21/11/2024 | 17:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải mã cuộc bạo loạn vũ trang của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner Kỳ I: Xu hướng phát triển công ty quân sự tư nhân trên thế giới

Lê Thế Mẫu
Là một tổ chức quân sự tư nhân từng tham gia tích cực trong các chiến dịch an ninh của Nga ở nước ngoài và trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner bất ngờ phát động cuộc bạo loạn vũ trang chống lại Bộ Quốc phòng Nga vào ngày 23-6-2023 nhưng thất bại chỉ sau đó 3 ngày. Sự kiện hy hữu này đặt ra nhiều câu hỏi cần có lời giải đáp thỏa đáng như Wagner là hiện tương cá biệt ở Nga hay là xu hướng phổ biến trên thế giới? Bản chất của Wagner là gì? Động cơ nào thúc đẩy Wagner bạo loạn vũ trang? Cách thức Tổng thống Nga V. Putin hóa giải cuộc bạo loạn này ra sao?


Các thành viên Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner trên xe quân sự tại thành phố Rostov-on-Don, ngày 24-6-2023_Ảnh: AFP

Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga không phải là trường hợp cá biệt, mà là phản ánh xu hướng phát triển công ty quân sự tư nhân (PCM) trong lịch sử hàng thế kỷ trên khắp thế giới. Thí dụ, các chiến binh Landsknechts gồm lính bộ binh được Chính phủ Đức sử dụng như lực lượng đánh thuê trong thời Phục hưng, hoặc các chiến binh Hessian trong PCM của Đức ở thế kỷ XVII - XIX. Các PCM được hình thành rộng khắp trong những năm 60 của thế kỷ XX ở Anh, Mỹ, Israel và Nam Phi với số lượng ngày càng đông đảo và được các quốc gia sử dụng để tiến hành những hoạt động bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở, huấn luyện lực lượng an ninh và hoạt động bên ngoài biên giới quốc gia trong những trường hợp không thể sử dụng các lực lượng vũ trang chính quy. Tuy nhiên, đa số các PCM đều hoạt động dưới sự bảo trợ của nhà nước và bảo vệ lợi ích của các tập đoàn xuyên quốc gia, thậm chí tham gia các cuộc xung đột quân sự và chiến tranh. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thị trường dịch vụ của các PCM có phạm vi toàn cầu với doanh thu hơn 100 tỷ USD. Hiện tại, trên thế giới có khoảng 4.000 PCM với thu nhập hằng năm 350 - 400 tỷ USD.

Dịch vụ và vị thế của các PCM

Các PCM có quyền sử dụng cơ sở hạ tầng quân sự của nhà nước để thực hiện các dịch vụ an ninh như huấn luyện chiến thuật quân sự, hoạt động tình báo, hậu cần và bảo vệ các cơ sở và tổ chức như đại sứ quán, ngân hàng, nhà máy, cơ sở năng lượng, căn cứ quân sự, kho tàng, nhà tù, bảo vệ các yếu nhân ở những vùng lãnh thổ bất ổn và xung đột; tiến hành rà phá bom mìn; cung cấp và bảo trì các thiết bị và phương tiện chiến đấu đặc biệt. Ngoài ra, khi cần, họ còn trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu.

Về mặt pháp lý, hoạt động của các PCM nằm trong “vùng xám” - một tình thế không được xác định rõ ràng, nằm ngoài quy định pháp lý theo luật nhân đạo quốc tế quy định các quy tắc tiến hành chiến tranh vào thời điểm mà các PCM chưa phổ biến và chưa đóng vai trò quan trọng. Chỉ một phần nhỏ lực lượng của các PCM là những người trực tiếp tham gia các cuộc chiến tranh được áp dụng theo Điều 47 của Nghị định thư bổ sung năm 1977 của Công ước Geneva năm 1949 và đáp ứng các tiêu chí theo phạm trù “lính đánh thuê”. Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đang tìm cách xác định vị thế của các PCM. Theo ICRC, nếu các PCM được đưa vào biên chế của lực lượng vũ trang quốc gia hoặc chiến đấu trong hàng ngũ của một bên tham gia xung đột và trực tiếp tham chiến thì các nhân viên của họ được coi là chiến binh quân nhân chính quy. Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý lập luận rằng, để hợp pháp hóa các PCM với tư cách là lực lượng tham chiến, họ phải được luật pháp của các quốc gia xác nhận vị thế pháp lý.

