đó là phải trở thành những người dẫn đầu bằng trí tuệ, dẫn đầu bằng sự sáng suốt, dẫn dắt bằng trí thông minh để giải thích những gì đã và đang diễn ra. Nói như Giáo sư Mitchell Stephens (Đại học New York) là các nhà báo cần phải làm nhiều việc hơn là chỉ truyền tải thông tin; họ phải mang đến ngày càng nhiều “giá trị gia tăng” trong mỗi tác phẩm báo chí.

Từ 5W + H đến 5I

Trong hàng trăm năm, 5W+H đã trở thành công thức không thể thay thế trong hoạt động báo chí. Việc đặt ra những câu hỏi kinh điển: Who (ai), What (chuyện gì), Where (ở đâu), When (khi nào), Why (tại sao) và How (như thế nào) không chỉ giúp các nhà báo thu thập thông tin chính xác về bất kỳ tình huống nào xảy ra trong cuộc sống, mà việc trả lời những câu hỏi đó cũng giúp họ truyền đạt thông tin đến độc giả một cách hiệu quả nhất.

Cũng theo Giáo sư Stephens, báo chí trí tuệ là sự kết hợp của các hình thức đưa tin hiếm hơn - độc quyền, điều tra - với nhiều thông tin hơn, diễn giải nhiều hơn, giải thích nhiều hơn, thậm chí ấn tượng hơn hoặc nhiều quan điểm hơn về các sự kiện hiện tại.

Tuy nhiên, có một thực tế là, trong suốt quá trình tồn tại, 5W+1H không phải là “công thức” độc quyền của báo chí mà đã được ứng dụng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh và trở nên khá quen thuộc đối với công chúng - những người có thể trực tiếp tham gia vào hoạt động thu nhận - xử lý - truyền đạt tin tức trong môi trường số. 

Chính vì vậy, ngoài nguyên tắc truyền thống của nghề báo là 5W+1H, trong bối cảnh hiện nay, mỗi người làm báo cần phải ứng dụng thêm nguyên tắc 5I - bao gồm Intelligent (thông minh), Interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc), Interpretation (sáng tỏ) và Informed (am hiểu) - những giá trị cốt yếu của “báo chí trí tuệ” (wisdom journalism), như quan niệm của Giáo sư Mitchell Stephens.

Trong đó, yếu tố am hiểu giữ vai trò quan trọng. Có am hiểu thì mới có thể “đào sâu” để khai thác được hết những thông tin cần thiết. Có am hiểu thì mới trả lời được câu hỏi cho vấn đề được đưa ra trong từng tác phẩm báo chí, từ đó tạo được sự chú ý từ công chúng với những tác phẩm có nhiều “giá trị gia tăng”. 

Am hiểu cũng giúp những cây viết xác định được phạm vi, mức độ công chúng quan tâm theo từng sự kiện, vấn đề để có những nhìn nhận tốt hơn và tác nghiệp nhanh hơn; đồng thời bắt kịp được những điều mà báo chí đang cố gắng nắm bắt, đó là lấy bạn đọc làm trung tâm, luôn hướng về người đọc hay bạn đọc là ưu tiên số một!

Những “chuyển động” tích cực

Trước những yêu cầu mới đặt ra, bên cạnh việc phát huy tối đa khả năng công nghệ, nhiều tòa soạn trên thế giới đã chú trọng tới việc xây dựng những nội dung và trải nghiệm độc đáo mà công nghệ hay AI không thể dễ dàng thực hiện. Điều này có thể bao gồm việc quản lý tin tức trực tiếp, đưa ra những phân tích chuyên sâu, nâng cao mức độ trải nghiệm của độc giả thông qua việc đẩy mạnh sự kết nối...

Trong cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters thực hiện khi xây dựng Báo cáo Dự báo xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2024, có tới 67% trong số CEO phương tiện truyền thông cho biết đã xây dựng kế hoạch thực hiện những cách tốt hơn để giải thích các vấn đề phức tạp. 

Bên cạnh đó, 44% sẽ cung cấp tin tức không chỉ nêu ra vấn đề mà còn đưa ra các giải pháp tiềm năng và 43% sẽ tập trung vào việc tạo ra những câu chuyện nhân văn nhiều cảm hứng hơn. Trong khi đó, chỉ có 18% các nhà lãnh đạo phòng tin tức quan tâm đến ý tưởng khuấy động tin tức bằng những cách tiếp cận mang tính giải trí hoặc vui nhộn hơn.

Tương tự, Báo cáo Tin tức của Liên minh Phát thanh - Truyền hình châu Âu cho biết, nhiều cơ quan báo chí ở khu vực này đang triển khai những chiến lược nội dung tập trung vào việc cung cấp giải pháp và ý tưởng cho các vấn đề dựa trên nhu cầu và khó khăn của độc giả chứ không còn dựa chủ yếu vào những thông tin về chính trị và xung đột.

