07/01/2025 | 03:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Oreshnik - vũ khí siêu đẳng làm thay đổi bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Nga - Kỳ cuối: Tên lửa Oreshnik thay đổi căn bản cách thức răn đe hạt nhân

Lê Thế Mẫu
Oreshnik - vũ khí siêu đẳng làm thay đổi bản chất chính sách răn đe hạt nhân của Nga - Kỳ cuối: Tên lửa Oreshnik thay đổi căn bản cách thức răn đe hạt nhân Tổng thống V. Putin và người đồng cấp Belarus A. Lukashenko ký hiệp ước bảo đảm an ninh chung tại Minsk, Belarus, ngày 6-12-2024_Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 19-11-2024, đúng ngày Ukraina sử dụng 6 tên lửa tầm xa ATACMS và hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS của Mỹ tấn công các mục tiêu nằm sâu trên lãnh thổ Nga, Tổng thống V. Putin phê chuẩn chính sách răn đe hạt nhân. Trong đó đề ra những nguyên tắc cơ bản và quan điểm chính thức của Moscow về răn đe hạt nhân, xác định các mối đe dọa tiềm tàng và nguy cơ chiến tranh mà Nga có thể vô hiệu hóa bằng các biện pháp răn đe hạt nhân, xác định các điều kiện và tình huống buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

Những nguyên tắc cơ bản của chính sách răn đe hạt nhân của Nga

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga là tập hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kỹ thuật - quân sự, ngoại giao, kinh tế, thông tin và các biện pháp khác được phối hợp thống nhất theo một kế hoạch chung do các lực lượng và phương tiện hạt nhân thực hiện để ngăn chặn hành động gây chiến tranh xâm lược chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga.

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga mang tính chất phòng thủ thuần túy để duy trì tiềm lực của lực lượng hạt nhân ở mức đủ để bảo đảm răn đe các đối phương tiềm tàng nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, ngăn chặn các hành động xâm lược chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Liên bang Nga. 

Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, chính sách răn đe hạt nhân của Nga nhằm ngăn chặn hành động leo thang và chấm dứt xung đột theo các điều kiện được Liên bang Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga.

Liên bang Nga coi vũ khí hạt nhân là phương tiện răn đe và chỉ được sử dụng như một biện pháp cực đoan và bắt buộc để giảm thiểu nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, ngăn chặn tình trạng xuống cấp quan hệ giữa các quốc gia có thể dẫn tới xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân.

Cơ sở pháp lý của chính sách răn đe hạt nhân của Nga là Hiến pháp Liên bang Nga, các nguyên tắc và chuẩn mực luật pháp quốc tế chung đã được thừa nhận, các hiệp ước quốc tế mà Liên bang Nga đã ký kết, các luật dựa trên cơ sở Hiến pháp Liên bang và các văn kiện quy phạm pháp luật khác quy định các vấn đề quốc phòng và an ninh.

Tất cả các cơ quan của Chính phủ Liên bang, các cơ quan chính phủ và các tổ chức có liên quan đến việc bảo đảm răn đe hạt nhân có nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện chính sách răn đe hạt nhân. Chính sách răn đe hạt nhân có thể được cập nhật tùy thuộc vào các yếu tố bên ngoài, bên trong tác động tới quốc phòng.

Chính sách răn đe hạt nhân của Nga được thực hiện theo nhiều nguyên tắc, bao gồm: 

(i) Duy trì liên tục các biện pháp bảo đảm răn đe hạt nhân; 

(ii) Khả năng răn đe hạt nhân phải thích ứng với các nguy cơ và mối đe dọa chiến tranh xâm lược; 

(iii) Bất định về quy mô, thời gian và địa điểm sử dụng các lực lượng và phương tiện răn đe hạt nhân đối với kẻ thù tiềm tàng;

(iv) Tập trung quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan hành pháp liên bang và các tổ chức liên quan đến việc bảo đảm răn đe hạt nhân; 

(v) Tối ưu hóa và duy trì cơ cấu và thành phần của lực lượng và phương tiện răn đe hạt nhân ở mức đủ để đáp trả kẻ thù tiềm tàng; 

(vi) Nga tập trung quản lý việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả những vũ khí nằm ngoài lãnh thổ của Liên bang Nga.Bản chất của răn đe hạt nhân

Nga thực hiện biện pháp răn đe hạt nhân chống lại kẻ thù tiềm tàng, bao gồm: các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân và (hoặc) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; các quốc gia cho phép các quốc gia khác sử dụng lãnh thổ, không gian trên không và (hoặc) không gian trên biển và các nguồn tài nguyên khác để chuẩn bị và thực hiện hành động xâm lược Liên bang Nga. 

Hành vi xâm lược của bất kỳ quốc gia nào là thành viên của liên minh quân sự chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga đều bị coi là hành vi xâm lược của toàn bộ liên minh đó. Bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc được hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân xâm lược chống Nga và (hoặc) các quốc gia đồng minh của Nga được coi là cuộc tấn công chung của họ chống Nga. 

Biện pháp răn đe hạt nhân của Nga nhằm chứng tỏ cho kẻ thù tiềm tàng hiểu rằng, họ tất yếu sẽ bị đáp trả đích đáng một khi họ có hành động xâm lược Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga.

Khả năng răn đe hạt nhân của Nga được bảo đảm bằng các lực lượng vũ trang Nga cùng các lực lượng và phương tiện khác sẵn sàng chiến đấu và có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với kẻ thù tiềm tàng của Nga trong mọi tình huống. 

Răn đe hạt nhân được thực hiện liên tục trong thời bình, trong thời kỳ Nga đứng trước nguy cơ bị xâm lược và trong thời chiến trước khi Nga bắt đầu sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tùy thuộc vào những thay đổi tình hình chính trị - quân sự và chiến lược, các nguy cơ quân sự chủ yếu có thể chuyển hóa thành nguy cơ chiến tranh xâm lược và buộc Nga phải sử dụng các biện pháp răn đe hạt nhân. Các nguy cơ đó bao gồm: 

(i) Kẻ thù tiềm tàng sở hữu vũ khí hạt nhân và (hoặc) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác có thể được sử dụng để chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga; 

(ii) Kẻ thù tiềm năng sở hữu các hệ thống và phương tiện phòng thủ tên lửa, tên lửa hành trình và đạn đạo tầm trung và ngắn, vũ khí phi hạt nhân và siêu vượt âm có độ chính xác cao, các phương tiện không người lái tấn công được bố trí theo nhiều cách thức khác nhau và vũ khí năng lượng định hướng có thể được sử dụng để chống lại Nga; 

(iii) Kẻ thù tiềm tàng triển khai các lực lượng thông thường được trang bị vũ khí hạt nhân và (hoặc) xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở các vùng lãnh thổ tiếp giáp với Nga và các đồng minh của Nga cũng như tại các vùng biển lân cận để chống lại Nga; 

(iv) Kẻ thù tiềm tàng triển khai các hệ thống phòng thủ chống tên lửa và chống vệ tinh cũng như các hệ thống tấn công trong vũ trụ; 

(v) Trên lãnh thổ các quốc gia phi hạt nhân bố trí vũ khí hạt nhân cũng như các phương tiện vận chuyển vũ khí hạt nhân; 

(vi) Việc thành lập mới hoặc mở rộng các liên minh quân sự hiện có, đồng thời đưa cơ sở hạ tầng quân sự của họ áp sát biên giới Nga; 

(vii) Kẻ thù tiềm tàng hành động nhằm cô lập một phần lãnh thổ Nga, hoặc ngăn chặn Nga tiếp cận các tuyến giao thông vận tải quan trọng; 

(viii) Kẻ thù tiềm tàng phá hoại các công trình của Nga có thể gây ra thảm họa đối với môi trưởng sinh thái hoặc xã hội; 

(ix) Kẻ thù tiềm tàng lập kế hoạch và tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới Nga; 

(x) Hoạt động phổ biến không kiểm soát các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các tình huống buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân

Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và (hoặc) các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga, cũng như để đáp trả hành động xâm lược bằng vũ khí thông thường đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và (hoặc) toàn vẹn lãnh thổ của Nga và (hoặc) Cộng hòa Belarus với tư cách là thành viên nhà nước liên minh.

Các tình huống buộc Nga phải sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm: 

(i) Nhận được thông tin đáng tin cậy về tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga; 

(ii) Kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tấn công lãnh thổ Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga, các đơn vị quân đội và (hoặc) các công trình của Nga nằm bên ngoài lãnh thổ của Liên bang Nga; 

(iii) Kẻ thù tấn công phá hoại các cơ sở quân sự hoặc nhà nước quan trọng của Nga có thể làm gián đoạn hành động đáp trả của lực lượng hạt nhân; 

(iv) Hành động xâm lược Nga và (hoặc) Cộng hòa Belarus bằng vũ khí thông thường tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và (hoặc) toàn vẹn lãnh thổ của Nga và Belarus; 

(v) Nga nhận được thông tin đáng tin cậy về hành động phóng (cất cánh) của các phương tiện tấn công đường không - vũ trụ (máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, khí tài siêu vượt âm và các khí tài bay khác) và khi các phương tiện đó vượt qua biên giới Liên bang Nga.

Tác động của tên lửa Oreshnik làm thay đổi phương thức răn đe hạt nhân của Nga

Với tính năng chiến đấu, kỹ thuật siêu đẳng như độ chính xác cao, mang đầu đạn phi hạt nhân có khả năng công phá các mục tiêu kiên cố nhất ngay cả khi được bố trí sâu dưới lòng đất, không bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có và trong tương lai gần, có tầm bắn có thể bao quát toàn bộ lãnh thổ châu Âu, tên lửa Oreshnik tạo ra khả năng răn đe hoàn toàn mới của Nga. Đó là răn đe phi hạt nhân. 

Theo Tổng thống V. Putin, nếu Ukraina tiếp tục sử dụng vũ khí tầm xa của NATO tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, Moscow sẽ sử dụng tên lửa Oreshnik tấn công các trung tâm ra quyết định ở Kiev. 

Nếu NATO vẫn tiếp tục leo thang chiến tranh, không loại trừ khả năng, Nga sẽ sử dụng tên lửa Oreshnik tấn công các mục tiêu quân sự ở châu Âu của quốc gia thành viên NATO nào cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraina để tấn công Nga. 

Hành động đáp trả của Nga bằng tên lửa Oreshnik mang đầu đạn thông thường đủ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được của đối phương nhưng hoàn toàn không gây ô nhiễm phóng xạ đối với môi trường. 

Sắp tới, Nga có thể áp dụng công nghệ chế tạo tên lửa Oreshnik để chế tạo tên lửa đường đạn liên lục địa có tầm bao quát toàn cầu. Như vậy, lần đầu tiên, tên lửa Oreshnik đã hiện thực hóa khái niệm răn đe hạt nhân của Nga mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân./.

Chủ đề: Oreshnik
2 January 2025
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 3 Sau