Giải mã bí mật công nghệ siêu đẳng của động cơ lượng tử - Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
Lê Thế MẫuVladimir Semenovich, trên blog cá nhân của ông có đăng tải video ghi lại hình ảnh một cỗ máy được lắp động cơ lượng tử di chuyển theo phương nằm ngang không có bánh xe và hệ thống truyền động và dường như có nội lực tác động từ bên trong. Có nhiều người hoài nghi kết quả cuộc thử nghiệm này của ông vì cho rằng thiết bị của ông di chuyển trong điều kiện trọng lực bị triệt tiêu?
Để xóa bỏ sự hoài nghi của một số người về kết quả thử nghiệm năm 2009, trong tháng 6-2014 chúng tôi cải tiến động cơ lượng tử và thử nghiệm thành cỗ máy có khả năng cất cánh thẳng đứng cũng không có bánh xe và hệ thống truyền động.
Với khối lượng 54kg, động cơ lượng tử tạo xung lực đẩy theo hướng thẳng đứng đạt tới 500-700kg - lực với mức tiêu thụ điện năng chỉ là 1kW. Cuộc thử nghiệm này chứng minh một cách thuyết phục rằng có thể triệt tiêu lực hấp dẫn, đồng thời chứng minh Thuyết siêu liên kết trong thực tế.
Xin ông nêu đặc điểm so sánh giữa động cơ lượng tử và động cơ tên lửa hiện đại?
Dựa trên kết quả thử nghiệm, có thể nêu một số đặc tính của động cơ lượng tử và so sánh với động cơ tên lửa. Động cơ tên lửa hiện đại với công suất 1kW tạo ra xung lực đẩy 0,1kg-lực. Động cơ lượng tử trong cuộc thử nghiệm năm 2014 với công suất 1kW đã tạo ra xung lực đẩy 500kg-lực.
Như vậy, động cơ lượng tử có hiệu suất hữu dụng lớn gấp 5.000 lần so với động cơ tên lửa! Ngoài ra, ưu điểm vượt trội của động cơ lượng tử là không làm nóng bầu khí quyển và không gian vũ trụ như động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu hóa học do động cơ lượng tử sử dụng năng lượng từ phản ứng tổng hợp hạt nhân lạnh.
Như vậy, rõ ràng là động cơ lượng tử tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ chế tạo động cơ. Vậy động cơ lượng tử sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp vũ trụ?
Ngày nay, công nghệ ứng dụng động cơ phản lực trong lĩnh vực du hành vũ trụ đã đạt đến giới hạn kỹ thuật. Trong hơn 50 năm, thời khoảng của xung lực trong động cơ phản lực chỉ tăng từ 220 giây của tên lửa V-2 (Đức) lên 450 giây của tên lửa đẩy Proton (Mỹ).
Trong khi đó, thời khoảng của xung lực trong động cơ lượng tử là hằng năm! Ngoài ra, tên lửa lắp động cơ phản lực hiện đại nhất nặng 100 tấn chỉ mang được tối đa 5 tấn (5%) trọng tải có ích. Trong khi đó, tên lửa nặng 100 tấn được lắp động cơ lượng tử mang được tải trọng hữu ích 90 tấn, đạt hiệu suất 90% so với 5% động cơ tên lửa truyền thống.
Vậy, nếu sử dụng để du hành trong vũ trụ, tốc độ của tàu vũ trụ sử dụng động cơ lượng tử sẽ như thế nào?
Tốc độ tối đa của tàu vũ trụ sử dụng động cơ lượng tử có thể đạt tới 1.000km/s so với 18km/s của tàu vũ trụ sử dụng động cơ phản lực. Do đó, chuyến bay tới sao Hỏa trên tàu vũ trụ được lắp động cơ lượng tử sẽ chỉ mất 42 giờ, tới Mặt trăng chỉ 3,6 giờ. Như vậy, động cơ lượng tử sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong công nghệ vũ trụ.
Ông dự định sử dụng nguồn năng lượng nào để cung cấp năng lượng cho động cơ lượng tử?
Nguồn năng lượng hứa hẹn nhất để vận hành động cơ lượng tử là lò phản ứng tổng hợp hạt nhân lạnh (CNF) theo sơ đồ của kỹ sư người Italia Andrea Rossi sử dụng nguyên liệu niken. Hiệu suất năng lượng sử dụng nguyên liệu trong lò phản ứng CNF lớn gấp hàng triệu lần so với sử dụng nhiên liệu hóa học.
Theo đó, 1kg niken sử dụng trong CNF giải phóng năng lượng tương đương 1 triệu lít xăng. Người Nga cũng đã làm chủ được công nghệ tổng hợp hạt nhân lạnh. Năng lượng tổng hợp nhiệt hạch lạnh có thể ứng dụng để chế tạo động cơ vạn năng có khả năng hoạt động đồng thời trong không gian, trong khí quyển, trên Trái đất và dưới nước. Máy bay chở khách sử dụng động cơ lượng tử có thể bay ở độ cao 50 - 100km và có thể bay với tốc độ siêu vượt âm, bay từ Moscow đến New York chỉ trong 1 giờ.
Với máy bay thì động cơ lượng tử thực sự là điều kỳ diệu. Còn với ô tô thì sao thưa ông?
Trước hết cần nhận thấy rằng động cơ lượng tử hoàn toàn không phải là khoa học viễn tưởng. Những gì mà khoa học và công nghệ đạt được như hiện nay cách đây 100 năm cũng từng bị coi là khoa học viễn tưởng, khi công nghệ chế tạo máy bay và ô tô chỉ mới ở giai đoạn khái niệm.
Điều gì sẽ xảy ra trong 100 năm tới? Ô tô được lắp động cơ lượng tử chỉ sử dụng 1kg niken cho lò phản ứng tổng hợp hạt nhân lạnh có thể chạy qua quãng đường 10 triệu ki-lô-mét mà không cần tiếp nhiên liệu. Sẽ ra đời những chiếc ô tô bay có khả năng lặn dưới nước và bay trên không!
Ông đã phác họa bức tranh lý tưởng về tương lai. Nhưng ai sẽ cho phép thực hiện những điều này? Các tập đoàn xuyên quốc gia kinh doanh xăng dầu sẽ không cho phép điều này xảy ra. Cần nhớ rằng, 50% ngân sách của Nga trong điều kiện bị phương Tây trừng phạt được lấp đầy từ xuất khẩu dầu khí cơ mà?
Cần nhớ rằng các phương tiện chạy và bay lúc này đều có từ thế kỷ trước. Hãy tin tôi, thời gian sẽ trôi qua và các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ chạy đua để làm chủ công nghệ sản xuất ô tô và máy bay sử dụng động cơ lượng tử. Đây là quy tắc kinh doanh thành công và rất nghiêm ngặt. Ai đi chậm sẽ bị phá sản.
Còn nước Nga không có con đường phát triển nào khác ngoài con đường tiến bộ khoa học và công nghệ. Không có gì là bí mật trong câu chuyện nền kinh tế dựa vào tài nguyên của Nga rất dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Lúc này chúng ta phải “cảm ơn” phương Tây vì các lệnh trừng phạt của họ đã “thức tỉnh” nước Nga. Đặng Tiểu Bình cải cách mở cửa Trung Quốc khi ông đã 74 tuổi trong điều kiện nền kinh tế đất nước ông đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất, còn Vladimir Putin cải cách kinh tế Nga khi ông chỉ mới 62 tuổi với xuất phát điểm vượt xa Trung Quốc.
Theo những gì chúng tôi biết, ông đã nghiên cứu lý thuyết siêu liên kết, động cơ lượng tử và lò phản ứng tổng hợp nhiệt hạch lạnh trong suốt 20 năm. Nhưng hóa ra nhà khoa học Italia Andrea Rossi lại là người đầu tiên khởi động lò phản ứng nhiệt hạch lạnh. Mỹ và Trung Quốc cũng đang chạy đua trong việc chế tạo ra động cơ lượng tử. Liệu chúng ta có chậm chân hơn họ không và ai ở Nga đang cản trở sự phát triển công nghệ vũ trụ và động cơ lượng tử?
Có vẻ là nghịch lý, những người đi đầu phản đối công nghệ tổng hợp nhiệt hạch lạnh và nghiên cứu động cơ lượng tử là một số thành viên của ban lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học Nga, đúng hơn là các thành viên của Ủy ban chống giả khoa học của Viện này.
Họ tuyên bố rằng phản ứng tổng hợp nhiệt hạch lạnh và động cơ lượng tử là “giả khoa học”. Không khó để chứng minh rằng Ủy ban chống giả khoa học là một dự án đặc biệt nhận được đầu tư từ bên ngoài để cản trở sự phát triển khoa học cơ bản của Nga.
Thật may mắn cho chúng ta, các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học hạt nhân đã không bỏ cuộc và tiếp tục “nghiên cứu chui”. Họ đã tổ chức được 22 hội nghị thường niên về tổng hợp nhiệt hạch lạnh theo sáng kiến của Yury Bazhutov - một trong những chuyên gia hàng đầu về khoa học hạt nhân của Liên Xô/Nga.
Nhà khoa học người Nga Alexander Parkhomov đã thử nghiệm thành công công nghệ tổng hợp nhiệt hạch lạnh. Khác với các nhà khoa học ở phương Tây sử dụng hạt nikel dạng nano, Alexander Parkhomov sử dụng niken dạng bột thông thường nên chi phí rất thấp và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cảm ơn ông rất nhiều. Hãy hy vọng rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ là động lực thực sự thúc đẩy sự phát triển khoa học ở Nga, trước hết trong các lĩnh vực cần được ưu tiên đầu tư.
Ngày 3-3-2019, tại thành phố Zhukovka, tỉnh Bryansk, một cuộc thử nghiệm động cơ lượng tử KvD-1 đã thành công tốt đẹp. Cuộc thử nghiệm này chứng minh Thuyết siêu liên kết của Vladimir Leonov là đúng, Trước khi người Nga tiến hành cuộc thử nghiệm này, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khởi động công trình nghiên cứu động cơ lượng tử.
Tiến sĩ V. Leonov được cấp bằng sáng chế về động cơ lượng tử, trong đó có bằng sáng chế RF số 2201625 “Phương pháp thu năng lượng mới và lò phản ứng để thực hiện”; bằng sáng chế RF số 2185526 “Phương pháp tạo lực đẩy trong chân không và động cơ sử dụng năng lượng của trường hấp dẫn dùng cho tàu vũ trụ; bằng sáng chế RF số 2184384 “Phương pháp tạo và nhận sóng hấp dẫn và thiết bị vận hành”.
Theo ông, Thuyết siêu liên kết mở đường cho sự phát triển một nền văn minh mới với những nhận thức mới về vũ trụ. Tất các các phương tiện giao thông truyền thống đang chạy trên đường, đi dưới nước, bay trên không và trong vũ trụ sẽ trở thành quá khứ và sẽ được thay thế bằng những phương tiện mới căn bản được vận hành bởi động cơ lượng tử khai thác nguồn năng lượng gần như vô tận của các lượng tử không-thời gian. Các công nghệ mới dựa trên cơ sở thuyết siêu liên kết sẽ tạo ra nguồn năng lượng vô tận cho nhân loại trong tương lai.
Tàu vũ trụ thế hệ mới chạy bằng động cơ lượng tử sẽ đưa con người thực hiện các chuyến thám hiểm tới sao Hỏa chỉ trong vòng 42 giờ thay vì 6 tháng như hiện nay. Theo V. Leonov, để đẩy mạnh triển khai ứng dụng Thuyết siêu liên kết, Nga cần thực hiện dự án quốc gia tương tự như dự án nghiên cứu ứng dụng năng lượng hạt nhân và chế tạo bom nguyên tử dưới sự lãnh đạo trực tiếp của J. Stalin sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo Tiến sĩ V. Leonov, một cỗ máy phát các chùm lượng tử sóng hấp dẫn grazer có công suất cực mạnh bố trí trên vũ trụ có thể vô hiệu hóa tất cả các loại vũ khí bố trí trên Trái đất, mở ra kỷ nguyên giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân./.