Với từng tòa soạn cụ thể, như trường hợp của Tạp chí phố Wall, việc cắt giảm nhân sự trong thời gian gần đây cũng được cơ quan này tiến hành song song với những thay đổi về cách đưa tin theo những chủ đề lớn đang nhận được sự chú ý của công chúng và tăng cường số lượng tác phẩm báo chí chất lượng cao...

Trong khi đó, các trang nhất và các bản tin, trang chủ hoặc video của Thời báo New York ngày càng ít tập trung những thông tin theo công thức 5W+1H mà tập trung nhiều hơn vào việc giải đáp những câu hỏi như làm như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và hậu quả là gì?

V. GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ ĐÁP ỨNG NHỮNG YÊU CẦU MỚI?

Những chiến lược cho nội dung báo chí thông minh

Trong một bài viết được đăng tải trên website của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters mới đây, 2 tác giả là Nic Newman - nghiên cứu viên cấp cao thuộc tổ chức nghiên cứu này và Ellen Heinrichs - người sáng lập và CEO của Viện Báo chí và Đối thoại mang tính xây dựng Bonn - đã đề cập tới những chiến lược để tạo nên những tác phẩm báo chí gần gũi, mang lại nhiều ý nghĩa và phù hợp hơn với độc giả hiện nay và trong tương lai. Đây cũng có thể coi như những gợi ý phù hợp trong việc thực hiện những “tác phẩm báo chí trí tuệ”.

Tác phẩm đơn giản, ngắn gọn và hữu ích

Theo 2 tác giả này, là nhà báo, chúng ta thường cho rằng độc giả cũng quan tâm đến tin tức như chúng ta, bởi vậy thường sử dụng từ ngữ quá dài hoặc nhồi nhét quá nhiều chi tiết vào câu chuyện của mình. Tuy nhiên, trong một thế giới thông tin siêu dồi dào, việc tiết kiệm thay vì lãng phí thời gian của mọi người mới thực sự có giá trị.

The Knowledge - một bản tin có trụ sở tại Vương quốc Anh được thành lập trong đại dịch COVID-19 - là một ví dụ tuyệt vời về điều này. Trong 5 phút, bạn đọc sẽ nhận được những câu chuyện hay nhất, những góc nhìn mới và điều gì đó khiến bạn mỉm cười qua cách viết dí dỏm và minh họa đẹp mắt. Những tác phẩm tích cực này đã mang lại cho The Knowledge 125.000 độc giả thường xuyên - gấp đôi số độc giả họ có được trong 18 tháng trước đó.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật giải thích” được xuất bản gần đây, phóng viên Ros Atkins của BBC đề cập tới giá trị của việc sử dụng những câu ngắn và về việc suy nghĩ cẩn thận những thông tin gì nhà báo có thể sử dụng hoặc bỏ đi. Thực tế, những tin tức giải thích của phóng viên này xung quanh vụ bê bối Partygate năm 2020 thu hút hàng triệu lượt xem cho BBC đã chứng minh tính đúng đắn của việc mổ xẻ các vấn đề phức tạp dựa trên bằng chứng và sự cô đọng.

Những câu chuyện nhân văn mạnh mẽ và dễ hiểu

Những nội dung mang tính nhân văn mạnh mẽ có thể thu hút khán giả và mang lại cảm giác có mục đích, ngay cả khi đối mặt với một câu chuyện có thể khiến mọi người quay lưng.

Khi các nhà xuất bản cố gắng ngăn chặn sự mệt mỏi của công chúng trước lượng tin tức về những xung đột phức tạp và đôi khi kéo dài như chiến tranh ở Gaza, một bài báo của New York Times về một câu lạc bộ bơi lội của Israel và Palestine là một ví dụ về cách những câu chuyện phức tạp có thể được giải mã ở cấp độ con người để giúp chúng trở nên ít trừu tượng và dễ hiểu hơn.

Lắng nghe khán giả và hành động

Nghe là một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách giữa những gì khán giả mong muốn và những gì các tòa soạn đang cung cấp. Bên cạnh việc lắng nghe qua những trao đổi trực tiếp hoặc xử lý thông tin phản hồi của độc giả để hiểu về những điều họ đang quan tâm, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều hãng tin tức còn sử dụng dữ liệu để đến gần hơn với độc giả.

Mô hình nhu cầu người dùng ban đầu được phát triển tại BBC hiện được một số tổ chức tin tức áp dụng đã giúp họ đưa ra ít câu chuyện cập nhật về những diễn biến mới nhất, thay vào đó là những câu chuyện giải thích bối cảnh hoặc giúp độc giả cảm thấy tốt hơn về những gì diễn ra xung quanh.

Coi trọng cộng đồng và xây dựng các phòng tin tức đa dạng

Thực tế là luôn có một phần lớn khán giả không được các phương tiện truyền thông tin tức tiếp cận, bởi việc đưa tin được coi là không liên quan hoặc không hữu ích đối với họ. Do vậy, việc xây dựng các tòa soạn đa dạng hơn không chỉ giải quyết vấn đề bình đẳng trong tiếp cận thông tin mà còn là cơ hội để các tòa soạn đến được với các nhóm độc giả tiềm năng.

Tạo các định dạng hấp dẫn hơn

Nhiều người cảm thấy khó đọc các bài viết văn bản dài, đặc biệt là trên điện thoại di động. Đó cũng là lý do tại sao nhiều người trẻ đang sử dụng các định dạng video hoặc âm thanh và tại sao các nhà xuất bản tin tức ngày càng chú trọng triển khai những định dạng này vào chiến lược đổi mới.

Có một ví dụ thực tế là Le Monde - tờ báo hàng đầu của Pháp - đã đạt được thành công đáng kể khi thuê một nhóm nhà báo trẻ hiểu ngôn ngữ của TikTok và các nền tảng mới nổi khác để tạo các tác phẩm báo chí hấp dẫn và thú vị, chú trọng việc giải thích tin tức. Điều này góp phần quan trọng giúp Le Monde có 1 triệu người theo dõi trên TikTok và 2 triệu người theo dõi trên Instagram.

Đưa tin chính trị mang tính xây dựng

Mặc dù tin tức chính trị thu hút nhiều độc giả truyền thống, nhưng không ít người lại cảm thấy khó chịu vì nội dung này chiếm quá nhiều thời lượng, nhất là khi tin tức chú ý quá nhiều tới các chính trị gia không giữ được cảm xúc hay sự khốc liệt của các cuộc bầu cử, trong khi xem nhẹ việc giải thích những lựa chọn chính sách quan trọng mà các cá nhân và xã hội phải đối mặt.

Để giải quyết vấn đề gây “khó chịu” này, đài truyền hình Đức ZDF triển khai chương trình có tên“13 câu hỏi”trên YouTube, tập trung vào việc giải quyết những câu hỏi có khả năng khiến xã hội trở nên phân cực nhưng theo cách thức phù hợp, không mang lại cảm giác đối đầu.

Một ví dụ khác là một podcast của BBC có tên Anti-Social đưa ra các vấn đề gây tranh cãi xung quanh các cuộc chiến văn hóa bùng nổ trên mạng xã hội và cố gắng biến “biểu tượng cảm xúc tức giận thành sự hiểu biết” qua việc đưa ra bằng chứng và quan điểm rộng hơn.

Tìm kiếm giải pháp và hy vọng

Tìm kiếm những quan điểm tích cực hoặc lạc quan hơn không có nghĩa là bạn đang đơn giản hóa hoặc xem nhẹ những vấn đề quan trọng. Thông thường, có thể thực hiện điều này thông qua các phương pháp tiếp cận dựa trên giải pháp. Phương pháp tiếp cận này đặc biệt phù hợp trong việc đưa tin về khí hậu, nơi những câu chuyện đầy u ám thường chiếm ưu thế.

Bắt đầu từ con người

Dù việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất, thực hiện các chiến lược đổi mới nội dung,... là rất quan trọng, nhưng theo các chuyên gia truyền thông, vấn đề quan trọng nhất của báo chí trí tuệ vẫn phải bắt đầu từ con người. Theo đó, công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ những người làm báo phải có những thay đổi để phù hợp với những yêu cầu mới.

Cụ thể, các trường đào tạo báo chí cần cố gắng thực hiện những nội dung đào tạo để người học có thể thích ứng với làn sóng đổi mới công nghệ như AI, dữ liệu hóa, thực tế ảo và tăng cường...

Bên cạnh đó, trong khi yêu cầu cơ bản của báo chí trí tuệ là sự am hiểu của người làm báo nhưng các trường đào tạo không thể dạy được mọi thứ cho tất cả mọi người, cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này là cho sinh viên lựa chọn các chuyên ngành, chẳng hạn như báo chí về khủng hoảng, báo chí dữ liệu, báo chí kỹ thuật số, báo chí khí hậu..., hoặc theo những lĩnh vực “cổ điển” như báo chí chính trị, báo chí tài chính, báo chí thể thao, báo chí điều tra, báo chí khoa học, báo chí nghệ thuật... 

Ngoài khối lượng kiến thức chung khổng lồ, việc đào tạo báo chí còn cần trang bị cho người học một số nhóm kỹ năng cơ bản như kỹ năng xác minh, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng xã hội, kỹ năng phân tích, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng phản ánh...

Đặc biệt, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng cho rằng, một trong những vấn đề các cơ sở đào tạo báo chí cần chuyển tải tới người học, đó là báo chí nên tập trung nhiều hơn vào việc nắm bắt toàn bộ câu chuyện, tập trung nhiều hơn vào trách nhiệm xã hội, chú trọng hơn vào việc tương tác với khán giả, chú ý nhiều hơn tới những người bình thường thay vì giới thượng lưu, xử lý nhiều hơn những vấn đề dài hạn và đặc biệt là chú trọng nhiều hơn vào nội dung thay vì chỉ quan tâm tới công nghệ./.

Duy Anh - Thành Nam - Công Minh - Tiến Thắng - Khôi Nguyên (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