Giải mã chân dung kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội nguy hiểm nhất trong lịch sử chính trị thế giới - Kỳ I: A. Yakovlev - “kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
Lê Minh Hoàng
Để giải mã vai trò của A. Yakovlev trong công cuộc “cải tổ” nhằm xóa sổ Liên Xô, vào dịp kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười, Báo Sự Thật (Pravda) - Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Nga - đăng nội dung cuộc trao đổi giữa Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Nga Z. Toshchenko và chuyên gia bình luận chính trị của tờ báo này là V. Kozhemyako, với tiêu đề: Alexander Yakovlev - vực thẳm của sự phản bội.
V. Kozhemyako: Chúng tôi cho rằng, tất cả những ai tham gia âm mưu hủy hoại Liên Xô đều phải chịu trách nhiệm ở mức độ này hay mức độ khác trước thảm kịch có ý nghĩa toàn cầu và thời đại này. Trách nhiệm của A. Yakovlev - nhân vật trong cuộc trò chuyện của chúng ta hôm nay - là vô cùng lớn.
Có nhiều chứng cứ để khẳng định A. Yakovlev là một trong những nhà tư tưởng chủ yếu và là “kiến trúc sư trưởng” của công cuộc “cải tổ” (perestroika).
Vậy, theo ông, A. Yakovlev là người thế nào? Điều gì đã thôi thúc ông ta đóng vai trò kẻ phá hoại khủng khiếp nhất trong lịch sử chính trị thế giới? Những bài học nào cần rút ra từ hồ sơ đen tối của nhân vật lịch sử này?
Z.Toshchenko: Đúng thế. Đối với anh và tôi, cũng như đối với nhiều người, A. Yakovlev là người có lịch sử mờ ám. Trước hết, chúng ta có thể đánh giá A. Yakovlev dựa trên hậu quả thảm khốc của những việc ông ta đã làm. Hậu quả đó đã từng được G. Zyuganov (hiện nay là Chủ tịch Đảng Cộng sản Nga) cảnh báo trong bức thư ngỏ của ông gửi A. Yakovlev đăng trên báo “Nước Nga Xô Viết” số ra ngày 7-5-1991.
Trong bức thư ngỏ này, G. Zyuganov không gọi A. Yakovlev là “kiến trúc sư trưởng của cải tổ” mà là “kiến trúc sư trưởng của đống đổ nát”.
Vào thời điểm đó, Liên Xô vẫn chưa tan rã nhưng những gì A. Yakovlev làm đã là quá đủ để có thể thấy Liên Xô không thể tránh khỏi sụp đổ. Thật vô cùng đáng tiếc, Liên Xô vào thời điểm đó đã lao dốc quá xa tới bước ngoặt định mệnh sụp đổ tất yếu vào năm 1991.
Bây giờ, đã hơn 3 thập niên trôi qua kể từ khi Liên Xô tan rã. Nhưng, liệu chúng ta có thể nói hiện nay tất cả những gì xảy ra khi đó đã được chính thức đánh giá rõ ràng và công bằng ở nước ta hay chưa?
Tất nhiên là chưa. Mặc dù sau ngày 24-2-2022 (thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina), các tuyên bố chính thức và không chính thức ngày càng cho thấy rõ hậu quả khủng khiếp từ thảm họa địa - chính trị xảy ra hơn 30 năm trước đối với đất nước chúng ta.
Nhìn chung, chúng ta đã phải gánh chịu hậu quả đau đớn đến tận cùng và cần phải nỗ lực phi thường để vượt qua.
Liệu chúng ta đã đánh giá đúng hành động phá hoại của những kẻ đã đưa Liên Xô đến chỗ tan rã? Năm 2022, chúng ta chứng kiến một ngày trọng đại - kỷ niệm 100 năm thành lập Liên bang Xô Viết.
Trong khi đó, những người từng tạo dựng nên sức mạnh vô song để đánh bại chủ nghĩa phát xít lại không được vinh danh ở cấp nhà nước cao nhất. Còn những kẻ làm tan rã Liên Xô lại được vinh danh.
Làm sao chúng ta có thể giải thích được rằng chính ngày 12-6-1990 - ngày Liên bang Nga tuyên bố độc lập tách khỏi Liên Xô - là điềm báo trước và tiền định sự tan rã Liên bang Xô Viết, lại đang được tổ chức ở Nga hằng năm như ngày quốc khánh?
Đúng thế. Kỷ niệm ngày 12-6 hóa ra lại là vinh danh những kẻ đã làm tan rã Liên Xô. Đúng ra họ là những kẻ đã khéo léo che giấu bộ mặt của kẻ phản bội đã ra tay hành động vào thời điểm quyết định.
Dù phẩm chất cá nhân có khác nhau nhưng họ liên kết với nhau để phản bội lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười họ từng theo đuổi trước đây.
Trong đó đáng chú ý nhất là A. Yakovlev đã luồn lách và leo lên đến vị trí nhà tư tưởng hàng đầu của Đảng Cộng sản Liên Xô. Hồ sơ của A. Yakovlev quả thật là vực thẳm của sự phản bội. Một kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất, phản bội và tráo trở siêu đẳng.
Tôi biết ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ của A. Yakovlev. Rút cuộc, cảm nhận của ông về kẻ phản bội này là thế nào?
l Đó là cảm nhận ghê tởm đến tột cùng. Để mọi người hiểu rõ hơn kẻ phản bội này, tôi chỉ đưa ra đây 2 trích dẫn ngắn gọn về sự tráo trở của A. Yakovlev.
Trích dẫn thứ nhất: năm 1987, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Yakovlev khẳng định: “chủ nghĩa Lênin là tiêu chuẩn kinh điển của phép biện chứng cách mạng”.
Trích dẫn thứ hai: trong bài viết đăng trên Báo Tin tức (Izvestia) số ra ngày 1-12-2003, A. Yakovlev quay ngoắt 1800 với nhận định: “Lênin và Stalin là những tên tội phạm tệ hại nhất”.
Hai trích dẫn này lấy từ các bài viết của cùng một tác giả ở 2 thời điểm không cách nhau quá xa. Có lẽ không cần bình luận thêm về 2 câu trích dẫn này.
Sự thoái hóa biến chất, sự đột biến trong bản chất, sự trơ trẽn, đạo đức giả và cơ hội không phải là danh mục đầy đủ các đặc tính nhân cách của A. Yakovlev.
Có thể thấy, trong lịch sử chính trị thế giới đương đại không có nhiều kẻ phản đạo, thoái hóa và đạo đức giả có thể sánh với A. Yakovlev.
Hơn nữa, A. Yakovlev lại là nhà tư tưởng của một chính đảng cầm quyền ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp chính trị của mình cho đến khi leo lên tới đỉnh cao quyền lực trong đảng, đến một thời điểm nào đó bắt đầu phản bội lý tưởng mà mình theo đuổi không chỉ trong phạm vi những người gần gũi xung quanh mà cả trong phạm vi quốc gia, thậm chí phạm vi quốc tế.
Có thể nói, những bước đường đời đầu tiên của A. Yakovlev là khá thuận lợi. Sinh ra trong một gia đình nông dân ở vùng Yaroslavl vào năm 1923.
Tháng 8-1941, sau khi tốt nghiệp trung học, A. Yakovlev nhập ngũ với cấp hàm binh nhì phục vụ trong một tiểu đoàn pháo binh huấn luyện. Sau đó được nhập học tại Trường Cao đẳng quân khí pháo - bộ binh Leningrad được sơ tán đến Udmurtia, thành phố Glazov.
A. Yakovlev từng tham chiến ở mặt trận từ tháng 2 đến tháng 8-1942, bị thương nặng và được đưa về hậu phương để điều trị.
Có phải sau đó A. Yakovlev được xuất ngũ?
Đúng thế. Tháng 2-1943, A. Yakovlev trở về vùng đất Yaroslavl quê hương - nơi khởi đầu “đại lộ” hướng tới tương lai chính trị của ông ta sau này.
Là công tác đảng phải không?
Đúng thế. Năm 1944, A. Yakovlev được tiến cử làm giảng viên cao cấp và Trưởng khoa Quân sự và Thể dục thể thao tại Học viện Sư phạm Yaroslavl.
Tại đây, A. Yakovlev gia nhập Đảng Cộng sản toàn Nga (Đảng Bolshevik, về sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Liên Xô). Trên thực tế, hành động này của A. Yakovlev là khá hợp lý.
Một sĩ quan cấp quân hàm trung úy của Hồng quân Liên Xô gắn bó cuộc đời mình với đảng - người tổ chức công cuộc phòng thủ này.
Quyết định của A. Yakovlev gia nhập Đảng Cộng sản toàn Nga là hoàn toàn logic và rất đẹp. Tuy nhiên, theo thời gian, con người này phản bội cả đảng và tổ quốc.
Nói về sự phản bội, cần lưu ý vào thời điểm cao trào của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tướng Hồng quân A. Vlasov “trở cờ”, chạy sang hàng ngũ địch và trở thành kẻ phản bội nguy hiểm.
Sau chiến tranh, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội tiếp tục chống phá Liên Xô bằng những hình thức và thủ đoạn khác. Trong bối cảnh đó, sự phản bội của người được giao nhiệm vụ lãnh đạo công tác tư tưởng trong đảng sẽ là quá trình quanh co và phức tạp.
Như vậy, phải chăng A. Yakovlev cũng đi theo con đường của riêng mình dẫn đến sự phản bội đảng và tổ quốc?
Đúng thế! Nhìn bề ngoài, trong suốt nhiều năm, không ai nhận thấy có điều gì đặc biệt đáng báo động ở A. Yakovlev. Xét về mọi phương diện, đồng nghiệp đều nhìn thấy ở A. Yakovlev một người siêng năng và mẫn cán hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình. Theo nhận xét của các đồng nghiệp, A. Yakovlev thể hiện thái độ nhiệt tình cao độ trong công tác đảng.
Có phải A. Yakovlev bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1946 với tư cách là giảng viên tại Khu ủy Yaroslav?
A. Yakovlev được “lọt vào mắt xanh” của cấp trên. Trong thời gian đang theo học tại Khoa Lịch sử của Đại học Sư phạm, tháng 10-1945 A. Yakovlev được cử đi học tại Trường Đảng cấp cao trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn Nga.
Thế là A.Yakovlev cũng không kịp tốt nghiệp đại học. Năm 1946, Trường Đảng cấp cao tiến hành cải tổ và A. Yakovlev được cử về công tác tại Tỉnh ủy Yaroslavl trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn Nga.
Tại đây, A. Yakovlev trở thành hướng đạo viên của ban tuyên truyền. Có thể nói, đây là cương vị lãnh đạo đầu tiên trong Đảng của A. Yakovlev.
Kể từ đó, mọi chuyện diễn ra đều “theo quy trình”: A. Yakovlev được bổ nhiệm Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban Tuyên truyền Khu ủy Yaroslavl.
Năm 1953, A. Yakovlev được chuyển lên Moscow, đảm nhiệm cương vị hướng đạo viên của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Xin lưu ý một chi tiết đáng chú ý: trong toàn bộ lịch sử của Đảng Cộng sản Liên Xô, chỉ có 3 người là A. Yakovlev, G. Malenkov và B. Ponomarev từ hướng đạo viên trở thành Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tuy nhiên, con đường công danh của A. Yakovlev có 2 giai đoạn bị ngắt quãng, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp chính trị của y. Thậm chí theo một nghĩa nào đó, giai đoạn ngắt quãng đó lại có ý nghĩa định mệnh đối với A. Yakovlev.
Có phải giai đoạn ngắt quãng đầu tiên là do A. Yakovlev được giới thiệu đến Viện Khoa học xã hội trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - nơi ông học cao học từ năm 1956 đến năm 1960?
Đúng thế. Trong 4 năm này, 2 năm 1958 - 1959 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với A. Yakovlev khi ông là thực tập sinh tại Đại học Columbia ở Mỹ. Trong thời gian này, do tiếp thu văn hóa và lối sống Mỹ, A. Yakovlev trở thành kẻ sa đọa về đạo đức, suy thoái về tư tưởng - chính trị và bị đặc vụ Mỹ tuyển mộ.
Hình như không chỉ có A. Yakovlev một mình đi thực tập ở Mỹ trong đợt đó phải không?
Đúng thế. Cùng với A. Yakovlev đi thực tập ở Mỹ có nhóm 4 người. Trong số đó có O. Kalugin - một sĩ quan của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB).
O. Kalugin cũng chính là người trong tương lai, trong quá trình “cải tổ”, trên cương vị là sĩ quan cấp tướng của KGB đã trở thành kẻ phản bội trong vai trò là một đặc vụ của cơ quan mật vụ Mỹ.
Chính O. Kalugin, A. Yakovlev và những người “cùng hội” từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc “cải tổ” nhằm mục đích làm tan rã Liên Xô.
Khi công cuộc “cải tổ” của Mikhail Gorbachev lên đến cao trào và lan rộng khắp cả nước, nhiều vết nhơ trong hồ sơ của những kẻ phản bội bắt đầu lộ diện.
Tuy nhiên, nhiều chi tiết quan trọng trong hồ sơ của họ đến nay vẫn chưa được giải mã. Trong đó có những chi tiết về mối liên hệ của A. Yakovlev với tổ chức tình báo Mỹ.
Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ A. Yakovlev là “con chuột chũi” được đặc vụ Mỹ cài cắm vào nội bộ Liên Xô trong thời gian ông thực tập ở Mỹ. KGB yêu cầu xác minh mối quan hệ của A. Yakovlev với đặc vụ Mỹ nhưng chính M. Gorbachev bác bỏ yêu cầu đó.
Còn về giai đoạn A. Yakovlev công tác ở Canada thì sao?
Đây là lần thứ hai gián đoạn công tác đảng của A. Yakovlev. Năm 1973, A. Yakovlev được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Canada và công tác ở đó trong 10 năm.
Trước lần gián đoạn này, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội, từ năm 1960 A. Yakovlev tiếp tục công tác 13 năm trong bộ máy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 7-1965, A. Yakovlev được chính Tổng Bí thư L. Brezhnev ký quyết định bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tuyên truyền của Trung ương.
Trong 4 năm, A. Yakovlev đóng vai trò là người đứng đầu bộ phận phụ trách công tác tư tưởng - lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, do chưa có trưởng ban.
Do đâu A. Yakovlev từ cương vị quan trọng như thế trong Đảng Cộng sản Liên Xô lại bị điều động đi làm Đại sứ ở Canada?
Trong tháng 11-1972, A. Yakovlev cho đăng một bài báo trên Báo Văn học Nga với tựa đề “Chống chủ nghĩa phản lịch sử”. Bài báo này gây ra vụ scandal lớn.
Ý đồ của A. Yakovlev là thông qua bài viết này để xóa “dấu vết A. Shelepin” trong tiểu sử của ông. Thực chất câu chuyện này là sau khi N. Khrushchev bị cách chức vào năm 1964, A. Yakovlev ủng hộ A. Shelepin - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra trung ương - vào cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, chứ không phải L. Brezhnev. Sau vụ scandal này, A. Yakovlev bị điều động đi làm Đại sứ Liên Xô ở Canada.
Phải chăng trong thời gian làm Đại sứ ở Canada, A. Yakovlev lại có dịp tiếp xúc trái phép với tình báo nước ngoài?
Đúng như vậy. Chính trong thời gian A. Yakovlev làm Đại sứ ở Canada, có 17 nhân viên Đại sứ quán Liên Xô bị Chính phủ Canada trục xuất do “hoạt động không phù hợp với tư cách nhà ngoại giao”.
Đáng chú ý là trong thời gian này, năm 1983 M. Gorbachev khi đó trên cương vị Bí thư Ban Chấp hành trung ương Đảng có chuyến thăm Canada và “kết thân” với A. Yakovlev.
Sau đó, do tác động của M. Gorbachev, A. Yakovlev được gọi về Liên Xô và được bố trí vào cương vị Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị thế giới.
Tại đây, A. Yakovlev gửi Ủy ban Trung ương bản đề nghị thành lập doanh nghiệp ở Liên Xô có vốn đầu tư nước ngoài, mở đầu công cuộc “cải tổ” ở Liên Xô.
Sau khi các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Andropov và Chernenko qua đời, M. Gorbachev được bầu làm Tổng Bí thư và ngay lập tức ký quyết định bổ nhiệm A. Yakovlev làm Trưởng Ban Tuyên truyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1986, A. Yakovlev trở thành Bí thư Trung ương Đảng và Ủy viên Bộ Chính trị. Giờ G đã điểm đối với Liên Xô phải không?
Đúng vậy. Thời điểm A. Yakovlev nổi lên trên chính trường Liên Xô trùng với giai đoạn “cải tổ” - giai đoạn ekip A. Yakovlev - M. Gorbachev hiện thực hóa âm mưu phá hoại Liên Xô.
Trên cương vị Trưởng Ban soạn thảo Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô, A. Yakovlev đề nghị sửa đổi Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô để chấp nhận chế độ đa đảng đối lập và đa nguyên chính trị, chính thức xóa bỏ vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với hệ thống chính trị Xô Viết, mở đầu sự tan rã Liên bang Xô Viết./.
Kỳ cuối: Các nhân chứng lịch sử nói về sự phản bội của A. Yakovlev