Giải mã cuộc bạo loạn vũ trang của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Kỳ II: Lịch sử hình thành và phát triển của tập đoàn Wagner
Lê Thế MẫuBinh lính thuộc lực lượng Wagner tại thành phố Rostov-on-Don, miền Nam nước Nga, ngày 24-6-2023_Ảnh: Reuters
Kế tục vị thế của Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nước Nga lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh, trước hết là phải đối phó với cuộc chiến tranh khủng bố và ly khai ở Cộng hòa Chechnya. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Nga rệu rã về tổ chức, sức chiến đấu bị giảm sút, định hướng chính trị không rõ ràng. Trong bối cảnh đó, nhiều cựu chiến binh của các lực lượng vũ trang Liên Xô trước đây nặng lòng với vận mệnh của nước Nga nhận thấy cần phải thành lập một tổ chức quân sự tư nhân để lấp khoảng trống an ninh nhằm đối phó với những nguy cơ phi truyền thống như khủng bố, ly khai và tội phạm xuyên quốc gia. Trong số các cựu chiến binh đầu tiên đứng ra thành lập công ty quân sự tư nhân ở Nga là Dmitry Utkin - một cựu sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô từng có kinh nghiệm chiến đấu ở Afghanistan. Chính Dmitry Utkin đặt tên cho tổ chức này là Wagner, lấy cảm hứng từ sở thích đam mê âm nhạc của ông đối với nhà soạn nhạc người Đức Richard Wagner. Cũng vì thế, Công ty Wagner còn được gọi là Dàn nhạc Wagner. Công ty Wagner từng đóng vai trò đáng kể trong chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Cộng hòa Chechnya và ở Syria. Với những chiến công đó, tháng 12-2016, Dmitry Utkin đã được chụp ảnh chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại buổi lễ được tổ chức để vinh danh những người được trao Huân chương Dũng cảm và danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga nhân dịp kỷ niệm Ngày Anh hùng Tổ quốc.
Về sau, Yevgeny Prigozhin - một doanh nhân rất thành đạt và là chủ nhân của nhiều nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Saint Petersburg - nhận siêu lợi nhuận từ các dịch vụ an ninh của Wagner đã quyết định đầu tư cho công ty và phát triển tổ chức này thành Tập đoàn Wagner. Kể từ đó, Y. Prigozhin là nhà đầu tư chủ yếu cho Tập đoàn Wagner. Các nhà hàng của Y. Prigozhin sở hữu những thực đơn món ăn truyền thống nổi tiếng của Nga và thế giới, từng tham gia tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi khách nước ngoài của Tổng thống Nga V. Putin, trong số đó có Tổng thống Mỹ G. W. Bush. Vì thế, báo chí Nga thường gọi Y. Prigozhin bằng biệt danh “đầu bếp của Putin”. Tuy nhiên, Y. Prigozhin luôn bác bỏ bất kỳ mối liên hệ nào của ông với Tập đoàn Wagner. Chỉ sau khi Wagner tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina được 7 tháng, tới tháng 9-2022. Y. Prigozhin thừa nhận ông là chủ nhân Wagner và trở thành một trong những người phát ngôn chính về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina.
Thành phần lực lượng của Tập đoàn Wagner rất đa dạng, bao gồm trước hết là các cựu chiến binh thuộc binh chủng đổ bộ đường không và lực lượng đặc nhiệm của các lực lượng vũ trang Nga được tuyển dụng theo hợp đồng ký kết dài hạn. Nguyên tắc hoạt động của Tập đoàn Wagner gồm 10 điều răn mà các tình nguyện viên phải tuân theo, trong đó có những điều khoản như phải bảo vệ lợi ích của nước Nga mọi lúc mọi nơi; không ngừng nâng cao phẩm giá bản thân để xứng đáng với danh hiệu “người lính Nga”; chiến đấu phi lợi nhuận; quyết chiến và quyết thắng; không áp dụng hệ thống cấp bậc và biểu tượng quân sự. Wagner có hệ thống khen thưởng riêng như Huân chương Chữ thập đen, Anh hùng Wagner và Vì lòng dũng cảm. Các thành viên của Wagner không được phép sử dụng mạng xã hội và các ứng dụng Internet, không được đăng ảnh, văn bản, ghi âm hay video chứa bất kỳ thông tin nào khác trên Internet trong quá trình huấn luyện hoặc chiến đấu, phải nộp hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân cho công ty giữ. Tham gia huấn luyện các tình nguyện viên của Wagner có các cựu sĩ quan quân đội Nga. Trong thời gian đào tạo, tình nguyện viên trẻ chưa tham gia hoạt động quân sự được nhận lương tháng 1.100 USD. Còn lương tháng của tình nguyện viên là cựu quân nhân của Nga trong độ tuổi 35 - 55 vào khoảng 2.500 USD. Kể từ khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tập đoàn Wagner còn tuyển mộ các tù nhân theo hợp đồng được ký kết, được nhận phụ cấp khoảng 2.000 USD và được ân xá sau 6 tháng tham gia chiến đấu. Nếu hy sinh, thân nhân của họ được nhận phụ cấp một lần khoảng 75.000 USD.
Biểu tượng của Tập đoàn Wagner tại văn phòng ở Saint Petersburg, Nga, ngày 4-11-2022_Ảnh: Reuters
Từ năm 2015, các lực lượng Wagner tham gia chiến dịch chống khủng bố của Nga ở Syria, giúp chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước các tổ chức khủng bố, trước hết là Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Wagner đã tích cực tham gia các chiến dịch chống khủng bố để giải phóng Latakia (2015 - 2016), giải phóng Bắc Aleppo (năm 2016), giải phóng Palmyra (năm 2016), giải phóng Palmyra (năm 2017), giải phóng miền Trung Syria (năm 2017), giải phóng Tây Bắc Syria (2017 - 2018). Tập đoàn Wagner hậu thuẫn cho lực lượng trung thành với Tướng Khalifa Haftar ở Libya chống lại chính quyền do Mỹ dựng lên ở Tripoli sau cuộc chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiêu diệt nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi; giúp Cộng hòa Trung Phi bảo vệ các mỏ khai thác kim cương và vàng, giúp Chính phủ Mali chống lại các nhóm chiến binh Hồi giáo và nhận hợp đồng bảo đảm an ninh cho Chính phủ Cộng hòa Trung Phi, Sudan và các quốc gia châu Phi khác.
Hoạt động đầu tiên của Wagner tại Ukraina là tham gia bảo đảm an ninh cho cuộc trưng cầu dân ý về việc Crimea sáp nhập về Nga trong tháng 3-2014. Trong đó, các chiến binh của Wagner mang đồng phục không cấp hiệu và từng được biết đến là “những người đàn ông lịch sự”. Có khoảng 10.000 chiến binh của Wagner tham gia giúp lực lượng vũ trang của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk chống lại chiến dịch chống khủng bố của quân đội Ukraina, đặc biệt là tham gia chiến dịch chiến lược bao vây Các lực lượng vũ trang Ukraina ở Debaltseve. Thất bại của Ukraina trong chiến dịch này từng dẫn tới các cuộc đàm phán để ký kết Thỏa thuận Minsk. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, các lực lượng của Wagner tích cực tham chiến và chiếm khoảng 10% tổng lực lượng tham gia chiến dịch này, đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của Nga giải phóng thành phố Soledar và Artemovsk (Bakhmut) ở miền Đông Ukraina. Đến cuối năm 2022, ước tính số lượng thành viên của Wagner ở Ukraina khoảng 50.000 với chi phí hàng tháng khoảng 100 triệu USD.
Trong khi đó, xét về tư cách pháp nhân của Wagner, luật pháp Nga không công nhận sự tồn tại công ty quân sự tư nhân ở quốc gia này. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga coi tổ chức quân sự tư nhân thuộc phạm trù “tội phạm”. Do đó, Wagner không có tư cách pháp nhân rõ ràng, không thuộc lực lượng do Bộ Quốc phòng Nga hoặc bất kỳ cơ cấu nhà nước nào khác quản lý. Vì thế, trong quá trình diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, vấn đề quy chế pháp lý của Wagner lại được đặt ra. Tháng 3-2022, Duma Quốc gia Nga đã soạn thảo dự thảo luật về việc hợp pháp hóa các công ty quân sự tư nhân. Tuy nhiên, Chính phủ Nga không ủng hộ dự luật này vì cho rằng văn kiện này trái với Hiến pháp Nga. Do đó, tình trạng pháp lý của Wagner vẫn chưa được công nhận vẫn thuộc “vùng xám”. Theo Trung tướng kiêm Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Viktor Sobolev, về nguyên tắc, không nên tồn tại những công ty quân sự tư nhân như Wagner vì tất cả các lực lượng vũ trang phải phục tùng một tổng tư lệnh duy nhất.
Do hoạt động độc lập nên Yevgeny Prigozhin không thể tránh khỏi xung đột với các chỉ huy của Bộ Quốc phòng Nga. Lần đầu tiên, Yevgeny Prigozhin bất đồng quan điểm với Bộ Quốc phòng Nga trong bối cảnh diễn ra các trận chiến giải phóng thành phố Soledar. Trong khi Wagner đóng có đóng góp không nhỏ trong trận chiến này, các bản tin của Bộ Quốc phòng Nga lại không nhắc đến tên của tổ chức này. Kể từ đầu năm 2023, Yevgeny Prigozhin thường xuyên đăng tải các bản tin video phàn nàn về tình trạng thiếu đạn và cho rằng trách nhiệm thuộc về giới lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin này. Tổng thống V. Putin còn cho biết, để bảo đảm hoạt động của Wagner trong quá trình tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, tính từ tháng 5-2022 đến tháng 5-2023, Chính phủ Nga đã tài trợ cho tập đoàn này 86 tỷ 262 triệu rúp tiền mặt và các khoản chi ưu đãi khác. Trong số này, có khoản trợ cấp 70 tỷ 384 triệu ruble, chi cho các khoản khen thưởng 15 tỷ 877 triệu ruble và chi trả bảo hiểm cho Wagner 110 tỷ 179 triệu ruble. Ngoài ra, công ty con của Tập đoàn Wagner là Concord đã thu được 80 tỷ ruble từ ngân sách của nhà nước Nga thông qua các hoạt động cung cấp thực phẩm và dịch vụ ăn uống cho quân đội.
Do bất đồng với Bộ Quốc phòng Nga, Yevgeny Prigozhin đe dọa rút các đơn vị của Wagner ra khỏi Bakhmut trước ngày 10-5-2023 do thiếu bảo đảm hậu cần - kỹ thuật và bị tổn thất nặng nề. Ông còn tuyên bố sẽ chuyển giao trận địa cho các đơn vị của các lực lượng vũ trang Nga. Trong tình thế đó, ngày 7-5-2023, Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép các chiến binh Akhmat thay thế Wagner ở Bakhmut.
Lo ngại trước sự đóng góp không nhỏ của Wagner trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại tổ chức này. Tháng 1-2023, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Wagner và coi Wagner là “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”. Tháng 4-2023, EU cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và Wagner với cáo buộc “đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”./.