15/07/2025 | 01:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vấn đề nan giải và phức tạp: Chế tài tội ác chiến tranh

Trần Nhàn
Vấn đề nan giải và phức tạp: Chế tài tội ác chiến tranh Những tòa nhà tại Tel Aviv, Israel bị hư hại sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran_Ảnh: THX/TTXVN
Trong thế giới hiện đại, việc chế tài tội ác chiến tranh được thực hiện theo luật pháp quốc gia, luật pháp quốc tế; được tòa án quốc gia, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đảm trách. Sự ra đời của ICC là bằng chứng cho thấy vấn đề chế tài tội ác quốc tế trên bình diện thế giới quan trọng và thời sự trong thế giới hiện đại.

Nhưng những thăng trầm trong hoạt động của ICC làm bộc lộ không ít vấn đề nan giải liên quan đến thành công cần thiết của công cuộc chế tài tội ác chiến tranh. Chúng không chỉ đơn thuần là những vấn đề pháp lý quốc gia và pháp lý quốc tế, mà còn là những vấn đề chính trị quốc gia và chính trị thế giới.

Nan giải, phức tạp

Thực tiễn cho thấy, chế tài tội ác chiến tranh trong phạm vi quốc gia thường không đến nỗi quá phức tạp. Các quốc gia nội luật hóa những quy định của luật pháp quốc tế liên quan đến chế tài tội ác chiến tranh, thực thi những công việc cần thiết về tố tụng và xét xử. 

Vấn đề lớn nhất đặt ra ở đây là sự tương thích giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế về chế tài tội ác chiến tranh, tức là việc nội luật hóa kia có thật sự đủ mức và toàn diện hay không. 

Đối với quốc gia cũng như đối với quốc tế, việc chế tài tội ác chiến tranh bắt đầu từ việc phát hiện hay tố cáo hành vi bị coi là tội ác chiến tranh, điều tra và xác minh, thu thập chứng cứ và tìm nhân chứng để trả lời câu hỏi có ai gây ra tội ác chiến tranh hay không. 

Nếu có sẽ kích hoạt quy trình truy tố và xét xử, bắt giữ bị can và mở phiên tòa, kết án và thi hành án. Trong tất cả các công đoạn của quy trình này đều xuất hiện nhiều vấn đề cần phải được xử lý.

ICC được các nước trên thế giới thành lập để chế tài tội ác chiến tranh. Rất đông đảo, nhưng không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều tham gia ICC. Vì thế, vấn đề lớn đặt ra trước hết cho ICC và cho việc chế tài tội ác chiến tranh trên bình diện thế giới là các quốc gia thành viên ICC có thật sự hợp tác và hậu thuẫn ICC đủ mức hay không; đồng thời những quốc gia không phải là thành viên ICC chống đối hoạt động của ICC đến đâu.

Có thể thấy được rất rõ điều trên và thấy vấn đề trên nan giải, phức tạp đến mức độ nào trong quá trình thực thi chế tài tội ác chiến tranh ở trường hợp thời sự liên quan đến việc ICC phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vì liên quan đến cách thức tiến hành chiến tranh với Hamas ở Dải Gaza, trên cơ sở xem xét tố cáo của Nam Phi. Mỹ và Israel đều không tham gia ICC. 

Trước đấy, ICC truy tố một số binh lính Mỹ về tội ác gây ra ở Afghanistan. Vì ICC truy tố binh lính Mỹ và phát lệnh bắt giữ ông B. Netanyahu, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt ICC nói chung và một số thành viên cụ thể trong ICC nói riêng. Ông D. Trump đã làm găng với Nam Phi vì Nam Phi tố cáo ông B. Netanyahu trước ICC. 

Liên minh châu Âu (EU) kịch liệt phản đối việc ông D. Trump trừng phạt ICC. Hay như Hungari từ đang tham gia ICC đã quyết định ra khỏi ICC để đón tiếp ông B. Netanyahu. 

Thực chất vấn đề lớn này đối với ICC và việc chế tài tội ác chiến tranh trên bình diện toàn thế giới là ICC chỉ có thể hoạt động hiệu quả, việc chế tài tội ác chiến tranh chỉ có thể thực chất và thành công ở mức độ ICC được các thành viên hậu thuẫn và ICC vượt qua được sự chống phá của các bên không phải là thành viên của ICC.

Những vấn đề đặt ra

Có thể định tính hóa những vấn đề đặt ra cho việc chế tài tội ác chiến tranh trong thế giới hiện đại theo 3 khía cạnh là pháp lý, chính trị và thực tiễn.

Trên phương diện pháp lý, vấn đề đặt ra là sự hài hòa, mức độ tương thích lẫn nhau và bổ sung cho nhau giữa luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế, giữa chủ quyền quốc gia và thẩm quyền của ICC. 

Mức độ hài hòa, tương thích và bổ sung cho nhau này càng cao, càng thực chất thì hiệu quả của việc chế tài tội ác chiến tranh càng cao. Trong trường hợp ngược lại, việc chế tài này chỉ được có trên danh nghĩa.

Việc chế tài tội ác chiến tranh trong thế giới hiện đại luôn phải trực diện nguy cơ bị chính trị hóa. Chế tài tội ác chiến tranh vừa là chuyện pháp lý quốc tế vừa là chuyện chính trị thế giới, luôn hiện diện trong và tác động trực tiếp đến quan hệ giữa các quốc gia với nhau. 

Việc tách bạch 2 khía cạnh này là không thể khả thi, cho dù rất cần thiết đối với thành công tối đa của việc chế tài tội ác chiến tranh. Vấn đề này còn nan giải, phức tạp hơn cả vấn đề liên quan đến pháp lý quốc gia và pháp lý quốc tế đặt ra cho việc chế tài tội ác chiến tranh. 

Những quốc gia là thành viên hay không phải là thành viên của ICC hành động bất chấp quyết định của ICC thường đều vì mục đích và lý do chính trị chứ không phải pháp lý. 

Cũng chính vì thế, việc chế tài tội ác chiến tranh trong thế giới hiện đại thường là vấn đề chính trị thế giới và quan hệ quốc tế trước khi được quy chiếu toàn diện hơn dưới giác độ pháp lý quốc tế.

Về phương diện thực tiễn, vấn đề lớn đặt ra trong chuyện chế tài tội ác chiến tranh là ICC có thẩm quyền nhưng lại không có thực lực để tiến hành nhiều công việc cần thiết đối với xét xử và thi hành án. 

ICC không có nhân lực, tài lực riêng để thực hiện những công việc như tiến hành điều tra ở hiện trường, thu thập bằng chứng, bắt giữ nghi phạm, thực hiện việc thi hành bản án, mà tất cả đều phải dựa vào sự hợp tác, trợ giúp của các nước thành viên ICC cũng như của các quốc gia khác.

Trong thế giới hiện đại, việc chế tài tội ác chiến tranh, bất chấp thực tế là còn có rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết thỏa đáng, kịp thời; giúp ngăn ngừa tội ác chiến tranh và thực thi công lý. 

Bởi chiến tranh, xung khắc vẫn đang xảy ra, không ai dám chắc sẽ không còn xảy ra nữa trên thế giới trong tương lai. Việc chế tài tội ác chiến tranh chỉ có thể thành công với đúng ý nghĩa và tác động đa chiều của nó khi những vấn đề đặt ra nói trên được tất cả các quốc gia trên thế giới cùng nhau giải quyết ổn thỏa và lâu bền. 

Chế tài tội ác chiến tranh là trách nhiệm chính trị, pháp lý và đạo lý của cả thế giới chứ không phải của riêng ai, trong đó việc chế tài tội ác chiến tranh chỉ là công chuyện ở phần cuối của quá trình. Ngăn ngừa tội ác chiến tranh để không cần phải chế tài tội ác chiến tranh mới là cách tiếp cận lý tưởng nhất./.