08/01/2025 | 10:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Oreshnik - vũ khí siêu đẳng làm thay đổi bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Nga - Kỳ 1: Giải mã vũ khí siêu đẳng của Nga

Lê Thế Mẫu
Oreshnik - vũ khí siêu đẳng làm thay đổi bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Nga - Kỳ 1: Giải mã vũ khí siêu đẳng của Nga Tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik của Nga_Ảnh: The Defense News/TTXVN
Đáp trả đòn tấn công của Ukraina bằng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh vào các mục tiêu bố trí sâu trên lãnh thổ của Nga, Moscow “trình làng” một loại vũ khí siêu đẳng mang đầu đạn thông thường nhưng có sức công phá tương đương vũ khí hạt nhân và có thể thay đổi bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Tổng thống Vladimir Putin.

Trong 2 ngày 19 và 21-11-2024, được Washington và London cho phép, Ukraina sử dụng 6 tên lửa tầm xa ATACMS, hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ và tên lửa tầm xa Storm Shadow của Anh tấn công các mục tiêu quân sự của Nga ở khu vực Bryansk và Kursk. 

Trái với dự đoán của phương Tây rằng Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân theo chính sách răn đe hạt nhân vừa được Tổng thống V. Putin phê chuẩn vào ngày 19-11-2024, Nga chỉ sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik mang đầu đạn thông thường tấn công tổ hợp nhà máy quân sự Yuzhmash - một trong những cơ sở hàng đầu thuộc tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraina tại thành phố Dnepropetrovsk.

Yuzhmash là tổ hợp công nghiệp được xây dựng từ thời Xô Viết và đã từng chế tạo 100 tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô và hiện nay vẫn chế tạo tên lửa và các loại vũ khí khác của Ukraina. 

Tại đây, dưới tầng ngầm kiên cố được xây dựng ở độ sâu hàng chục mét có thể chống được bom nguyên tử, Ukraina đang chế tạo tên lửa đường đạn tầm xa mang đầu đạn chứa chất thải phóng xạ, dự kiến sẽ được phóng vào các khu vực đông dân cư trên lãnh thổ của Nga, trong đó có thành phố Moscow. 

Theo dự đoán của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga sẽ đáp trả cuộc tấn công của Ukraina bằng tên lửa hạt nhân chiến thuật. Tuy nhiên, Nga chỉ sử dụng phiên bản tên lửa Oreshnik được lắp đầu đạn thông thường nhưng tác dụng sát thương tương đương vũ khí hạt nhân. 

Vì thế, tên lửa Oreshnik thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo chính trị - quân sự của Mỹ và các nước châu Âu và họ coi đây là loại vũ khí siêu đẳng của Nga. Theo đánh giá của các chuyên kỹ thuật quân sự, tác động công phá đặc biệt của tên lửa Oreshnik phiên bản phi hạt nhân được xác định bởi nhiều yếu tố, gồm tốc độ bay siêu vượt âm, tải trọng, quỹ đạo bay, vật liệu kết cấu công nghệ chế tạo khoang đầu đạn.

Mang đầu đạn TNT có sức công phá như vũ khí hạt nhân

Để thấy rõ yếu tố tốc độ siêu vượt âm của tên lửa Oreshnik, chỉ cần căn cứ vào một công thức đơn giản để tính uy lực của loại vũ khí này. Năng lượng chuyển động (E), còn được gọi là động năng, của một vật thể có khối lượng (M) bay với tốc độ (V) được tính bằng công thức E = 1/2MV2. 

Theo công thức này, khối lượng của một vật và tốc độ chuyển động của nó càng lớn thì động năng của vật thể đó càng lớn. Khoang đầu đạn rỗng của tên lửa Oreshnik (chưa nạp chất nổ TNT) có khối lượng khoảng 1,2 tấn. Khi bay với tốc độ siêu vượt âm 12 mach (nhanh hơn 12 lần tốc độ âm thanh), khoảng 4km/s, động năng của đầu đạn đạt tới khoảng trên 9 tỷ joule (đơn vị đo năng lượng). 

Để so sánh, 1kg thuốc nổ TNT khi được kích nổ sẽ giải phóng năng lượng khoảng 4,2 triệu joule. Như vậy, để tạo ra năng lượng 9 tỷ joule như động năng chuyển động của đầu đạn tên lửa Oreshnik, cần phải kích nổ 2,2 tấn thuốc nổ TNT. Nghĩa là, sức công phá của một đầu đạn tên lửa Oreshnik khi chưa nạp chất nổ tương đương sức công phá của 2,2 tấn TNT khi được kích nổ.

Một tên lửa Oreshnik mang được 6 đầu đạn. Như vậy, một đòn tấn công của tên lửa Oreshnik khi chưa nạp chất nổ có sức công phá bằng 13,2 tấn TNT! Ngoài ra, sức công phá của đầu đạn tên lửa Oreshnik còn có tính định hướng, có tác dụng xuyên thấu qua mặt đất đến độ sâu 100m, được ví như lưỡi dao xuyên qua miếng bơ! Đầu đạn tên lửa Oreshnik được nạp khoảng 300kg thuốc nổ TNT, khi đó sức công phá của nó còn khủng khiếp hơn. 

Đáng chú ý là cơ chế kích nổ đầu đạn tên lửa Oreshnik cũng rất đặc biệt. Theo đó, khối thuốc nổ chỉ được kích nổ sau khi đầu đạn đã xuyên thấu khối bê tông ngầm kiên cố dày tới hàng chục mét. Đầu đạn tên lửa Oreshnik tấn công nhà máy Yuzhmash của Ukraina hoạt động theo cơ chế này: sau khi xuyên qua các tầng bê tông dày tới 40m đầu đạn mới được kích nổ, phá huỷ toàn bộ các công xưởng chế tạo vũ khí của Ukraina bố trí sâu dưới lòng đất.

Nhiệt độ tỏa ra từ vụ nổ đạt tới 4.0000C, biến mọi loại vật liệu được biết đến trên Trái đất này thành tro bụi. Còn một chi tiết kỹ thuật rất đáng chú ý: vật liệu được sử dụng để chế tạo khoang đầu đạn của tên lửa Oreshnik là loại vật liệu siêu cứng, có độ cứng lớn hơn cả kim cương, được chế tạo theo công nghệ siêu liên kết mà chỉ có Nga sở hữu.

Bay theo quỹ đạo đặc biệt

Oreshnik được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể tấn công mục tiêu trong tầm 1.000 - 5.500km. Với tầm xa này, Oreshnik có thể tấn công đáp trả các mục tiêu của NATO trên toàn châu Âu. Gọi là “tên lửa đạn đạo” vì Oreshnik bay theo quỹ đạo như một vật thể được ném tự do trong phần lớn đường bay, được gọi “quỹ đạo đường đạn” hay “đạn đạo”. 

Quỹ đạo của tên lửa đường đạn thường bao gồm 3 giai đoạn chính là chủ động, thụ động và quay trở lại khí quyển để tấn công các mục tiêu trên Trái đất. Trong giai đoạn chủ động, tên lửa chuyển động do tác động của động cơ đẩy để vượt qua tầng khí quyển tới độ cao khoảng 100km. Trong giai đoạn này, do tác động của lực ma sát của khí quyển, vỏ của tên lửa có thể bị nóng lên tới từ hàng trăm đến hàng nghìn độ. 

Trong giai đoạn thụ động, tên lửa bay bên ngoài khí quyển theo lực quán tính. Trong giai đoạn quay trở lại khí quyển để tấn công mục tiêu trên Trái đất, tên lửa chuyển động theo quy luật rơi tự do và có thể được điều khiển tới mục tiêu. Trong giai đoạn cuối này, một số loại tên lửa đạn đạo liên lục địa thường tung ra cả đầu đạn thật lẫn đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống đánh chặn tên lửa đánh chặn của đối phương.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Avangard được Tổng thống Nga V. Putin giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2018 và tên lửa Oreshnik được Nga sử dụng ngày 21-11-2024 thuộc loại vũ khí siêu đẳng do có những tính năng độc nhất vô nhị trên thế giới. Theo thông báo của Tổng thống V. Putin cũng như đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, hiện chưa có quốc gia nào trên thế giới làm chủ được những công nghệ sử dụng trong tên lửa Oreshnik. 

Tính năng độc đáo đầu tiên của tên lửa Oreshnik là không bay theo quỹ đạo thông thường như các tên lửa đạn đạo của các cường quốc hạt nhân khác, mà có thể cơ động trong khi bay. Nếu cơ động trong khí quyển, vỏ tên lửa có thể bị nóng lên tới 2.0000C. Ở nhiệt độ này, các vật liệu siêu bền như thép hay wolfram đều bị bốc hơi! Nga đã chế tạo thành công vật liệu làm vỏ tên lửa không chỉ chịu được nhiệt độ cao mà còn có độ bền và độ tin cậy rất cao.

Được chế tạo theo công nghệ MIRV

Tên lửa Oreshnik của Nga thuộc loại tên lửa đạn đạo mang khoang đầu đạn chứa nhiều đầu đạn độc lập được điều khiển để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, gọi tắt là MIRV. Hiện nay, ngoại trừ Pakistan và Triều Tiên, các cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Anh đã làm chủ được công nghệ MIRV. 

Năm 1968, Mỹ là cường quốc hạt nhân đầu tiên chế tạo thành công và lắp khoang đầu đạn MIRV cho tên lửa đường đạn xuyên lục địa Minuteman III và đưa vào trang bị năm 1970. Minuteman III chứa 3 đầu đạn W62 có sức công phá tương đương khoảng 170 tấn TNT. 

Trước đó, tên lửa Minuteman II chỉ mang 1 đầu đạn W56 có sức công phá tương đương 1.200 tấn TNT. Ý định của Mỹ khi chế tạo tên lửa MIRV là nhằm vượt qua hệ thống đánh chặn tên lửa của Liên Xô đã được đưa vào trang bị để bảo vệ thành phố Moscow. Để đánh chặn tên lửa MIRV của Mỹ, Liên Xô buộc phải xây dựng nhiều hệ thống đánh chặn rất tốn kém.

Trong cuộc chạy đua về công nghẹ MIRV, Mỹ và Liên Xô đều đạt được tiến bộ đáng kể theo hướng giảm thiểu kích thước và trọng lượng, đồng thời tăng độ chính xác của tên lửa đạn đạo. Độ chính xác cao của tên lửa tạo ra khả năng tấn công tiêu diệt các mục tiêu được bảo vệ kiên cố mà không cần sử dụng các đầu đạn có sức công phá cực mạnh có tầm sát thương bao phủ một khu vực rộng lớn. 

Xét từ quan điểm chiến thuật, MIRV là một cơ chế cực kỳ phức tạp và là một trong những cơ chế tiên tiến nhất trong lĩnh vực công nghệ tên lửa. Việc điều khiển một số lượng lớn đầu đạn được phóng ra từ một khoang đầu đạn tấn công vào nhiều mục tiêu cách xa nhau tới hàng trăm ki-lô-mét đòi hỏi độ chính xác rất cao. 

Thí dụ, hệ thống định vị thiên thể AIRS được sử dụng trong công nghệ MIRV của Mỹ bao gồm 19.000 khối chức năng, chi phí để chế tạo mỗi khối trong số đó vào khoảng 300.000 USD vào năm 1989, khoảng gần 5,7 tỷ USD. Công nghệ MIRV thường được ứng dụng để chế tạo tên lửa đạn đạo hạt nhân liên lục địa phóng từ các trận địa kiên cố hoặc di động trên đất liền và từ tàu ngầm hạt nhân.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự phương Tây, tên lửa Oreshnik là phiên bản cải tiến từ một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô. Nhưng theo Tổng thống V. Putin cũng như các chuyên gia kỹ thuật quân sự của Nga, tên lửa Oreshnik không phải là phiên bản hiện đại hóa các hệ thống tên lửa cũ của Liên Xô mà là hệ thống vũ khí được phát triển trong kỷ nguyên Nga, dựa trên cơ sở những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại nhất, mới nhất. 

Cái mới ở đây được thể hiện trên 5 khía cạnh. Thứ nhất, tên lửa Oreshnik có khả năng cơ động trong khi bay. Không có loại tên lửa nào của Liên Xô trước đây hay của Mỹ hiện nay có được tính năng đó. Thứ hai, khả năng bay với tốc độ siêu vượt âm. Thứ ba, đầu đạn thông thường của tên lửa Oreshnik có sức công phá bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật. 

Thứ tư, các đầu đạn được điều khiển có độ chính xác rất cao. Vì thế, khi sử dụng số lượng lớn, theo nhóm và kết hợp với các hệ thống tầm xa có độ chính xác cao khác mà Nga đang sở hữu, hiệu quả sử dụng loại vũ khí này khi công phá các mục tiêu của kẻ thù sẽ tương đương vũ khí hạt nhân chiến lược. Thứ năm, tên lửa Oreshnik của Nga có thể vượt qua mọi hệ thống đánh chặn tên lửa hiện có trên thế giới. Vì thế, Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới có được khả năng răn đe chiến lược phi hạt nhân.

Nga có khả năng sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik

V. Tonkoshkurov - Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Nga - cho biết: “tổ hợp tên lửa Oreshnik được chế tạo trong thời gian ngắn nhất và sử dụng các thành tựu công nghệ của Nga, đồng thời giải quyết thành công vấn đề thay thế nhập khẩu. Các cơ sở khoa học và sản xuất của Nga cho phép tổ chức sản xuất hàng loạt loại vũ khí này”. Trên cơ sở này, Nga sẽ hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược lên mức trên 95%”.

Yu. Borisov - Tổng Giám đốc Tập đoàn Roskosmos của Nga - khẳng định: “ngành công nghiệp quân sự của Nga có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của Bộ quốc phòng. Tiềm lực thiết kế, công nghệ, sản xuất và nhân lực cho phép Nga ta tạo ra những sản phẩm có đặc tính độc đáo không nơi nào sánh được trên toàn thế giới”.

Theo Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ký giữa Mỹ và Liên Xô năm 1988 mà Nga được kế thừa, hai bên cam kết sẽ hủy bỏ hoàn toàn loại vũ khí này và không phát triển thế hệ vũ khí mới. Nhưng từ năm 2019 Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước này và triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu. 

Do đó, Nga có quyền phát triển tên lửa tầm trung để đáp trả hành động của Mỹ. Tên lửa Oreshnik được Nga phát triển trong bối cảnh đó. Theo Tổng thống V. Putin, Nga có khả năng sản xuất tên lửa Oreshnik với công suất gấp 10 lần tổng công suất của các nước NATO trong việc chế tạo tên lửa tầm trung./.

Kỳ II: Chính sách răn đe hạt nhân của Nga và vai trò của tên lửa phi hạt nhân Oreshnik

Chủ đề: Oreshnik
22 December 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau