22/12/2024 | 18:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải mã chân dung kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội nguy hiểm nhất trong lịch sử chính trị thế giới - Kỳ cuối: Các nhân chứng lịch sử nói về sự phản bội của A. Yakovlev

Lê Minh Hoàng
Giải mã chân dung kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội nguy hiểm nhất trong lịch sử chính trị thế giới - Kỳ cuối: Các nhân chứng lịch sử nói về sự phản bội của A. Yakovlev Alexander Yakovlev (trái) và Mikhail Gorbachev_Ảnh: Novosti

V. Kryuchkov - người đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) trong những năm 1988 - 1991 và là một trong những cộng sự thân cận nhất của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Yu. Andropov - cho biết: “bắt đầu từ năm 1989, KGB nhận được thông tin cực kỳ đáng lo ngại chứng tỏ A. Yakovlev thiết lập mối quan hệ với các cơ quan tình báo Mỹ trong thời gian thực tập tại Đại học Columbia. Năm 1990, từ nhiều nguồn khác nhau rất tin cậy, KGB nhận được báo cáo về hoạt động phá hoại của A. Yakovlev chống Liên Xô. Thế nhưng, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gorbachev đã phủ quyết việc tổ chức điều tra về tội phản quốc của A. Yakovlev”.

V. Kryuchkov viết trong cuốn “Hồ sơ cá nhân” xuất bản năm 1994: “tôi chưa bao giờ nghe thấy A. Yakovlev nói một lời ấm áp nào hay thể hiện niềm tự hào về tổ quốc, chí ít là về chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Điều này khiến tôi đặc biệt ngạc nhiên vì chính A. Yakovlev là người từng tham gia cuộc chiến tranh này. Tôi cũng chưa bao giờ nghe A. Yakovlev nói một lời tử tế nào về nhân dân Nga. Đối với A. Yakovlev, khái niệm nhân dân hoàn toàn không hề tồn tại”.

Trung tướng KGB Y. Pitovranov trong hồi ký của mình kể lại: “Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên Xô được thành lập vào năm 1969 với chức năng thu thập thông tin tình báo thông qua các doanh nhân phương Tây quan tâm đến hoạt động kinh tế của Liên Xô từng gửi báo cáo về Moscow cho biết, trong thời gian làm Đại sứ Liên Xô ở Canada, A. Yakovlev đã bị cơ quan tình báo nước ngoài mua chuộc và tuyển mộ bằng những món quà tặng có giá trị vượt quá xa tiền lương và ngân sách được Chính phủ Liên Xô phân bổ cho Đại sứ quán. Đáng chú ý là, do tiết lộ của A. Yakovlev trong thời gian ông làm Đại sứ tại Canada, có tới 17 nhân viên Đại sứ quán Liên Xô bị Chính phủ Canada trục xuất với cáo cuộc “hoạt động gián điệp dưới vỏ bọc ngoại giao”. 

Nhận được thông tin này, Chủ tịch KGB Yu. Andropov gửi báo cáo về A. Yakovlev tới Tổng Bí thư L. Brezhnev. Tuy nhiên, sau khi đọc xong bản báo cáo này, L. Brezhnev nói: “là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, A. Yakovlev không thể là kẻ phản bội”. 

Khi biết Chủ tịch KGB Yu. Andropov đề nghị bãi miễn chức Đại sứ của A. Yakovlev, M. Suslov - Trưởng Ban Tổ chức trung ương, Đảng Cộng sản Liên Xô - đã bác bỏ đề nghị đó. Sau khi trở về Liên Xô, A. Yakovlev được M. S. Gorbachev tiến cử vào chức Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế. Yu. Andropov buộc phải chấp nhận đề xuất này của M. Gorbachev. 

Dưới sự lãnh đạo của A. Yakovlev, Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế đưa ra nhiều kiến nghị gửi Ban Chấp hành Trung ương về cải cách nền kinh tế Liên Xô theo hướng thành lập xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mở đường cho sự xâm nhập của tư bản nước ngoài vào nền kinh tế Liên Xô.

S. Karnaukhov - nguyên Trưởng Ban Tổ chức và Công tác Đảng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - trong cuốn hồi ký với tiêu đề “Những trang lịch sử”, đã kể về quá trình tình báo Mỹ cài cắm kẻ phản bội A. Yakovlev vào Bộ Chính trị. 

Trong đó, chính M. Gorbachev tiến cử A. Yakovlev vào cương vị Trưởng Ban Tuyên truyền của Ban Chấp hành Trung ương và về sau vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời trở thành “kiến trúc sư trưởng” của công cuộc cải tổ, thực chất là cùng với M. Gorbachev thực hiện kế hoạch xóa bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô Viết.

Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Liên Xô và Nga Y. Zhirnov, trên Tạp chí Vlast số 42 (645) ngày 24-10-2005, cho biết: “theo các tài liệu đã được giải mật, 2 quan chức an ninh nhà nước cấp cao là Trung tướng Y. Pitovranov và Chủ tịch KGB V. Chebrikov khẳng định A. Yakovlev được cơ quan tình báo nước ngoài tuyển mộ. Năm 1969, lần đầu tiên Liên Xô thành lập công ty đặc biệt của KGB hoạt động dưới danh nghĩa Phòng Thương mại và Công nghiệp với chức năng chuyên thu thập thông tin từ các doanh nhân phương Tây muốn hợp tác với Liên Xô. Thông qua mối quan hệ với các doanh nhân, công ty đặc biệt chuyển sang thiết lập mối quan hệ với các chính trị gia nổi tiếng của phương Tây. Thông tin từ một trong số họ - một chính trị gia Mỹ rất thạo tin - ngay lập tức được báo cáo trực tiếp cho Yu. Andropov và sau đó cho L. Brezhnev. Như Y. Pitovranov kể với tôi, trong thời gian làm Đại sứ Liên Xô ở Canada, A. Yakovlev cộng tác với tình báo Mỹ. Ngay lập tức, Yu. Andropov ra lệnh cho Y. Pitovranov kiểm tra kỹ thông tin. Văn phòng đại diện của công ty tại Canada được giao nhiệm vụ này".

Theo Y. Pitovranov, Đại sứ Liên Xô ở Canada nhận được những món quá đắt tiền và khẳng định rằng đó là “quà của bạn bè”. Ngoài ra, chi tiêu của Đại sứ Liên Xô ở Canada vượt quá đáng kể không chỉ so với tiền lương của ông mà còn vượt quá ngân sách dành cho người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao Liên Xô ở nước ngoài. Đối với Yu. Andropov, thế là đủ. Ông chỉ thị cho cơ quan an ninh chuẩn bị bản báo cáo để trình lên Tổng Bí thư L. Brezhnev.

V. Chebrikov kể lại: “tôi nhớ rất rõ trường hợp này. Yu. Andropov cho tôi xem bản báo cáo gửi L. Brezhnev. Bản báo cáo cho biết, theo các cứ liệu xác thực, A. Yakovlev là một điệp viên của tình báo Mỹ cài cắm váo hãng ngũ Đảng Cộng sản Liên Xô. L. Brezhnev xem bản báo cáo rồi nói: “một ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô không thể là kẻ phản bội”. Trước mặt tôi, Yu. Andropov xé bản báo cáo đó. Ông không đồng ý với kết luận của L. Brezhnev nhưng ông không muốn tranh luận với Tổng Bí thư”.

Nhà triết học Liên Xô A. Butenko viết: “tại sao M. Gorbachyov và A. Yakovlev lại có thể gọi “cải tổ” là “một cuộc cách mạng”, bởi theo học thuyết chính trị của Karl Marx, sau cuộc cách mạng chính trị của giai cấp công nhân trong Tháng Mười năm 1917 thì quá trình tiến hóa xã hội sẽ không còn là những cuộc cách mạng chính trị. Do đó, chúng ta phải thừa nhận, hoặc Karl Marx đã sai, hoặc những ai coi “cải tổ” là “một cuộc cách mạng” là đã phản bội chủ nghĩa Marx”. 

Trên thực tế, việc tập đoàn lãnh đạo do M. Gorbachev và A. Yakovlev đứng đầu giương cao khẩu hiệu “Tất cả quyền lực về tay các Xô Viết” trong Cách mạng Tháng Mười nhằm mục đích duy nhất là che đậy âm mưu thâm độc thay đổi nội dung của Điều 6 Hiến pháp Liên Xô nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị của Liên Xô, rút cuộc làm thay đổi căn bản hệ thống tư tưởng Xô Viết, chống lại V. Lênin, phản bội Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa xã hội”. 

Núp dưới luận điểm của V. Lênin “cán bộ quyết định tất cả”, A. Yakovlev và M. Gorbachev sa thải các đảng viên kiên trung của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Theo M. Solomentsev, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô (27-12-1983 - 30-9-1988), một trong những người đầu tiên bị M. Gorbachev và A. Yakovlev loại khỏi Bộ Chính trị là G. Romanov - Bí thư thứ nhất Thành ủy Leningrad (16-9-1970 - 24-6-1983); N. Tikhonov - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (23-10-1980 - 27-9-1985); B. Grishin - Bí thư thứ nhất Thành ủy Moscow (27-6-1967 - 24-12-1985). 

Tại Đại hội lần thứ XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô vào đầu năm 1986, M. Gorbachev và A. Yakovlev đã “thay máu” Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư bằng những người ủng hộ “cải tổ”, trong đó có không ít điệp viên ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây. Đồng thời, M. Gorbachev hoàn toàn vô hiệu hóa bộ máy an ninh KGB.

Lời tự thú của A. Yakovlev và M. Gorbachev

Năm 2001, trong Lời giới thiệu cuốn “Sách đen về chủ nghĩa cộng sản” được xuất bản ở phương Tây, A. Yakovlev thừa nhận: “số phận thật trớ trêu. Tôi đã phải đọc rất nhiều và nghiên cứu rất cặn kẽ các tác phẩm của Marx, Engels, Lênin, Stalin và những “tác phẩm kinh điển” khác của chủ nghĩa Marx. Nhưng chính những “tác phẩm kinh điển” đó đã khiến tôi trở thành một người chống cộng đến cùng. Hơn 40 năm trước, tôi đã nhận ra rằng chủ nghĩa Mark - Lenin không phải là khoa học mà là luận thuyết về cách “ăn thịt đồng loại”. Do tôi sống và làm việc ở cấp cao nhất của chế độ Xô Viết, kể cả trong Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dưới thời M. Gorbachev nên tôi nhận thức rõ rằng chế độ và bộ máy này là vô nghĩa. Chỉ có thể xóa bỏ hệ thống chính trị Xô Viết thông qua chủ trương “công khai hóa”, sử dụng cơ chế toàn trị của đảng núp dưới khẩu hiệu “cải thiện chủ nghĩa xã hội”. Nhìn lại, tôi có thể tự hào nói rằng chiến thuật xóa bỏ hệ thống chính trị Xô Viết thật ra rất đơn giản. Đó là, sử dụng cơ chế của chủ nghĩa toàn trị Xô Viết để xóa bỏ hệ thống đó và chiến thuật này đã thành công. Công lao chính trong việc xóa bỏ Liên Xô thuộc về ê-kip M. Gorbachev và là kết quả chủ yếu của “cải tổ”.

Trong bài phát biểu tại cuộc hội thảo ở Đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999, M. Gorbachev thú nhận: “mục tiêu của cả cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Tôi nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của vợ tôi - người hiểu được sự cần thiết của mục tiêu này thậm chí còn sớm hơn tôi. Để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng địa vị của mình trong đảng và đất nước. Đó là lý do tại sao vợ tôi không ngừng khuyến khích tôi phải không ngừng nỗ lực phấn đầu để giữ các chức vụ ngày càng cao trong nước. Khi tiếp xúc với phương Tây, tôi nhận ra rằng tôi không thể rút lui khỏi mục tiêu của mình. Tôi đã tìm được những cộng sự để thực hiện những mục tiêu này. Trong số đó, A. Yakovlev và E. Shevardnadze chiếm một vị trí đặc biệt, cộng sự của họ trong sự nghiệp chung của chúng tôi là vô giá. Khi B. Yeltsin xóa sổ Liên Xô, tôi rời Điện Kremlin và một số người cho rằng tôi sẽ khóc, nhưng tôi không khóc vì tôi đã xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu"./.

Chủ đề: Alexander Yakovlev
14 December 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau