15/07/2025 | 02:01 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vũ khí công nghệ - “bóng ma” ngày càng lớn

Gia Ngọc
Vũ khí công nghệ - “bóng ma” ngày càng lớn Binh sĩ Ukraina điều khiển UAV tại một địa điểm ở khu vực Kharkiv, ngày 22-4-2025_Ảnh: Reuters
Vũ khí công nghệ cao từng được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt những nạn nhân vô tội, nhờ khả năng tấn công chính xác được quảng cáo là đến từng mét vuông trên Trái đất. Thế nhưng thực tế lại khác xa những gì thông tin.

Drone: Từ trinh sát đến sát thương dân thường

Trong cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina, Nga và Ukraina bên đều tận dụng tối đa sức mạnh của drone (thiết bị bay điều khiển từ xa) để tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương. 

Chiến dịch tấn công bằng drone để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất mới diễn ra gần đây: tháng 6-2025, Ukraina thực hiện chiến dịch “Spiderweb” - một trong những đòn tấn công drone lớn nhất lịch sử hiện đại, sử dụng 117 drone tấn công đồng loạt 4 căn cứ không quân chiến lược của Nga, trong đó có cả căn cứ ở Siberia, cách biên giới hàng nghìn ki-lô-mét.

Theo SBU (Cục An ninh và Tình báo Ukraina), hơn 40 máy bay quân sự Nga bị phá hủy hoặc hư hỏng, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Đòn tấn công này không chỉ gây thiệt hại vật chất lên tới 7 tỷ USD mà còn buộc Nga phải điều chuyển máy bay ra xa tiền tuyến, làm giảm hiệu quả tác chiến và tăng áp lực lên phi công cũng như hệ thống hậu cần. 

Đáng chú ý, các drone được Ukraina sử dụng phần lớn là loại thương mại, giá chỉ từ 600 USD, được cải tiến để mang chất nổ hoặc thiết bị phá hoại. Đây là minh chứng cho thấy công nghệ giá rẻ có thể làm thay đổi cán cân chiến tranh, khi chỉ cần một nhóm nhỏ cũng có thể gây thiệt hại lớn cho đối phương.

Tuy nhiên, drone không phải ưu thế của riêng Ukraina. Nó còn được sử dụng bởi cả quân đội Nga và đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực cho cả binh lính lẫn dân thường. Từ chỗ ban đầu chỉ là công cụ trinh sát, drone đã nhanh chóng được sử dụng như vũ khí sát thương hàng loạt, gieo rắc chết chóc ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương.

Theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) ngày 3-6-2025, Nga đã sử dụng drone thương mại trang bị camera độ phân giải cao. Trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 12-2024, 30 dân thường thiệt mạng và gần 500 người bị thương chỉ riêng tại thành phố này. 

Drone không chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự mà còn tấn công người đi bộ, người đi xe đạp, xe buýt, xe cứu thương, thậm chí là các cửa hàng tạp hóa và đoàn xe cứu trợ nhân đạo.

Một trường hợp điển hình là Anastasia Pavlenko, 23 tuổi, bị drone theo dõi 300m khi đạp xe qua cầu Antonivka. Quả bom rơi cách cô 2m, khiến cô bị thương nặng. Video vụ tấn công sau đó được đăng tải lên kênh Telegram thân Nga với dòng chú thích: “lính Ukraina đi xe đạp... đã bị tiêu diệt chính xác”. Những vụ việc này tác động mạnh đến tâm lý, khiến người dân Ukraina sống trong nỗi sợ hãi, không dám ra khỏi nhà hay sử dụng phương tiện công cộng.

Drone còn nhằm cả vào các cơ sở y tế, xe cứu thương và đội ngũ cứu hộ. Nhiều nhân viên y tế cho biết, họ không dám tiếp cận hiện trường để cứu nạn nhân vì nguy cơ bị drone tấn công. Theo thống kê của Liên hợp quốc, chỉ riêng tháng 1-2025, drone là tác nhân gây ra tới 70% tổng số thương vong dân sự tại Kherson.

Drone Ukraina cũng gây ra thương vong cho thường dân, như vụ việc được đăng tải trên Moscow Times ngày 4-6-2025: một vụ tấn công drone của Ukraina làm bị thương một phụ nữ 66 tuổi ở vùng Kursk (Nga) và gây hư hại một số nhà dân. 

Đầu năm 2025, một drone mang chất nổ bị lạc mục tiêu, rơi xuống khu dân cư ở Belgorod khiến 3 người thiệt mạng, 12 người bị thương. Tại Moscow, nhiều lần hệ thống phòng không đánh chặn drone trên bầu trời thành phố làm các mảnh vỡ rơi xuống đường phố, gây cháy nổ và hư hại nhà cửa, xe cộ.

Tuy chưa có căn cứ nói rằng vụ tấn công này có chủ định, nhưng thực tế là có thường dân bị drone gây thương tích. Nhiều thường dân Nga lo lắng đến mức phải sơ tán khỏi các khu vực gần biên giới Ukraina. Việc hệ thống phòng không liên tục hoạt động gần khu vực dân cư để chống drone cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống thường nhật và tâm lý xã hội.

Các cuộc tấn công bằng drone không chỉ gây chết chóc tức thời mà còn gây hậu quả lâu dài. Tại Kherson, dân số 2 khu vực bị tấn công đã giảm gần một nửa chỉ trong 7 tháng. Người già, người tàn tật, trẻ em - những người không thể di tản - phải sống trong cảnh lo âu, luôn cảnh giác với tiếng vo ve của drone trên đầu. Họ học cách trốn dưới gốc cây, né tránh các khu vực trống trải và luôn phải mang theo vật dụng y tế phòng trường hợp khẩn cấp.

Drone không chỉ tấn công, mà còn được sử dụng để rải mìn sát thương, nhiều khi ở cả các khu dân cư, làm tăng nguy cơ thương vong kéo dài. Các cuộc tấn công này đã làm tê liệt hệ thống y tế, giáo dục, giao thông và khiến nhiều khu vực bị bỏ hoang hoàn toàn.

Chiến tranh công nghệ -ranh giới mong manh của tội ác

Không chỉ ở Ukraina, drone chính là vũ khí sát thương phổ biến ở Trung Đông. Tại Gaza, Israel sử dụng “bầy drone” để phát hiện và tiêu diệt bệ phóng rocket của Hamas. Do mật độ dân cư ở dải đất này rất cao, nhiều drone đã tấn công cả vào nhà dân, trường học, bệnh viện, khiến hàng nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương. 

Theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền, từ năm 2023 đến 2025, khoảng 45% lượng bom Israel thả xuống Gaza là loại không dẫn đường, gây thương vong lớn cho dân thường.

Trong xung đột tại Syria, các phe quân sự đều sử dụng drone thương mại để tấn công lẫn nhau. Năm 2024, một drone mang chất nổ đã tấn công đám cưới ở Idlib, khiến 27 người chết, trong đó có 11 trẻ em. 

Tại Yemen, phiến quân Houthi dùng drone để tấn công các đoàn xe cứu trợ của Liên hợp quốc, làm gián đoạn hoạt động nhân đạo và khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.

Các tổ chức tội phạm, khủng bố cũng nhanh chóng học hỏi và áp dụng công nghệ drone. Ở Mexico, các băng đảng ma túy dùng drone mang lựu đạn tấn công cảnh sát và đối thủ, gây ra hàng loạt vụ nổ ở khu dân cư. Tại châu Phi, nhóm Boko Haram sử dụng drone để do thám và tấn công làng mạc, khiến hàng nghìn người phải bỏ quê hương.

Không chỉ drone, các hình thức chiến tranh công nghệ cao khác cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ cao gây thương vong hàng loạt cho dân thường - một biểu hiện thường được gắn với tội ác chiến tranh.

Ngày 17-9-2024 được gọi là một ngày định mệnh ở Beirut. Vào lúc 15h30, hàng nghìn máy nhắn tin AR-924 của Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ. Một vụ nổ được lập trình sẵn. Tiếng gào khóc vang lên khắp Beirut. 12 người thiệt mạng, hơn 2.800 người bị thương, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ. 

Chưa đầy 24 giờ sau, hàng loạt bộ đàm và thiết bị năng lượng Mặt trời tiếp tục phát nổ, cướp đi sinh mạng của 20 người và làm bị thương 450 người.

Hezbollah cáo buộc Israel đứng sau vụ tấn công, gọi đây là tội ác chiến tranh. Theo điều tra của New York Times, những chiếc máy nhắn tin mang nhãn hiệu Gold Apollo AR-924 - sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) - chứa pin lithium đã bị can thiệp kỹ thuật.

Công ty Gold Apollo xác nhận họ chỉ cấp phép thương hiệu, còn việc sản xuất do đối tác BAC đảm nhiệm. Các chuyên gia an ninh phát hiện chất nổ PETN được cài vào thiết bị từ khâu sản xuất thông qua một công ty vỏ bọc của Mossad.

Mossad có thể đã rất “sáng tạo” khi tận dụng thiết bị công nghệ để tạo ra vụ tấn công này, tuy nhiên họ đã không “gửi” những quả bom đến đúng đối thủ chính thức của họ, nên đã gây thương vong nặng nề cho dân thường.

Vụ tấn công bằng tên lửa siêu thanh Oreshnik hiện đại nhất của Nga vào Dnipro của Ukraina hồi tháng 11-2024, mặc dù được nhằm đích đến một cơ sở công nghiệp quốc phòng, nhưng đã gây nhiều thiệt hại cho dân thường lân cận do tên lửa mang tới 36 đầu đạn, có khả năng tấn công diện rộng. Vụ tấn công trả đũa bằng 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ vào Syria hồi năm 2017 cũng tương tự, phá hủy nhà cửa và làm nhiều dân thường thiệt mạng.

Rất rõ ràng, vũ khí công nghệ cao không hề làm giảm tình trạng tội phạm chiến tranh. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng cảnh báo: “một viên đạn giết một người, nhưng một dòng mã độc có thể hủy diệt cả thành phố”. Trong kỷ nguyên số, nhân loại buộc phải lựa chọn: dùng công nghệ để xây dựng hay hủy diệt./.