30/04/2025 | 16:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

50 năm thống nhất đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh khát vọng vươn mình


Trải qua nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cùng cả nước không ngừng nỗ lực phấn đấu, để ổn định và phát triển. Vì cả nước, TPHCM phát huy nội lực, tranh thủ cơ hội, tiên phong tìm tòi, thử nghiệm những mô hình, cơ chế quản lý mới, góp phần vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Ngày nay, TPHCM xứng đáng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học - công nghệ của Việt Nam. Với vị trí chiến lược, tinh thần đổi mới không ngừng, TPHCM không chỉ là “đầu tàu” kinh tế, mà còn là biểu tượng của sự hội nhập và phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

I. TỪ SÀI GÒN - GIA ĐỊNH ĐẾN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Suốt chiều dài lịch sử Sài Gòn - Gia Định đến TPHCM là cuộc hành trình bền bỉ của công cuộc khai khẩn, đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển và hội nhập. 

Hành trình đó đã hun đúc thêm những giá trị truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường bất khuất để TPHCM kế thừa, tỏa sáng rực rỡ với biểu tượng “Đất thép thành đồng”, xứng danh “Thành phố Anh hùng”.

Hành trình đến ngày toàn thắng

Trở về những sự kiện lịch sử cho thấy, để đi tới ngày toàn thắng, Sài Gòn - Gia Định đã kiên cường đi đầu quyết liệt chống lại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai; xây dựng và phát triển được lực lượng vũ trang tinh nhuệ, giữ vững thế trận chiến tranh nhân dân, đặc biệt là thế trận lòng dân, sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. 

Điển hình trong giai đoạn 1961 - 1965, khi Mỹ và chính quyền tay sai thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, ngay giữa trung tâm đầu não của địch, quân và dân thành phố, nhất là những chiến sĩ biệt động thành, đã anh dũng mở những cuộc tiến công đánh vào mục tiêu trọng yếu của địch. 

Đến giai đoạn 1965 - 1968, khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân và dân Sài Gòn - Gia Định lại kiên cường liên tiếp đánh bại những cuộc phản công quy mô lớn của lực lượng quân viễn chinh Mỹ trong 2 mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967. 

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã đánh thẳng vào sào huyệt của địch, trong đó có Đại sứ quán Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đám phán ở Paris. 

Trong giai đoạn này, Mỹ tiếp tục thất bại với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đặc biệt, sau trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân viễn chinh về nước.

Ngày 13-8-1974, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 236 đề ra “Một số công tác cần kíp của Đảng”, trong đó yêu cầu miền Nam “đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao”. 

Thực hiện chủ trương của Đảng, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức hội nghị và nhận định: đô thị Sài Gòn - Gia Định là chiến trường quyết chiến chiến lược cuối cùng của miền Nam Việt Nam. 

Từ đó, Quân khu Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập Trung đoàn Quyết thắng; lực lượng vũ trang nội đô được tăng cường, củng cố các đội biệt động, đặc công; lực lượng vũ trang, bán vũ trang của Tuyên huấn, Hoa Vận, Thành đoàn... 

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chiến trường chung, các lực lượng vũ trang của Thành đội đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá “ấp chiến lược”, đường giao thông của địch, tổ chức tuyên truyền vũ trang, diệt ác, phá kìm ở các vùng ven thành phố.

Bản anh hùng ca bất tử

Vào tháng 3 và tháng 4 lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, liên tục nhận tin chiến thắng bay về từ các mặt trận Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng..., Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. 

Thể theo nguyện vọng chính đáng của quân và các lực lượng vũ trang trên chiến trường, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đồng ý lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định này như tạo nên sức mạnh thần kỳ, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho toàn quân và toàn dân ta. 

Trong đó, Quân giải phóng đã huy động hơn 240.000 chiến sĩ từ các quân đoàn chủ lực cùng trung đoàn đặc công, đơn vị hỏa lực, pháo binh, thiết giáp,... tiến công từ 5 hướng; Sài Gòn - Gia Định trở thành chiến trường lớn, mang tính quyết định.

Thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”. 

Sau tiếng súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh vào chiều ngày 26-4-1975, từng đoàn quân ta tiến công thần tốc. Từ ngày 26 đến ngày 28-4-1975, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn quân địch để tiếp cận Sài Gòn - Gia Định. Vào ngày 29-4-1975, quân ta tổng tiến công. 

Đến sáng ngày 30-4-1975, các quân đoàn của ta nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu. Đến trưa, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, nay là Hội trường Thống Nhất. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. 

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi vào ngày 30-4-1975 là bản hùng ca bất tử, là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, chấm dứt ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta.

Không chỉ vinh dự là nơi tiễn người thanh niên Nguyễn Ái Quốc khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước vào ngày 5-6-1911, Sài Gòn - Gia Định chính là nơi kết thúc cuộc quyết chiến chiến lược giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất non sông với đỉnh cao Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, năm 1946, Đoàn đại biểu Nam Bộ thiết tha đề nghị thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức, vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ước nguyện cháy bỏng đó, sau hành trình cách mạng lâu dài, gian khổ của dân tộc; hơn 30 năm sau vào ngày 2-7-1976, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội đã ký quyết định về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là TPHCM.

Với niềm vinh dự và tự hào đó, suốt 50 năm qua, TPHCM - Thành phố Anh hùng như được tiếp thêm sức mạnh, động lực, luôn vững tin đi theo con đường Bác Hồ đã chọn, rồi vững bước đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói riêng.

II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG 50 NĂM QUA

Tiên phong trong công cuộc đổi mới của đất nước

Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành “Thành phố Hồ Chí Minh”. 

Cũng từ ngày ấy, TPHCM bước vào một giai đoạn mới với nhiều thử thách và cơ hội. Từ một đô thị chịu nhiều tổn thất sau chiến tranh, Thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Thành phố mạnh dạn thực hiện một số cơ chế kinh tế mới, mở đường cho công cuộc đổi mới của cả nước vào năm 1986. 

Theo đó, Thành phố đã có những đột phá trong việc gỡ bỏ rào cản sản xuất, kinh doanh bằng các phương án linh hoạt. Như việc “phá rào” trong mua bán lương thực không chỉ chăm lo đời sống của người dân, mà còn phá thế cô lập với tệ “ngăn sông cấm chợ” thời điểm đó, hay liên kết tìm nguyên vật liệu sản xuất, thực hiện lương khoán, trả lương theo sản phẩm... Sau này, tất cả những việc làm này đã được Trung ương ghi nhận.

Bám sát thực tiễn, coi lợi ích của nhân dân là trên hết, TPHCM đã tự lực, tự cường, đổi mới tư duy, tìm cách làm ăn mới với những mô hình mang tính đột phá, định hình tư duy chiến lược phát triển kinh tế. Thời kỳ trước đổi mới, Thành phố ghi dấu ấn của nhiều doanh nghiệp tiên phong: Công ty bột giặt miền Nam (VISO), Nhà máy thuốc lá Sài Gòn, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp Cầu Tre, Xí nghiệp dệt Thành Công, Xí nghiệp dệt Phong Phú... 

Những mô hình đổi mới kinh doanh này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố.

Đặc biệt, trên cơ sở đề nghị của Thành phố, năm 1991, Chính phủ quyết định thí điểm cấp phép đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận, đánh dấu sự ra đời của khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam do liên danh doanh nghiệp triển khai. Tiếp nối thành công này, Khu chế xuất Linh Trung được thành lập năm 1992. 

Năm 2000, cùng với sự ra đời của Trung tâm chứng khoán Thành phố, Chính phủ phê duyệt thành lập Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phát triển thị trường vốn quốc gia. Khu công nghệ phần mềm Quang Trung ra đời đã nhanh chóng trở thành trung tâm tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp thông tin tại Thành phố...

Đi lên từ khó khăn nhưng với tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM đã nhạy bén tìm tòi hướng đi mới, sát hợp với thực tiễn, tạo nên sự phát triển đột phá của Thành phố. 

Trong suốt 50 năm qua, Thành phố luôn giữ vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, khoa học - công nghệ đến văn hóa - xã hội; là nơi thử nghiệm và triển khai nhiều chính sách quan trọng, từ cải cách hành chính, thu hút đầu tư đến các mô hình kinh tế sáng tạo như kinh tế chia sẻ, kinh tế số... 

Cũng từ nơi đây, các sáng kiến về đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã lan tỏa ra cả nước.

Kết quả đạt được

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM bước vào công cuộc tái thiết trong bối cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn cơ chế quản lý. Giai đoạn trước năm 1982, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt trung bình 2,18%/năm. Với quyết tâm cao độ của Đảng bộ và nhân dân, từ năm 1982 đến trước đổi mới, Thành phố từng bước vượt khó, đưa tốc độ tăng trưởng vươn lên mức 8,17%/năm.

Bước vào công cuộc đổi mới, Thành phố tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, là nơi khởi đầu nhiều mô hình kinh tế thị trường của cả nước. Giai đoạn 1986 - 1990, GRDP tăng trung bình 7,82%/năm và tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn 1991 - 1995 lên mức 12,62%/năm. 

Đây là thời kỳ Thành phố đẩy mạnh cải cách, thu hút đầu tư nước ngoài, hình thành các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đầu tiên, là những hạt nhân thúc đẩy công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả. 

Trong 15 năm tiếp theo (1996 - 2010), Thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số - một kỳ tích đáng ghi nhận: 10,11% (1996 - 2000), 11% (2001- 2005), 11,18% (2006 - 2010). Thành phố trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người của TPHCM có sự bứt phá mạnh mẽ, từ 65 USD năm 1975 lên 7.758 USD vào năm 2024. Thành phố đặt ra chỉ tiêu là phấn đấu đến năm 2030, bình quân thu nhập đầu người đạt khoảng 13.000 - 14.000 USD, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Tuy nhiên, bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XX, ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu cùng với giới hạn của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng đã khiến đà tăng trưởng chững lại. Giai đoạn 2011 - 2020, Thành phố tăng trưởng bình quân 6,86%/năm, tuy thấp hơn trước nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung cả nước (5,96%). 

Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, Thành phố khi đó không chỉ chịu sức ép từ bên ngoài, mà còn bắt đầu va chạm với “trần thể chế” - tức là không gian chính sách chưa đủ linh hoạt để phát huy hết tiềm năng, nhất là trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính và phát triển hạ tầng.

Năm 2021, TPHCM trải qua cú sốc lớn chưa từng có khi là tâm dịch COVID-19 của cả nước. GRDP giảm mạnh -6,78%, là mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại của Thành phố. 

Tuy nhiên, với tinh thần quyết liệt phục hồi, kinh tế Thành phố đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng: năm 2022 tăng 9,03%, vượt xa mục tiêu đặt ra (6 - 6,5%); năm 2023 tăng 5,81%; năm 2024 đạt 7,17%. 

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây là minh chứng cho năng lực phục hồi mạnh mẽ của một đô thị năng động, có nền tảng kinh tế thị trường vững vàng và dân số đông - trẻ - sáng tạo.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24-6-2023, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” là cú hích thể chế lớn. Sau hơn 1 năm triển khai, Thành phố bắt đầu giải ngân mạnh các dự án hạ tầng, khơi thông đầu tư tư nhân, đồng thời tăng tốc chuyển đổi số, khoa học - công nghệ và mô hình quản trị mới. 

Năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% - con số được đánh giá vừa thách thức, vừa khả thi, nếu Thành phố tận dụng tốt cơ chế mới, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo.

Thành phố là điểm sáng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, năm 1986 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố là 60% thì đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo theo chuẩn đa chiều. Hơn thế, chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố luôn được nâng lên, cao hơn mức chuẩn cả nước. 

Công tác an sinh xã hội được triển khai hiệu quả, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 0,5%. Mạng lưới y tế phát triển mạnh với hơn 130 bệnh viện, hàng nghìn phòng khám và cơ sở y tế tư nhân, phục vụ hàng triệu lượt người mỗi năm. Các chỉ số phát triển con người (HDI) của Thành phố luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đóng góp hơn 22% GDP cho đất nước và khoảng 27% cho tổng ngân sách quốc gia. Đây cũng là địa phương thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. 

Các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, như Khu công nghệ cao quận 9 đã trở thành những trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng, giúp Thành phố từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Ngoài ra, sự bùng nổ của ngành dịch vụ, đặc biệt là tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, logistics đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế Thành phố. Thành phố hiện là trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam, với mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2045.

Cùng với tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Thành phố còn đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh. 

Trong suốt 50 năm qua, Thành phố luôn chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng và lòng nhân ái trong mỗi người dân. 

Hệ thống thiết chế văn hóa không ngừng được đầu tư phát triển với hàng trăm nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, trung tâm nghệ thuật, rạp chiếu phim hiện đại... 

Thành phố đặc biệt coi trọng công tác quốc phòng - an ninh, xem đây là yếu tố then chốt bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển toàn diện...

Không ít thách thức

Dù đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong 50 năm qua, TPHCM hiện vẫn đối mặt với không ít thách thức như: quá tải hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt hệ thống hạ tầng giao thông không đáp ứng được nhu cầu phát triển; việc kết nối giao thông liên vùng còn hạn chế, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế và xã hội. 

Hạn chế trong thu hút đầu tư cũng là một rào cản lớn, việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa thực sự nổi bật. Số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD, với 98% dự án FDI có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. 

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là bài toán đặc biệt cần được Thành phố quan tâm, bởi thị trường lao động sau đại dịch COVID-19 đang thiếu hụt lực lượng lao động đã qua đào tạo, trong khi một phần lớn lao động trở lại Thành phố là lao động chưa qua đào tạo. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong phát triển kinh tế số, nhất là việc chuyển đổi số, Thành phố đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. 

Ngoài ra, Thành phố đang đối mặt với lượng phát thải khí nhà kính tăng cao, ngân sách hạn hẹp và các chính sách hỗ trợ kinh tế xanh chưa đồng bộ. Những thách thức này cần được giải quyết để hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.

III. VÌ CẢ NƯỚC, CÙNG CẢ NƯỚC - XỨNG ĐÁNG LÀ “NGỌN CỜ ĐẦU” CỦA CẢ NƯỚC

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng nói, TPHCM có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Thành phố không chỉ là một trụ cột kinh tế quan trọng, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, tình yêu nước và sự sáng tạo không ngừng. 

Có thể nói, tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước” đã trở thành động lực giúp Thành phố không ngừng vươn lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Không ngừng vươn lên

Trong 50 năm qua, trên tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương, Thành phố đã tiến hành nhiều bước chuyển trong phát triển kinh tế - xã hội, mang ý nghĩa cách mạng.

Sau ngày đất nước thống nhất, TPHCM bước vào giai đoạn tái thiết với muôn vàn khó khăn: cơ sở hạ tầng xuống cấp, đời sống người dân còn thiếu thốn, mô hình quản lý chưa bắt nhịp với thực tiễn mới. 

Tuy nhiên, nhờ tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo, Thành phố đã vượt qua những thử thách đầu tiên, đặt nền móng cho chặng đường phát triển bền vững sau này.

Trong thời kỳ đổi mới, Thành phố luôn là nơi đi đầu trong cải cách và mở cửa. Các mô hình kinh tế mới như khu chế xuất, khu công nghiệp, chính quyền đô thị, đô thị thông minh... đều được khởi nguồn từ đây. 

Thành phố dần trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước, đóng góp trên 22% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia và là điểm đến hàng đầu của các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. 

Thành phố từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Bên cạnh các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và du lịch, Thành phố đang tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, năng lượng sạch, y tế tiên tiến và thương mại điện tử.

Không chỉ là trung tâm kinh tế, TPHCM còn là nơi gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa, là nơi hội tụ, giao thoa các nền văn hóa vùng miền. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú, môi trường sống đô thị từng bước được cải thiện. 

Thành phố luôn là một trong những đại diện tiên phong trong việc đề xuất, thí điểm các chính sách mới, từ các chương trình xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và y tế. 

Các chương trình an sinh xã hội, đổi mới giáo dục, hỗ trợ các địa phương khác đã góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Với định hướng trở thành thành phố thông minh, hiện đại, hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm, TPHCM đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính tầm khu vực, trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. 

Với tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”, Thành phố tiếp tục nỗ lực đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng sống, phát triển nhanh - xanh - bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển đất nước và khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Xứng đáng là “đầu tàu” của đất nước

Trung ương luôn quan tâm đến phát triển Thành phố, trong vòng 30 năm đã có 4 nghị quyết chuyên đề cho TPHCM (Nghị quyết số 01-NQ/TW năm 1982, Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2002, Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết số 31-NQ/TW năm 2022). 

Các nghị quyết của Bộ Chính trị về TPHCM đều khẳng định vị trí của Thành phố là “trung tâm kinh tế lớn”, “đô thị lớn nhất nước”, đồng thời có 2 lần nói đến vai trò “đầu tàu” của Thành phố. 

50 năm sau ngày giải phóng, Thành phố tự hào về hành trình phát triển kinh tế ấn tượng. Vượt qua mọi thử thách, Thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, khẳng định vị thế đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. 

Thành công của Thành phố không chỉ nằm ở những con số tăng trưởng đáng kể, mà còn ở tư duy đột phá, tiên phong. Với vai trò là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố đã và đang dẫn dắt, kết nối toàn vùng, đóng vai trò động lực kinh tế quan trọng cho cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 11-2024, Thành phố vẫn là địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước với 58,45 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghệ cao, hạ tầng và bất động sản. 

Các khu công nghệ cao như Khu Công nghệ cao quận 9 đã trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, thu hút các tập đoàn lớn, như Intel, Samsung, Nidec... 

Thành phố luôn tiên phong trong cải cách hành chính, áp dụng chính quyền điện tử, số hóa các dịch vụ công nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. 

Thành phố cũng là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới công nghệ và kinh tế số.

Thành phố hiện có hệ thống các trường đại học, cao đẳng phát triển mạnh như Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM... 

Hằng năm, Thành phố đào tạo hàng chục nghìn lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế số. Các chương trình hợp tác giáo dục quốc tế cũng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo lợi thế cạnh tranh cho thành phố.

Bên cạnh phát triển kinh tế, TPHCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng sống cho người dân. Các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, cải thiện hệ thống y tế, giáo dục đã mang lại nhiều thay đổi tích cực. 

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thành phố đang đẩy mạnh các giải pháp xanh như phát triển giao thông công cộng, xử lý rác thải thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo...

IV. NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRONG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

Thứ nhất, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ TPHCM luôn giữ vững lập trường chính trị, nhất quán mục tiêu phát triển Thành phố nhanh, bền vững vì hạnh phúc của nhân dân, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trong mọi hoàn cảnh, Đảng bộ Thành phố phải luôn xác định: chỉ có đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mới đưa đất nước tiến lên vững chắc. Phải phát huy cao dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Thứ hai, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn là phương châm xuyên suốt giúp Thành phố đề ra các chủ trương đúng đắn, linh hoạt và phù hợp với đặc thù của đô thị lớn, năng động. 

Thành phố là nơi đi đầu trong nhiều mô hình đột phá: khu chế xuất, khu công nghệ cao, đô thị thông minh, chính quyền đô thị... Việc mạnh dạn thử nghiệm gắn với tổng kết thực tiễn đã giúp TPHCM vừa tiên phong vừa vững chắc trong từng bước đi.

Thứ ba, lấy dân làm gốc, Đảng bộ TPHCM luôn xem lợi ích của người dân là trung tâm của mọi quyết sách. Ngay trong thời kỳ khó khăn, lãnh đạo Thành phố đã chủ động tìm kiếm nguồn lương thực, nới lỏng phân phối để hỗ trợ nhân dân. 

Phong cách gần dân, lắng nghe và đối thoại với dân đã trở thành nét đặc trưng, góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận xã hội. Thành phố là nơi tôi luyện nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao, có tầm nhìn đổi mới và phong cách sâu sát thực tiễn.

Thứ tư, chủ động đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm là dấu ấn xuyên suốt trong quá trình phát triển của Thành phố. Thành phố luôn tiên phong với tinh thần “xin làm trước”, thể hiện rõ qua các mô hình như cơ chế đặc thù, đô thị sáng tạo phía Đông (thành phố Thủ Đức), cải cách hành chính và chuyển đổi số. Bài học rút ra là: đột phá tư duy và cơ chế chính là điều kiện tiên quyết để tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững.Thứ năm, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân chính là nền tảng thành công của Thành phố. Truyền thống đoàn kết, từ trong chiến tranh đến hòa bình, đã hun đúc nên sức mạnh vượt qua mọi khác biệt, cùng hướng đến mục tiêu phát triển chung. 

Với đặc trưng là đô thị đa dạng văn hóa, tôn giáo, thành phần dân cư, Thành phố đã phát huy hiệu quả tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ.

Thứ sáu, củng cố năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Đảng bộ Thành phố chú trọng lãnh đạo kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời phát huy dân chủ, nêu gương, lắng nghe và gần dân. 

Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng theo hướng “vừa hồng vừa chuyên”, bản lĩnh, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung. 

Công tác xây dựng Đảng luôn gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố.

Những bài học kinh nghiệm từ 50 năm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ TPHCM là tài sản quý báu, có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn mới. 

Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc kế thừa và phát huy những bài học trên sẽ là nền tảng vững chắc để Thành phố tiếp tục giữ vai trò “đầu tàu”, là “thành phố vì cả nước và cùng cả nước”.

V. THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH CÙNG CẢ NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC

Vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế quốc gia

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nền kinh tế với quy mô và tốc độ phát triển vượt trội so với các địa phương khác. 

Trong nhiều năm qua, Thành phố luôn đóng vai trò trụ cột, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế quốc gia. 

Năm 2024, GRDP tăng 7,17%, thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 500.000 tỷ đồng; chiếm gần 24% thu ngân sách của cả nước; tạo đà phấn đấu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025. 

Thành phố là nơi có tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ lớn nhất cả nước, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam. 

Thành phố sở hữu hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các loại hình dịch vụ hiện đại, là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn, công ty trong và ngoài nước.

Thành phố là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động, là nơi quy tụ nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm công nghệ, các startup công nghệ tiềm năng. 

Thành phố là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy kinh tế số và kinh tế xanh. 

Những thành quả về đổi mới sáng tạo không chỉ phục vụ phát triển nội tại, mà còn lan tỏa ra các tỉnh, thành phố khác thông qua hợp tác khoa học - công nghệ, mạng lưới tri thức và doanh nghiệp.

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò trung tâm liên kết, hỗ trợ và lan tỏa phát triển tới các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhờ vào vị trí địa chiến lược, hạ tầng giao thông phát triển và vai trò dẫn dắt kinh tế, Thành phố đã tạo ra mối liên kết mạnh mẽ trong khu vực, thúc đẩy sự hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị công nghiệp - thương mại - dịch vụ. 

Với nguồn lực mạnh về tài chính, khoa học - công nghệ, nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm quản lý, Thành phố có tác động hỗ trợ rõ rệt đối với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, như chuyển giao công nghệ và mô hình quản lý đô thị, đường vành đai, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Thành phố là điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài, là cửa ngõ quan trọng kết nối kinh tế Việt Nam với các thị trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Thành phố là trung tâm công nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, đồng thời là địa phương thu hút lượng FDI lớn hàng đầu, với hàng nghìn dự án đầu tư đang hoạt động hiệu quả. Lũy kế, đến hết năm 2024, Thành phố là địa phương thu hút FDI đứng đầu cả nước với 58,45 tỷ USD.

Thách thức lớn cần vượt qua

Thành phố đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức lớn mang tính lâu dài và phức tạp.

Áp lực dân số và đô thị hóa nhanh chóng: là thành phố có quy mô dân số lớn nhất cả nước, với hơn 9,5 triệu người, Thành phố đang chịu áp lực rất lớn từ di cư tự do, thiếu hụt hạ tầng xã hội, quá tải dịch vụ công. 

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nhưng chưa đồng đều, kéo theo nhiều hệ lụy như kẹt xe, nhà ở chật hẹp, phân hóa xã hội...

Hạ tầng giao thông quá tải, phát triển chưa đồng bộ: tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân cao trong khi hệ thống giao thông công cộng phát triển chậm dẫn đến ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sống và môi trường đầu tư. 

Một số dự án hạ tầng quan trọng như metro, vành đai, bến cảng triển khai chậm, gây khó khăn trong kết nối liên vùng.

Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu: Thành phố đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, nước và rác thải ngày càng trầm trọng. 

Bên cạnh đó, với địa hình thấp, Thành phố đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, ngập úng, nước biển dâng, đe dọa phát triển lâu dài, đặc biệt ở các khu vực phía Nam và phía Tây Thành phố.

Áp lực duy trì vai trò “đầu tàu” kinh tế: trong bối cảnh các địa phương khác đang vươn lên mạnh mẽ, TPHCM cần liên tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tránh rơi vào tình trạng “tăng trưởng dàn trải”, thiếu chiều sâu. 

Việc giữ vững vai trò dẫn dắt cả nước đòi hỏi Thành phố phải đầu tư chiến lược vào khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, tài chính quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao.


“Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững, hướng tới kỷ nguyên phát triển mới của đất nước. Để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thành phố phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa”.

Đồng chí Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

Phát huy khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới

Để tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt kinh tế quốc gia, cụ thể hóa quan điểm Nghị quyết số 31-NQ/TW, ngày 30-12-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, TPHCM đã định hướng phát triển thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế; xây dựng mô hình thành phố thông minh gắn với đổi mới sáng tạo; phát triển bền vững gắn với tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; thúc đẩy khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. 

Đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt trên 10% trong năm 2025, Thành phố đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm, từ đó kiến tạo động lực mới để tích lũy đủ thế và lực cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TPHCM luôn xác định vị trí tiên phong trong đóng góp tăng trưởng quốc gia, với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, gấp 1,2 - 1,5 lần mức trung bình của cả nước. 

Mô hình kinh tế thị trường hiệu quả bậc nhất cả nước phải được kiến tạo, ưu tiên tăng trưởng bền vững, công bằng xã hội, phúc lợi dân sinh và bảo vệ môi trường. 

Đồng thời, Thành phố phải đặt mục tiêu trở thành đô thị toàn cầu tiên tiến, nhân văn, năng động, sáng tạo; có vị thế ở khu vực Đông Nam Á, GRDP bình quân đầu người, vượt mốc thu nhập cao.

Trong bối cảnh mới, cấp ủy, chính quyền Thành phố xác định tập trung một số giải pháp trước mắt:

Một là, tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, ưu tiên nhiệm vụ cùng cả nước ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. 

Tập trung huy động và bảo đảm nguồn lực cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện hiệu quả các chủ trương mới của Trung ương về đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính; áp dụng khoa học - công nghệ trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Hai là, rà soát tháo gỡ nhanh các vướng mắc về đất đai, thủ tục, pháp lý để khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân, nhất là các dự án bất động sản và nhà ở; đi đôi với việc rút ngắn quy trình thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh các dự án trọng điểm về đầu tư công, bảo đảm tỷ lệ giải ngân.

Ba là, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới, tích cực kêu gọi và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng khoa học công nghệ cao và sẵn sàng hỗ trợ triển khai nhanh nhất các dự án, nhất là công nghiệp bán dẫn, thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử, chip, vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp dược và các dự án xử lý rác thải, nước thải tiên tiến...

Bốn là, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kịp thời hỗ trợ tiếp cận các gói tín dụng và các chính sách mới về miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất. 

Chủ động ứng phó với những “cú sốc” từ bên ngoài; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu, nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, phát triển thương mại điện tử. 

Tăng cường đầu tư phát triển dịch vụ và hạ tầng du lịch, làm mới hơn nữa các sản phẩm du lịch.

Năm là, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử; quyết liệt chỉ đạo cắt giảm ngay 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh và 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Sáu là, triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình hành động của Thành ủy TPHCM thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Bảy là, bám sát các nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, định vị lại TPHCM là thành phố toàn cầu, phát triển thông minh, hiện đại, năng động, hội nhập; tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững; xã hội gắn kết, rộng mở, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của châu Á và thế giới./.

DƯƠNG HUY ĐỨC - LÂM QUÂN (thực hiện)

Chuyên mục: Hồ sơ