Giải mã chủ trương của tổng thống Mỹ Donald Trump thâu tóm đảo Greenland của Đan Mạch - Kỳ I: Vị thế đặc biệt ở Bắc Cực
Lê Thế Mẫu
Greenland - kho báu của thế giới
Greenland có dân số chỉ vẻn vẹn 57.000 người nhưng sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, quý hiếm, trước hết là dầu mỏ, khí đốt, vàng, than đá, đá cẩm thạch, nguyên tố đất hiếm và uranium có giá trị rất lớn đối với các ngành công nghiệp hiện đại trong thế kỷ XXI.
Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất Mỹ, Greenland sở hữu 43 trong số 50 loại khoáng sản mà Washington coi là có giá trị rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh.
Cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính trữ lượng dầu của Greenland lên tới 52 tỷ thùng dầu, chiếm 3% trữ lượng đã được chứng minh của thế giới. Hiện nay, nhà cung cấp chính các loại nguyên tố hiếm cho Mỹ và thế giới là Trung Quốc.
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt, Washington cần Greenland như là nguồn cung cấp nguyên liệu cần thiết để thay thế nguồn nhập từ Trung Quốc.
Ngoài ra, do tác động của hiện tượng nóng lên của khí hậu Trái đất, băng ở Bắc Cực tan chảy nhanh hơn dự báo không chỉ làm lộ thiên kho báu này của thế giới mà còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để mở rộng tuyến giao thông đường biển đi qua Bắc Băng Dương và triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn có thể kiểm soát các khu vực rộng lớn trên lãnh thổ Nga và Trung Quốc.
Vị thế địa - chính trị của Greenland
Mặc dù là một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch, Greenland có quan hệ gắn bó với châu Âu, giáp Đại Tây Dươngở phía Đông Nam, biển Greenland ở phía Đông, Bắc Băng Dương ở phía Bắc và Vịnh Baffin ở phía Tây. Quốc gia có vị trí gần Greenland nhất là Canada.
Vì thế, Greenland cùng Canada và khu vực Bắc Cực hình thành vành đai địa - chính trị vô cùng quan trọng, được coi là tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc trong thế kỷ XXI. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Donald Trump không chỉ có ý định thâu tóm Greenland mà còn coi Canada là “một bang của Mỹ”.
Greenland trở thành thuộc địa của Vương quốc Na Uy từ năm 1261. Từ sau năm 1397, khi Liên minh Kalmar hình thành gồm 3 quốc gia là Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, quyền kiểm soát Greenland được chuyển giao cho Vương quốc Đan Mạch. Tới năm 1814, theo Hòa ước Kiel giữa Thụy Điển và Đan Mạch trong cuộc chiến với Napoleon, Greenland chính thức trở thành thuộc địa của Đan Mạch.
Năm 1953, chính quyền Copenhagen thông qua Hiến pháp xác định Greenland là một tỉnh của Đan Mạch. Sau cuộc trưng cầu ý dân năm 1978, Quốc hội Đan Mạch thông qua Luật số 577 trao cho Greenland quyền tự trị, còn Nữ hoàng Đan Mạch Margrethe II là Quốc trưởng của Greenland.
Sau gần 300 năm dưới sự cai trị của Đan Mạch, Greenland đã tiến bước dài trong nỗ lực giành quyền độc lập với Đan Mạch. Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2008, Quốc hội Đan Mạch trao nhiều quyền tự trị hơn cho Greenland. Tuy nhiên, Copenhagen vẫn giữ quyền kiểm soát tài chính, đối ngoại, quốc phòng và sẽ giảm dần trợ cấp hàng năm và từ bỏ quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên của Greenland.
Mặc dù Greenland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng vẫn có quyền được hưởng các nguồn tài trợ của châu Âu, người dân có quyền tự do đi lại như công dân EU và có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp bị xâm lược.
Hiện nay ở Greenland đang nổi lên phong trào giành độc lập hoàn toàn và tách khỏi Đan Mạch. Theo Hiệp ước ký năm 2009 với Đan Mạch, Greenland có quyền tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập. Một cuộc khảo sát được tiến hành dưới sự giám sát của 2 chuyên gia Minik Rosing và David Dreyer Lassen thuộc Đại học Copenhagen trong năm 2019 cho thấy, 67,7% dân số Greenland ủng hộ xu hướng giành độc lập khỏi Đan Mạch. Các nhà quan sát cho rằng, nếu giành được quyền độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch, Greenland có thể nhận được sự hỗ trợ kinh tế và an ninh đáng kể của Mỹ.
Cuộc chiến ở Yemen và sự sụt giảm mạnh lưu lượng giao thông qua kênh đào Suez đã gây khó khăn rất lớn đối với các hãng vận chuyển hàng hải trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, tuyến giao thông có triển vọng nhất có thể thay thế tuyến đường qua kênh đào Suez là tuyến đường đi qua Bắc Cực trong điều kiện băng tan nhanh hơn dự báo ở khu vực này.
Trong 10 năm từ năm 2013 đến năm 2023, số lượng tàu vận tải đi qua Bắc Cực hằng năm tăng đều đặn hơn 30%, chủ yếu là các tàu của Nga và Trung Quốc. Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang tích cực hợp tác không chỉ để khai thác tài nguyên thiên nhiên quý hiếm mà còn đẩy mạnh phát triển tuyến vận tải biển đi qua Bắc Cực.
Trong đó, Nga có ưu thế vượt trội không chỉ vì có vị thế là quốc gia có bờ biển tiếp giáp Bắc Cực mà còn có đội tàu phá băng mạnh nhất thế giới chạy bằng năng lượng nguyên tử. Tình hình này khiến giới lãnh đạo Mỹ hết sức lo ngại.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu đã hạ thấp đáng kể mực nước ở kênh đào Panama, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giao thông hàng hải toàn cầu. Kênh đào Panama nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, nếu không có kênh đào này, tàu thuyền sẽ phải đi theo một tuyến đường vòng dài 7.000 dặm đến Mũi Hảo Vọng ở điểm cực Nam của Nam Mỹ để đi từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.
Vì vậy, chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump thiết lập quyền kiểm soát kênh đào Panama xuất phát từ tham vọng kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hải trên thế giới. Mỹ là quốc gia từng kiểm soát hoạt động giao thông hàng hải qua kênh đào Pamama trong hầu hết thế kỷ XX kể từ khi kênh đào này mở cửa vào năm 1914.
Chính quyền Panama chỉ giành được quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào vào năm 1999. Như vây, chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump giành lại quyền kiểm soát kênh đào Pamanma, sáp nhập Greenland đều nằm trong chiến lược giành quyền kiểm soát các tuyến giao thông huyết mạch trên thế giới.
Donald Trump không phải là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên chủ trương thâu tóm lãnh thổ của nước khác
Nỗ lực đầu tiên của Mỹ nhằm mua Greenland là vào năm 1867. Vào thời điểm đó, Mỹ từng mua bán đảo Alaska của Nga với giá khoảng 7 triệu USD. Được khích lệ bởi thành công mua Alaska, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William H. Seward coi việc mua Greenland của Đan Mạch là ý tưởng đáng được cân nhắc nghiêm túc.
Nhà sử học Jeff Ludwig - Giám đốc Bảo tàng William H. Seward ở New York - cho biết, năm 1867 một số thương nhân Mỹ từng đàm phán với các đối tác của họ ở Copenhagen và đạt được thoả thuận rất giống với những điều khoản mua Alaska của Nga, với giá 7,5 triệu USD để mua quần đảo Tây Ấn thuộc Đan Mạch (ngày nay là quần đảo Virgin) nhưng Quốc hội Mỹ đã bác bỏ thỏa thuận này.
Về sau, Mỹ vẫn mua được đảo Tây Ấn của Đan Mạch vào năm 1917 với giá 25 triệu USD. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, vào năm 1946, Mỹ đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD dưới dạng vàng thỏi để mua đảo Point Barrow. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch đã từ chối. Nếu Đan Mạch đồng ý với đề nghị này của Mỹ, họ mất quyền kiểm soát nguồn mỏ dầu lớn bậc nhất thế giới ở Vịnh Prudhoe.
Như vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người đầu tiên chủ trương thâu tóm lãnh thổ của nước khác khi đưa ra đề xuất mua đảo Greenland của Đan Mạch. Ngày 6-1-2025, Donald Trump viết trên trang mạng xã hội Truth Social: “Greenland sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu trở thành một phần của Mỹ. Chúng ta sẽ bảo vệ Greenland khỏi sự nhòm ngó rất đáng sợ của các nước trên thế giới. Chúng ta sẽ làm cho Greenland vĩ đại trở lại!”.
Trong cuộc họp báo ngày 7-1-2025, ngoài việc công bố kế hoạch sáp nhập Greenland, Donald Trump còn cho biết Mỹ nên kiểm soát kênh đào Panama và cân nhắc khả năng sáp nhập Canada vào Mỹ. Cũng trong một cuộc họp báo, Donald Trump cho biết ông đã sẵn sàng giải quyết những vấn đề này, kể cả bằng giải pháp quân sự. Theo báo Wall Street Journal, nhóm cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tích cực chuẩn bị các cuộc đàm phán với Chính phủ Đan Mạch về vị thế tương lai của Greenland.
Theo chuyên gia phân tích Will Shriver, chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump sáp nhập Greenland nằm trong chiến lược cạnh tranh địa - chính trị để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nếu Washington thực sự sáp nhập Greenland tương tự như cách họ đã từng mua Louisiana vào năm 1803 và tăng gấp đôi diện tích lãnh thổ hiện tại, Mỹ sẽ trở thành cường quốc Bắc Cực thứ hai sau Nga.
Khi đó, Mỹ sẽ kiểm soát các tuyến đường vận chuyển qua Bắc Cực để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc - quốc gia đang có kế hoạch xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” đi qua Bắc Cực tới châu Âu. Về quân sự, từ năm 1951, Mỹ đã triển khai lực lượng ở Greenland và chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh cho quốc đảo tự trị này theo một hiệp ước ký với Đan Mạch.
Mỹ có căn cứ quân sự Pituffik ở Greenland có sức chứa lên tới 10.000 quân, đóng vai trò cảnh báo sớm về các cuộc tấn công bằng tên lửa. Hòn đảo này có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dải bờ biển kéo dài ven biển Đại Tây Dương, có thể trở thành tuyến đường cho tàu ngầm Nga di chuyển đến bờ biển phía Đông nước Mỹ và toàn bộ Bắc Đại Tây Dương./.
Kỳ 2: Bắc Cực - tâm điểm cạnh tranh giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc