15/07/2025 | 01:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nghiên cứu tội ác chiến tranh: Phương pháp và thách thức

Vũ Thanh Vân
Nghiên cứu tội ác chiến tranh: Phương pháp và thách thức Khói bốc lên từ Trung tâm y tế Soroka ở Beersheba, miền Nam Israel khi được cho là bị trúng tên lửa của Iran, ngày 19-6-2025_Ảnh: AA/TTXVN
Nghiên cứu hay điều tra tội ác chiến tranh là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Để bảo đảm công lý, nghiên cứu tội ác chiến tranh phải được thực hiện khách quan, công bằng và chặt chẽ. Tuy nhiên, hoạt động này đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và vũ khí tự động.

Các phương pháp nghiên cứu

Tội ác chiến tranh bao gồm nhiều hành vi nghiêm trọng như tấn công vào dân thường, tấn công vào các cơ sở y tế, tra tấn và đối xử vô nhân đạo với tù binh, cưỡng bách di dân hàng loạt... Thế nhưng, không có một khái niệm chung về tội ác chiến tranh và khái niệm này có sự khác biệt theo thời gian, không gian và chủ thể, tạo ra những thách thức phức tạp cho các nhà nghiên cứu. 

Alejandro Chehtman - Giáo sư luật tại Đại học Torcuato Di Tella (Argentina), tác giả của nghiên cứu Một lý thuyết về tội ác quốc tế: Các vấn đề khái niệm và chuẩn tắc - cho rằng: “việc xác định một hành vi cụ thể có phải là tội ác quốc tế hay không là một vấn đề pháp lý, chính trị và đạo đức nhạy cảm, quan trọng”.

Phương pháp pháp lý chuẩn tắc là phương pháp chủ đạo và cơ bản trong nghiên cứu tội ác chiến tranh. Lấy các công ước và quy chế làm nền tảng, phương pháp này phân tích các công cụ pháp lý như Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), Công ước Geneva, Hiến chương Nuremberg và Hiến chương Liên hợp quốc. Đây là căn cứ pháp lý và khung nhận thức chung quan trọng mà phần lớn các quốc gia trên thế giới tuân theo. 

Tuy nhiên, các văn bản pháp lý này phần lớn dựa trên các tiền lệ của Chiến tranh thế giới thứ hai mà chưa có sự cập nhật các loại hình mới của chiến tranh hiện đại hay chiến tranh vũ khí sinh học.

Vì thế, phương pháp pháp lý chuẩn tắc được hỗ trợ hiệu quả bằng phương pháp tiếp cận tình huống hay nghiên cứu trường hợp. Việc nghiên cứu các vụ án cụ thể giúp đúc rút các nguyên tắc pháp lý bổ sung và xây dựng các tiền lệ. Tòa án Hình sự quốc tế đã tiếp cận các vụ án ở Trung Đông, Bắc Phi nhằm xác định cụ thể và định nghĩa chi tiết các hành vi tội ác mới, đặc biệt là các hành vi xâm phạm quyền con người. 

Năm 2011, Tòa án Hình sự quốc tế điều tra các hành vi tội ác chiến tranh ở Libya, dẫn đến việc bắt giữ một loạt quan chức chính trị và quân sự ở đất nước này. Tuy nhiên, chỉ khi thực hiện quy trình nghiên cứu chặt chẽ, khách quan và công bằng, các quy tắc và tiền lệ về tội ác chiến tranh mới được xác lập.

Phương pháp nghiên cứu tình huống không thể tách rời phương pháp điều tra thực địa. Các nhà nghiên cứu, điều tra phải có mặt ở hiện trường để thu thập các bằng chứng, phỏng vấn các nhân chứng, đánh giá mức độ thiệt hại về người và của. 

Trong nhiều trường hợp, tội ác chiến tranh không chỉ gây ra thiệt hại ngay lập tức mà còn cả những hậu quả lâu dài. Việc Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh tại Việt Nam không chỉ hủy hoại môi trường, gây tổn thương trực tiếp đến sức khỏe của nạn nhân, mà còn gây ra những hệ lụy đau thương đối với các thế hệ sau. 

Mặc dù có thể có tính tin cậy cao, nhưng phương pháp điều tra thực địa đôi khi không thực hiện được ở các vùng chiến sự gay gắt hoặc các vùng đã chấm dứt chiến sự nhưng nhà điều tra không có cơ hội tiếp cận.

Khi các cuộc chiến tranh truyền thống ngày càng ít đi, các cuộc chiến tranh hiện đại với việc sử dụng vũ khí mới, công nghệ cao và AI ngày càng nhiều lên, phương pháp pháp y số (digital forensics) cũng được sử dụng nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu trích xuất và phân tích dữ liệu từ máy bay không người lái (UAV) để xác định nguồn phát, phạm vi và đối tượng tấn công. 

Dữ liệu các UAV gồm các loại khác nhau như tọa độ GPS, các video và hình ảnh, nhật ký hành trình... Một số công ty công nghệ như Spyder Forensics (Mỹ) còn mở các khóa huấn luyện về trích xuất, phân loại, phân tích dữ liệu từ UAV.

Những thách thức phức tạp

Một trong những thách thức của nghiên cứu tội ác chiến tranh là cùng một vụ việc có thể bị bên này coi là tội ác chiến tranh, nhưng bên kia thì không. Do khác biệt trong nhận thức về tội ác chiến tranh, việc tiếp cận tội ác chiến tranh cũng khác nhau, đặt ra yêu cầu về việc xây dựng phương pháp nghiên cứu khách quan, minh bạch và chính xác. 

Năm 2023, Denys Azarov - trưởng khoa luật, Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla (Ukraina) và các đồng sự công bố nghiên cứu Tìm hiểu hành động của Nga ở Ukraina như tội ác diệt chủng trên Tạp chí Công lý hình sự quốc tế. Nghiên cứu cho rằng, Nga thực hiện những hành vi tội ác chiến tranh ở Ukraina như cưỡng bức di cư trẻ em sang Nga, phá hủy các di sản văn hóa, gây thiệt hại về người và của trên quy mô lớn...

Vấn đề đặt ra là các nhà nghiên cứu Ukraina có xu hướng và nghĩa vụ bảo vệ lẽ phải từ lập trường của đất nước mình. Mặc dù điều này là có thể hiểu được, nhưng các nhà nghiên cứu cần phải tuân thủ quy trình và phương pháp nghiên cứu vô cùng chặt chẽ, khách quan. 

Nghiên cứu của Denys Azarov và các đồng sự sử dụng phương pháp phân tích các phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin để chỉ ra những điểm bất hợp lý, đồng thời thống kê những tổn thất thực tế. Kết quả nghiên cứu này đương nhiên sẽ bị phía Nga bác bỏ bởi những lý lẽ đối lập. 

Thực tế cho thấy, cuộc chiến tranh Nga - Ukraina diễn ra không chỉ trên các mặt trận địa lý, mà cả trên mặt trận thông tin và học thuật.

Năm 2024, Danielle N Poole - một nhà khoa học về sức khỏe dân số Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Yale (Mỹ) - và các đồng sự công bố nghiên cứu Thiệt hại đối với các cơ sở y tế ở Dải Gaza trong cuộc chiến tranh Israel - Hamas. Sử dụng phương pháp phân tích địa lý không gian, các nhà nghiên cứu so sánh hiện trạng các tòa nhà có cơ sở y tế trước và sau các cuộc ném bom của quân đội Israel trong thời gian từ 7-10-2023 đến 7-11-2023. 

Các nhà nghiên cứu đã thống kê số lượng các cơ sở y tế và các cơ sở không phải y tế bị phá hủy hoàn toàn, phá hủy nghiêm trọng và phá hủy một phần, từ đó chỉ ra rằng các cơ sở y tế có tỷ lệ bị phá hủy hoàn toàn (55%) cao hơn các cơ sở không phải y tế (45%), nhưng không phát hiện ra sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê về mức độ phá hủy này. 

Nói cách khác, các cuộc tấn công không hoàn toàn có chủ đích nhắm vào các cơ sở y tế và cần phải thực hiện nghiên cứu trong thời gian dài hơn.

Hai ví dụ trên đây cho thấy tính khách quan và phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng đáng kể đến kết quả nghiên cứu. Các bên tham chiến có xu hướng cáo buộc tội ác đối phương trong khi phủ nhận hành vi của mình. Các nhà nghiên cứu về tội ác chiến tranh cho rằng, thách thức về chất lượng bằng chứng là một thách thức cơ bản. 

Trước hết, các nghiên cứu hay điều tra về tội ác chiến tranh cần được thực hiện một cách độc lập, kỹ lưỡng để thu thập các dữ liệu, dữ kiện thực tế, thay vì chỉ căn cứ vào thông tin trên báo chí hay mạng xã hội. Các bên tham chiến luôn đưa ra các thông tin trái ngược để bảo vệ lẽ phải từ phía mình và nghiên cứu do bên nào thực hiện cũng sẽ bị đối phương bác bỏ.

Hơn thế nữa, vấn đề khoảng trống trách nhiệm trong chiến tranh hiện đại ngày càng trở lên phức tạp. Một vụ việc thực tế xảy ra tại hiện trường nhưng ai là người chỉ huy, nhất là trong các cuộc tấn công bằng UAV. Vấn đề càng trở nên nan giải hơn khi các thiết bị tấn công được điều khiển bởi AI. 

Các nhà nghiên cứu chỉ ra vấn đề “hộp đen trí tuệ nhân tạo” khiến việc quy trách nhiệm khó khăn hơn bao giờ hết. Giáo sư Kanaka Rajan và các đồng sự tại Trường Y Harvard cho rằng, các vũ khí do AI điều khiển đã tạo ra một kỷ nguyên chiến tranh mới, đặt ra những thách thức chưa từng có đối với nghiên cứu cơ bản.

Tội ác chiến tranh có muôn hình vạn trạng và ngày càng tinh vi hơn. Vì thế, những thách thức trên đây càng đặt ra yêu cầu cấp bách đối với quy chuẩn và phương pháp nghiên cứu tội ác chiến tranh nhằm bảo đảm những chuẩn mực cao nhất về tính khách quan, công bằng. 

Nhà nghiên cứu không thể dựa vào một nguồn tin duy nhất, càng không thể chỉ dựa vào thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội. Việc xác minh chéo, kiểm chứng thông tin từ các nguồn khác nhau là yêu cầu bắt buộc bên cạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế như trong Quy chế Rome. 

Hành trình nghiên cứu, điều tra tội ác chiến tranh tuy phức tạp nhưng cần thiết để bảo đảm công lý, lấy lại công bằng cho những nạn nhân và trừng phạt thích đáng những kẻ phạm tội./.