Sứ mệnh lịch sử của 3 Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Dân chủ - Kỳ VII: Ukraina - tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp
Lê Thế Mẫu
Sau hơn 2 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraina, giới lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi đây là “cuộc chiến tranh Ukraina”, còn Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhận định, nước Nga đang ở trong tình trạng chiến tranh với toàn bộ phương Tây do Mỹ đứng đầu.
Cả Tổng thống V. Putin, giới lãnh đạo NATO và ông D. Peskov đều đúng ở một điểm: trên thực tế, Ukraina đã trở thành tâm điểm cuộc chiến tranh toàn diện của Mỹ đứng đầu phương Tây chống phá Nga. Giới phân tích chính trị - quân sự quốc tế gọi đây là “chiến tranh thế giới phức hợp” có thể leo thang thành Chiến tranh thế giới lần thứ ba nếu NATO đưa quân vào tham chiến.
Quan điểm của chính quyền Kiev coi cuộc chiến Ukraina là cuộc chiến tranh phức hợp do Nga tiến hành chống Ukraina và phương Tây không đúng với bản chất của cuộc chiến này.
Về khái niệm “chiến tranh phức hợp”, có thể hiểu đây là một loại hình chiến tranh mới mà trong đó các bên sử dụng chủ yếu là các phương thức tác chiến phi truyền thống như chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin, chiến tranh tâm lý - tư tưởng, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh phá hoại ngầm, chiến tranh không gian mạng và trong một số trường hợp có thể có cả chiến tranh nóng theo phương thức “chiến tranh ủy nhiệm” hoặc “chiến tranh qua tay người khác” hay là “chiến tranh dưới ngọn cờ của quốc gia khác”.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ VII tháng 4-2018 ở Moscow, Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Greminger từng đề cập tới hiểm họa chiến tranh phức hợp trên phạm vi thế giới có thể được gọi là chiến tranh thế giới phức hợp trong thế kỷ XXI, trong đó các ranh giới giữa tình trạng hòa bình và chiến tranh đã bị xóa nhòa và hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp đã sụp đổ; hoạt động thương mại, làn sóng di cư, thông tin, không gian mạng, chủ nghĩa khủng bố, ma túy và tội phạm có tổ chức đang trở thành vũ khí chiến tranh; những kẻ gây chiến luôn lẩn trốn trong bóng tối rất khó xác định và rất ít khi xuất đầu lộ diện.
Trong điều kiện chiến tranh thế giới phức hợp, rất khó phân biệt giữa sự thật và sự dối trá, với hậu quả dẫn đến tính trạng khó lường, khó kiểm soát và bất ổn, tạo ra tình trạng ngờ vực và mất lòng tin.
Hiện nay, chiến tranh thế giới phức hợp trở thành chủ đề quan tâm của Liên hợp quốc và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để đề ra các biện pháp đối phó. Chiến tranh thế giới phức hợp là tất yếu trong điều kiện các cường quốc cạnh tranh khốc liệt nhưng không thể leo thang tới cấp độ chiến tranh thế giới, bởi họ sở hữu vũ khí hạt nhân hoàn toàn có khả năng hủy diệt lẫn nhau.
Sergey Glazyev - cựu cố vấn của Tổng thống Putin - cho rằng, kể từ khi Liên Xô tan rã, trên thực tế Nga từng phải đối phó với cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Mỹ với toan tính không để cho Liên bang Nga phát triển như một quốc gia có chủ quyền, tiến tới làm tan rã nước Nga bởi Nga là cản trở lớn nhất đối với tham vọng của Mỹ duy trì trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh do Washington hoàn toàn chi phối. Cuộc chiến này diễn ra trên nhiều mặt trận.
Trên mặt trận kinh tế, Mỹ thúc đẩy ban lãnh đạo Nga trong những năm cầm quyền của Tổng thống Yeltsin thực thi cái gọi là “liệu pháp sốc” để giành quyền kiểm soát các lĩnh vực then chốt của Nga trong quá trình tư nhân hóa ồ ạt và không giới hạn. Kết quả của “liệu pháp sốc” là nền kinh tế Nga thuộc quyền kiểm soát của các tập đoàn tài phiệt ở bên ngoài và các nhà tư bản mới của Nga phục vụ lợi ích của Mỹ và phương Tây.
Trên mặt trận quân sự, Mỹ tiếp tục mở rộng NATO và đưa căn cứ quân sự áp sát biên giới Nga; đơn phương rút khỏi Hiệp ước Xô - Mỹ về phòng thủ tên lửa để xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa ở châu Âu và Đông Bắc Á; gây ra cuộc chiến tranh ly khai ở Cộng hòa Chechnya trong những năm 90 của thế kỷ XX để tách nước này ra khỏi Nga; thúc đẩy Gruzia gây chiến tranh với Nga trong năm 2008; đối đầu với Nga trong cuộc chiến ở Syria; ngăn cản Nga hợp tiếp cận thị trường vũ khí quốc tế.
Trên mặt trận chính trị, Mỹ và phương Tây sử dụng các tổ chức phi chính phủ để kiểm soát hệ thống chính trị của Nga, đẩy xã hội Nga tới chỗ tôn thờ các giá trị giả tạo về “dân chủ”, “nhân quyền”; tiến hành các cuộc “cách mạng màu” để đẩy các nước cộng hòa trong không gian hậu Xô Viết tách ra khỏi ảnh hưởng của Nga; nuôi dưỡng các lực lượng đối lập thành “đội quân thứ năm” chống lại Điện Kremlin; tiến hành chiến dịch bài Nga rộng lớn trên phạm vi quốc tế và chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Chiến tranh thế giới thứ hai theo hướng coi Liên Xô là “quốc gia xâm lược châu Âu” để từ đó cáo buộc Nga là “quốc gia xâm lược”; tiến hành cuộc chiến tranh ma túy từ Afghanistan để làm băng hoại thế hệ trẻ Nga; tiến hành cuộc chiến tranh khủng bố từ các nước Trung Á nhằm vào Nga...
Về cơ bản, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, bước đầu nước Nga đã đối phó thành công cuộc chiến tranh thế giới phức hợp do Mỹ đứng đầu phương Tây tiến hành, đưa nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện sau khi Liên Xô tan rã và phát triển hành một cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới.
Trong giai đoạn mới của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp chống phá Nga, Mỹ chọn Ukraina là trọng điểm xuất phát từ tư duy địa - chính trị của các thế lực cầm quyền ở phương Tây cho rằng để làm tan rã nước Nga, cần phải biến Ukraina thành quốc gia thù địch với Nga.
Trong cuộc chiến này, kịch bản Chiến tranh thế giới thứ hai đang được lặp lại ở Ukraina. Trước đây, trong thế kỷ XX, giới tài phiệt Mỹ đầu tư toàn diện cho bộ máy quân sự của Đức quốc xã, thúc đẩy Adolf Hitler phát động Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm tiêu diệt Liên Xô.
Kế hoạch này thất bại, buộc Mỹ phải nhảy vào tham chiến nhằm không để Liên Xô kiểm soát toàn bộ châu Âu sau khi phát xít Đức bị đánh bại. Hiện nay, Mỹ đứng đằng sau đạo diễn cuộc đảo chính trong tháng 2-2014 để dựng lên ở Kiev chính quyền tân phát xít, hoặc tân quốc xã và sử dụng lực lượng này tiến hành “cuộc chiến tranh ủy nhiệm” chống Nga đến người Ukraina cuối cùng.
Theo các tài liệu được giải mật, quá trình phát xít hóa Ukraina được khởi động không lâu sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ năm 1953, Mỹ bắt đầu đưa các lực lượng dân tộc cực đoan của Ukraina từng chiến đấu trong hàng ngũ phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai chống lại Hồng quân Liên Xô trở về nước.
Sau khi Ukraina tuyên bố độc lập vào năm 1991, Mỹ công khai xúc tiến chương trình phát xít hóa Ukraina. Chính lực lượng tân phát xít đã từng đóng vai trò then chốt trong cuộc “cách mạng cam” ở Ukraina năm 2003 để đưa nhân vật Yushenko thân Mỹ lên cầm quyền.
Sau cuộc đảo chính năm 2014, Tổng thống Ukraina P. Poroshenko bổ nhiệm nhiều thành viên của các tổ chức tân phát xít vào các cương vị chủ chốt trong chính quyền Kiev. Trong đó, Yatsenyuk - Thủ tướng Chính phủ - tuyên bố coi người Nga và người Ukraina gốc Nga ở Donbass là “rác sinh học” cần phải bị tiêu diệt. Về sau, chủ trương diệt chủng người Nga đã trở thành quốc sách của chính quyền Kiev.
Chính vì thế, trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 12-2022 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc để thông qua dự thảo nghị quyết do Nga và 30 quốc gia khác là đồng tác giả về việc cấm phục hồi chủ nghĩa phát xít, Mỹ và 50 quốc gia khác, gồm chủ yếu là các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu chống.
Đến nay, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở đã trở thành tâm điểm cuộc chiến tranh thế giới phức hợp do Mỹ đứng đầu phương Tây chống phá Nga căn cứ vào 3 tiêu chí: mục tiêu của cuộc chiến, lực lượng tham chiến và phương thức tác chiến.
Về mục tiêu của cuộc chiến, lãnh đạo của Mỹ và NATO công khai tuyên bố sẽ buộc Nga phải chịu “thất bại chiến lược”, nghĩa là làm cho nước Nga tan rã và tiến tới xóa sổ vĩnh viễn nước Nga khỏi bản đồ thế giới. Còn với Nga, cuộc chiến Ukraina sẽ chấm dứt sự thống trị thế giới của Mỹ và sẽ dẫn tới trật tự thế giới đa cực.
Theo Tổng thống V. Putin, trật tự thế giới đa cực là trật tự mà trong đó tất cả các quốc gia dù mạnh hay yếu, lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, đều phải được tôn trọng, cùng nhau hợp tác cùng có lợi, không can thiệp vào chủ quyền của nhau trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc. Như vậy, Ukraina là tâm điểm của cuộc chiến giữa hai trật tự thế giới và có ý nghĩa toàn cầu.
Về các bên tham chiến, so với số quốc gia tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất khoảng 20, trong Chiến tranh thế giới thứ hai khoảng 30, tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới phức hợp hiện nay về phía Mỹ có ít nhất có 50 quốc gia, bao gồm các quốc gia thành viên NATO và các thành viên EU cùng một số đồng minh và đối tác của Mỹ ở châu Á.
Về phía Nga, tuy số quốc gia chính thức ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt chỉ có 5 thành viên, nhưng đa số các quốc gia trên thế giới không tham gia các biện pháp cấm vận Nga, trước hết là 2 cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ cùng hầu hết các nước châu Phi - Trung Đông và Mỹ Latin.
Về phương thức tác chiến, Mỹ đứng đầu NATO cung cấp cho Ukraina tin tức tình báo, đội quân đánh thuê, cố vấn quân sự, đào tạo nhân lực, viện trợ vũ khí cho Ukraina. Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ và các đồng minh và đối tác áp đặt gần 19.000 biện pháp cấm vận “địa ngục” với toan tính làm sụp đổ nền kinh tế - xã hội và chính trị của Nga.
Trong lĩnh vực ngoại giao, Mỹ đứng đầu phương Tây thao túng diễn đàn Liên hợp quốc để cô lập Nga; trục xuất 600 nhà ngoại giao Nga, gây khó khăn nghiêm trọng đối với hoạt động đối ngoại của Moscow. Trong lĩnh vực thông tin, chỉ tính trong năm 2023, Mỹ và NATO tiến hành gần 200.000 cuộc tấn công tin tặc nhằm vào Nga.
Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, Mỹ và phương Tây ra sức tẩy chay văn hóa Nga, cấm sử dụng tiếng Nga, cấm các vận động viên của Nga tham dự các lễ hội thể thao quốc tế.../.
(còn nữa)