Năm 2008, theo sáng kiến ủa Thụy Sĩ và ICRC, Công ước Montreux quy định các PCM phải tôn trọng các quyền và quyền tự do cơ bản của con người, còn các quốc gia có quyền điều tra các hành vi phạm pháp của họ. Tuy nhiên, Công ước Montreux không có giá trị pháp lý và chỉ mang tính chất tư vấn. Trong số 58 quốc gia ký kết văn kiện này, chỉ có Thụy Sĩ áp dụng Công ước Montreux trong các văn kiện lập pháp. Năm 2010, theo sáng kiến của Mỹ, Bộ quy tắc ứng xử quốc tế dành cho các PCM được thông qua, tạo cơ sở pháp lý để hợp pháp hóa hoạt động đánh thuê. Có khoảng 600 công ty quân sự tư nhân của 70 quốc gia ký kết Bộ quy tắc ứng xử quốc tế này.

Vai trò của pháp luật nhà nước trong điều chỉnh hoạt động của các PCM

Chỉ có một số quốc gia có điều luật điều chỉnh hoạt động của các PCM, còn đa số quốc gia không có điều luật này. Thí dụ, ở Áo và Đức không quy định pháp lý đối với hoạt động của PCM. Luật pháp của Anh tuy không đề cập đến các PCM nhưng lại có những quy định điều chỉnh hoạt động của các tổ chức an ninh tư nhân như được phép cung cấp các dịch vụ liên quan cho khách hàng dân sự và quân sự ở nước ngoài. Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có quy định kiểm soát việc xuất khẩu các dịch vụ đào tạo và huấn luyện an ninh của các PCM. Cụ thể, Cộng hòa Séc, Hungary và Italia yêu cầu cấp giấy phép đặc biệt cho bất kỳ dịch vụ huấn luyện nào liên quan đến việc sử dụng vũ khí. Estonia và Ba Lan áp dụng các quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật quân sự như cải tiến, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm, sửa chữa, vận chuyển và bảo quản các phương tiện quân sự hoặc bất kỳ dịch vụ nào khác có liên quan. Thụy Điển có quy định một loại giấy phép đặc biệt cho phép tiến hành các dịch vụ huấn luyện quân sự.

Các PCM đáng chú ý trên thế giới

PCM nổi tiếng thế giới đầu tiên là British Watchguard International (BWI) được các cựu chiến binh David Stirling và John Woodhouse thuộc lực lượng đặc biệt của quân đội Anh đứng ra thành lập vào năm 1965. Hướng hoạt động chính của PCM này là huấn luyện các tổ chức thực thi pháp luật của nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi; cung cấp tư vấn quân sự, huấn luyện nhân sự, hỗ trợ chiến đấu và hậu cần trong các hoạt động chống nổi dậy. Đầu những năm 70 của thế kỷ XX, công ty BWI có kế hoạch tiến hành cuộc đột kích vào Thủ đô Tripoli của Libya với toan tính lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi để khôi phục quyền lực cho Quốc vương Idris al Senussi - người từng bị phế truất vào năm 1969. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh cho rằng rủi ro đối ngoại từ chiến dịch này vượt quá lợi ích nên ra sức ngăn cản. Năm 1972, BWI bị giải thể.

Ở Mỹ, có nhiều PCM tập hợp đội ngũ các cựu quân nhân có nhiều kinh nghiệm chiến đấu để tiến hành các dịch vụ quân sự. Trong đó, đáng chú ý nhất là tập đoàn PCM Constellis hoạt động ở 45 quốc gia. Trong đó có các PCM con như Academi, Triple Canopy, Olive Group, Centerra, Omniplex, Edinburgh International, Strategize Social... Constellis có văn phòng đại diện ở Afghanistan, Algieri, Anh, Iraq, Kenya, Mozambique, Nigeria, Tanzania và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ban điều hành Constellis có cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Ashcroft, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phụ trách an ninh đối ngoại

E. Bowswell, cựu Giám đốc Cục Mật vụ của Cục Tình báo trung ương Mỹ J. Rodriguez, cựu chỉ huy Ban tác chiến của Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan E. Reader. Số lượng nhân viên của Constellis hơn 20.000 người. Tập đoàn quân sự tư nhân MPRI (Military Professional Resources Inc) với tổng quân số 12.000 người là nhà thầu của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Cục Tình báo trung ương Mỹ đang hoạt động ở 40 quốc gia. Một trong những loại hình hoạt động nổi bật của MPRI là soạn thảo chương trình đào tạo các đội quân đặc nhiệm và phản ứng nhanh, thực hiện nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp; đặt hàng, mua và vận chuyển các loại vũ khí; tư vấn cải tổ lực lượng vũ trang; nghiên cứu và xây dựng học thuyết quân sự. MPRI còn cung cấp dịch vụ đa năng cho các tổ chức Chính phủ Mỹ và các nước khác. Các PCM của Mỹ từng tham chiến cùng quân đội chính quy trong các cuộc chiến tranh ở Kosovo (năm 1999), Afghanistan (2001 - 2021), Iraq (từ năm 2023 đến nay), Syria (từ năm 2017 đến nay) với nhiệm vụ bảo vệ sân bay, kiểm soát các khu vực khai thác dầu mỏ, đường ống dẫn dầu, hệ thống cung cấp điện, đào tạo nhân lực cho quân đội các nước sở tại, giám sát nhà tù (ở Iraq và Afghanistan); bảo đảm hậu cần và trinh sát... Kể từ năm 2014, các PCM của Mỹ hoạt động ở Ukraina.

Ở Đức có Tập đoàn an ninh tư nhân Asgaard được Thomas Kaltegaertner - một sĩ quan đổ bộ đường không - thành lập vào năm 2007. Tập đoàn này chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn và huấn luyện, bảo vệ các cơ sở và đoàn xe quân sự và dân sự, thực hiện các chức năng vệ sĩ. Tập đoàn này từng hoạt động ở Afghanistan, Iraq, Morocco, Nigeria, Pakistan, Croatia và tham chiến ở Somalia.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ có SADAT do tướng về hưu Adnan Tanriverdi thành lập vào năm 2012, trụ sở tại Istanbul. SADAT cung cấp tư vấn quân sự, đào tạo nhân sự quốc phòng và an ninh, tham gia các cuộc xung đột quân sự ở nước ngoài. Tổ chức này từng tham gia huấn luyện các chiến binh tị nạn Syria để chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và triển khai lực lượng để hỗ trợ chính phủ hòa hợp dân tộc Libya ở Tripoli.

Ở Pháp có EHC Group được cựu sĩ quan quân đội Pháp Bruno Trinquier thành lập vào năm 1999. Ban đầu EHC Group có trụ sở tại Luxembourg và năm 2004 được đăng ký tại Mỹ, có văn phòng tại Vương quốc Anh và Bờ Biển Ngà. Với số lượng nhân lực hơn 1.000 người, gồm các cựu quân nhân chuyên thực thi các dịch vụ an ninh nhưng không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các cuộc xung đột vũ trang. Nhiệm vụ của EHC Group là tiến hành các dịch vụ bảo vệ an ninh cho các tổ chức và cơ sở hạ tầng của Pháp ở nước ngoài, bảo vệ đoàn xe của các yếu nhân, huấn luyện chiến thuật an ninh cơ bản cho các đối tác. Trong những năm 2003 - 2004, nhân viên của công ty đã hiện diện ở Iraq, Afghanistan và đang hoạt động chủ yếu ở châu Phi.

Ở Trung Quốc, báo cáo của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ về tiềm lực quân sự của Trung Quốc không đề cập đến các PCM. Trong khi đó, ước tính Trung Quốc có 20 - 40 PCM đang hoạt động ở nước ngoài tại 40 quốc gia. Tổng cộng, Trung Quốc quản lý hơn 7.000 PCM hoạt động trong nước. Trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và công dân Trung Quốc ở nước ngoài còn Bắc Kinh không thể triển khai quân đội ra thế giới nên các PCM là lực lượng thuận lợi để quốc gia này bảo vệ lợi ích của mình ở nhiều quốc gia, trước hết là những quốc gia tham gia dự án “Vành đai và Con đường”. Theo Giáo sư Alexei Maslov - chuyên gia Nga nghiên cứu phương Đông - có 5.000 PCM được đăng ký tại Trung Quốc với số lượng nhân viên hơn 4,3 triệu người. Trong đó, chỉ có 20 PCM của Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài với quân số khoảng 3.200 người./.

Chủ đề: Giải mã cuộc bạo loạn vũ trang của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner
7 August 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau